Nền Giáo Dục Theo Tinh Thần Nho Giáo :: Suy Ngẫm & Tự Vấn
Có thể bạn quan tâm
Khổng Tử - ông tổ của Nho gia, sống và hoạt động ở thời Xuân thu (1) một thời đại lịch sử mà các nhà Nho sau này đã phê phán là thời “đời suy đạo hỏng”, “vua không ra vua, tôi không ra tôi, cha không ra cha, con không ra con” đạo lý cương thường đảo ngược, thiên hạ đại loạn. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu đã dựa vào những sự thực lịch sử không thể phản bác để chứng minh rằng đó là một thời kỳ có nhiều có biến chuyển lớn lao, ảnh hưởng mạnh mẽ tới mọi mặt hoạt động của xã hội Trung Hòa cổ đại.
Nhìn chung, đó là thời kỳ mà hoa tộc (hạt nhân của Hán tộc sau này) đã hình thành do sự hỗn hợp nhiều chủng tộc khác nhau trên cơ sở dân cư miền trung nguyên (miền đất đai rộng lớn phì nhiêu nằm giữa phía nam Hoàng Hà và phía Bắc Trường Giang). Cương vực của Trung Hoa cổ đại đã ổn định sau các cuộc chiến tranh với nước ngoài và chiến tranh khiêm tính giữa các nước chư hầu; nông nghiệp, công thương nghiệp khá phát triển, văn hóa giáo dục vốn do quý tộc khống chế lũng đoạn đã dần dần truyền bá xuống các giai tầng khác trong xã hội và có đà phát triển mạnh mẽ. Quý tộc cũ (công thất) suy vi dần (do ăn chơi xa xỉ, do sát phạt lẫn nhau để tranh quyền đoạt lợi… ); Thế lực của quý tộc mới (nòng cốt là giai cấp địa chủ mới hưng khởi) ngày càng chiếm ưu thế); Tầng lớp tiểu nông bị phá sản hàng loạt, lâm vào cảnh đói khổ triền miên... Những biến đổi to lớn ấy thế tất phải phản ánh vào những hoạt động văn hóa tư tưởng. Nhiều nhà trí thức lớn đã xuất hiện, đề xuất nhiều phương án nhằm cải tạo và phát triển xã hội, hoặc chí ít cũng nhằm ổn định lại những mặt chủ yếu của cuộc sống trong thời đại đầy biến động này, dưới nhiều quan điểm triết học tư tưởng khác nhau. Nổi bật nhất có thể kể: Khổng tử đại biểu cho học phái Nho gia; Mặc Địch đại biểu cho Mặc gia; Lão tử, Trang tử đại biểu cho Đạo gia và hàng loạt nhà hoạt động chính trị mang tư tưởng pháp gia mà tiêu biểu hơn cả là Hàn Phi tử ở thời Chiến quốc.
Nho gia chủ trương bảo vệ “công thất”, bảo tồn những giá trị, những thiết chế văn hóa cũ thời Tây Chu (khoảng thế kỷ 11 đến năm 771 TCN), ra sức tuyên truyền cho lễ nhạc, danh phận, tông pháp, hiếu đế nhân nghĩa, cương đạo, nhân chính v.v... mong muốn dùng những điều đó để giáo hóa nhân dân, để củng cố vương triều, để hạn chế bớt sự tham lam, tàn bạo, xa xỉ, lạm quyền, chuyên chế của giai cấp thống trị, nhằm ổn định cục diện xã hội chính trị đương thời. Mặc gia chủ trương thuyết kiêm ái, muốn quân bình tài sản, thực hành tiết kiệm, tôn trọng người hiền tài... Đạo gia chủ trương thuyết “vô vi”, thuận theo tự nhiên, lý tưởng hóa cuộc sống cổ ở nơi thôn dã... Pháp gia chủ trương đẩy mạnh sản xuất, xây dựng lực lượng vũ trang hùng mạnh, coi trọng những vấn đề của cuộc sống trước mắt, ít chú ý tới các thánh chúa hiền vương thuở trước. Ngay cả những điều hiếu đễ nhân nghĩa... cũng không thu hút được sự quan tâm của họ.
