Ngành Khoa Học Máy Tính: Học Gì, Học ở đâu, Và Cơ Hội Nghề Nghiệp

Ngành Khoa học Máy tính: Lựa chọn hàng đầu cho sự nghiệp vững chắc

Facebook, Amazon và Netflix là một số ít các công ty vẫn có lợi nhuận trong thời điểm khủng hoảng toàn cầu do đại dịch Covid-19. Dịch vụ của cả ba công ty đều có một điểm chung là được khai thác thông qua thiết bị điện tử hay nói cách khác là có sự góp mặt của khoa học máy tính. Nếu chọn học Khoa học Máy tính ngay từ bây giờ, bạn không chỉ có một tương lai sự nghiệp rộng mở mà còn vô cùng vững chắc dù thời thế có biến chuyển thế nào đi chăng nữa.

>> 8 lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bạn nên cân nhắc theo đuổi

Ngành Khoa học Máy tính là gì?

Khoa học Máy tính là ngành học giúp bạn có thể làm chủ mọi khía cạnh của máy tính bao gồm thiết kế, chế tạo, vận hành và sửa chữa các yếu tố như phần cứng, phần mềm, hệ thống hay mạng lưới nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng hoặc người tiêu dùng. Đây là ngành học dành riêng cho những bạn thật sự yêu máy tính và muốn tìm hiểu ngọn ngành về máy tính một cách sâu sắc nhất. Khoa học Máy tính được xem là ngành khoa học nền tảng có đóng góp cho hầu hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống.

Khoa học Máy tính học gì?

Trong năm đầu tiên, bạn sẽ được học những môn đại cương về lịch sử máy tính, ứng dụng của ngành trong xã hội, lý thuyết cơ bản về mạng lưới hay hệ thống. Những năm tiếp theo bạn sẽ được trang bị kỹ năng như lập trình, cấu trúc hệ thống và phân tích thuật toán để có thể tạo ra được sản phẩm phần mềm. Ngoài ra bạn còn được học thêm về xây dựng trang web, hệ thống dữ liệu và hệ điều hành.

Ngành Khoa học Máy tính

Tương tự như các ngành học khác, bạn cũng được yêu cầu áp dụng những kiến thức đã học để làm đồ án cuối kỳ hoặc cuối khóa. Một số trường đại học còn tạo điều kiện để sinh viên có thể thực hiện dự án của doanh nghiệp đối tác để học hỏi kinh nghiệm thực tế. Năm cuối cũng là thời điểm bạn nên tranh thủ tham gia các kỳ thực tập để mở rộng mạng lưới mối quan hệ và tìm việc dễ hơn sau tốt nghiệp.

Cần giỏi môn gì ở cấp ba để học Khoa học Máy tính?

Toán và Tin chắc chắn là môn học bạn cần phải giỏi để có thể theo đuổi được ngành học này. Tiếng Anh cũng là môn học bạn nên trau dồi ngay từ cấp ba vì ngành Khoa học Máy tính đòi hỏi bạn chủ động cập nhật kiến thức liên tục. Cơ hội việc làm đến từ nước ngoài cũng nhiều vô số nên biết tiếng Anh sẽ cho bạn nhiều lợi thế hơn.

Nếu có điều kiện, bạn hoàn toàn có thể tự mày mò học lập trình cơ bản tại nhà trong dịp hè để vừa kiểm tra mức độ hứng thú của mình với ngành vừa mở rộng hiểu biết về lĩnh vực này ngay từ sớm. Trên mạng có không ít chương trình dạy lập trình miễn phí và uy tín nên bạn hoàn toàn có thể tận dụng để trải nghiệm. Nếu bạn có thể viết được một chương trình hữu ích cho riêng mình thì đừng quên đề cập đến nó trong hồ sơ nhập học để tạo ấn tượng với ban tuyển sinh trong trường hợp bạn có dự định du học.

Các chuyên ngành của Khoa học Máy tính

Trí tuệ nhân tạo

Chuyên ngành này không còn quá xa lạ với đời sống người dân khi đã được ứng dụng trong khá nhiều sản phẩm như xe hơi không người lái, tính năng nhận diện gương mặt người dùng hay điều khiển ứng dụng bằng giọng nói. Trí tuệ nhân tạo là hướng phát triển tương lai của công nghệ nên chuyên ngành này sẽ có nhiều “đất dụng võ” sau tốt nghiệp.

