Những Chiếc Vạc Trong Đại Nội - UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế

Trong vườn thuộc khu Đại Nội của thành Huế hiện còn bảy chiếc vạc đồng lớn được đúc từ thế kỷ XVII dưới thời các chúa Nguyễn chiếm cứ Đàng Trong.

Một trong những chiếc vạc còn lại trong Đại Nội Huế

Theo kiểu dáng, kích thước, niên đại và phong cách nghệ thuật trang trí, có thể chia bảy chiếc vạc trên thành hai nhóm.

1. Nhóm vạc đúc giữa thời gian chiến tranh Trịnh – Nguyễn.

Nhóm này có ba chiếc, gồm một chiếc ở trước nền điện Kiến Trung đúc năm Thịnh Đức thứ 7 (1659); một chiếc ở trước nhà Tả Vu, đúc năm Thịnh Đức 8 (1660) và một chiếc ở trước nhà Hữu Vu, đúc năm Thịnh Đức thứ 10 (1662). Những chiếc vạc này đều có thành đứng thẳng, miệng loe rộng và cong ngửa, có bốn quai vặn thừng gắn trên miệng vạc, bố cục theo băng ngang vòng quanh vạc, từ trên xuống có chín băng cách nhau bởi những đường gờ nổi vuốt tròn mặt ngoài, trong đó các băng (tính từ trên xuống) 3-4-6-7 hẹp để trơn, các băng 1-9 rộng vừa phải có hoa dây uốn sóng chạy liên tục thành vòng kín, các băng 2-5-8 rộng hơn và là phần trang trí chính được các nhóm vạch thẳng đứng chia thành các ô chữ nhật bằng nhau xếp lệch nhau nửa ô, mỗi ô là một đồ án hoa văn riêng. Riêng băng 5 của chiếc vạc trước điện Kiến Trung không bị cắt ngang, hoa văn chạy thành vòng kín. Ba chiếc vạc này nặng và to xấp xỉ nhau. Chiếc vạc ở trước nhà Tả Vu nhỉnh hơn cả: nặng 2582 cân (ta); đường kính miệng 2,2m; đường kính trong lòng 1,83m, cao 1,05m (kể cả quai cao 1,30). Lối trang trí theo băng ngang vòng quanh khép kín vốn được ưa chuộng từ văn hóa Đông Sơn, trong có những băng chạm  hoa dây uốn sóng gây nhịp điệu động rộn.

Hoa văn trang trí gồm có hoa, lá, chim và thú. Chiếc vạc đúc năm 1695 chỉ hoa và lá, nhưng sang hai chiếc vạc đúc năm 1660 và 1662 đã có thêm chim và thú. Chim và thú trang trí trên vạc 1660 đều chuyển động ngược chiều kim đồng hồ, nhưng sang chiếc vạc 1662, đã thấy có con đi theo hướng ngược lại.

2. Nhóm vạc đúc cuối và sau chiến tranh Trịnh – Nguyễn

Nhóm vạc này hiện còn 4 chiếc gồm 3 chiếc mang niên đại Cảnh Trị và một chiếc có niên đại Chính Hòa, chiếc vạc đúc năm 1670 hiện ở dân trường Âm nhạc, chỉ sau chiếc vạc muộn của nhóm vạc trước có 8 năm, nhưng kể về kiểu dáng, bố cục và hoa văn và kích thước đã hoàn toàn khác trước, mở ra một hướng phát triển mới. Hai chiếc vạc đúc năm 1762, một chiếc ở bên xế bên trái sau điện Thái Hòa, một ở bên phải trên nền điện Càn Thành, chiếc vạc đúc năm 1684 cũng ở nền điện Càn Thành nhưng về bên trái.

