Nhận Diện Bước đầu Về Di Sản Hán Nôm ở Thái Bình
Có thể bạn quan tâm
Theo cách phân loại truyền thống thì di sản Hán Nôm thường được phân thành hai loại là thư tịch Hán Nôm và văn khắc Hán Nôm. Thư tịch Hán Nôm gồm các bộ sách, các văn bản Hán Nôm được viết trên giấy như lịch sử, địa chí, thi văn tập, y thuật, địa bạ, hương ước, tục lệ, thần tích, thần sắc, gia phả, tộc phả, khế ước, chúc thư, đơn từ, chiếu sắc... Văn khắc Hán Nôm gồm các loại hình văn tự Hán Nôm được khắc trên bia đá, chuông đồng, khánh đá, cột mốc, cọc tiêu hoặc những văn tự khắc trên biển gỗ, máng tre, cuốn thư; câu đối, đại tự khắc trên gỗ hoặc đắp trên tường hoặc trụ cổng... Ngoài hai loại trên cũng cần phải kể đến các loại hình văn tự Hán Nôm được viết trên các vật dụng, các đồ trang trí bằng đất nung như gốm, sứ hoặc được thêu, dệt trên các sản phẩm bằng tơ lụa...
Kho tàng di sản Hán Nôm của các làng xã thuộc tỉnh Thái Bình vô cùng đồ sộ, đa dạng. Cho đến nay, việc sưu tập, khai thác, giới thiệu về loại hình di sản này chưa được nhiều. Ý thức và điều kiện bảo quản, khai thác còn nhiều bất cập nên những gì đã có, hiện còn về di sản Hán Nôm ở Thái Bình vẫn đang bị mai một dần.Theo một số nguồn tài liệu cho thấy tuy mới điều tra sơ bộ bước đầu tại hai cơ sở lưu trữ là thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viện Thông tin khoa học xã hội đã cho thấy khối lượng di sản Hán Nôm của Thái Bình được lưu trữ ở hai cơ sở này là khá lớn. Về nhóm thư tịch: 103 tác phẩm của 32 tác giả, bao gồm các thể loại văn, sử, triết, gia phả, thần phả, hương ước... Về nhóm văn khắc: văn bia (gồm cả chuông, khánh, cuốn thư) chừng 1.300 thác bản, 2.700 câu đối, hoành phi của hơn 550 di tích gồm đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ họ, lăng tẩm...
Theo số liệu được công bố trên thì di sản Hán Nôm của Thái Bình chỉ mới bước đầu tiếp cận tại hai cơ sở lưu trữ ở Hà Nội đã là quá đồ sộ. Nhưng còn một bộ phận đáng kể di sản Hán Nôm của Thái Bình đang được lưu trữ ở các cơ sở lưu trữ khác trong và ngoài nước chưa tiếp cận được nhiều. Mặt khác, những tư liệu Hán Nôm đã được thống kê trên chỉ mới ở hơn 550 di tích mà Thái Bình có gần 3.000 di tích các loại. Đó là chưa điểm đến một bộ phận đáng kể các loại hình di sản Hán Nôm rải rác trong làng, ngoài đồng, ở các gia đình, dòng họ thuộc tỉnh Thái Bình chưa được kiểm kê, phân loại để định tính, định lượng cụ thể. Xin được khái quát quang cảnh chung về một số loại hình văn bản Hán Nôm thường gặp trong các làng xã ở Thái Bình:
Các loại hình văn tự Hán Nôm được khắc trên các chất liệu đá, gỗ, đồng... trên địa bàn Thái Bình muôn hình muôn vẻ. Ngoài những văn bản Hán Nôm được khắc trong hệ thống bia đá, chuông đồng, khánh đá, thiên đài; những câu đối, hoành phi được khắc trên gỗ, đá hoặc nhấn trên các cột nhà, trụ cổng bằng vôi vữa ở các thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo hoặc được trang trí trong những gia đình khá giả, còn có nhiều loại văn bản Hán Nôm được khắc trên các cột mốc, cọc tiêu, biển báo... trong làng, ngoài đồng.
Một trong những bảo vật độc đáo về di sản văn khắc Hán Nôm trên gỗ ở Thái Bình là chiếc cột mộc bài có niên đại hơn 700 năm được dựng trên cánh đồng Đa Bối làng Bái Thượng, nay thuộc xã Dương Phúc, huyện Thái Thụy. Hiện chiếc cột này đang được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Cột mộc bài ở cánh đồng Đa Bối được làm bằng một đoạn nguyên cây gỗ lim cao 3m, đường kính chỗ lớn nhất 0,3m, khắc 4 hàng chữ chìm, mỗi hàng trên dưới 30 chữ, toàn bộ văn bản khoảng gần 120 chữ. Mộc bài Đa Bối được dựng vào ngày 25 tháng 11 năm Kỷ Tỵ niên hiệu Thiệu Long thứ 12 (1269). Nội dung của mộc bài này là khắc ghi số ruộng thuộc cánh đồng Đa Bối mà triều đình nhà Trần đã cấp cho ba viên quan ở vùng xa là Nguyễn Nghiên, Nguyễn Siêu, Nguyễn Việt để lấy lương ăn, giáp giới bốn chiều đông tây nam bắc đều có chua trong địa đồ và văn khế.