Lập trình game

Nếu bạn thích chơi game thì chuyên ngành này là lựa chọn phù hợp để bạn có thể tìm hiểu quá trình phát triển và sản xuất một sản phẩm game. Dù đó là sản phẩm chơi trên điện thoại thông minh hay máy game chuyên dụng thì thị trường game vẫn luôn béo bở để bạn phát triển sự nghiệp.

Lập trình ứng dụng

Chuyên ngành này đào tạo cho bạn các kỹ năng để làm ứng dụng chạy trên điện thoại hoặc các sản phẩm công nghệ khác. Chỉ cần sáng tạo nên một ứng dụng có nhiều lượt tải thì bạn sẽ thu được lợi nhuận khổng lồ như trường hợp của Nguyễn Hà Đông với trò chơi “Flappy Bird” năm nào.

An ninh hệ thống

Hệ thống dữ liệu của công ty bao gồm phần mềm, ứng dụng, thiết bị, vân vân đều cần phải được bảo vệ để tránh sự xâm nhập để trục lợi của người khác vì mục đích xấu. Chuyên ngành này sẽ giúp bạn biết cách tìm ra những lỗ hổng bảo mật và phương án hiệu quả để khắc phục chúng.

Lập trình web

Gần như doanh nghiệp nào đang hoạt động cũng đều có nhu cầu thành lập trang web để tăng sự hiện diện trên không gian mạng. Chuyên ngành này đào tạo bạn kiến thức để biến bản thiết kế thành một trang web không chỉ đẹp mà còn có thể hoạt động trơn tru, thân thiện với người dùng và bảo mật thông tin của người truy cập.

Nên học Khoa học Máy tính ở đâu?

Tại TP. HCM, bạn có thể cân nhắc chọn học chuyên ngành Khoa học Máy tính ở các trường đại học có tên tuổi như Đại học Bách khoa, Đại học Công nghệ, Đại học FPT, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Công nghệ Thông tin. Còn ở đầu cầu Hà Nội có các lựa chọn như Đại học Công nghệ và Đại học Bách khoa.

Trong trường hợp bạn có dự định du học ngành Khoa học Máy tính và vẫn đang phân vân học ngành Khoa học Máy tính học trường nào thì hãy tham khảo một số cái tên do Hotcourses Vietnam tuyển chọn như:

Mỹ:

  • University of Minnesota, Twin Cities

  • Central Connecticut State University

  • Oregon State University

  • University of Wisconsin-Milwaukee

  • University of Hartford

Anh:

  • University of London

  • University of Chester

  • University of Portsmouth

  • University of Cumbria

  • University of Reading

Canada:

  • University of Northern British Columbia

  • Cape Breton University

  • Bow Valley College

  • George Brown College

  • Mount Royal University

New Zealand:

  • University of Otago

  • The University of Waikato

  • Victoria University of Wellington

  • Media Design School

  • Manukau Institute of Technology

Bạn có thể truy cập vào hệ thống các trường đại học trên Hotcourses Vietnam và chọn bộ lọc phù hợp để tìm kiếm trường phù hợp với nhu cầu của mình nhất. Nếu cảm thấy khó khăn trong việc quyết định trường học thì bạn có thể liên hệ với bộ phận tư vấn của IDP để được giúp đỡ hoàn toàn miễn phí.

Khoa học Máy tính ra làm gì?

Với các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm lĩnh hội được sau khi tốt nghiệp Khoa học Máy tính, bạn sẽ có nhiều cơ hội việc làm trong nhiều lĩnh vực luôn cần nhân lực có tay nghề cao về máy tính như tài chính, truyền thông, giáo dục, y tế hay gia nhập vào các cơ quan chính phủ. Bạn nên chuẩn bị cho mình một portfolio tổng hợp những dự án cá nhân lẫn đặt hàng đã từng làm để thuyết phục nhà tuyển dụng. Thu nhập trong lĩnh vực công nghệ nhìn chung là cao hơn so với các ngành nghề khác, nhất là khi bạn có thể lên làm chức vụ quản lý thì chắc chắn mức lương hàng tháng sẽ vô cùng hậu hĩnh.

