Nhiễm Trùng đường Tiết Niệu - VnExpress Sức Khỏe
Có thể bạn quan tâm
Theo TTƯT.PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, Giám đốc trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, hầu hết nhiễm khuẩn xảy ra ở đường tiết niệu dưới gồm bàng quang và niệu đạo. Nhiễm trùng bàng quang có thể gây nên những cơn đau đớn và cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra nếu nhiễm trùng đường tiểu xảy ra ở thận.
Thông thường, bác sĩ điều trị bệnh đường tiết niệu bằng thuốc kháng sinh. Nhưng các chuyên gia tiết niệu khuyến cáo nên thực hiện nguyên tắc "phòng bệnh hơn chữa bệnh" để ngăn ngừa nguy cơ bị nhiễm trùng hiệu quả hơn.
Dấu hiệu
Các triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào bộ phận nào của đường tiết niệu bị nhiễm khuẩn. Nhiễm khuẩn tiết niệu phía dưới ảnh hưởng đến niệu đạo và bàng quang, do đó, các biểu hiện của nhiễm trùng đường tiểu bao gồm:
- Nóng rát khi đi tiểu.
- Tăng tần suất đi tiểu mà không tiểu được nhiều.
- Tăng tính khẩn cấp của việc đi tiểu.
- Nước tiểu có máu.
- Nước tiểu đục.
- Nước tiểu có màu như nước trà đặc.
- Nước tiểu nặng mùi.
- Đau vùng chậu ở phụ nữ.
- Đau trực tràng ở nam giới.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu phía trên ảnh hưởng đến thận, có thể đe dọa tính mạng nếu vi khuẩn di chuyển từ thận bị nhiễm trùng vào máu. Tình trạng này được gọi là urosepsis, có thể gây ra hạ huyết áp, sốc và tử vong. Các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu trên bao gồm:
- Đau ở phần lưng trên và hai bên.
- Cảm giác ớn lạnh.
- Sốt.
- Buồn nôn.
- Nôn mửa.
Dấu hiệu viêm bể thận cấp tính
Người bị viêm bể thận cấp thường có những biểu hiện xuất hiện đột ngột như: sốt cao rét run, kèm theo đau đầu và mệt mỏi, tiểu buốt, tiểu gắt, tiểu có mủ. Bên cạnh đó, người bệnh có những cơn đau vùng hông và có thể xuất hiện cơn đau quặn thận.
Dấu hiệu viêm bàng quang
Người bị viêm bàng quang thường có những triệu chứng gồm: mắc tiểu thường xuyên nhưng mỗi lần tiểu lại ít, nóng rát khi tiểu, nước tiểu có thể có máu và mùi khó chịu, vùng chậu đau và sốt nhẹ...
Dấu hiệu viêm niệu đạo
Nếu bị viêm niệu đạo, người bệnh cũng sẽ có một số triệu chứng tương tự như đã đề cập ở trên như tiểu khó, tiểu gấp, đi tiểu thường xuyên, sốt hay ớn lạnh... Với nữ giới, người bệnh có thể đau khi quan hệ tình dục, dịch tiết âm đạo bất thường. Ở nam giới sẽ có cảm giác nóng rát khi đi tiểu, xuất hiện máu hoặc tinh dịch trong nước tiểu, đau khi xuất tinh hay nổi hạch ở bẹn...
Nguyên nhân
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu thường xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu qua niệu đạo và bắt đầu tăng tốc phát triển trong bàng quang. Mặc dù hệ thống tiết niệu đã được thiết kế để ngăn chặn những "kẻ xâm lược" này, nhưng các biện pháp phòng thủ đôi khi trở nên thất bại. Khi điều đó xảy ra, vi khuẩn sẽ được giữ lại và phát triển thành nhiễm trùng toàn bộ đường tiết niệu.
Nhiễm trùng bàng quang hay viêm bàng quang thường do Escherichia coli (E. coli), một loại vi khuẩn được tìm thấy trong đường tiêu hóa, gây ra. Tình trạng này xảy ra khi vi khuẩn được lây lan từ hậu môn đến niệu đạo. Bên cạnh đó, do cấu tạo niệu đạo của phụ nữ gần với âm đạo nên các tác nhân gây ra bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) dễ tấn công niệu đạo gây viêm.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu thường gặp ở phụ nữ. Các yếu tố nguy cơ cụ thể của phụ nữ bao gồm:
- Đặc điểm cấu tạo hệ tiết niệu: Chiều dài của niệu đạo ngắn hơn khiến cho vi khuẩn dễ di chuyển đến bàng quang gây nhiễm trùng.
