Mức Huyết áp Bình Thường Khi Mang Thai | BvNTP

Huyết áp bình thường trong thai kỳ

Đại học Phụ sản và Bác sĩ Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) cho biết rằng thang đo huyết áp bình thường đối với phụ nữ mang thai cũng tương tự như thang đo huyết áp dành cho người khỏe mạnh bình thường, tức là dưới 120/80 mm Hg.

Nếu chỉ số huyết áp cao hơn, thai phụ có thể bị tăng huyết áp. Huyết áp cao xảy ra trong thai kỳ có thể chỉ ra các biến chứng nghiêm trọng như tiền sản giật – tình trạng có thể gây đe dọa đến tính mạng. Vì vậy việc theo dõi và kiểm huyết áp trong suốt thai kỳ là vô cùng quan trọng.

Huyết áp cao khi mang thai

Huyết áp là áp lực mà máu tác động vào thành mạch máu theo từng nhịp tim. Theo AHA, những người có tình trạng huyết áp cao nếu không được điều trị và kiểm soát có nguy cơ cao bị đau tim, đột quỵ hoặc các vấn đề sức khỏe khác chẳng hạn như bệnh thận.

Huyết áp cao khi mang thai còn được gọi là tăng huyết áp thai kỳ. Tăng huyết áp thai kỳ xảy ra nếu huyết áp của người phụ nữ nằm trong mức bình thường trong 20 tuần đầu của thai kỳ và sau đó tăng lên 140/90 mm Hg hoặc cao hơn trong nửa sau của thai kỳ.

Các yếu tố nguy cơ

Các chuyên gia không biết nguyên nhân chính xác của tăng huyết áp thai kỳ, nhưng theo Cedars-Sinai, các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Mắc bệnh thận;
  • Trẻ hơn 20 hoặc lớn hơn 40 tuổi;
  • Là người gốc Phi;
  • Mắc bệnh tiểu đường;
  • Có tiền sử huyết áp cao;
  • Đa thai.

Trong hầu hết các trường hợp, tăng huyết áp sẽ biến mất sau khi sinh.

cao huyết áp thai kì có nguy hiểm không

Biến chứng

ACOG chỉ ra rằng tăng huyết áp thai kỳ có thể trực tiếp gây ra các biến chứng hoặc làm tăng nguy cơ biến chứng như:

  • Tiền sản giật và các rối loạn tăng huyết áp khác của thai kỳ thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ và có thể dẫn đến các biến chứng liên quan đến gan, thận hoặc các cơ quan khác;
  • Sinh non;
  • Thai nhi chậm lớn;
  • Sinh mổ;
  • Nhau bong non;
  • Thai chết lưu.

Phụ nữ bị huyết áp cao trước khi mang thai nên nói chuyện với bác sĩ để có các biện pháp theo dõi chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn cho cả thai phụ và thai nhi.

Triệu chứng

Huyết áp cao khi mang thai có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Trường hợp huyết áp cao xảy ra do tiền sản giật, các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Sưng phù, đặc biệt là ở tay hoặc mặt;
  • Đau đầu không đáp ứng với thuốc;
  • Tăng cân nhanh;
  • Thiểu niệu;
  • Rối loạn thị giác;
  • Nôn hoặc buồn nôn, diễn ra nghiêm trọng hơn sau tuần thứ 20 của thai kỳ;
  • Thay đổi về tầm nhìn;
  • Đau vùng gần dạ dày hoặc ở phía trên bên phải của bụng.

Huyết áp thấp trong thai kỳ

AHA xác định trong 24 tuần đầu tiên của thai kỳ khoảng thời gian dễ xuất hiện tình trạng huyết áp thấp có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Chóng mặt;
  • Ngất xỉu;
  • Mờ mắt;
  • Mất tập trung;
  • Da nhờn, lạnh;
  • Thở nhanh;
  • Mệt mỏi;
  • Mất nước.

Đối với hầu hết người lớn, huyết áp khỏe mạnh thường dưới 120/80 mm Hg. Huyết áp thấp xảy ra khi huyết áp giảm xuống dưới 90/60 mm Hg. Một số người có huyết áp thấp tự nhiên, nhưng việc giảm huyết áp đột ngột có thể gây ra các triệu chứng như trên.

Khi nào đi khám bác sĩ

Phụ nữ mang thai có bất kỳ lo lắng nào về sức khỏe của bản thân hoặc thai nhi nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Đối với những người bị huyết áp cao hoặc có nguy cơ bị huyết áp cao muốn theo dõi huyết áp tại nhà, bác sĩ có thể có thể khuyến cáo các biện pháp nhằm kiểm soát huyết áp phù hợp theo từng đối tượng và thời gian mang thai.

Tuy nhiên, nếu các biện pháp trên không thể kiểm soát tình trạng huyết áp quá cao hoặc quá thấp, nên khám lại bác sĩ để có những chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Bất kỳ thai phụ nào gặp phải các dấu hiệu hoặc triệu chứng của tiền sản giật cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất.

Cách kiểm soát huyết áp

Có một số cách để thai phụ kiểm soát huyết áp an toàn. Theo March of Dimes có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Uống thuốc huyết áp theo toa của bác sĩ;
  • Theo dõi huyết áp tại nhà thường xuyên;
  • Ăn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, đồng thời hạn chế muối, đường và thực phẩm qua chế biến;
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ;
  • Tránh uống rượu, hút thuốc và sử dụng các chất kích thích;
  • Duy trì hoạt động thể chất như đi bộ hoặc các bài tập vận động khác theo hướng dẫn của chuyên gia.

Ngăn ngừa huyết áp cao hay thấp

Không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa tình trạng huyết áp cao. Có thể thực hiện các biện pháp để giữ huyết áp ở mức bình thường trước và trong khi mang thai. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo thực hiện các biện pháp sau đây để ngăn ngừa huyết áp cao:

  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi mang thai về bất kỳ tình trạng sức khỏe hay bất kì loại thuốc nào hiện đang sử dụng;
  • Chăm sóc sức khỏe trước khi sinh thường xuyên và định kỳ;
  • Đảm bảo tất cả các loại thuốc sử dụng đều an toàn;
  • Bổ sung các thực phẩm tốt cho sức khỏe;
  • Tập thể dục thường xuyên.

Phụ nữ mang thai có dấu hiệu huyết áp thấp nên nói chuyện với bác sĩ về cách kiểm soát. Các lựa chọn điều trị chung cho người bị huyết áp thấp bao gồm:

  • Tăng lượng natri trong chế độ ăn;
  • Bổ sung nhiều nước;
  • Duy trì tập thể dục mức độ nhẹ đến vừa;
  • Thay đổi tư thế một cách nhẹ nhàng, chậm rãi;
  • Hạn chế sử dụng rượu.

Tóm lược

Phụ nữ mang thai nên duy trì huyết áp bình thường trong suốt thai kỳ. Phụ nữ bị huyết áp cao, đa thai hoặc có các yếu tố nguy cơ khác có thể bị huyết áp cao trong thai kỳ sau này.

Huyết áp cao khi mang thai có liên quan mật thiết với các biến chứng thai kỳ nghiêm trọng như tiền sản giật và các rối loạn tăng huyết áp khác. Nếu huyết áp tăng quá cao hoặc quá thấp, nên nói chuyện bác sĩ để xác định liệu trình điều trị tốt nhất.

Có thể bạn quan tâm: Tiền sản giật tăng nguy cơ bệnh lý tim

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » điều Trị Huyết áp Thấp Khi Mang Thai