VĂN XUÔI NÔM TRÊN BIA ĐÁ TẠI ĐÌNH LÀNG XÃ ĐẠI LÂM, HUYỆN YÊN PHONG, TỈNH BẮC NINH NGUYỄN THỊ HƯỜNG Viện Nghiên cứu Hán Nôm Trong những năm gần đây, văn bia viết bằng chữ Nôm được rất nhiều học giả quan tâm nghiên cứu. Qua việc tìm hiểu những kết quả nghiên cứu của người đi trước, chúng tôi nhận thấy, văn bia Nôm chủ yếu tồn tại ở dưới dạng thơ đề trên các vách núi, trên bia đá, khánh đá, biển gỗ trong chùa, và đa số còn lại là những bài văn ghi nhớ công đức, ghi lại quá trình tôn tạo và xây dựng chùa, việc lập Hậu thần, Hậu Phật thỉnh thoảng cũng có một hai bài tản văn tả phong cảnh. Tuy nhiên, trong số văn bia đã được sưu tầm và giới thiệu, chúng tôi nhận thấy các bài văn xuôi bằng chữ Nôm khắc trên bia đá vẫn chiếm một tỉ lệ rất ít ỏi, hơn nữa lại chủ yếu là những bài văn viết vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Việc đi tìm những bài văn toàn Nôm trong bia đá ở những thế kỷ trước XIX là công việc đang được rất nhiều người quan tâm. Cũng với mong muốn tìm thêm được những bài văn bia có niên đại cổ hơn thế kỷ XIX, vừa qua, khi khảo sát số văn bia Nôm tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi có điều kiện được đọc một thác bản của tấm bia đặt tại đình xã Đại Lâm, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, có niên đại năm Chính Hòa 14 (1693). Tấm bia có tiêu đề là Bản xã tạo lập lệ tịch, kí hiệu 3961-62, do Tri huyện họ Ngô, người trong xã soạn, nhà sư tự là Pháp Minh, Tăng thống Ty tăng lục viết chữ. Bia hai mặt, khổ 76x48cm, trán bia trang trí hình rồng chầu mặt trời tua lửa, diềm bia hoa lá cách điệu, dòng tiêu đề khắc chữ nổi, lòng bia có kẻ ô, chữ khắc chân phương, gồm 98 dòng, dòng nhiều nhất là 27 chữ, ước khoảng 940 chữ. Bia gồm có hai phần, một phần chữ Hán và một phần chữ Nôm. Tấm bia ghi lại việc lập khoán ước mới của xã Đại Lâm, kèm theo có lời thề bằng chữ Nôm. Chúng tôi thấy đây là một tấm bia quý, vì việc xuất hiện của các khoán ước trên chất liệu bia đá là rất ít, hơn nữa, lại có kèm theo lời thề bằng chữ Nôm. Dưới đây, chúng tôi xin phiên âm giới thiệu phần lời thề bằng chữ Nôm trong tấm văn bia này, còn phần chữ Hán xin được chỉ tóm lược lại nội dung chính. Nội dung chính của phần chữ Hán: Quan viên xã Đại Lâm, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn lập khoán ước mới vì xã mất khoán ước cũ. Khoán ước có nhiều điều, trong đó có quy định việc quan dịch từ tuổi 19 đến 59. Mỗi năm hai kỳ đông, hạ, mỗi người ở tuổi trên phải ứng tiền quan dịch 1 quan sử tiền cho thôn trưởng... Mọi người vảy rượu lên tay giơ lên mà thề làm đúng khoán ước để phong hóa được dài lâu. Phần lời thề bằng chữ Nôm: 碎於某府縣社, 先碎羅某, 年生于歲, 碎於共行社, 茄碎沛於(宜+正) 冷共美飾共行社, 或碎庄如丕, 碎於(弄trên + 心dưới)奸磊券約, 悶朱益己害人, 碎(口+王) (口+戰) 泖尼 (包+入) 願朱諸尊位打碎朱碎折. 