Thời bây giờ “vương thất nhà Chu” chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Ở các nước chư hầu “công thất” nói chung chỉ còn hư vị; thực quyền nằm cả trong tay các đại phu, các gia thần... Chính vì vậy, các chủ trương tôn Chu, ủng hộ công thất hạn chế quyền lực của đại phu, gia thần, chính danh phận, thực hành lễ giáo, đức trị v.v... do Khổng tử đề xuất hoàn toàn không phù hợp với yêu cầu và khẩu vị của những thế lực đương quyền. Ông đã từng đến nhiều nước chư hầu để tìm cách “thi hành đạo lớn” nhưng chẳng được nước nào tin dùng. Thất bại trên trường chính trị, ông lui về dồn hết tâm trí, sức lực việc chỉnh lý di sản văn hóa cổ và dạy học cho tới những năm tháng cuối cùng của cuộc đời. Chính trong lĩnh vực này Khổng tử đã đạt được những thành tựu rất to lớn, có giá trị lịch sử nổi bật, tạo ra được những hướng cực kỳ sâu sắc đối với đời sau.
Các quan điểm về giáo dục cũng như thực tiễn hoạt động giáo dục của Khổng tử gắn bó chặt chẽ với tư tưởng triết học và hệ thống quan điểm chính trị xã hội của ông. Nói cách khác, sau khi bị bế tắc trên đường hoạt động chính trị, Khổng tử đã gửi gắm hoài bão vào việc đào tạo một tầng lớp nhân tài theo khuôn mẫu, lý tưởng của mình. Khả dĩ thay mình thực hành “đạo lớn” trong thiên hạ. Nghe nói, ông có tới 3000 học trò, trong số đó có 72 người thành đạt nổi (thất thập nhị hiền).
Theo Luận ngữ (sách ghi lời nói việc làm của Khổng tử và của một số môn đồ) thì nội dung giảng dạy của Khổng tử bao gồm 4 phân khoa: đức hạnh, ngôn ngữ, chính trị, văn học. Tuy có sự phân chia như vậy nhưng mục tiêu chủ yếu vẫn là bồi dưỡng những người có đức nhân, người quân tử có đủ phẩm cách và năng lực thi hành “đạo lớn” theo tôn chỉ của Nho gia. Nhìn tổng quát, nền giáo dục theo tư tưởng Nho gia ở giai đoạn sơ khởi, do Khổng tử đích thân tổ chức và tiến hành, có một số điểm cần đặc biệt lưu ý như sau:
1.Thích ứng với xu thế “văn hóa học thuật chuyển xuống dưới” ở thời Xuân Thu, hoạt động giáo dục của Khổng tử trên chừng mực nhất định có mang tính chất phổ cập, bình dân, chống độc quyền văn hóa của giai cấp quý tộc. Ông từng nói: “Trong việc dạy dỗ, ta không phân biệt loại người này, loại người kia” (Hữu giáo vô loại) – thiên Vệ Linh Công – Sách Luận ngữ;“Từ người chỉ có một bó nem mang đến (để làm lễ ra mắt xin học), trở lên, ta chưa từng (vì lễ vật đơn sơ) mà từ chối không dạy “Tự hành thúc tu dưỡng thượng, ngô vị thường vô hối yêu”- thiên Thuật nhi - sđd)… Chủ trương này được thực hiện khá rộng rãi và nhất quán ở các đời sau, kết hợp với chế độ thi cử, thực tế đã mở đường tiến thân cho nhiều người có tài năng xuất thân từ bình dân (đó chính là hiện tượng “bố ý khanh tướng” - các khanh tướng xuất thân từ tầng lớp bình dân, áo vải).
