Nhiễm Trùng đường Tiểu: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Biến ... - VNVC

Nhiễm trùng đường tiểu là một trong những bệnh nhiễm trùng thường gặp nhất, đặc biệt phụ nữ có tỷ lệ mắc cao gấp đôi nam giới. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, tổn thương thận,…

nhiễm trùng đường tiểu

Theo thống kê, có đến 8-10 triệu người Mỹ mắc nhiễm trùng đường tiểu mỗi năm. Bệnh xảy ra ở khoảng 5% bé gái và 1-2% ở bé trai. Tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ sơ sinh vào khoảng 0,1-1% và tăng cao đến 10% ở trẻ sơ sinh nhẹ cân. Trước 1 tuổi, bé trai thường có nguy cơ mắc cao hơn bé gái, nhưng sau lứa tuổi này bệnh thường gặp ở bé gái nhiều hơn.

Nhiễm trùng đường tiểu là gì?

Nhiễm trùng đường tiểu (nhiễm trùng đường tiết niệu – UTI) là một trong những bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn thường gặp nhất ở phụ nữ, chiếm gần 25% tổng số các bệnh nhiễm trùng. Khoảng 50-60% phụ nữ sẽ phát triển UTI trong cuộc đời của họ. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu, nhân lên và gây viêm. Vi khuẩn thường đến từ ruột hoặc phân rồi đi vào niệu đạo.

Đường tiết niệu gồm bể thận, các niệu quản (dẫn nước tiểu đi từ thận đến bàng quang) và bàng quang nơi đựng nước tiểu. Vi khuẩn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiểu gồm viêm thận – bể thận và viêm bàng quang nếu nó gây tổn thương tại thận và viêm bàng quang. Viêm thận – bể thận là một tình trạng nghiêm trọng ở trẻ em và có thể dẫn đến sẹo thận, tăng huyết áp và gây ra suy thận giai đoạn cuối sau này.

Hầu hết nhiễm trùng đường tiểu thường chỉ liên quan đến niệu đạo và bàng quang, ở phần dưới hệ tiết niệu. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể liên quan đến niệu quản và thận, ở phần trên hệ tiết niệu. Mặc dù nhiễm trùng tiểu đường trên hiếm hơn so với dưới, nhưng chúng cũng thường nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân gây bệnh

Vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) trong hệ tiêu hóa là thủ phạm chính gây ra 80% trường hợp bệnh. Ngoài ra, bệnh còn do vi khuẩn Staphylococcus saprophyticus (5-15% trường hợp), Chlamydia trachomatis, Proteus và Mycoplasma hominis. Hiếm hơn là các vi khuẩn bệnh viện, nấm, virus,… Nam giới và phụ nữ nếu nhiễm Chlamydia trachomatis hay Mycoplasma hominis đều có thể truyền vi khuẩn này cho bạn tình trong khi quan hệ.

UTI xuất hiện điển hình khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu qua niệu đạo và bắt đầu nhân lên ở bàng quang. Thông thường, đường tiết niệu có những đặc tính để chống lại sự nhiễm trùng thông qua ức chế sự phát triển của vi khuẩn và loại bỏ những tác nhân gây bệnh đó. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ xâm nhập của vi khuẩn vào đường tiết niệu, lưu trú và nhân lên cho đến khi gây ra nhiễm trùng thực sự.

Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết, nhiễm trùng đường tiểu là bệnh lý nhiễm trùng thường gặp ở trẻ em, đứng thứ ba sau các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và đường tiêu hóa. Theo nghiên cứu tại bệnh viện nhi trung ương (2016), Tỷ lệ nhiễm trùng đường tiểu trên trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi khi đến khám là 11,6%. Tuổi mắc hay gặp nhất trẻ < 2 tuổi chiếm 65%, tỷ lệ trẻ gái gặp 67,5% cao hơn trẻ trai 32,5% (p < 0,05). Ba tháng mùa hè (tháng 4,5,6) có tỷ lệ bệnh nhân cao nhất chiếm 45,2%. Triệu chứng lâm sàng kết hợp hay gặp nhất là rối loạn tiêu hóa 60%. Tuy không nguy hiểm nhưng nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời và dứt điểm, bệnh có thể tái phát nhiều lần, gây biến chứng như áp xe quanh thận, nhiễm trùng huyết,…

Nhiễm trùng đường tiểu chính là nguyên nhân tại sao các bé gái thường được dặn dò phải vệ sinh sẽ sau khi đi vệ sinh. Đó bởi vì niệu đạo – ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài, nằm gần hậu môn. Vi khuẩn từ ruột già như E. coli có điều kiện thuận lợi để tấn công từ niệu đạo vào hậu môn. Từ đó, chúng có thể đi ngược dòng lên bàng quang, và nếu không điều trị kịp thời, vi khuẩn sẽ tấn công vào hai quả thận. Phụ nữ dễ mắc nhiễm trùng đường tiểu hơn bởi vì họ có niệu đạo ngắn hơn, tạo điều kiện cho vi khuẩn lên bàng quang nhanh hơn. Quan hệ tình dục cũng góp phần đưa vi khuẩn vào đường tiết niệu.