Trong các loại hình văn khắc Hán Nôm thì bia đá, chuông đồng chiếm một khối lượng lớn. Một bộ phận đáng kể văn bia, văn chuông ở Thái Bình đã được Viện Viễn Đông Bác Cổ khai thác cho in thành tập từ trước năm 1945 gồm khoảng 1.200 thác bản tương đương với hơn 600 bia, chuông. Những thập niên gần đây, việc sưu tầm, thác bản văn bia trong các làng xã ở Thái Bình thường được Bảo tàng tỉnh hoặc Viện Nghiên cứu Hán Nôm kết hợp với địa phương triển khai theo từng đợt, tổng cộng khoảng hơn 1.200 thác bản.
Theo số liệu đã sưu tập được một cách chưa đầy đủ thì bia thời Lý (thế kỷ XI - XII) ở Thái Bình chỉ còn lại duy nhất một tấm tại bia mộ Lưu Khánh Đàm ở làng Lưu Xá (Hưng Hà). Bia thời Trần (thế kỷ XIII - XIV) còn 2: bia ở chùa Ông Lâu làng Yên Để, nay thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư do Đỗ Nguyên Chương, một danh sĩ thời Trần soạn vào năm Đại Trị 12 (1369) và bia ở chùa Từ Ân do Trạng nguyên Hồ Tông Thốc soạn. Thời Lê sơ (thế kỷ XV) còn lại 4 bia ở các di tích: đền Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương; mộ công chúa nhà Lê; từ đường họ Đinh ở làng An Lão, xã Song An, huyện Vũ Thư; chùa La Uyên, xã Minh Quang, huyện Vũ Thư. Thời Mạc (thế kỷ XVI) còn khoảng hơn 20 bia. Bia thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII - XVIII), thời Tây Sơn (thế kỷ XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX) vô cùng phong phú, không dễ thống kê được đầy đủ.
Về chuông đồng, cho đến nay, tại các cơ sở lưu trữ chỉ còn lại khá hiếm hoi những thác bản minh chuông được khắc trên chuông chùa thời Trần và thời Lê sơ thuộc Thái Bình, tiêu biểu là bài minh chuông chùa Chiêu Quang (Hưng Hà) do Trạng nguyên Hồ Tông Thốc soạn năm Ất Mùi, niên hiệu Xương Phù thứ 9 (1385). Nội dung bài minh này nói về việc quả chuông này do Trần Khiển là Ninh Vệ tướng quân quản lãnh quân Thánh Dực đi chinh phạt Chiêm Thành vớt được từ bãi biển Đan Thai đem về chùa Chiêu Quang và nhờ Hồ Tông Thốc soạn văn chuông. Trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện còn một vài văn bia nói về sự tích các quả chuông ở những ngôi chùa cổ từ thời Lý - Trần đến thời Lê sơ nhưng chuông không còn và những bài minh khắc trên chuông cũng đã thất truyền. Duy nhất chỉ còn quả chuông chùa Tư Phúc, nay thuộc xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ được xác định là một trong hai quả chuông thời Mạc của cả nước. Chuông chùa Kim Tiên, nay thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương đúc năm Hoằng Định thứ 5 (1605). Chuông chùa Keo (Vũ Thư) và chuông của một số chùa khác được đúc thời Lê có niên đại thế kỷ XVII - XVIII còn lại phần nhiều là chuông thời Tây Sơn và thời Nguyễn.
Cần phải thấy rằng, phần nhiều những bài ký, bài minh được khắc trên bia đá, chuông đồng và các câu đối, hoành phi được khắc trên gỗ, đá là những tác phẩm nghệ thuật tinh túy của một thời. Bởi vì, thuở trước người được mời soạn, khắc văn bia, người được xin chữ làm câu đối, hoành phi đều là những người nổi tiếng văn hay, chữ tốt trong làng, trong nước. Trong số văn bia của Thái Bình có khá nhiều tác giả là những ông Trạng, ông Nghè, ông Cống từng được sử sách lưu danh, có văn nghiệp để đời. Ví dụ, thời Trần có Trạng nguyên Hồ Tông Thốc soạn văn bia chùa Từ Ân, nay thuộc xã Đông Vinh, huyện Đông Hưng vào năm Nhâm Tuất (1382); thời Lê sơ có Trạng nguyên Lương Thế Vinh soạn một số văn bia trong đó có bài ký khắc trên bia mộ công chúa Gia Thục tại làng An Lão, nay thuộc xã Song An, huyện Vũ Thư; thời Mạc có Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm soạn hai văn bia tại chùa Cao Dương và một số văn bia khác tại các làng thuộc huyện Thái Thụy; thời Lê Trung hưng có Tam nguyên Bảng Nhãn Lê Quý Đôn soạn một số văn bia cho các làng, trong đó có bài ký nổi tiếng được khắc vào tấm bia hình trụ đặt tại sinh từ Thiều Quận công Phạm Huy Đĩnh tại làng Cao Mỗ, xã Chương Dương, huyện Đông Hưng...