- Hoạt động tình dục: Phụ nữ hoạt động tình dục thường xuyên có xu hướng bị nhiễm bệnh nhiều hơn những phụ nữ ít hoạt động. Đồng thời, có bạn tình mới hoặc nhiều bạn tình cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Dùng các biện pháp kiểm soát sinh sản: Phụ nữ sử dụng màng chắn tránh thai hay thuốc diệt tinh trùng có thể có nguy cơ mắc bệnh viêm đường tiết niệu khi mang thai cao hơn.
- Thời kỳ mãn kinh: Sự suy giảm estrogen gây ra những thay đổi trong đường tiết niệu khiến chị em phụ nữ dễ bị nhiễm trùng.
- Giai đoạn sinh nở: Do đặc thù của quá trình này nên phụ nữ sinh bằng phương pháp đẻ mổ sẽ có nhiều nguy cơ bị viêm đường tiết niệu sau sinh hơn phụ nữ đẻ thường.
Các yếu tố nguy cơ khác:
- Đường tiết niệu có bất thường bẩm sinh: Tình trạng bất thường về đường tiết niệu khiến cho nước tiểu không thể thoát ra ngoài như thông thường hoặc khiến nước tiểu trào ngược lên niệu đạo làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
- Sự tắc nghẽn trong đường tiết niệu: Sỏi thận hoặc tăng sinh tuyến tiền liệt cũng làm giữ nước tiểu trong bàng quang và tạo cơ hội cho nhiễm trùng tiểu xuất hiện.
- Hệ thống miễn dịch bị ức chế: Bệnh tiểu đường và các bệnh khác làm suy giảm hệ thống miễn dịch khiến cho người bệnh dễ nhiễm khuẩn hơn người khác.
- Sử dụng ống thông: Những người không thể tự đi tiểu và sử dụng ống thông có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Tình trạng này bao gồm những người đang nằm viện, người có vấn đề về thần kinh khó kiểm soát khả năng đi tiểu và bị liệt.
- Thủ thuật tiết niệu: Phẫu thuật tiết niệu hoặc kiểm tra đường tiết niệu có liên quan đến dụng cụ y tế đều có thể làm tăng nguy cơ phát triển nhiễm trùng đường tiết niệu.
Biến chứng
Khi được điều trị kịp thời và đúng cách, nhiễm khuẩn tiết niệu hiếm khi dẫn đến biến chứng. Ngược lại, trong trường hợp điều trị không hiệu quả hoặc quá muộn, tình trạng này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Các biến chứng có thể bao gồm:
- Nhiễm trùng tái phát, đặc biệt ở những phụ nữ mắc bệnh từ 2 lần trở lên trong khoảng thời gian từ 6-12 tháng.
- Nếu không được điều trị, từ nhiễm trùng tiểu có thể gây nên nhiễm trùng thận cấp tính hoặc mạn tính khiến cho thận của người bệnh bị tổn thương vĩnh viễn.
- Viêm đường tiết niệu khi mang thai là tình trạng bệnh lý nếu không được điều trị đúng cách, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm bể thận ở mẹ, nguy cơ sảy thai, sinh non; em bé nhẹ cân, nhiễm khuẩn sơ sinh...
- Trẻ sơ sinh có thể bị nhẹ cân.
- Viêm niệu đạo tái phát gây hẹp niệu đạo, nhất là ở nam giới.
- Nhiễm trùng huyết và thậm chí là tử vong nếu thận bị viêm.
Điều trị
Các phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nhiễm trùng. Các trường hợp nhiễm trùng nhẹ thường được bác sĩ kê đơn thuốc để điều trị. Thông thường, các triệu chứng viêm do nhiễm trùng sẽ giảm rõ ràng trong vài ngày sau khi bắt đầu điều trị. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, người bệnh có thể phải tiếp tục dùng thuốc trong một tuần hoặc nhiều hơn.
Đối với tình trạng nhiễm trùng không biến chứng xảy ra khi người bệnh đang khỏe mạnh, bác sĩ có thể đề nghị một đợt điều trị kháng sinh ngắn hơn trong 1-3 ngày. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng thêm thuốc giảm đau để giảm khó chịu cho người bệnh khi đi tiểu, nhờ làm tê bàng quang và niệu đạo.
