THÊM MỘT BÀI THƠ KHẮC TRÊN ĐÁ CỦA VUA LÊ THÁI TỔ

Tạp chí Hán Nôm >> TCHN từ 2006 về sau >> Năm 2009 >> Số 2
Nguyễn Kim Măng
Thêm một bài thơ khắc trên đá của vua Lê Thái Tổ (Tạp chí Hán Nôm, Số 2(93) 2009; Tr. 76 - 79)

Cập nhật lúc 17h24, ngày 16/11/2010

THÊM MỘT BÀI THƠ KHẮC TRÊN ĐÁ

CỦA VUA LÊ THÁI TỔ

ThS. NGUYỄN KIM MĂNG

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Vua Lê Thái Tổ (1385-1433) từng thân chinh đi dẹp loạn ở vùng núi xa xôi phía Tây Bắc của đất nước và đề thơ khắc đá lưu lại đến ngày nay. Đó là bài thơ nổi tiếng được khắc trên vách đá Thác Bờ vào năm Thuận Thiên thứ 5 (1432) thuộc xã Hào Tráng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, bài thơ này đã được nhiều người biết đến(1).

Tuy vậy, gần đây địa phương mới phát hiện thêm một bài thơ khác của ông được khắc trên vách núi cao thuộc xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

Chúng tôi có dịp đến khảo sát và thấy đây là tư liệu mới quý hiếm liên quan đến sự kiện về Lê Thái Tổ ở vùng đất xa xôi của tổ quốc, nên xin được giới thiệu để cung cấp tư liệu cho độc giả.

Văn bia khắc trên mặt đá phẳng, kích thước 120x60cm, văn bản không trang trí hoa văn. Chữ Hán trên bia khắc theo hàng dọc từ phải sang trái, gồm 3 phần: Đề từ (tức lời dẫn) gồm 8 dòng, dòng dài nhất 11 chữ, dòng ngắn nhất 4 chữ. Phần chính văn là một bài thơ ngũ ngôn gồm 5 dòng, mỗi dòng 8 chữ, kích thước lớn hơn lời đề từ. Cuối cùng là phần lạc khoản 2 dòng, tổng cộng là 15 dòng, cả thảy gồm 132 chữ Hán.

Nguyên văn chữ Hán:

夷 狄 之 為 邊 患 自 古 有 之 漢 之 匈 奴 唐 之 突 厥 我 西 越 之 忙 禮 諸 蠻是 也 顷 由 陳 胡 衰 政 藩 臣 跋 扈 吉 罕 狃 於 舊 習 負 固 弗 陵 予 今 率 師 往 征 水 陸 並 進 一 舉 就 平 因 寫 一 律刻 之 于 石 以 戒 後 世 蠻 酋 之 梗 化 若 云

狂 賊 敢 逋 誅

邊 氓 久 傒 蘇

叛 臣 從 古 有

險 地 自 今 無

草 木 驚 風 鶴

山 川 入 版 圖

題 詩刻 巖 石 鎮 我 越 西 隅

辛 亥 季 冬 吉 日

玉 華 洞 主 題

Phiên âm:

Di Địch chi vi biên hoạn, tự cổ hữu chi. Hán chi Hung Nô, Đường chi Đột Quyết, ngã tây Việt chi Mường Lễ chư Man thị dã. Khoảnh do Trần, Hồ suy chính, phiên thần bạt hỗ. Cát Hãn nữu ư cựu tập phụ cố phất lăng. Dư kim suất sư vãng chinh thủy lục tịnh tiến, nhất cử tựu bình. Nhân tả nhất luật, khắc chi vu thạch, dĩ giới hậu thế Man tù chi ngạnh hóa, nhược vân:

“Cuồng tặc cảm bô tru,

Biên manh cửu hề tô.

Bạn thần tòng cổ hữu,

Hiểm địa tự kim vô.

