Một Số Kiểu Phỏng Vấn Thường Gặp Trong Báo Chí

Tuỳ thuộc vào mục đích, phỏng vấn như là phương pháp thu nhận thông tin trong báo chí có thể được chia thành một số kiểu chính sau đây:

Phỏng vấn thông tin: Kiểu thông dụng nhất, nhằm thu thập tài liệu cho các tin tức. Do những quy định ngặt nghèo về thời gian, kiểu phỏng vấn này thường có nhịp độ năng động. Chẳng hạn, để làm sáng tỏ một vụ nổ, thảm họa mang tầm vóc quốc gia, chỉ trong một giờ đồng hồ nhóm phóng viên truyền hình phải phỏng vấn tới hơn chục người. Trong tình huống cần làm rõ sức công phá của vụ nổ và số lượng nạn nhân đã được phỏng ước, nhà báo không phải lúc nào cũng tìm được thời gian cho tất cả các giai đoạn của hoạt động giao tiếp, ví dụ như cho phần đầu chỉ mang tính “khởi động” mà nghi thức lời nói thường giới thiệu. Tuy nhiên, dù có bị hạn chế ngặt nghèo về thời gian, cần phải tạo ra được tinh thần của cuộc đối thoại cũng như thái độ tôn trọng đối với người đối thoại thông qua việc thiết lập các điều kiện cho các câu trả lời.

Xương sống của bài phỏng vấn thông tin điển hình chính là các câu hỏi có tính cốt yếu đối với nhà báo: ai? cái gì? ở đâu? khi nào? tại sao? để làm gì? Những câu hỏi này, như kinh nghiệm cho thấy, hoàn toàn đủ để thu thập các thông tin xác thực. Song, để đào sâu hơn đề tài, nhà báo còn phải sử dụng cả những câu hỏi khác có chức năng làm rõ hoặc gạn lọc thông tin. “Có phải chính mắt anh đã nhìn thấy chiếc máy bay bị nổ ra sao?” - nhà báo hỏi nhân chứng một vụ tai nạn máy bay. Nhưng trong trường hợp này trên màn hình không được phép xuất hiện một gã vô công rồi nghề tình cờ có mặt cách chỗ nhóm phóng viên làm việc không xa và do cũng bị cuốn theo trạng thái cảm xúc chung, sẵn sàng trả lời bất cứ câu hỏi nào trước máy quay.

Khi đi phỏng vấn tại hiện trường xảy ra sự kiện, do không đủ thời gian nên người ta ít khi có sự chuẩn bị. Vì vậy, khi thiết lập các câu hỏi để tìm hiểu về tình huống cũng như các mối quan hệ nhân quả của nó, nhà báo thường phải dựa vào sự quan sát của bản thân.

Có mặt cùng nhóm quay phim tại hiện trường của vụ hoả hoạn, nhà báo nhận thấy rằng vòi rồng không phải được nối với vòi nước cứu hoả gần nhất, mà kéo dài qua cả một dãy phố. Anh ta hỏi người phụ trách nhóm chữa cháy: “Tại sao các anh không dùng vòi nước gần nhất?”. Và thế là anh ta được biết rằng không chỉ vòi nước đó bị hỏng mà gần như một nửa các van vòi nước chữa cháy của thành phố cũng nằm trong tình trạng tương tự. Như vậy, đã hình thành một đề tài khá bức xúc về công tác cứu hoả của thành phố.

Phỏng vấn linh hoạt - một dạng của phỏng vấn thông tin, có điều nó cô đọng hơn. Chẳng hạn, với đề tài về vụ hoả hoạn có thể đưa thêm phát ngôn của người phụ trách nhóm chữa cháy về con số thống kê và nguyên nhân các vụ cháy trong thành phố. Người phụ trách có thể nói khá lâu trước máy quay thế nhưng từ bài phỏng vấn đó chỉ có một trích đoạn kéo dài chừng 20 - 40 giây được đưa vào bản tin, và nó phải hoàn toàn hoà hợp với văn cảnh chung của đề tài. Những phát ngôn linh hoạt như vậy của các chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó theo những lý do hoàn toàn cụ thể, là bộ phận không thể thiếu của các tài liệu tin tức trên báo in, cũng như của các đề tài thông tin trên phát thanh và truyền hình. Còn có một kiểu phỏng vấn nhằm mục đích thu thập các ý kiến khác nhau về một vấn đề cụ thể, và như là nguyên tắc,thuộc phạm vi hẹp nào đó. Hình thức phổ biến của những kiểu phỏng vấn như vậy là phỏng vấn chớp nhoáng hay phỏng vấn trên đường phố. Đặc điểm nổi bật của những cuộc phỏng vấn như vậy là đặt ra những câu hỏi giống nhau, đã được ghi sẵn cho càng nhiều người càng tốt (những người này có thể đại diện cho một hay nhiều nhóm xã hội khác nhau). Đối với phóng sự truyền hình về hoạt động chống hút thuốc lá của thanh niên có thể tiến hành, chẳng hạn, cuộc thăm dò các sinh viên và học sinh với câu hỏi: “Bạn có hút thuốc không? Nếu có, bạn có ý định bỏ thuốc không?”. Còn với chủ đề về chuyện trong thành phố đã xuất hiện những tâm trạng như thế nào sau vụ khủng bố làm một số người thiệt mạng, tốt hơn hết là phỏng vấn các đại diện cho các nhóm lứa tuổi. Các nhà báo không hiếm khi gọi kiểu phỏng vấn này một cách sai lầm là cuộc thăm dò xã hội học, lý do là bởi ở đây có thành tố thuộc phương pháp điều tra xã hội học cụ thể - câu hỏi rõ ràng, được ghi sẵn và dành cho một số lượng lớn các đối tượng. Thế nhưng trong đó lại thiếu vắng cái yêu cầu chủ đạo đối với những khảo cứu xã hội học, ấy là tính tiêu biểu (representative) - hay còn gọi là tính đại diện - của các nhóm xã hội khác nhau, và do vậy, theo kết quả của những câu hỏi như thế không thể đưa ra những kết luận nghiêm túc, chuẩn xác về mặt khoa học.

