Người Cắt Túi Mật Nên ăn Gì? Không Nên ăn Gì? Lời Khuyên Của Thầy ...

Người cắt túi mật nên ăn gì? không nên ăn gì? Lời khuyên của thầy thuốc

Túi mật là một túi nhỏ hình quả lê gồm 3 phần đáy, thân, cổ, túi mật màu xanh, có chiều dài khoảng từ 6-8cm, và rộng nhất khoảng 3cm, nằm ở mặt dưới của thùy gan phải để lưu trữ và cô đặc mật. Mật góp phần quan trọng vào quá trình tiêu hóa thức ăn của cơ thể. Trong bữa ăn túi mật sẽ co bóp, tống đẩy dịch mật xuống tá tràng để tiêu hóa chất béo trong thức ăn. Ngoài bữa ăn, dịch mật vẫn tiếp tục được gan bài tiết và được cô đặc, dự trữ trong túi mật, chuẩn bị sẵn sàng cho bữa ăn sau.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp người bệnh bắt buộc phải cắt bỏ túi mật theo chỉ định của bác sĩ nếu có một số bệnh như: sỏi mật có triệu chứng, việm tụy do sỏi mật, lỗ rò túi mật tá tràng, viêm túi mật, ung thư túi mật, hội chứng mirizzi, ống dẫn mật bị tắc nghẽn mãn tính, túi mật bị vôi hóa hoặc không hoạt động, bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, bệnh nhân mắc bệnh hồng cầu lưỡi liềm, hoặc trong 1 số trường hợp bệnh nhân chờ ghép tạng,...

Như vậy những người đã phẫu thuật cắt bỏ túi mật thì dịch mật sẽ không còn nơi dự trữ mà được đưa trực tiếp từ gan xuống tá tràng, quá trình tiêu hóa thức ăn sẽ bị ảnh hưởng, nên người bị cắt túi mật thường dễ bị đầy trướng bụng, hoặc đau dạ dày. Chính vì thế chế độ dinh dưỡng cho người sau khi cắt túi mật cần được đặc biệt quan tâm. Phòng khám Đông y Nguyễn Hữu Toàn sẽ đưa ra một số lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân sau phẫu thuật cắt túi mật.

Từ 1-7 ngày sau khi mổ bệnh nhân cắt túi mật nên ăn gì?

Khi vừa trải qua phẫu thuật cắt túi mật, cơ thể người bệnh còn yếu, do đó nên cho người bệnh uống đủ nước (uống thành nhiều lần) để giảm lượng thuốc tê, thuốc mê nhanh hơn. Nước ép hoa quả, hoặc nước lọc đều có thể uống được. Về chế độ ăn: chỉ nên ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu như: cháo rau củ, súp rau củ. Không nên ăn thức ăn cứng, thức ăn nhiều đạm, nhiều dầu mỡ ngay sẽ tạo áp lực lên hệ thống đường mật. Sau mổ tùy sức khỏe có thể đỡ bệnh nhân dậy đi lại, vận động nhẹ nhàng giúp máu huyết lưu thông, thức ăn được tiêu hóa dễ dàng hơn, nên hít sâu, thở chậm để giảm ứ dịch tại phổi.

Từ 7-20 ngày sau mổ bệnh nhân cắt túi mật nên ăn gì?

1 tuần sau khi mổ, sức khỏe người bệnh cũng đã dần phục hồi, vết thương sau mổ cũng đã dần liền sẹo. Tuy nhiên người bệnh vẫn nên ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu, giàu chất xơ, có thể bổ sung thêm chất đạm vào thực đơn của mình như: thịt gà (bỏ da), cá. Lưu ý: Mỗi bữa nên ăn ít một, chia thành nhiều bữa trong ngày, khi thêm các loại thức ăn mới cần theo dõi phản ứng của hệ tiêu hóa để điều chỉnh kịp thời.

Từ 30 ngày sau khi mổ cắt túi mật người bệnh nên ăn gì?

Có thể nói thời điểm này sức khỏe của người bệnh gần như đã phục hồi hoàn toàn, cơ thể của người bệnh đã bắt đầu làm quen với việc thiếu túi mật, hệ tiêu hóa đã quen dần với việc hạn chế dịch mật trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Do đó từ lúc này về sau người bệnh cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống. Nên ăn gì và không nên ăn gì?