Nhiễm trùng đường tiểu
Vi khuẩn Escherichia coli: “Thủ phạm” chính gây ra nhiễm trùng đường tiểu.

Yếu tố nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu

Theo số liệu của Dự án về bệnh lý tiết niệu Bắc Mỹ, hơn 53% phụ nữ có nguy cơ mắc UTI so với 14% ở nam giới, trong đó tỷ lệ tái phát chiếm 20-30%. Và có tới một nửa phụ nữ sẽ bị nhiễm trùng trùng đường tiểu một lần trong đời. Theo cấu tạo sinh học, đường tiết niệu của nữ thường ngắn và gần hơn với hậu môn, do đó vi khuẩn dễ đi từ bàng quang gây nên bệnh.

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn ở trẻ em như:

  • Bất thường giải phẫu trong đường tiết niệu.
  • Hội chứng mất khả năng thải nước tiểu – trẻ nhịn tiểu mặc dù đang buồn tiểu.
  • Bé trai chưa cắt bao quy đầu.
  • Táo bón, có thể gây ép lên bàng quang, ngăn chặn bàng quang tống hết nước tiểu.
  • Bàng quang mất khả năng tống nước tiểu (bàng quang mất kiểm soát).
  • Thói quen vệ sinh kém.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở người lớn như:

  • Quan hệ tình dục quá nhiều hoặc thường xuyên thay đổi bạn tình.
  • Phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh.
  • Tiền sử mắc bệnh đái tháo đường.
  • Đang đặt ống thông tiểu.
  • Bất động lâu ngày (chấn thương, bại liệt).
  • Sỏi thận.
  • Theo tuổi tác – người có hệ miễn dịch yếu có nguy cơ mắc bệnh càng cao.
  • Đang sử dụng biện pháp ức chế miễn dịch.
  • Tác dụng phụ của liệu pháp xạ trị hoặc thuốc hóa trị như: cyclophosphamide và ifosfamide.

Triệu chứng của bệnh

Theo bác sĩ Chính, bệnh được phân thành nhiễm trùng đường tiểu dưới (còn gọi là viêm bàng quang) và nhiễm trùng đường tiểu trên (còn gọi là viêm thận – bể thận cấp). Do không có triệu chứng đặc hiệu, nên việc chẩn đoán bệnh, nhất là nhiễm trùng đường tiểu trên rất là khó khăn.

Các triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào phần nào của đường tiết niệu bị nhiễm trùng. Các triệu chứng của nhiễm trùng tiểu đường dưới bao gồm:

  • Nóng rát, đau, khó chịu khi đi tiểu.
  • Tăng tần suất đi tiểu.
  • Nước tiểu có máu.
  • Nước tiểu đục và có mùi nồng.
  • Phụ nữ cảm thấy đau ở vùng bụng dưới hay xương chậu.
  • Đau trực tràng ở nam giới.

Nhiễm trùng tiểu đường trên ảnh hưởng đến thận, có thể đe dọa đến tính mạng nếu vi khuẩn di chuyển từ thận bị nhiễm trùng vào máu. Tình trạng này được gọi là urosepsis, có thể gây ra huyết áp thấp, sốc và tử vong. Bệnh được nhận biết bởi các triệu chứng:

  • Cảm giác đau ở lưng trên và hai bên hông.
  • Ớn lạnh.
  • Sốt.
  • Buồn nôn và nôn mửa.
bị nhiễm trùng đường tiểu
Cảnh giác với đau buốt bụng dưới – dấu hiệu nhận biết sớm nhiễm trùng đường tiểu.

Biến chứng nguy hiểm của nhiễm trùng đường tiểu

Nhiễm trùng đường tiểu dễ điều trị, nhưng điều quan trọng là phải chẩn đoán và điều trị kịp thời trước khi chúng lây lan xa hơn. Nếu không được điều trị sớm hoặc không đủ thời gian cấp tính, nhất là khi các yếu tố nguy cơ không được loại bỏ, bệnh có thể trở nên trầm trọng và gây ra nhiều phiền toái như:

  • Viêm thận bể thận cấp.
  • Áp xe quanh thận.
  • Nhiễm trùng huyết, có khả năng dẫn đến tử vong.
  • Suy thận cấp.
  • Trẻ em có trào ngược bàng quang niệu quản có thể gây nhiễm trùng thận nhanh chóng đưa đến suy thận mạn tính.
  • Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh có thể gây đẻ non, sảy thai, trẻ thiếu cân hoặc nhiễm trùng sơ sinh,…
  • Hẹp niệu đạo ở nam giới.

