Những Gian Lận Phổ Biến Trên Báo Cáo Tài Chính Và Trách Nhiệm Của ...

Nội dung chính

  • Nhận biết gian lận và sai sót trên báo cáo tài chính
  • Một số sai sót thường thấy trên báo cáo tài chính
    • Áp dụng sai các nguyên tắc kế toán
    • Ước tính kế toán và ghi nhận chưa hợp lý cho chi phí nợ xấu
    • Phân loại nhầm chi phí
  • Những gian lận phổ biến trên báo cáo tài chính 
    • Che dấu công nợ và chi phí
    • Ghi nhận doanh thu không có thật
    • Định giá sai tài sản
    • Ghi nhận sai niên độ
    • Không công bố thông tin đầy đủ
    • Không ghi nhận công nợ và chi phí, đặc biệt là không trích lập dự phòng đầy đủ
    • Vốn hóa chi phí
    • Không ghi nhận hàng bán trả lại, không trích trước chi phí dự phòng
  • 5 dấu hiệu nhận biết gian lận trên báo cáo tài chính  
  • Trách nhiệm của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán liên quan đến gian lận
    • Trách nhiệm của BGĐ/BQT đơn vị được kiểm toán
    • Các yêu cầu đối với kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán
      • – Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận:
      • – Biện pháp xử lý đối với rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận đã được đánh giá ở cấp độ BCTC, bao gồm:
      • – Đánh giá bằng chứng kiểm toán:

Kế toán, kiểm toán là lĩnh vực đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ và độ chính xác cao. Bởi chỉ cần một sai sót nhỏ, bạn sẽ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Ở bài viết dưới sẽ làm rõ các hành vi gian lận phổ biến trên BCTC, phân biệt rạch ròi giữa gian lận và sai sót (cố ý và vô ý), dấu hiệu nhận biết gian lận, và trách nhiệm của kiểm toán viên trong việc phát hiện gian lận và sai sót như thế nào? Cùng TACA làm rõ nhé!

Nhận biết gian lận và sai sót trên báo cáo tài chính

Gian lận được hiểu là hành vi cố ý do một hay nhiều người trong ban quản trị (BQT)/ Ban giám đốc (BGĐ), các nhân viên hoặc bên thứ ba thực hiện các hành vi gian dối để thu lợi bất chính, hoặc bất hợp pháp. (Ví dụ như: giả mạo hồ sơ, cố ý không ghi chép các giao dịch, hoặc cố ý cung cấp các giải trình sai cho kiểm toán viên…). Còn sai sót trong báo cáo tài chính có thể phát sinh từ gian lận hoặc nhầm lẫn. Để phân biệt giữa gian lận và nhầm lẫn, cần phải xem xét hành vi dẫn đến sai sót trong báo cáo tài chính là cố ý hay không cố ý. Kiểm toán viên cần quan tâm đến 2 loại sai sót trọng yếu đó là: Sai sót xuất phát từ việc lập BCTC gian lận và sai sót do biển thủ tài sản. Trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện lỗi sai trên báo cáo tài chính, kiểm toán viên cần tìm hiểu rõ bản chất của lỗi gian lận hay sai sót. Bởi với mỗi lỗi sai sẽ có hình thức xử phạt, sửa chữa khác nhau.

  • Gian lận: kiểm toán viên phải tìm thấy bằng chứng, chứng minh tính “cố ý” của hành động trong lỗi sai.
  • Sai sót: kiểm toán viên phải tìm thấy bằng chứng, chứng minh tính “vô ý” của tác nhân.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ để phân biệt được gian lận và sai sót. Cùng tìm hiểu những ví dụ cụ thể sau đây.

Một số sai sót thường thấy trên báo cáo tài chính

Áp dụng sai các nguyên tắc kế toán

Đây là sai sót khá phổ biến của kế toán còn thiếu kinh nghiệm công việc. Không cập nhật các chuẩn mực và thông tư kế toán mới => áp dụng sai phương pháp tính giá hàng tồn kho từ nhập trước xuất sau sang nhập nhau xuất trước. Hay ghi nhận giá trị tài sản theo giá gốc thay vì giá thị trường. Với kế toán thiếu sự chủ động, cập nhật tin tức thì lỗi này thường thấy.

