Những Hiểu Biết Cơ Bản Về Hội Chứng Suy Giáp - Benh Vien 108

09:09 AM 24/02/2022 Suy giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất không đủ một số hormon. Nồng độ hormon tuyến giáp thấp có thể gây ra một loạt các dấu hiệu và triệu chứng. Nếu không nhận biết sớm và điều trị, suy giáp có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng.

Thế nào là suy giáp?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết hình bướm, nằm ở vùng cổ trước. Nhiệm vụ của tuyến giáp là sản xuất các hormone tuyến giáp, được tiết vào máu và sau đó được vận chuyển đến các mô trong cơ thể. Hormone tuyến giáp giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm và giúp cho não, tim, cơ và các cơ quan khác hoạt động bình thường.

Khi nồng độ hormone tuyến giáp quá thấp, các tế bào của cơ thể không thể nhận đủ hormone tuyến giáp và các quá trình chuyển hóa của cơ thể trở nên chậm lại. Khi cơ thể hoạt động chậm, bạn có thể nhận thấy mình lạnh hơn, dễ mệt mỏi hơn, da khô hơn, giảm trí nhớ, trầm cảm và bắt đầu bị táo bón. Bởi các triệu chứng thường thay đổi và không đặc hiệu, cách duy nhất để biết chắc chắn liệu bạn có bị suy giáp hay không là xét nghiệm máu định lượng TSH.

Lưu ý bệnh tuyến giáp có tính chất gia đình, bạn nên giải thích tình trạng suy giáp của mình với người thân và khuyến khích họ đi xét nghiệm TSH định kỳ.

Nguyên nhân gây hội chứng suy giáp

Có nhiều nguyên nhân khiến các tế bào trong tuyến giáp không thể sản xuất đủ hormone tuyến giáp. Dưới đây là những nguyên nhân hay gặp:

- Bệnh tự miễn: Trong cơ thể của một số người, hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng xâm nhập có thể nhầm các tế bào tuyến giáp và các enzym của chúng với những tác nhân có hại và tấn công chúng. Khi đó, không còn đủ tế bào tuyến giáp và các enzym để tạo ra đủ hormone tuyến giáp. Điều này hay gặp ở phụ nữ hơn nam giới. Viêm tuyến giáp tự miễn có thể khởi phát đột ngột hoặc có thể phát triển chậm trong nhiều năm, hay gặp là viêm tuyến giáp Hashimoto và viêm tuyến giáp xơ teo.

- Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp ở bệnh nhân có nhân tuyến giáp, ung thư tuyến giáp, bệnh Basedow: Nếu cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, chắc chắn sẽ bị suy giáp; nếu chỉ cắt bỏ một phần, phần còn lại có thể sản xuất ra đủ hormone tuyến giáp để giữ cho nồng độ hormone trong máu ở mức bình thường.

- Điều trị bức xạ: Những bệnh nhân mắc bệnh Basedow, bướu nhân độc được điều trị bằng iốt phóng xạ (I-131), ung thư đầu - cổ được điều trị xạ trị. Tất cả những bệnh nhân này có thể mất một phần hoặc toàn bộ chức năng của tuyến giáp.

- Suy giáp bẩm sinh: Một số trẻ sinh ra không có tuyến giáp hoặc chỉ được hình thành một phần tuyến giáp, một số có một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp bị lạc chỗ hoặc ở một số trẻ sơ sinh các tế bào tuyến giáp hoặc các enzym của chúng hoạt động không bình thường.

- Viêm tuyến giáp: Viêm tuyến giáp có thể do tự miễn dịch hoặc do nhiễm virus. Viêm tuyến giáp có thể làm cho tuyến giáp giải phóng toàn bộ hormone tuyến giáp dự trữ vào máu cùng một lúc, gây ra tình trạng cường giáp trong thời gian ngắn (tuyến giáp hoạt động quá nhiều); sau đó tuyến giáp trở nên hoạt động kém và gây nên suy giáp.

- Sử dụng thuốc ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp: amiodarone, lithium, interferon alpha và interleukin-2 có thể cản trở hoạt động của tuyến giáp dẫn đến suy giáp.

- Quá nhiều hoặc quá ít i-ốt: Tuyến giáp cần có i-ốt để sản xuất hormone tuyến giáp, I-ốt đi vào cơ thể trong thức ăn và hấp thu máu đến tuyến giáp. Cần có lượng i-ốt thích hợp để giữ cho việc sản xuất hormone tuyến giáp ở mức cân bằng. Khi hấp thụ quá nhiều i-ốt có thể gây ra hoặc làm tình trạng suy giáp nặng thêm.

- Tổn thương tuyến yên: Tuyến yên kích thích tuyến giáp bài tiết hormone tuyến giáp, khi tuyến yên bị tổn thương do khối u, bức xạ hoặc phẫu thuật, tuyến giáp có thể giảm hoặc ngừng sản xuất hormone.