Trong trường hợp bạn thường nhiễm trùng tiểu nhiều lần, các bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp điều trị chuyên biệt như:
- Dùng kháng sinh liều thấp, có thể là 6 tháng hoặc lâu hơn.
- Một liều kháng sinh duy nhất sau khi quan hệ tình dục, nếu việc nhiễm khuẩn tiết niệu của bạn liên quan đến hoạt động tình dục.
- Liệu pháp estrogen nếu bạn mãn kinh.
Đối với người bị nhiễm trùng tiểu nặng, có thể cần điều trị bằng những loại thuốc kháng sinh và tiêm tĩnh mạch tại bệnh viện.
Việc phòng bệnh bao giờ cũng đơn giản và hiệu quả hơn chữa bệnh. Có thể thực hiện theo hướng dẫn sau đây để làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu:
- Bổ sung nhiều chất lỏng cho cơ thể, đặc biệt là nước. Uống nước giúp làm loãng nước tiểu và giúp bạn đi tiểu thường xuyên hơn. Nhờ đó cho phép loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu một cách dễ dàng.
- Dùng các thực phẩm có khả năng chống nhiễm khuẩn tiết niệu hiệu quả như nam việt quất, tỏi, sữa chua không đường, trái cây họ cam quýt, kiwi... để giúp cơ thể chống lại virus gây hại.
- Vệ sinh vùng kín đúng bằng cách lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh (nhất là với phụ nữ) giúp ngăn vi khuẩn ở vùng hậu môn lây lan sang âm đạo và niệu đạo.
- Ngay sau khi quan hệ tình dục, hãy đi tiểu và uống một cốc nước đầy để giúp loại bỏ vi khuẩn, phòng tránh tình trạng viêm đường tiết niệu sau quan hệ.
- Tránh các sản phẩm dành cho phụ nữ có khả năng gây kích ứng như xịt khử mùi, dung dịch vệ sinh có tính kháng khuẩn mạnh ở vùng sinh dục.
- Thay đổi phương pháp ngừa thai vì màng film, bao cao su không được bôi trơn hoặc xử lý bằng chất diệt tinh trùng... đều có thể góp phần vào sự phát triển của vi khuẩn.
Anh Ngọc
Từ khóa » Sốc Nhiễm Trùng đường Tiết Niệu
-
Biến Chứng Nhiễm Khuẩn Huyết Do Nhiễm Trùng Tiết Niệu • Hello Bacsi
-
Nhiễm Khuẩn Huyết Từ Nhiễm Khuẩn đường Tiết Niệu - Vinmec
-
Nhiễm Trùng đường Tiết Niệu: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, điều Trị
-
Nhiễm Trùng đường Niệu Do Vi Khuẩn - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Nhiễm Trùng đường Tiết Niệu Liên Quan đến đăt ống Thông
-
Nhận Biết, Xử Trí Nhiễm Trùng Tiết Niệu ở Người Cao Tuổi
-
Nhiễm Trùng đường Tiểu: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Biến ... - VNVC
-
Nhiễm Trùng đường Tiết Niệu Khi Nào Trở Nên Nguy Hiểm, Cần đi Khám ...
-
NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ KHÁNG SINH TRONG NHIỄM KHUẨN ...
-
Bệnh Viện Bãi Cháy Cứu Sống Bệnh Nhân Sốc Nhiễm Khuẩn, Suy đa ...
-
Nhiễm Trùng đường Tiết Niệu | Bệnh Viện Gleneagles Singapore
-
Nhiễm Trùng Tiết Niệu, Bệnh Chẳng Chừa Ai
-
NHIỄM KHUẨN ĐƯỜNG TIẾT NIỆU TRẺ EM
-
NHIỄM KHUẨN TIẾT NIỆU Ở NAM GIỚI
-
Nhiễm Trùng Huyết - Christopher Reeve Foundation
-
Nhiễm Trùng đường Tiết Niệu ở Nam Giới - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
-
Sốc Nhiễm Trùng Nguy Hiểm Hơn Bạn Nghĩ
-
Đừng Chủ Quan Với Những Triệu Chứng Cảnh Báo Sốc Nhiễm Trùng
-
CHỮA TRỊ THÀNH CÔNG BỆNH NHÂN 105 TUỔI BỊ NHIỄM ...