2. Đề cao việc học tập - Khổng tử quan niệm sự hiểu biết không phải là sinh ra đã có sẵn mà phải được tích lũy qua quá trình học tập, rèn luyện khá công phu. Ngay các đức tính như nhân, trí, tín, trực, dũng, cương cũng cần phải học tập rèn luyện thì mới có thể phát triển đúng hướng, ứng dụng hoàn hảo. Ông chủ trương muốn ra hành đạo giúp đời cần phải học thật giỏi (“Học ưu tắc sĩ”). Sách Luận ngữcòn ghi lại một đoạn đối đáp giữa Khổng tử và học trò là Tử Cao như sau: “Tử Lộ muốn đưa Tử Cao (một người chưa được học hành đến nơi đến chốn) ra làm chức huyện trưởng huyện Phí. Khổng tử nghe tin đó bèn nói: “Như vậy là làm hại con nhà người ta!” Tử Lộ nói: “Nơi đó có dân, có đất đai, có thóc lúa (cứ đứng ra mà cai trị rồi sẽ quen việc) hà tất phải học tập trên sách vở rồi mới được coi là có học!” Khổng tử bèn mắng luôn: “Vì vậy ta mới ghét cái trò nguy biện khéo nói của nhà ngươi” (xem Thiên Tiên Tiến - Sđd). Truyền thống “hiếu học” của các nước phương Đông chịu ảnh hưởng Nho giáo có lẽ cũng bắt nguồn từ đây.
3. Xác định rõ mục đích của việc học tập, đó là: hành đạo, giúp vua, giúp nước. Ông từng nói: “Học thuộc lòng ba trăm bài thơ trong Kinh Thi, giao cho việc chính sự, không làm nổi; sai đi sứ ở bốn phương, không biết đối đáp ra sao. Như vậy thì tuy học nhiều thật đấy nhưng nào có ích lợi gì đâu“ (xem Thiên Tử Lộ - Sđd)... Sau khi đã khẳng định giá trị của tập Kinh Thi: “Làm người mà không học thơ Chu Man, Thiệu Man thì chẳng khác gì đứng quay mặt vào tường (chẳng nhìn thấy gì, mà cũng chẳng nhúc nhích tiến tới được một bước)”và “Học Kinh Thi có thể phát huy khả năng liên tưởng, có thể nâng cao năng lực quan sát, có thể rèn luyện tính hợp quần, có thể học được cách châm biếm phúng thích”,Khổng tử đã nhấn mạnh “gần thì có thể vận dụng những đạo lý trong đó để thờ cha, xa thì có thể vận dụng những đạo lý trong đó để thờ vua…”(Xem Thiên Dương Hóa - Sđd). Chủ trương này sẽ được tiếp tục triển khai thành các mệnh đề “trí quân trạch dân”, “Kinh bang tế thế” trong tư tưởng các nhà Nho lớp sau.
4. Kết hợp chặt chẽ việc truyền thụ tri thức văn hóa vào việc rèn luyện phẩm chất đạo đức. Ở mức độ nhất định, có thể nói Khổng tử chủ trương coi việc rèn luyện đạo đức là ưu tiên số một. Ông từng căn dặn các môn đồ nhỏ tuổi: “Này các trò, ở trong nhà thì ăn ở hiếu thuận với cha mẹ, ra ngoài xã hội thì kính trọng nhường nhịn các bậc huynh trưởng; nên ít lời và đã nói thì phải thành thực, nên thân yêu rộng khắp mọi người nhưng nên gắn đủ những người có đức nhân. Thực hiện được đầy đủ những việc đó rồi, nếu còn dư sức lực thì sẽ dùng để trau dồi tri thức văn hóa” (xem Thiên Dương Hóa - Sđd).
5. Theo quan niệm của Khổng tử, đỉnh cao mà việc rèn luyện nhân cách cần đạt tới là con người “toàn đức” (bao gồm cả ba phẩm chất nhân, trí, dũng,con người coi việc thực hiện “đức nhân” là lý tưởng tối cao, có thể hy sinh thân mình để hoàn thành điều nhân (sát thân thành nhân). Rất coi trọng vai trò của ý chí lý tưởng, ông từng nói: “Có thể bắt sống tướng soái của ba quân nhưng khó lòng cưỡng ép một người bình thường rời bỏ ý chí” (xem Thiên Tử Hãn - Sđd). Chính những chủ trương quan niệm trên đây đã góp phần tạo nên cái sau này được gọi là “khí tiết sĩ phu”, góp phần tạo nên những nhân cách cứng cỏi: “Phú quý không thể làm sa đọa đam mê, nghèo khổ không thể lay chuyển được ý chí, uy vũ không thể khuất phục nổi” (Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất).