Nhóm bốn chiếc vạc này về kích thước có xê dịch một chút, về kiểu dáng thì hoàn toàn thống nhất chiếc vạc lớn nhất ở nền điện Càn Thành nặng 1390 cân (ta), đường kính miệng 1,69m; cao 0,94m. nhóm vạc này có thành đứng thẳng hơi choãi ra một chút, miệng vạc hơi loe ngang gần vuông góc với thành vạc, đáy bằng, có bốn cặp quai gắn dọc gần vuông góc với thành vạc sát với miệng vạc. Kiểu dáng gần như chậu cảnh bằng sành hoặc sứ, và trang trí ở mặt ngoài thân vạc khoảng một phần ba kể từ cổ xuống. Viền cổ vạc là một băng hoa dây uốn sóng 24 khúc, trừ 8 khúc uốn úp gắn điểm trên của quai, còn 4 khúc uốn úp và 12 khúc uốn ngửa được chạm hoa, lá hoặc chim thú. Dưới băng hoa dây là hàng “lá sòi”, dưới mỗi lá sòi có dải 5 chấm. Hoa ở nhiều chỗ có thể nhận ra được là sen, cúc và mẫu đơn. Về hướng chuyển động của chim và thú, ở trên chiếc vạc đúc năm 1670 có tám con thì bảy con chuyển động ngược chiều đồng hồ, chỉ có một con chim bay ngược lại; sang chiếc vạc đúc 1672, chim và thú chuyển động tùy tiện, con xuôi con ngược; đến chiếc vạc ở xế sau điện Thái Hòa cũng đúc năm 1672 nhưng muộn hơn 6 tháng thì toàn bộ chim lại chuyển động xuôi chiều kim đồng hồ, không có con thú nào. Chiếc vạc đúc năm 1684 thì không chỉ thú mà cả chim cũng vắng bóng, chỉ còn hoa lá. Dõi theo thứ tự thời gian trên 4 chiếc vạc này, hình khắc ngày càng thô.

Nhìn chung cả bảy chiếc vạc này, được đúc từ năm 1659 đến 1684, nằm trọn trong đời Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần. Đấy là lúc cả nước bị cuốn vào cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn từ 1627 đến 1672 để rồi bị chia thành hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài. Trên cả bảy chiếc vạc, đều tính thời gian theo niên đại các vua nhà Lê và phong cách nghệ thuật vẫn thống nhất cũng có đôi nét “mới lạ” là do tính địa phương, do trình độ nghệ nhân Đàng Trong mới tập hợp và có lẽ có cả sự tham gia của chuyên gia đúc đồng phương Tây.

Chúa Nguyễn Phúc Tần muốn đề cao dòng họ nhưng chỉ đúc vạc thôi. Về truyền thống, vạc do vua ban tặng những dòng họ thế phiệt có công với triều đình. Như vậy, chúa Hiền chỉ mới đưa họ Nguyễn lên hành quý tộc thế phiệt. Những chiếc vạc này đã “luộc được cả con trâu”, nhưng chiếc lớn nhất nặng 2482 cân (ta), chiếc nhỏ nhất nặng 938 cân (ha). Vậy mà khi triều Nguyễn được thành lập, bộ “cửu vị thần công” đúc năm 1803, cũng bằng đồng, khẩu nặng nhất 18.400 cân (ta), khẩu nhẹ nhất cũng nặng 17.100 cân (ta). Bộ “Cửu đỉnh” đúc năm 1835, cũng bằng đồng, khẩu nặng nhất 4.307 cân (ta), chiếc nhẹ nhất 3.160 cân (ta).

Những chiếc vạc này do nhà chúa sai đúc nhưng ở đây nghệ thuật chính thống đã dung nạp nghệ thuật dân gian cả trong đề tài và phong cách biểu hiện.

Từ nhóm ba chiếc vạc đúc giữa thời gian chiến tranh Trịnh – Nguyễn tượng trưng quyền uy nhà chúa, gây ấn tượng về thứ “vạc dầu” ghê rượn, hình trang trí dày dặc và nặng nề… đến nhóm bốn chiếc vạc đúc ở cuối và sau chiến tranh, chúa Nguyễn không đạt được ước vọng làm chủ cả nước, thì hình dành vạc tăng chiều cao, thu hẹp chiều rộng, dán bằng đáy, cuộn miệng lại như đường gờ, tạo dáng thanh thoát và trang trí nhẹ nhàng gây cảm giác về chậu hoa cây cảnh.

Những chiếc vạc này là di vật văn hóa dân tộc ở thế kỷ XVII, rất hiếm thấy ở miền Nam, chúng ta cần gìn giữ và bảo quản chu đáo.

Từ khóa » Cái Vạc đồng Dùng để Làm Gì