Thảo mộc kinh phong hạc,

Sơn xuyên nhập bản đồ”.

Đề thi khắc nham thạch, trấn ngã Việt tây ngung.

Tân Hợi quý đông cát nhật.

Ngọc Hoa động chủ đề".

Dịch nghĩa:

Di Địch(2) là mối lo của miền biên giới, từ xưa đã thế. Như Hung Nô(3) nhà Hán, Đột Quyết(4) nhà Đường, Mường Lễ(5) ở phía tây nước Việt ta là các rợ Man. Trong khoảng thời gian nhà Trần Hồ(6) suy vi, các phiên thần cứng đầu hung dữ, Cát Hãn(7) quen thói cũ, tự phụ ngoan cố [cần phải] trừ dẹp. Nay ta xuất quân cùng đạo thủy bộ, đánh một trận mà đã dẹp yên. Nhân đó viết thơ khắc vào đá, để răn hậu thế Man tù ương ngạnh, khó giáo hóa. Nên đề thơ rằng:

“Giặc cuồng há thoát tội chết,

Dân biên viễn đã lâu mong được hồi sinh.

Bọn phản thần từ xưa đã có,

Vùng đất hiểm nay chẳng còn.

Cây cỏ làm kinh giấc hạc,

Sông núi đã nhập vào bản đồ”.

Đề thơ nơi vách đá cao để trấn giữ phía tây của nước Việt.

Ngày tốt tháng quý đông (tháng 12) năm Tân Hợi (1431).

Ngọc Hoa(8) động chủ đề thơ.

Chúng ta biết rằng Lê Lợi là một vị vua khai sáng ra vương triều nhà Lê hưng thịnh, ông không chỉ giỏi nghiệp võ mà còn có tài văn chương. Ông từng sai Nguyễn Trãi làm sách Lam Sơn thực lục rồi tự tay làm bài tựa, kí tên là Lam Sơn động chủ. Trong văn bia này, phần Lạc khoản có 5 chữ là “Ngọc Hoa động chủ đề”. Có thể Lê Thái Tổ còn có biệt hiệu nữa là Ngọc Hoa động chủ.

Sau này công trình thủy điện Sơn La đi vào khai thác, thì đây là vị trí trung tâm của lòng hồ. Vì thế đội biên phòng đóng trên địa phận tỉnh Lai Châu đang tiến hành khắc văn bia khác dựa theo nguyên trạng bia này đặt gần cơ quan. Đây là một cách suy nghĩ đáng trân trọng, nhưng chưa phải là giải pháp tối ưu. Thiết nghĩ các cấp có thẩm quyền nên chăng bóc đẽo di dời nguyên khối tấm bia ma nhai này ra khỏi lòng sông như tấm bia Thác Bờ hiện được ngự ở Bảo tàng tỉnh Hòa Bình khi làm thủy điện Hòa Bình năm 1982.

Chú thích:

(1) Bia Thác Bờ hiện được được chuyển về Bảo tàng Hòa Bình, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có bản rập, kí hiệu N012341.

(2) Di Địch: là các rợ sống ở phương Bắc.

(3) Hung Nô: một dân tộc ở phía Bắc Trung Quốc, đời Hán chiếm lãnh miền Nội Mông, tức Mông Cổ ngày nay.

(4) Đột Quyết: tộc người sống các sa mạc Á châu, tức người Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.

(5) Mường Lễ: trước là châu Ninh Viễn, sau đổi là Phục Lễ, tỉnh Lai Châu ngày nay.

(6) Trần, Hồ suy chính: lúc ấy nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần.

(7) Cát Hãn: tức Đèo Cát Hãn là một Tù trưởng của châu Mường Lễ.

(8) Ngọc Hoa: có thể là tên hiệu của vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi)./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 2(93) 2009; Tr. 76 - 79)

In
Lượt truy cập:

Từ khóa » đá Tiếng Hán Nôm