Nấu Canh Cua đồng: Không Cần Hoảng Khi Nhìn Thấy đỉa - VietQ

Theo tin tức ghi nhận trên báo Dân Việt, những ngày gần đây, một bức ảnh ký sinh trùng bò lổm ngổm trong cua đồng được chia sẻ lên Facebook khiến nhiều người phát hoảng. Bức ảnh cho thấy sau khi làm cua, một số sinh vật nhỏ dài đã bò ra lúc nhúc. Canh cua là một trong các món ăn ngon của không ít gia đình, nhất là vào mùa hè bởi vậy khi thấy hình ảnh này, nhiều người tiêu dùng sợ hãi, không dám ăn. Tuy nhiên, các chuyên gia đã đưa ra lý giải về sinh vật cũng như cách giải quyết để không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Sợ canh cua đồng vì thấy ký sinh trùng do không hiểu rõ về loại ký sinh

Sợ canh cua đồng vì thấy ký sinh trùng do không hiểu rõ về loại ký sinh . Ảnh VietNamNet

PGS, TS Trần Đáng (nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm Bộ Y tế), cho hay cua đồng là động vật sống ở tầng đáy, ưa nước sạch, đào hang thích nghi với bùn sét, bùn cát. Thịt cua đồng ngọt lạnh, ít độc, có vị mặn, mùi tanh, tính hàn. Gạch cua có nhiều cholesterol, cua đồng cũng chứa nhiều sodium và purines. Tuy nhiên, do đặc trưng môi trường sống dưới nước, ruộng lầy, nhiều bùn đất nên trong cua đồng hay có ký sinh trùng và một số vi sinh vật, sau đó, trứng giun sán nảy nở và sinh sôi trong mình cua. Bởi vậy, khi làm cua, nhiều người phát hãi khi thấy rất nhiều vắt, hay còn gọi là đỉa non, bò lúc nhúc.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ thực phẩm) cũng đồng quan điểm, những sinh vật trên là các loại giun sống ký sinh trong cua. Nếu những kí sinh trùng này vào cơ thể sẽ nguy hiểm khôn lường. Mọi người ăn cua sống có chứa trứng giun hoặc hoặc giun thì mới nguy hiểm, thậm chí có thể chết người, nhưng mọi người thường nấu chín chứ không ai ăn sống con cua cả.

Theo ông Thịnh, những cá thể có trong cua mà nhiều người nhầm tưởng là vắt hay đỉa chính là những con giun nhỏ này. Con người chỉ có nguy cơ nhiễm giun, sán khi ăn cua sống hoặc nấu chưa chín. Tuy nhiên, cách chế biến này rất ít khi xảy ra. Khi được nấu chín, trứng giun, sán hay các ký sinh trùng khác đều chết, khó có cơ hội đi vào cơ thể.

Khi nấu canh cua, chế biến cua đồng, ký sinh sẽ tự động chết không gây hại cho sức khỏe

Khi nấu canh cua, chế biến cua đồng, ký sinh sẽ tự động chết không gây hại cho sức khỏe

Ông Thịnh lưu ý, muốn loại bỏ con giun, khi làm cua chỉ cần tách riêng mai rồi bỏ vào nước ngâm một lúc, nó sẽ tự bò ra. Làm như vậy loại bỏ được hết giun trong cua sống mà không làm giảm được độ ngon của cua. Khi cua đã được giã kỹ và lọc phải để lắng rồi lọc qua lọc lại nhiều lần từ nồi này qua nồi khác để con kí sinh trùng bám lại đáy nồi. Nếu đảm bảo nguyên tắc ăn chín uống sôi, các ký sinh trùng và vi sinh vật sống trong mình cua hoàn toàn không gây hại cho cơ thể chúng ta, các chuyên gia khẳng định, theo báo VietNamNet.

Ngoài ra, chị em cũng cần thận trọng trong việc lựa chọn cua đồng, đảm bảo chúng được bắt hoặc nuôi nơi có nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm. Tuyệt đối không ăn cua đồng sống, bởi chúng thường ăn xác động vật hoặc các chất mùn, vì thế mang và đường ruột, dạ dày của nó có chứa rất nhiều bùn đất, vi khuẩn gây bệnh, tạp chất có độc. Nếu rửa cua chưa sạch, chế biến chưa kỹ, những vi khuẩn gây bệnh lẫn những ký sinh trùng sẽ xâm nhập vào cơ thể và gây đau bụng, đi ngoài hay ngộ độc, theo báo Đất Việt.

Phương Khanh (T/h)

Tận diệt cua đồng bằng thuốc sâu Hà Nội là nơi tiêu thụ "cua đồng thuốc sâu"? Hạ nhiệt ngày hè với canh cua rau dền thanh mát Làm dịu mùa hè với món canh cua Nên đọc

Từ khóa » Trong Cua Có Sán Không