Mua Bán Trái Phép Tài Khoản Ngân Hàng Xử Lý Thế Nào? - Luật Minh Gia

Tài khoản ngân hàng là gì? Mua bán trái phép TK vi phạm gì? Trong hoạt động tài chính – ngân hàng, vấn đề mua bán thông tin tài khoản ngân hàng ngày một diễn ra nhiều và có xu hướng tăng cao gây ra nhiều rủi ro cho chủ tài khoản và ngân hàng khi những đối tượng mua bán tài khoản ngân hàng lợi dụng thông tin của những tài khoản này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc dùng để giao dịch trong những hoạt động phi pháp khác như rửa riền, mua bán trái phép chất ma túy, buôn lậu,… Hành vi mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng pháp luật quy định xử lý như thế nào sẽ được Luật Minh Gia phân tích dưới đây.

Mục lục bài viết

  • 1. Tài khoản ngân hàng là gì? Các loại tài khoản ngân hàng
  • 2. Mua bán thông tin về tài khoản ngân hàng là gì?
  • 3. Xử lý hành vi mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng

1. Tài khoản ngân hàng là gì? Các loại tài khoản ngân hàng

Pháp luật hiện hành không có quy định về khái niệm “tài khoản ngân hàng”, Khoản 22 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: “Tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng”. Do đó, có thể hiểu, “tài khoản ngân hàng” là một dạng tài sản của ngân hàng cung cấp cho khách hàng để thực hiện các giao dịch tiền tệ như: chuyển tiền, nhận tiền, rút tiền, gửi tiết kiệm, thanh toán,…

Tài khoản ngân hàng được phân biệt bằng “số tài khoản”, mỗi khách hàng mở tài khoản tại ngân hàng sẽ được cung cấp một (hoặc nhiều) số tài khoản để thực hiện các giao dịch.

Những loại tài khoản ngân hàng thường gặp là: tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm,… Một số Ngân hàng có thêm tài khoản tín dụng, tài khoản vay vốn,…

2. Mua bán thông tin về tài khoản ngân hàng là gì?

Phần lớn các giao dịch mua bán thông tin tài khoản ngân hàng hiện nay là mua bán thông tin tài khoản thanh toán. Do đặc thù tài khoản thanh toán có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch chuyển – nhận tiền để thực hiện những hoạt động phi pháp.

Đối với tài khoản ngân hàng nói chung, tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm nói riêng, pháp luật cho phép được ủy quyền cho người khác sử dụng tài khoản nhưng phải ủy quyền bằng văn bản và thông báo, cung cấp các giấy tờ liên quan đến việc ủy quyền cho ngân hàng để quản lý.

Việc tự ý tiến hành trao đổi, mua bán thông tin tài khoản ngân hàng của người khác hoặc của chính mình đều là những hành vi pháp luật không cho phép. Vì tài khoản ngân hàng được mở gắn liền với thông tin của chủ tài khoản nên việc mua bán tài khoản ngân hàng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực quản lý nhà nước trong hoạt động tài chính ngân hàng và lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông. Thông tin về tài khoản ngân hàng bao gồm các thông tin về chủ tài khoản, số tài khoản, mật khẩu,…

3. Xử lý hành vi mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng

Việc mua bán những thông tin về tài khoản ngân hàng tùy theo tính chất mức độ có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP hoặc xử lý hình sự theo Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có quy định về Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng.

*Xử phạt hành chính: Đối với tài khoản thanh toán, Khoản 5, khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP có quy định xử phạt với một số hành vi như sau:

“Điều 26. Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán

...5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cho thuê, cho mượn từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán;

...6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

...b) Cho thuê, cho mượn từ 10 tài khoản thanh toán trở lên;

7. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

[…]b) Mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh;

c) Sử dụng tài khoản thanh toán để thực hiện các giao dịch cho các mục đích lừa đảo, gian lận.

…”

*Xử lý hình sự:

Căn cứ quy định: Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Hành vi mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đủ 04 yếu tố cấu thành tội phạm gồm:

- Khách thể: xâm phạm trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông và lĩnh vực tài chính ngân hàng.

- Chủ thể: người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.

- Mặt khách quan: Thực hiện hành vi trao đổi, thỏa thuận mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng của người khác bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau nhằm có được các thông tin về tài khoản để thu lợi bất chính. Số lượng tài khoản mua bán thông tin từ 20 tài khoản ngân hàng trở lên hoặc dưới 20 tài khoản ngân hàng nhưng thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng trở lên.

- Mặt chủ quan: Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.

Hình phạt: Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định:

1. Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản;

b) Có tổ chức;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, căn cứ vào số lượng tài khoản ngân hàng và số tiền thu lợi bất chính, người có hành vi mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở những khung hình phạt khác nhau.

Nếu còn vướng mắc về việc xử lý hành vi mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng, hãy liên hệ ngay cho Luật sư của Luật Minh Gia!

Từ khóa » Tội 291