Chẩn đoán nhiễm trùng đường tiểu

Nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời. Trước tiên, bác sĩ sẽ xem xét triệu chứng và kiểm tra sức khỏe của người bệnh. Để chẩn đoán chính, bác sĩ sẽ cần xét nghiệm vi khuẩn hoặc nấm trong nước tiểu.

Việc nuôi cấy có thể giúp xác định nguyên nhân của bệnh và có thể giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Nếu nghi ngờ có virus, có thể cần phải thực hiện xét nghiệm đặc biệt. Virus là tác nhân hiếm gặp nhưng có thể gặp ở những người đã cấy ghép nội tạng hoặc những người có hệ thống miễn dịch suy yếu.

Nhiễm trùng đường tiểu trên

Nếu bác sĩ nghi ngờ rằng bạn bị nhiễm trùng đường tiểu trên, ngoài xét nghiệm nước tiểu, họ có thể cần phải làm công thức máu toàn bộ (CBC) và cấy máu. Cấy máu có thể đảm bảo rằng nhiễm trùng không lây lan sang dòng máu.

Nhiễm trùng đường tiểu tái phát

Nếu nghi ngờ mắc bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm để kiểm tra xem có bất thường hoặc vật cản nào trong đường tiết niệu hay không. Một số xét nghiệm bao gồm: siêu âm, Pyelogram tĩnh mạch (IVP), nội soi bàng quang, chụp cắt lớp (CT).

Phương pháp điều trị nhiễm trùng đường tiểu

Phác đồ điều trị

Gần đây các phác đồ điều trị nhiễm trùng tiểu mới nhất liên tục được cập nhật. Việc điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu ở đây bao gồm diệt trừ những vi rút gây bệnh. Và loại trừ các yếu tố thuận lợi nếu có. Kháng sinh là lựa chọn hàng đầu cho những người nhiễm đường tiết niệu điển hình và có tình trạng sức khỏe tốt. Loại thuốc và thời gian điều trị tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe. Loại vi khuẩn phân lập được từ nước tiểu và vị trí nhiễm trùng.

Các loại thuốc điều trị nhiễm trùng đường tiểu thông thường được hay sử dụng nhất là: nitrofurantoin, trimethoprim – sulfamethoxazole, nhóm beta – lactamin, nhóm aminoglycosid và nhóm quinolon. Có thể sử dụng một loại thuốc hoặc phối hợp tùy theo mức độ nặng của bệnh. Cần khai thác tiền sử dị ứng với thuốc. Nhất là kháng sinh và đối với các bệnh nhân đang nằm viện thì cần có kết quả kháng sinh đồ khi quyết định phác đồ điều trị.

Thời gian điều trị

Việc điều trị UTI bao gồm loại trừ những virus gây bệnh và các yếu tố thuận lợi nếu có. Thông thường các triệu chứng bệnh sẽ hết sau ít ngày điều trị. Một số trường hợp phải dùng kháng sinh dài hơn. Nếu bệnh tái phát nhiều lần, thời gian điều trị thường kéo dài hơn hoặc có thể điều trị thêm nhiều đợt kháng sinh ngắn khi hết triệu chứng. Đối với những trường hợp bị nhiễm trùng liên quan đến quan hệ tình dục, có thể điều trị dự phòng bằng uống 1 liều kháng sinh sau mỗi lần quan hệ tình dục, nhưng có thể có liên quan đến đề kháng của các vi sinh gây bệnh đường tiết niệu.

Đối với những trường hợp nặng, người bệnh có thể cần vào bệnh viện điều trị và dùng kháng sinh đường tĩnh mạch. Nếu bệnh tái phát hoặc trở thành mãn tính, người bệnh cần được các bác sĩ chuyên khoa thận theo dõi để tìm và xử trí các bất thường của đường tiết niệu vì đây có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng sau đó. Cần có phương pháp điều trị và kiểm soát các biến chứng lâu dài như suy thận.

Điều quan trọng là phải điều trị bệnh – càng sớm càng tốt, đặc biệt bệnh dễ điều trị nhất ở đường tiết niệu dưới. Nhiễm trùng lây lan đến đường tiết niệu trên sẽ khó điều trị hơn và dễ lây lan vào máu, gây nhiễm trùng huyết, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Nhiễm trùng đường tiểu có biểu hiện đặc trưng là thường xuyên mót tiểu và cảm giác đau buốt mỗi khi đi tiểu. Trong khi phần lớn phụ nữ thấy tiểu đau, thì một số người chỉ cảm thấy đau vùng chậu mơ hồ hoặc có thể bị sốt. Khi thấy những biểu hiện này, bạn cần đi khám bác sĩ để ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan sang các bộ phận khác như thận. Mặc dù dùng thuốc không kê đơn có thể giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn nhưng chỉ có kháng sinh mới có thể chữa khỏi nhiễm trùng. Bệnh cần phải điều trị kịp thời nhất là đối với phụ nữ đang mang thai. Nếu không điều trị sớm, dù bệnh nhẹ cũng có thể gây chuyển dạ sớm.