Trên đây là những ưu điểm chủ yếu của nền gáo dục theo tinh thần Khổng giáo, ở giai đoạn mở đầu, được chắt lọc theo hướng “gạn đục khơi trọng”. Tất nhiên, với nền giáo dục ấy, còn xa mới có thể vươn tới hình mẫu một con người phát triển toàn diện. Khổng tử coi trọng việc học nhưng lại không quan tâm đến nền sản xuất xã hội hoặc ứng dụng cái học vào lãnh vực sản xuất vật chất (bằng lao động chân tay hoặc lao động trí óc). Một học trò của Khổng tử là Phàn Trí xin học về kỹ thuật cày cấy. Ông nói: “Kiến thức của ta về mặt này không bằng một lão nông”. Lại xin học nghề làm vườn. ông nói: “Ta không bằng một lão làm vườn”. Tiếp đó, ông chê Phàn Trì là tiểu nhân. Ông quan niệm rằng, cứ học giỏi Thi Thư Lễ Nhạc... “rèn luyện đạo đức cho tốt, cai trị dân cho giỏi thì lo gì không có thóc lúa mà ăn, cần gì phải học cấy cày trồng trọt” (xem Thiên Tử Lộ - sđd). Có lẽ đây là căn nguyên đã khiến cho trong hàng ngũ các nho sĩ đầu óc thực nghiệp kém phát triể. Khổng Tử chủ trương “Thuật nhi bất tác” (chỉ trình bày giới thiệu lại nền văn hóa cũ (của Tây Chu) chứ không sáng tạo thêm cái gì mới), quá đề cao thuyết “ôn cố tri tân”(ôn cũ biết mới) một cách phiến diện một chiều nên cũng đã góp phần tạo nên sự trì trệ, bảo thủ trong lĩnh vực hoạt động tinh thần. Và, cố nhiên, ngay cả với những đỉnh cao của giá trị nhân cách, với những biểu hiện tập trung nhất, tỉnh táo hợp lý nhất của “khí tiết kẻ sĩ”, cũng còn phải hội tụ được nhiều giá trị khác nữa (do hoàn cảnh, điều kiện chủ quan và khách quan cung ứng) mới có thể nói đến những phẩm chất nhân cách kiểu mới mà chúng ta thường quan niệm như: khai phóng, tự do, làm chủ bản thân, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân mình...
Xét tới cùng, đó cũng là một tất yếu lịch sử. Ở đây, khi đánh giá công lao của Khổng tử trong sự nghiệp giáo dục ở thế giới cổ đại, chúng ta cần phải nhớ tới lời căn dặn của V.I.Lênin: “Khi xét công lao của các vĩ nhân, người ta không căn cứ vào chỗ họ không cống hiến được gì cho nhu cầu của thời đại chúng ta, mà căn cứ vào chỗ họ đã cống hiến được những gì so với các bậc tiền bối của họ”.Nhìn vào cuộc sống văn hóa tinh thần của Trung Hoa cổ đại trước và sau thời kỳ hoạt động của Khổng tử, chúng ta thấy rõ sự đóng góp của ông quả thực là lớn lao, đặc biệt là về mặt đề cao tinh thần nhân bản.
Nho giáo vào Việt Nam khá sớm, cùng với sự du nhập ngôn ngữ văn tự Hán bám sát theo sau các đoàn quân viễn chinh. Chính vì vậy, trong khoảng 10 thế kỷ đầu Công nguyên, không thể nói rằng đã có một nền Nho học ở Việt Nam. Sự kiện học thuật này sẽ xuất hiện ở những thế kỷ tiếp theo, đặc biệt là sau khi nền độc lập tự chủ của quốc gia phong kiến Việt Nam đã được củng cố và phát triển.Có thể hình dung về đại thể quá trình tiếp nhận ngôn ngữ văn tự Hán kèm theo đó là nền Hán học (Nho học) ở Việt Nam qua hai giai đoạn lớn sau đây:
Giai đoạn l: (khoảng trước sau thế kỷ I trước CN cho tới thế kỷ 10 sau CN). Cùng với các đoàn quân xâm lược và lực lượng đô hộ của phong kiến phương Bắc, ngôn ngữ văn tự Hán (kèm theo đó là văn hóa Hán, Nho học...) cũng đã ồ ạt tràn vào Việt Nam. Các lực lượng chiếm đóng cũng đã có nhiều cố gắng trong việc phổ biến thứ ngôn ngữ văn tự và nền văn hóa học thuật này nhằm nô dịch và đồng hóa nhân dân ta. Nhưng, sau gần một ngàn năm nỗ lực, kết quả thu được thực quá ít ỏi. Chỉ có vài người được coi là tinh thông Hán học như Lý Cầm, Lý Tiến, Khương Công Phụ..., lại là những người sang “chính quốc” du học, và phần lớn đã ở lại làm quan bên “chính quốc”. Tên tuổi của họ - nói chi đến sự nghiệp văn chương sớm bị chìm trong quên lãng. Duy chỉ có Tinh Thiều, cũng tinh thông Hán học, nhưng đã từ bỏ con đường hợp tác với lực lượng đô hộ, tham gia cuộc khởi nghĩa của Lý Nam Đế, được cử làm tướng văn, đứng đầu ban văn của triều đình nước Vạn Xuân, là còn thấy lưu danh trong sử sách.
