Suy Giáp: Triệu Chứng, Nguyên Nhân Và Cách điều Trị

Nội dung bài viết

  • Suy giáp là gì?
  • Triệu chứng của suy giáp là gì?
  • Nguyên nhân của suy giáp là gì?
  • Chẩn đoán bệnh suy tuyến giáp
  • Điều trị bệnh suy giáp

Suy giáp (nhược giáp) là tình trạng tuyến giáp không sản sinh đủ hormone giáp cho cơ thể. Bệnh có thể không gây ra các triệu chứng rõ rệt trong giai đoạn đầu. Theo thời gian, suy giáp không được điều trị có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe như béo phì, đau nhức khớp, vô sinh và bệnh tim. Bài viết này cung cấp cho các bạn những thông tin cơ bản về “suy giáp”.

Suy giáp là gì?

Tuyến giáp là một tuyến hình con bướm, nằm ở giữa cổ. Tuyến giáp sản xuất ra hai loại hormone triiodothyronine (T3) và thyroxine (T4), giúp cơ thể sử dụng và dự trữ năng lượng. Chức năng tuyến giáp được kiểm soát một phần ở hạ đồi (một vùng trên não) và tuyến yên.

Tuyến giáp của bạn chịu trách nhiệm cung cấp năng lượng cho gần như mọi cơ quan trong cơ thể. Nó kiểm soát các chức năng như tim mạch và hệ tiêu hóa. Nếu không có đủ lượng hormone tuyến giáp, các chức năng tự nhiên của cơ thể bạn bắt đầu chậm lại.

Suy giáp thường ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới. Bệnh thường gặp ở những người những người trên 60 tuổi, tuy nhiên cũng có thể gặp ở bất kì lứa tuổi nào. Có thể phát hiện được suy giáp thông qua xét nghiệm máu và những triệu chứng bệnh.

Vị trí của tuyến giáp
Hình ảnh mô phỏng vị trí của tuyến giáp

Nếu gần đây, bạn được chẩn đoán mắc căn bệnh này, thì điều quan trọng bạn cần phải biết rằng việc điều trị suy giáp khá đơn giản, an toàn và hiệu quả. Hầu hết các phương pháp điều trị đều dựa vào bổ sung lượng hormone giáp bị thiếu. Những hormone giáp nhân tạo sẽ giúp thay thế cho lượng hormone giáp mà cơ thể tự sản xuất không đủ và đồng thời đưa các chức năng của cơ thể bạn trở lại bình thường.

Triệu chứng của suy giáp là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng suy giáp rất khác nhau ở mỗi người, không phải ai cũng giống nhau. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà những dấu hiệu và triệu chứng khi nào sẽ xuất hiện và xuất hiện như thế nào. Các triệu chứng đôi khi cũng khó xác định.

Các triệu chứng ban đầu có thể bao gồm tăng cân và cảm giác mệt mỏi. Hai triệu chứng này phổ biến ở rất nhiều người, kể cả không có những vấn đề về tuyến giáp. Do đó, có thể bạn không nhận thấy rằng những thay đổi này do suy giáp gây ra, cho đến khi các triệu chứng khác xuất hiện.

Đối với hầu mết mọi người, cá triệu chứng của tình trạng suy giáp sẽ tiến triển dần trong nhiều năm. Khi tuyến giáp càng suy thì các triệu chứng càng trở nên rõ ràng hơn và dễ xác định hơn. Nếu bạn nghi ngờ mình bị suy giáp, thì điều quan trọng chính là đến gặp bác sĩ để được khám và cho chỉ định làm các xét nghiệm phù hợp.

1. Dấu hiệu chung

Các triệu chứng chung có thể bao gồm mệt mỏi, uể oải, tăng cân nhẹ và cảm giác sợ lạnh, mất tập trung, hay quên, trầm cảm, chậm chạp.

2. Da

Suy giáp có thể làm giảm tiết mồ hôi. Da có thể trở nên khô và dày. Tóc có thể trở nên thô hoặc mỏng, lông mày có thể biến mất và móng tay có thể trở nên giòn.

3. Mắt

Suy giáp có thể dẫn đến sưng nhẹ vùng quanh mắt. Những người bị suy giáp sau khi điều trị cường giáp có thể còn mốt số triệu chứng do bệnh cường giáp gây ra như lồi mắc, chuyển động mắt kém.

4. Tim mạch

Suy giáp làm chậm nhịp tim và giảm chức năng co bóp của tim. Đặc biệt, triệu chứng này càng nghiêm trọng hơn ở những người sẵn có các bệnh lý về tim mạch. Ngoài ra, suy giáp có thể gấy tăng huyết áp nhẹ và tăng cholesterol trong máu

5. Hệ hô hấp

Suy giáp làm suy yếu cơ hô hấp và giảm chức năng phổi. Các triệu chứng có thể bao gồm mệt mỏi, khó thở khi tập thể dục và giảm khả năng tập thể dục. Suy giáp cũng có thể dẫn đến lưỡi to, giọng khàn và ngưng thở khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ là tình trạng tắc nghẽn đường thở trong khi ngủ, gây suy giảm chất lượng giấc ngủ và buồn ngủ ban ngày.