Ước tính kế toán và ghi nhận chưa hợp lý cho chi phí nợ xấu

Với những kế toán có tính cẩn thận, mỗi kỳ kế toán thường lập dự phòng cho những khoản thu không có khả năng đòi. Thận trọng, theo sát tình hình thực tế tài chính DN là những yêu cầu với kế toán. Vì vậy, nếu kế toán không nắm được nguyên tắc này thì sai sót trong BCTC là dễ hiểu.

Phân loại nhầm chi phí

Đây cũng là sai sót thường thấy ở kế toán. Ví dụ, chi phí quảng cáo ghi nhận vào chi phí khấu hao. Vì 2 TK này có số hiệu gần giống nhau, kế toán rất dễ nhầm lẫn, ghi sai.

Những gian lận phổ biến trên báo cáo tài chính 

Che dấu công nợ và chi phí

Không ghi nhận công nợ và chi phí lên BCTC, vốn hóa chi phí không đủ điều kiện vốn hóa.

Ghi nhận doanh thu không có thật

  • Tạo khách hàng giả thông qua lập chứng từ giả mạo nhưng hàng hóa không được giao, hoặc đẩy hàng cho nhà phân phối và đầu niên độ sau sẽ lập bút toán hàng bán bị trả lại.
  • Ký hợp đồng với một số công ty quen biết nhằm tăng doanh số tạm thời, tạo nhu cầu và giá bán ảo cho hàng hóa của công ty.

Định giá sai tài sản

  • Không ghi giảm giá trị hàng tồn kho khi hàng đã hư hỏng, không còn sử dụng được hay không lập đầy đủ dự phòng giảm giá hàng tồn kho, nợ phải thu khó đòi, các khoản đầu tư ngắn, dài hạn.
  • Định giá sai các tài sản mua qua hợp nhất kinh doanh.

Ghi nhận sai niên độ

Doanh thu và chi phí không được ghi vào đúng kỳ mà nó phát sinh

Không công bố thông tin đầy đủ

  • Không công bố đầy đủ các thông tin nhằm hạn chế khả năng phân tích của người sử dụng BCTC.
  • Các thông tin thường không đựợc khai báo đầy đủ trong thuyết minh như: nợ tiềm tàng, các hợp đồng ủy thác, thông tin về bên có liên quan, những thay đổi về chính sách kế toán…

Không ghi nhận công nợ và chi phí, đặc biệt là không trích lập dự phòng đầy đủ

Vốn hóa chi phí

Không ghi nhận hàng bán trả lại, không trích trước chi phí dự phòng

5 dấu hiệu nhận biết gian lận trên báo cáo tài chính  

  • Doanh nghiệp có cơ cấu sở hữu phức tạp, sở hữu chéo, thành lập nhiều SPV (là những công ty con được thành lập để thực hiện một nhiệm vụ nào đó).
  • Lợi nhuận vượt trội trong lĩnh vực hoạt động thông thường, không đặc sắc (Dược Viễn Đông)
  • Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh liên tục âm, được bù đắp bằng dòng tiền từ hoạt động tài chính (tăng vốn)
  • Lợi nhuận cao bất thường trước các đợt tăng vốn, lợi nhuận không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà đến từ việc bán tài sản, thông qua các hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng ủy thác, giao dịch với các bên liên quan
  • Hay thay đổi người đại diện theo pháp luật, Kế toán trưởng.

Trách nhiệm của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán liên quan đến gian lận

Trách nhiệm của BGĐ/BQT đơn vị được kiểm toán

BGĐ đơn vị có trách nhiệm ngăn ngừa, giảm bớt các cơ hội thực hiện hành vi gian lận, cam kết tạo ra văn hóa trung thực và hành vi có đạo đức trong đơn vị. BQT có trách nhiệm giám sát các hoạt động của BGĐ và phải xem xét khả năng xảy ra hành vi khống chế kiểm soát, hoặc hành động gây ảnh hưởng không thích hợp đến quy trình lập và trình bày BCTC. Ví dụ, việc BGĐ cố gắng điều chỉnh kết quả kinh doanh để các nhà phân tích không hiểu đúng về hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời của đơn vị được kiểm toán. Khi thực hiện kiểm toán, KTV cần xét trên phương diện tổng thể BCTC có còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn hay không. Do những hạn chế vốn có của kiểm toán nên có rủi ro khó tránh khỏi, kể cả khi cuộc kiểm toán đã được lập kế hoạch, và thực hiện theo quy định của chuẩn mực kiểm toán (CMKiT), thì KTV vẫn có thể không phát hiện được một số sai sót trọng yếu đến BCTC, đặc biệt là sai sót do gian lận. Rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận cao hơn rủi ro có sai sót trọng yếu do nhầm lẫn, vì gian lận có thể thực hiện một cách tinh vi, được tổ chức chặt chẽ, có hành động che dấu, có sự thông đồng của nhiều người, nhiều cấp.