Giai đoạn 2: bắt đầu khoảng thế kỷ 10. Trong hoàn cảnh đã giành được nền độc lập tự chủ, tiến lên xây dựng quốc gia phong kiến hùng mạnh, nền Hán học ở nước ta đã có những bước phát triển mau lẹ. Nhìn chung, việc tìm hiểu nghiên cứu và vận dụng những tri thức Hán học (trong đó những kiến giải về Nho giáo đóng vai trò chủ chốt) ở nước ta trong giai đoạn này đã có những nét nổi bật, bộc lộ rõ xu hướng học tập tinh hoa văn hóa bên ngoài để xây dựng nền học thuật nước nhà.
Có thể nói, đây cũng là một trường tranh đấu mà tổ tiên ta đã dũng cảm kiên trì với tài trí thông minh tuyệt vời để một mặt thì vươn lên chiếm lĩnh lấy đỉnh cao của văn minh đương thời, để nước ta “không kém gì Hoa Hạ” (“bất tôn ư Hoa Hạ” - Hoa Hạ được dùng để trỏ Trung Quốc) và mặt khác thì vẫn giữ vững và phát huy được bản sắc dân tộc, do đó đã có được những đóng góp nhất định vào kho tàng văn hóa chung của khu vực, của nhân loại. Đành rằng, trong một thời gian kể cũng khá dài, giai cấp phong kiến và tầng lớp nho sĩ Việt Nam đã quá sính dùng chữ Hán, đã quá mê tín “Tử Viết, Thi Vân” (Khổng tử đã nói, Kinh Thi có câu… ) Nhưng xét cho kỹ, tất cả những yếu tố ngôn ngữ - văn hóa từ ngoài đưa tới đó, muốn có một sinh mệnh thực sự trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc thì đều phải trải qua nhiều lần thoát xác cải biên, Việt hóa sâu sắc. Âm Hán Việt - cách đọc chữ Hán của người Việt Nam; từ Hán Việt với những đổi thay nhất định về kết cấu ngữ nghĩa, về phạm vi sử dụng, về sắc thái biểu cảm; cả một nền văn chương chữ Hán đồ sộ của người việt Nam; chữ Hiếu, quan niệm về Nhân Nghĩa của Nguyễn Trãi, cái nhìn khoáng đạt về cuộc đời của Nguyễn Bỉnh Khiêm; chữ Tài, chữ Tình trong tâm tưởng của Nguyễn Du, lẽ cương thường trong suy tư và hành động của các chiến sĩ Cần Vương cuối thế kỷ trước... Tất cả đều góp phần tô đậm màu sắc Việt Nam trong việc tiếp nhận và ứng dụng hệ thống ngôn ngữ - tư tưởng - văn hóa ngoại lai này. Trong quá khứ lịch sử, người Việt Nam đã dành ra khá nhiều năm tháng để nghiên cứu học tập và ứng dụng nền văn chương học thuật Trung Quốc mà nòng cốt là tư tưởng Khổng Mạnh. Qua các lớp học của thầy đồ nơi thôn xóm ngay từ thuở tóc còn để trái đào, trẻ con Việt Nam ngày xưa đã làm quen với những câu chữ “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Nhân chi sơ tính bản thiện”, “Thiên tử trọng hiền tài...” (học lễ trước, học các tri thức văn hóa khác sau; con người ta ngay từ đầu tính vốn thiện, Thiên tử coi trọng người hiền tài, giỏi giang...). Lớn lên, qua Tứ thư (Đại Học, Trung dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử) Ngũ kinh (Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu),tầng lớp thanh niên trí thức Việt Nam lại đi sâu nghiên cứu những lý thuyết về Vương đạo, nhân chính, về trung hiếu tiết nghĩa, những mong muốn đem các số học ra ứng dụng để “cứu khốn phò nguy” để “kinh bang tế thế”...