誓文. Tôi ở mỗ phủ huyện xã, tên tôi là mỗ, niên sinh vu tuế, tôi ở cùng hàng xã, nhà tôi phải ở ngay lành cùng [mới] sức cùng hàngxã, hoặc tôi chẳng như vậy, tôi ở lòng gian dối khoán ước, muốn cho ích kỷ hại nhân, tôi uống chén máu này vào nguyện cho chư tôn vị đánh tôi cho tôi chết. Thệ văn. * Đôi điều nhận xét: Cũng giống như đặc trưng chung của chữ Nôm thời Lê, ở đoạn lời thề bằng chữ Nôm này, chúng tôi thấy chủ yếu là các chữ Nôm đơn vay mượn, đọc chệch âm, chỉ có 5/65 chữ là chữ Nôm tự tạo theo lối hình thanh. Đó là các chữ: ngay(宜+正), lòng (弄 trên + 心 dưới), muốn 悶, uống (口+王), vào (包+入). Về cách diễn đạt, ở đoạn lời thề này, chúng ta thấy việc diễn đạt ngôn ngữ tiếng Việt đã có sự phát triển, lời lẽ dễ hiểu và khá gần gũi với những gì mà chúng ta đã đọc được ở thế kỷ XVIII. So sánh đoạn lời thề này với những đoạn văn Nôm trong tấm bia Tân tạo bi ký các bức đẳng từ, ký hiệu 1938 - 1939, có niên đại là 1657 (Thịnh Đức 5), chúng ta càng thấy rõ sự phát triển trong cách diễn đạt văn Nôm. Ở tấm bia Tân tạo bi ký các bức đẳng từ, lời văn Nôm còn xen lẫn nhiều câu chữ Hán, ví dụ như trong một đoạn mà theo chúng tôi, có thể coi là dễ hiểu nhất trong bài văn bia này: “Quan viên tướng thần xã thôn trưởng khẩu đắc rằng thượng hạ làng tôi ưng khiến chúng tôi lên nói xưa nay chúng tôi thấy tu tri Thổ Ngõa thôn thượng tự Kim Cương hạ chí đê mộ các xứ. Làng chúng tôi chẳng biết đến ngày sau Sơn Lộ xã lại gian cáo bản phủ nha môn khám đạc...”(1). Có thể nói, đây là một tấm bia có giá trị không những về mặt ngôn ngữ - văn tự mà còn cả về mặt văn hóa. Về mặt ngôn ngữ, nó ghi lại ngôn ngữ dân tộc của một thời đại, và là bước phát triển kế tiếp trong quá trình hoàn thiện những bài văn Nôm trên bia đá ở khoảng cuối thế kỷ sau. Hơn nữa, những bài văn được khắc trên bia đá thường mang tính dân gian rất cao, vì nó gắn liền với đời sống của nhân dân. Về mặt văn tự, nó là chứng tích đáng quý, bổ sung thêm cho những nhận định của các học giả đi trước về đặc điểm chữ Nôm thời Lê. Về mặt văn hóa, nó lưu giữ một văn bản có tính chất pháp quy trong hoạt động cộng đồng ở làng xã Việt Nam thế kỷ XVII. Qua đó, chúng ta có thể thấy được ý nghĩa thiêng liêng của khoán ước trong đời sống tinh thần của nhân dân. Ngoài ra, nó còn bảo tồn một loại hình của văn học dân gian, đó là thệ văn. Điều này không phải là hiếm có trong các văn bản viết tay, nhưng trong văn bia thì quả thực là trường hợp hi hữu. Chú thích: (1) Đinh Khắc Thuân: Chữ Nôm trên văn bia thời Lê (XV-XVIII), Tham luận Hội nghị quốc tế về chữ Nôm, H. 2004./. Thông báo Hán Nôm học 2004 (tr. 262-265) |