Cắt túi mật nên ăn gì?

- Nên ăn đa dạng các loại rau xanh đặc biệt các loại rau như: súp lơ xanh, bắp cải, cải bó xôi, đậu bắp, đậu hà lan là những loại rau giàu chất xơ, giúp giảm táo bón, tăng sự hoạt động của nhu động ruột. Nên ăn dưới dạng hấp luộc là tốt nhất.

- Nên ăn các loại quả như: quả mâm xôi, quả táo, quả lê, bơ, đều giàu chất xơ, nhiều vitamin và khoáng chất, tốt cho hệ tiêu hóa của người đã bị cắt túi mật, lại tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

- Các loại ngũ cốc nguyên hạt như: đậu đen, đậu xanh, yến mạch, hạnh nhân,... không chỉ giàu chất xơ mà còn giàu vitamin như A, D, E, B, K... phòng ngừa táo bón, giảm hấp thu chất béo cho cơ thể.

- Nên ăn các thực phẩm chứa chất béo chưa bão hòa như: dầu ô liu, quả bơ, dầu cải; chất béo từ cá hoặc các loại hạt như hạt óc chó, hạnh nhân…

- Nên bổ sung đạm cho cơ thể từ thịt gia cầm và cá, bởi cơ thể sẽ dễ hấp thu hơn so với việc nhận đạm từ các loại thịt đỏ như: thịt bò, thịt lợn, thịt cừu.

- Nên ăn sữa chua, sữa tách béo, phô mai ít béo, sữa đậu nành... giúp bổ sung lượng canxi cần thiết cho cơ thể thay cho các loại sữa giàu chất béo – là gánh nặng cho cơ quan tiêu hóa, và cơ thể.

Dù đây là các thực phẩm nên ăn nhưng người bệnh cũng không nên ăn quá no, quá nhiều, nên chia thành nhiều bữa nhỏ để cơ thể có thể tiêu hóa hết, tránh hiện tượng đầy hơi, chướng bụng. Và đặc biệt nên ăn các thực phẩm tươi.

Cắt túi mật không nên ăn gì?

- Người bị cắt mất túi mật không nên ăn các loại nội tạng động vật, các loại da động vật, các loại thịt bò, thịt chó, thịt cừu,... Vì đây là những thực phẩm giàu chất béo, giàu cholesterol thường gây khó tiêu, đầy trướng bụng, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi.

- Không nên ăn quá ngọt- dễ gây béo phì, tiểu đường, không nên ăn quá chua dễ gây kích ứng dạ dày.

- Không nên ăn các loại sữa nguyên chất, sữa nguyên kem, sữa giàu chất béo có thể gây quá tải cho hệ tiêu hóa của cơ thể.

- Không nên ăn các thực phẩm chế biến sẵn: thịt xông khói, thịt hộp, vì các loại thực phẩm này thường chứa nhiều muối, chất béo bão hòa, và thường có chất bảo quản không tốt cho cơ thể.

- Không nên ăn các loại thực phẩm lên men như: dưa muối, cà muối vì dễ gây đầy hơi.

- Không nên ăn các món ăn có chứa nhiều các loại gia vị cay, nóng như: ớt, hạt tiêu, dễ gây kích thích hệ tiêu hóa.

- Hạn chế ăn các món ăn được chế biến dưới dạng chiên, rán, xào chứa nhiều dầu mỡ.

- Không nên sử dụng các loại đồ uống có cồn, có ga, cà phê, các chất kích thích, thuốc lá.

Kết luận: Nguyên tắc ăn cơ bản cho người sau phẫu thuật cắt túi mật: ăn chậm, nhai kỹ, ăn thành nhiều bữa nhỏ, không nên ăn quá no. Vừa ăn vừa theo dõi phản ứng cơ thể. Nên cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể từ các loại thực vật nhiều hơn động vật.

Theo thaythuoccuaban.com tổng hợp

Từ khóa » Cắt Bỏ Túi Mật Nên ăn Gì