Nền giáo dục học thuật kéo dài qua hàng trăm thế hệ ấy đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong đời sống văn hóa, trong tâm thế ứng xử của người Việt Nam. Cách đây không lâu, người phụ nữ nông thôn bình thường nơi thôn xóm, chẳng cần phải qua cửa Khổng sân Trình, cũng dễ dàng phân biệt được về mặt chữ nghĩa sự khác nhau giữa hai chữ tiểu trong “tích tiểu thành đại” và “tiểu nhân”, một bên nói về lượng, một bên nói về chất. Kẻ tiểu nhân là kẻ thiếu nhân cách, kém đạo đức, mặc dù hắn có thể to con lớn xác. Và như vậy, hầu như là tự nhiên, họ đã tiếp cận được và lý giải được ý nghĩa nội hàm của những khái niệm khá cơ bản của đạo lý cổ truyền phương Đông Nho giáo. Điều này phần nào đã có thể nói lên được sự xâm nhập khá sâu của nền giáo dục theo tinh thần Khổng giáo vào xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, không cần kể đến những thiết chế văn hóa rộng lớn có tính chất bao trùm ngay trong nhiều tập quán sinh hoạt đời thường, hoặc như cách đặt tên người, tên đất (Lý Nhân, Vụ Bản, Dị Nâu, Bần Yên Nhân, Hành Thiện v.v..), chẳng hạn tất cả đều cho thấy dấu ấn của sự xâm nhập đó. Đây là một thực tế lịch sử buộc chúng ta phải đầu tư nhiều công sức, trí tuệ để tiếp cận, minh giải và xử lý nó một cách khoa học, nhằm phục vụ cho công cuộc xây dựng nền văn hóa mới, con người mới trên đất nước ta trong giai đoạn hiện tại. Công việc này đòi hỏi những công trình nghiên cứu sâu rộng, trên cơ sở vận dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành, đa bộ môn. Dựa trên quan niệm quá khứ hiện đại - tương lai là một dòng liên tục, nhiều vấn đề của quá khứ có thể được coi như những “gợi ý lịch sử”, có ý nghĩa thực tiễn nhất định đối với cuộc sống hôm nay, qua những điều đã trình bày một cách giản lược ở trên về nền giáo dục theo tinh thần Nho giáo, chúng tôi muốn đề xuất một số điều nhận xét chung có thể coi như là cơ sở xuất phát, để tiếp tục đi sâu khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu Khổng giáo nói chung và nền giáo dục theo tinh thần Khổng giáo nói riêng trong quá khứ lịch sử ở Việt Nam.