- Các rối loạn hiếm gặp xâm nhập vào tuyến giáp: Bệnh amyloidosis có thể lắng đọng protein amyloid, bệnh sarcoidosis có thể lắng đọng u hạt, bệnh huyết sắc tố có thể lắng đọng sắt ở tuyến giáp... làm suy giảm khả năng hoạt động của tuyến giáp.

Cách nhận biết người bệnh bị suy giáp

- Triệu chứng lâm sàng: Suy giáp không có bất kỳ triệu chứng đặc hiệu nào, các triệu chứng hay gặp như: Mệt mỏi, giảm trí nhớ, sợ lạnh, da khô, tóc khô dễ rụng, nhịp tim chậm, táo bón...

- Tiền sử phẫu thuật tuyến giáp hoặc xạ trị vùng cổ, đang dùng thuốc có thể gây suy giáp như amiodarone, lithium, interferon alpha, interleukin-2 hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh lý tuyến giáp.

- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm TSH tăng, FT4 giảm là dấu hiệu giúp chẩn đoán xác định suy giáp.

Phương pháp điều trị suy giáp

Suy giáp không thể chữa khỏi, tuy nhiên hầu hết người bệnh hoàn toàn có thể được kiểm soát bằng cách thay thế lượng hormone mà tuyến giáp của bạn sản xuất không đủ để đưa mức T4 và TSH của bạn trở lại mức bình thường.

Thuốc thyroxine tổng hợp (Levothyrox, Berlthyrox, Levosum, Disthyrox, Tamidan...) chứa hormone giống với hormon T4 mà tuyến giáp của bạn tạo ra. Tất cả bệnh nhân suy giáp trừ những người bị phù niêm nặng (suy giáp nguy hiểm đến tính mạng) có thể được điều trị ngoại trú mà không phải nhập viện. Đối với một số bệnh nhân khi dùng thyroxine (T4) mà không cải thiện hết các triệu chứng lâm sàng, việc bổ sung thuốc liothyronin (T3), thuốc thường dùng Cytomel® có thể có lợi.

Khi sử dụng hormon tuyến giáp bạn cần phải theo dõi để điều chỉnh liều lượng hormone tuyến giáp phù hợp, tránh tình trạng sử dụng liều quá cao dẫn tới cường giáp hoặc chưa đủ liều hormone. Sau khi thay đổi liều lượng thyroxine, bạn cần kiểm tra lại nồng độ TSH sau 6 - 8 tuần. Khi bạn đang mang thai hoặc đang dùng thuốc cản trở khả năng sử dụng thyroxine của cơ thể, bạn cần xét nghiệm hormone thường xuyên hơn.

Trẻ bị suy giáp phải duy trì thuốc hormone tuyến giáp hàng ngày và kiểm tra nồng độ TSH trong quá trình phát triển để ngăn ngừa việc chậm phát triển trí tuệ và còi cọc. Khi liều lượng thyroxine đã ổn định, bạn có thể xét nghiệm TSH định kỳ một năm một lần. Mục tiêu của điều trị là duy trì nồng độ TSH của bạn ở mức bình thường.

Không có phương pháp chữa khỏi suy giáp và hầu hết người bệnh sẽ bị suy giáp suốt đời. Tuy nhiên, có những trường hợp ngoại lệ như viêm tuyến giáp do virus, viêm tuyến giáp sau khi mang thai và chức năng tuyến giáp của họ trở về bình thường. Nếu bạn uống thuốc đều, khám bác sĩ định kỳ và duy trì đúng liều lượng thyroxine phù hợp, tình trạng suy giáp có thể được kiểm soát tốt. Các triệu chứng suy giáp sẽ hết và những ảnh hưởng nghiêm trọng của suy giáp sẽ được cải thiện. Nếu bạn kiểm soát tốt tình trạng suy giáp của mình, tuổi thọ của bạn cũng không bị ảnh hưởng.

* Khi nào bạn cần đi kiểm tra sớm hơn:

- Các triệu chứng suy giáp xuất hiện trở lại hoặc nặng hơn.

- Bạn tăng hoặc giảm cân nhiều

- Bạn bắt đầu sử dụng, thay đổi liều lượng hoặc ngừng dùng một loại thuốc làm giảm hấp thu thyroxine (chẳng hạn như một số loại thuốc kháng axit, thuốc bổ sung canxi và viên sắt); Thuốc có chứa estrogen (thuốc tránh thai) cũng ảnh hưởng đến liều lượng thyroxine.

- Bạn bắt đầu sử dụng hoặc ngừng dùng một số loại thuốc để kiểm soát cơn co giật (động kinh) như phenytoin hoặc tegretol, vì những loại thuốc này làm tăng tốc độ chuyển hóa thyroxine và liều lượng thyroxine của bạn có thể cần được điều chỉnh.

- Bạn uống thuốc không thường xuyên.

Trên đây là những thông tin cơ bản về hội chứng suy giáp, để được tư vấn trực tiếp, bạn có thể đến khám và theo dõi tại Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện TWQĐ 108 hoặc các bác sĩ chuyên khoa nội tiết.

Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện TWQĐ 108

Từ khóa » Chẩn đoán Suy Giáp