Các yêu cầu đối với kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán

– Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận:

KTV phải xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận ở cấp độ BCTC, và ở cấp độ cơ sở dữ liệu của các nhóm giao dịch, số dư tài khoản và thông tin thuyết minh, đồng thời phải luôn giả định rằng có rủi ro gian lận trong việc ghi nhận doanh thu, để đánh giá xem loại doanh thu nào, giao dịch nào dẫn đến các rủi ro đó.

– Biện pháp xử lý đối với rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận đã được đánh giá ở cấp độ BCTC, bao gồm:

  • Nâng cao thái độ hoài nghi nghề nghiệp, phân công và giám sát nhân sự dựa trên kiến thức, kỹ năng và năng lực của các cá nhân sẽ được giao trách nhiệm chính trong cuộc kiểm toán.
  • Đánh giá việc lựa chọn và áp dụng các chính sách kế toán của đơn vị, đặc biệt là chính sách liên quan đến ước tính và xét đoán chủ quan và các giao dịch phức tạp, có dấu hiệu gian lận trong việc lập BCTC.
  • Thay đổi hoặc bổ sung một số yếu tố không thể dự đoán trước được khi lựa chọn nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán.
  • Thủ tục kiểm toán – áp dụng đối với các rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận ở cấp độ cơ sở, dẫn liệu đã được đánh giá: Gồm thiết kế, thực hiện các thủ tục kiểm toán tiếp theo có nội dung, lịch trình và phạm vi tương ứng với kết quả đánh giá rủi ro.

Kiểm toán viên phải luôn coi rủi ro BGĐ khống chế kiểm soát là loại rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận, và là rủi ro đáng kể và thực hiện các thủ tục kiểm toán để:

  • Kiểm tra tính thích hợp của các bút toán ghi sổ và các điều chỉnh khác trong khi lập BCTC.
  • Soát xét các ước tính kế toán để xem có sự thiên lệch hay không, và đánh giá xem các tình huống phát sinh sự thiên lệch (nếu có), có thể hiện rủi ro sai sót trọng yếu do gian lận hay không.
  • Đánh giá lý do kinh tế đối với các nghiệp vụ quan trọng phát sinh ngoài quá trình kinh doanh bình thường của đơn vị. Hoặc KTV xét đoán thấy có biểu hiện bất thường, các thủ tục khác (nếu cần).

– Đánh giá bằng chứng kiểm toán:

  • KTV phải đánh giá các thủ tục phân tích thực hiện ở giai đoạn cuối của cuộc kiểm toán, để xem có dấu hiệu cho thấy có rủi ro về sai sót trọng yếu do gian lận mà chưa được phát hiện trước đó hay không.
  • KTV phải đánh giá sai sót đã xác định (nếu có) có phải là biểu hiện của gian lận hay không và đánh giá tác động của sai sót đó đối với các khía cạnh khác của cuộc kiểm toán, đặc biệt là tính tin cậy của các giải trình của BGĐ. KTV phải luôn lưu ý rằng gian lận thường không phải là cá biệt.
  • Nếu xác định được một sai sót mà KTV tin rằng sai sót đó liên quan đến gian lận và có sự tham gia của BGĐ (đặc biệt là lãnh đạo cấp cao), thì KTV phải xem xét lại đánh giá của mình về rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận và ảnh hưởng của sai sót đó tới nội dung, lịch trình, phạm vi các thủ tục kiểm toán, độ tin cậy của các bằng chứng đã thu thập được trước đó….

Khi kiểm toán viên khẳng định BCTC có sai sót trọng yếu, hoạc không thể kết luận được BCTC có sai sót trọng yếu do gian lận hay không, thì KTV phải đánh giá các tác động đối với cuộc kiểm toán theo quy định của CMKiT số 450 và số 700. Toàn bộ những kiến thức về kiểm toán đều có trong sách kiểm toán và dịch vụ đảm bảo nâng cao

Từ khóa » Ví Dụ Gian Lận Hàng Tồn Kho