Có một loại văn bia chiếm tỷ lệ khá lớn trong di sản văn bia ở Thái Bình, hầu như ở các đình, chùa làng nào cũng có đó là bia Hậu Thần (ở đình) và bia Hậu Phật (ở chùa) vốn vẫn được gọi chung là bia Hậu. Đó là bia ghi công đức của những người đã có hảo tâm hiến tiền, hiến của, hiến ruộng... vào việc xây dựng đình, chùa hoặc các công trình phúc lợi của làng được dân làng bầu hậu, khi người đó qua đời được đưa vào đình phối thờ với Thành hoàng làng hoặc đưa vào chùa phối thờ với Phật. Đây là một nét đẹp, tôn vinh những người hảo tâm với làng xã. Qua nội dung các bia Hậu giúp lý giải câu hỏi tại sao thuở trước dân các làng còn thưa thớt, nghèo khó mà mỗi làng lại xây dựng được những công trình tín ngưỡng, tôn giáo lớn lao như thế và cũng là những gợi mở bổ ích cho quá trình xã hội hóa các hoạt động văn hóa - xã hội ở thời kỳ hiện đại.
Nếu như di sản văn khắc Hán Nôm tập trung nhiều ở các công trình đình, chùa, đền miếu và các công trình phúc lợi của làng thì di sản thư tịch Hán Nôm lại không hoàn toàn như thế. Ngoài những thư tịch được gọi là của công làng xã như thần sắc, thần tích, hương ước, địa bạ... thì trong các gia tộc, dòng họ còn có gia phả, tộc ước, gia huấn, văn khấn, văn tế... Đối với các gia đình Nho học còn có các sách kinh điển Nho gia, các gia đình làm nghề y có sách thuốc, lại có không ít gia đình lưu giữ những trước tác của một hoặc nhiều thành viên trong gia đình được chép thành tập. Lại cũng không ít gia đình có những sách “tạp ghi” theo dạng sổ tay gia đình, ghi chép những điều cảm thấy cần ghi chép về các sự việc trong gia đình, dòng họ, làng xã... Khá nhiều gia đình, gia tộc đang giữ các tài liệu Hán Nôm nhưng không có người đọc nên chẳng biết nội dung là gì và để hư hao dần.
Thực trạng về khối lượng di sản Hán Nôm ở Thái Bình là vô cùng đồ sộ, mặc dù một phần đáng kể đã bị tiêu vong từ sau Cách mạng Tháng Tám (1945) đến nay do nhiều nguyên nhân khác nhau và có nguy cơ vẫn đang tiếp tục bị mai một. Hy vọng là dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, sự đầu tư cho công tác sưu tầm, dịch thuật, kiểm kê di sản Hán Nôm ở Thái Bình sẽ được chú trọng hơn để các thế hệ hôm nay và mai sau có thể nhận diện chân xác thêm về các giá trị truyền thống của quê mình.
Nguyễn Thanh
Từ khóa » đá Tiếng Hán Nôm
-
đá - Vietnamese Nôm Preservation Foundation
-
Tra Từ: đá - Từ điển Hán Nôm
-
Tra Từ: đá - Từ điển Hán Nôm
-
đá Chữ Nôm Là Gì? - Từ điển Hán Nôm
-
Đá - Wiktionary Tiếng Việt
-
Top 14 đá Tiếng Hán Nôm
-
Tìm Kiếm Hán Tự Bộ THẠCH 石 Trang 1-Từ Điển Anh Nhật Việt ABC
-
THÊM MỘT BÀI THƠ KHẮC TRÊN ĐÁ CỦA VUA LÊ THÁI TỔ
-
VĂN XUÔI NÔM TRÊN BIA ĐÁ TẠI
-
Chữ Nôm – Wikipedia Tiếng Việt
-
DỊCH TÀI LIỆU HÁN NÔM NHANH CHÓNG, CHÍNH XÁC - World Link
-
Hán Nôm - Mạch Ngầm Tải đạo Làm Người... - Hànộimới
-
NHÌN NHẬN LẠI DI SẢN VĂN HÓA HÁN NÔM - - Chùa Xá Lợi
-
Giá Trị Di Sản Hán Nôm