Để trả lời cho câu hỏi học khoa học máy tính ra làm gì, dưới đây là một số đầu việc bạn có thể đảm đương sau khi tốt nghiệp Khoa học Máy tính:

Chuyên viên an ninh mạng

Vai trò của vị trí này là đảm bảo hệ thống thông tin được bảo mật tuyệt đối và phòng chống sự xâm hại của tin tặc. Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay thì nguy cơ rò rỉ thông tin quan trọng càng tăng cao đáng kể nên công việc này có trách nhiệm khá lớn.

Lập trình viên truyền thông đa phương tiện

Công việc lập trình này đòi hỏi bạn sẽ phải hiện thực hóa ý tưởng trên giấy của chuyên viên thiết kế đồ họa thành một sản phẩm có thể hiển thị trên các phương tiện truyền thông như chữ, âm thanh, hình ảnh, mẫu dựng 3D, chuyển động hoạt hình, vân vân. Bạn sẽ chịu thêm trách nhiệm hỗ trợ sữa lỗi hoặc điều chỉnh sau khi sản phẩm được lên sóng.

Kỹ sư phần mềm

Bạn có thể đầu quân vào các công ty công nghệ hoặc tự phát triển phần mềm của mình. Đây là vị trí bạn có thể làm việc tự do để kiếm thêm thu nhập. Bạn đừng quên tham khảo thêm loạt bài phỏng vấn người đang làm nghề Kỹ sư phần mềm do Hotcourses Vietnam thực hiện để hiểu rõ hơn về công việc này.

Viết bài chuyên ngành

Nếu bạn yêu thích viết lách thì hoàn toàn có thể dấn thân vào công việc viết bài về lĩnh vực máy tính và kỹ thuật cho các trang tin hoặc tạp chí. Nhờ có kiến thức sâu rộng được đào tạo trong ngành Khoa học Máy tính, bạn sẽ có lợi thế hơn rất nhiều so với những cây bút chỉ tra cứu qua Google. Người dùng lúc nào cũng cần được dân trong nghề hướng dẫn cụ thể về những vấn đề chuyên môn khó nhằn một cách đơn giản và dễ hiểu nhất.

Cơ hội nghề nghiệp và mức lương ngành Khoa học máy tính

Dự báo việc làm từ Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ chỉ ra rằng số lượng cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính đang tăng lên. Dự báo cho thấy việc làm ở Hoa Kỳ trong các ngành nghề máy tính và công nghệ thông tin dự kiến sẽ tăng 15% từ năm 2021 đến năm 2031, nhanh hơn mức tăng trưởng dự kiến trung bình của tất cả các ngành nghề.

Theo báo cáo từ Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (BLS), mức lương trung bình hàng năm của các nhà khoa học máy tính là 131.490 USD, dao động từ 74.210 USD cho 10% người có thu nhập thấp nhất và 208.000 USD cho 10% người có cao nhất. Theo Glassdoor, mức lương cơ bản trung bình của một nhà khoa học máy tính ở Mỹ là 107.396 USD, với mức dao động từ 88.000 USD đến 192.000 USD. Theo PayScale, mức lương trong lĩnh vực này có xu hướng tăng theo số năm bạn làm trong lĩnh vực khoa học máy tính và khi bạn thăng tiến lên các vị trí cấp cao hơn, với mức lương trung bình qua các năm:

  • 0–1 năm kinh nghiệm: 69.000 USD
  • 1–4 năm kinh nghiệm: 76.000 USD
  • 5–9 năm kinh nghiệm: 100.000 USD
  • 10–19 năm kinh nghiệm: 111.000 USD
  • Trên 20 năm kinh nghiệm: 118.000 USD

Nguồn tham khảo: Top Universities, Times Higher Education, Free Code Camp

Bài viết được chỉnh sửa bởi tác giả Hoàng Thanh Phương vào ngày 13/09/2023

Từ khóa » Tìm Hiểu Về Khoa Học Máy Tính