Hội chứng nhiễm trùng đường tiểu
Chị em phụ nữ nên thăm khám kịp thời khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh.

Nhiễm trùng đường tiểu có nên quan hệ không?

“Nhiễm trùng đường tiểu có nên quan hệ không?” là thắc mắc của nhiều người khi mắc phải tình trạng này. Bệnh có thể ảnh hưởng đến hoạt động tình dục bình thường. Quan hệ tình dục khi đang điều trị UTI có thể dẫn đến rất nhiều rủi ro, bao gồm:

  • Gây đau và làm trầm trọng thêm các triệu chứng khác.
  • Làm tăng nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn mới.
  • Nguy cơ lây nhiễm cho bạn đời.

Tóm lại, quan hệ tình dục có thể làm chậm quá trình hồi phục viêm đường tiết niệu. Thậm chí, có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng thứ cấp. Do đó, tốt nhất hãy đợi đến khi hoàn thành việc điều trị rồi mới sinh hoạt tình dục bình thường lại để đảm bảo an toàn cho cả người bệnh lẫn bạn đời.

Phòng ngừa nhiễm trùng đường tiểu như thế nào?

Nhiễm trùng đường tiểu là căn bệnh rất phổ biến nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn. Tuy nhiên, một vài thay đổi có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh như:

  • Khuyến khích uống nhiều nước (6-8 cốc mỗi ngày), điều này giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu và cũng làm giảm nguy cơ táo bón.
  • Nên đi tiểu thường xuyên, tuyệt đối không nhịn tiểu bởi vì dễ làm vi khuẩn phát triển hơn.
  • Tránh dùng bia, rượu hay thức uống chứa nhiều caffeine vì có khả năng kích thích bàng quang.
  • Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, dùng khăn sạch để lau từ trước ra sau khi đi tiểu.
  • Tắm bằng vòi hoa sen, hạn chế tắm bồn.
  • Phụ nữ nên cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn mua băng vệ sinh hoặc cốc nguyệt san.
  • Nếu bạn sử dụng màng ngăn âm đạo, bao cao su không có nhãn hoặc thạch diệt tinh trùng để tránh thai, hãy cân nhắc chuyển sang phương pháp khác. Tất cả có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu.
  • Tránh dùng nước hoa lên bộ phận sinh dục.
  • Ưu tiên chọn đồ lót làm bằng vải cotton thoáng mát, tránh vật liệu tổng hợp, bởi vì nó thúc đẩy một môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn phát triển.
  • Vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục. Nên đi tiểu sau khi quan hệ, việc này giúp đào thải những mầm bệnh trước khi chúng kịp vào bàng quang.

Đối với trẻ nhỏ, bố mẹ nên lưu ý thực hiện một số thay đổi trong thói quen sinh hoạt để giảm nguy cơ mắc bệnh:

  • Cố gắng cho con bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Điều này sẽ mang lại lợi ích tổng thể cho sự phát triển của hệ miễn dịch và giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
  • Ở trẻ sơ sinh và trẻ chập chững biết đi, thay tã thường xuyên để ngăn vi khuẩn phát triển.
  • Cần thực hiện điều trị hẹp bao quy đầu ở trẻ em trai hoặc dính môi bé ở trẻ em gái để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

Bác sĩ Bạch Thị Chính khuyến cáo, để phòng ngừa nhiễm trùng đường tiểu cho trẻ, bố mẹ cần giữ vệ sinh, tránh cho trẻ tắm bồn, nên thay tã cho con ngay sau khi trẻ đi ngoài; cho trẻ uống nhiều nước; khuyến khích trẻ không nhịn tiểu; cho trẻ ăn đủ trái cây, tránh táo bón. Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục trên 24 giờ, gia đình cần đưa con đến các cơ sở y tế để khám bệnh và tìm nguyên nhân gây sốt. Những trẻ bị nhiễm trùng kèm dị dạng đường tiểu cần phối hợp điều trị dị dạng để tránh tái phát.

Tóm lại, việc trước tiên là cần đi khám để được xác định bệnh, trên cơ sở đó sẽ được điều trị càng sớm càng tốt để bệnh không để trở thành mạn tính hoặc gây biến chứng. Cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho mình, không nên chủ quan xem thường hoặc ngại không uống thuốc, uống thuốc không đủ liều hay tự mua thuốc điều trị.

Từ khóa » Sốc Nhiễm Trùng đường Tiết Niệu