Phỏng vấn - điều tra được tiến hành với mục đích nghiên cứu sâu hơn một sự kiện hay một vấn đề nào đó. Như là nguyên tắc, nó được tổ chức một cách cẩn thận, cặn kẽ và không bị bó buộc bởi những hạn chế khắt khe về giờ giấc, mặc dù ở đây cũng tồn tại những hoạch định về thời gian. Đối tượng của sự điều tra có thể phức tạp và mâu thuẫn. Vì thế người ta có nói tới sự phối hợp các phương pháp. Điều rất quan trọng là phải quan tâm đúng mức tới việc đặt ra các mục đích và xử lý sơ bộ các tài liệu, phải nghiên cứu chu đáo các nguồn tin ở dạng viết cũng như các chứng cứ ở dạng nói,nghiền ngẫm thấu đáo chiến lược đối thoại. ở đây mắt xích quan trọng nhất chính là các câu hỏi. Tuy nhiên cũng cần tính đến cả các thành tố giao tiếp khác như: sự tiếp xúc ban đầu, những hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ, kỹ năng nghe. Trong phỏng vấn - điều tra có thể có tới mấy nhân vật với những tính cách và vai trò xã hội khác nhau hoạt động. Và nếu vậy, lẽ đương nhiên với mỗi người trong số họ phải có cách tiếp cận riêng.

Phỏng vấn chân dung, hay còn gọi là phỏng vấn cá nhân (nói theo phong cách của các hoạ sĩ thì đây là “profile” (nét mặt nhìn nghiêng - N.D),ngược lại, chỉ tập trung vào một nhân vật, thế nhưng trước đó trong quá trình chuẩn bị nên tiến hành không chỉ một cuộc gặp gỡ với những người gần gũi, có liên quan hoặc với những người xa lạ. Nhân vật của cuộc phỏng vấn như vậy có thể là một người đã thể hiện mình trong một phạm vi nào đó của đời sống xã hội và thu hút được sự chú ý của đông đảo công chúng. ít gặp hơn là những cuộc phỏng vấn chân dung với những người được xem là “bình thường”, những người này phải thể hiện mình ở đâu đó hoặc giả hết sức điển hình. ở đây, giữ một vai trò không nhỏ là các chi tiết sinh hoạt, nội thất, quần áo, các đặc điểm ngôn ngữ nhân vật - nói tóm lại, tất cả những gì tạo nên cá tính của anh ta cần được chuyển tải tới độc giả ngay lập tức. Chúng ta hãy xem xét thêm một kiểu phỏng vấn nữa, khi nhà báo không chỉ là người trung gian trong việc chuyển tải thông tin, mà giữ một vị thế ngang bằng với người đối thoại với mình trong quá trình đồng sáng tạo. Kiểu phỏng vấn sáng tạo (creative interview) như vậy thường được gọi là cuộc toạ đàm, cuộc đối thoại. Kết quả của sự phối hợp sáng tạo là một sản phẩm thông tin gần với thể loại nghệ thuật, mà tuỳ thuộc vào kênh chuyển tải có thể được thể hiện như một bài ký nghệ thuật, bài ký chính luận, một phim chính luận - tài liệu, một cuộc đối thoại trên sóng, v.v. Điều kiện đầu tiên của cuộc phỏng vấn như vậy là bề dày trong kinh nghiệm nghề nghiệp, danh tiếng về tài năng của nhà báo. Thứ đến là sự lựa chọn chính xác người đối thoại mà nhờ vào các khả năng, hành động hay vị trí xã hội của anh ta, nhà báo đạt được cấp độ khái quát sâu sắc hơn, nhìn thấy trong vấn đề là bi kịch và trong số phận nhân vật là sự khởi đầu của nhân loại./.

Từ khóa » Các Dạng Câu Hỏi Phỏng Vấn Báo Chí