Trước hết, cần thấy rõ tinh thần Khổng giáo đã thấm vào mọi ngõ ngách của đời sống người dân Việt Nam trong quá khứ, đã gây những ảnh hưởng rất sâu rộng. Hiện nay, những ảnh hưởng này vẫn tồn tại ở những mức độ khác nhau trong mọi mặt của cuộc sống, nhiều khi quá sâu sắc, tế vị, phức tạp, dưới muôn hình vạn trạng, không nên quan niệm một cách đơn giản rằng ảnh hưởng của Khổng giáo ở Việt Nam là không đáng kể chỉ tác động đến tầng lớp trên, tầng lớp có học v.v… Những di sản của Khổng giáo (xấu cũng như tốt). Vấn đề đặt ra là cần phải tìm cách nhận diện chúng và xử lý chúng một cách khoa học. Theo chúng tôi suy nghĩ, cần phải nhìn nhận những di sản này một cách “thực sự cầu thị”; cần phải nhìn nhận những di sản này một cách “thực sự cầu thị”; cần phải nghiên cứu để nhận thức chúng một cách lịch sử và biện chứng. Những yếu tố văn hóa Khổng giáo sở dĩ có thể sống lâu dài ở Việt Nam trước hết có lẽ là do bản thân chúng có mang theo những giá trị có tính phổ quát toàn nhân loại. Những giá trị phổ quát này đã tích hợp các giá trị văn hóa bản địa tương ứng, trên chừng mực nào đó đã được cấu trúc lại cho phù hợp nội tâm thế Việt Nam. Hoàn cảnh lịch sử, điều kiện kinh tế -xã hội, ngay cả môi cảnh thiên nhiên, vị trí địa lý nữa v.v… cũng đã góp phần tạo thêm sức sống cho những yếu tố văn hóa ngoại nhập này. Có lẽ đó là những điều cần nghiên cứu tìm hiểu kỹ kỹ lưỡng để tránh thái độ nôn nóng, đơn giản… Khi muốn xóa bỏ ảnh hưởng này nọ được quan niệm là gắn bó với tinh thần Khổng giáo.
Cuối cùng, với cái nhìn rộng mở, trong hoàn cảnh ngày nay nhiều vấn đề của Phương Đông, nhiều giá trị truyền thông của Phương Đông đã thu hút sự quan tâm tìm hiểu của toàn thế giới, phải chăng đã có thể đề xuất việc nghiên cứu một cách thấu đáo để tiến tới xác lập một phương hướng đúng đắn và nhưng phương pháp khoa học tương ứng nhằm xử lý một cách tối ưu những di sản, những truyền thống văn hóa Khổng giáo trong cuộc sóng hiện tại. Thí dụ như Trung Hiếu là vấn đề tồn tại từ ngàn xưa. Trung Hiếu không phải là của riêng của dân tộc Trung Hoa, của riêng của Nho giáo. Có lẽ tổ tiên ta đã mượn hai danh xưng này để phát triển những tình cảm đã gắn bó với cộng đồng người Việt từ thuở bước vào cuộc sống có tổ chức. Qua các thời gian lịch sử, nội dung của Trung Hiếu có những phần được bổ sung, hiệu chỉnh cho ngày càng hoàn thiện hơn, mang tính chất con người hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất Trung với nước, Hiếu với dân..., có thể coi đây là mẫu mực của việc cải biên, nâng cao, thậm chí đổi mới nội dung của những khái niệm gắn bó với những bậc thang giá trị cũ, đem lại cho chúng sức sống mới trong thời đại mới.
Từ khóa » Triết Lý Giáo Dục Của Nho Giáo
-
Nho Giáo – Wikipedia Tiếng Việt
-
Nho Giáo Và Triết Lý Giáo Dục - Viện IRED
-
[PDF] Tư Tưởng Nho Giáo Về Giáo Dục ở Việt Nam
-
Nho Giáo Và Triết Lý Giáo Dục - VietNamNet
-
Nho Học - Triết Lý Giáo Dục Trong Thế Giới đương đại
-
Nho Giáo Là Gì ? Nội Dung, Nguồn Gốc, đặc điểm Của Nho Giáo Là Gì ?
-
Một Số Nội Dung Cơ Bản Trong Tư Tưởng Giáo Dục Của Nho Giáo
-
Triết Lý Nhân Sinh Nho Giáo Và ảnh Hưởng Của Nó đối Với Lối Sống ...
-
Nho Giáo Là Gì? - Luật Hoàng Phi
-
Đặc điểm Của Nền Giáo Dục Nho Giáo Và ảnh Hưởng Của Nó đối Với ...
-
Di Sản Giáo Dục Nho Học: Giữ Và Bỏ Những Gì?
-
Nho Giáo: Hệ Thống đạo đức, Triết Học Xã Hội, Triết Lý Giáo Dục Và Triết ...
-
[PDF] Nho Giáo, Một Cội Nguồn Văn Hóa Phương đông Trong Tư Tưởng Hồ ...
-
[PDF] Về Vấn đề đào Tạo Con Người Của Nho Giáo Và Sự Vận