6. Hệ tiêu hóa

Suy giáp làm chậm các hoạt động của đường tiêu hóa, gây táo bón.

7. Hệ thống sinh sản

Phụ nữ bị suy giáp thường có kinh nguyệt không đều. Rối loạn kinh nguyệt có thể gây khó khăn khi mang thai và những phụ nữ mang thai bị suy giáp có nguy cơ bị sẩy thai trong những tháng đầu thai kì. Điều trị suy giáp có thể giúp giảm nguy cơ.

8. Hôn mê

Một số trường hợp suy giáp nặng có thể dẫn đến mất ý thức, hạ thân nhiệt (nhiệt độ cơ thể thấp).

Nguyên nhân của suy giáp là gì?

Có rất nhiều nguyên do tại sao các tế bào tuyến giáp lại không thể tạo ra đủ hormone giáp. Dưới đây là những nguyên nhân chính, từ phổ biến nhất đến ít phổ biến nhất.

1. Bệnh tự miễn

Hệ thống miễn dịch giúp chúng ta chống lại các tác nhân lạ ngoài cơ thể như vi trùng, virus … Tuy nhiên, ở một số người hệ thống miễn dịch lại nhầm lẫn các tế bào tuyến giáp là tác nhân lạ. Do đó chúng tấn công các tế bào tuyến giáp, làm cho các tế bào không sản sinh ra đủ lượng hormone cần thiết. Điều này phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Viêm giáp tự miễn có thể xảy ra đột ngột hoặc có thể diễn tiến chậm trong nhiều năm. Các dạng phổ biến nhất là viêm giáp Hashimoto và viêm giáp teo.

2. Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp

Một số người bị u tuyến giáp, ung thư tuyến giáp hoặc bệnh Grave, cần phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. Nếu một người bị cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp, chắc chắn người đó sẽ bị suy giáp. Nếu một phần của tuyến giáp còn lại không thể tạo ra đủ hormone tuyến giáp, thì người đó có thể bị suy giáp.

3. Điều trị bằng Iod phóng xạ

Một số người mắc bệnh Grave, bướu cổ hoặc ung thư tuyến giáp được điều trị bằng Iod phóng xạ (I-131) với mục đích phá hủy những tế bào giáp. Bệnh nhân mắc bệnh Hodgkin, bệnh ung thư hạch hoặc ung thư vùng đầu cổ được điều trị bằng phóng xạ. Tất cả những bệnh nhân này có thể mất một phần hoặc toàn bộ chức năng tuyến giáp.

4. Suy giáp bẩm sinh (những trẻ sinh ra đã bị suy giáp)

Một vài trẻ sinh đã không có tuyến giáp hoặc chỉ một phần tuyến giáp được hình thành. Một vài trẻ khác, tế bào tuyến giáp lại hoạt động không hiệu quả.

Bệnh suy giáp rất có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Bệnh rất có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

5. Viêm giáp

Viêm giáp thường do tự miễn (hệ thống miễn dịch trong cơ thể tấn công) hoặc do virus. Viêm giáp có thể làm cho nhiều hormone giáp được phóng thích ra cùng một lúc, gây ra cường giáp trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, sau đó tuyến giáp lại trở nên kém hoạt động, dẫn đến suy giáp.

6. Thuốc

Các loại thuốc như amiodarone, lithium, interferon alpha và interleukin-2 có thể ngăn cản tuyến giáp sản sinh ra hormone. Những loại thuốc này có khả năng kích hoạt bệnh suy giáp ở những bệnh nhân có xu hướng di truyền bệnh tuyến giáp tự miễn.

7. Quá nhiều hoặc quá ít Iod

Tuyến giáp cần iod để tạo ra hormone giáp. Iod đi vào trong cơ thể qua thức ăn và đi theo dòng máu đến tuyến giáp. Cần một lượng iod thích hợp để giúp cân bằng sản xuất hormone giáp. Sử dụng quá nhiều hoặc quá ít có thể gây ra hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng suy giáp.

8. Tổn thương ở tuyến yên

Khi tuyến yên bị tổn thương do u, phóng xạ hoặc phẫu thuật, nó không còn có thể đưa ra những “chỉ dẫn” đến tuyến giáp. Do đó, tuyến giáp không còn sản xuất đủ hormone giáp.

Chẩn đoán bệnh suy tuyến giáp

Có hai công cụ cần thiết để bác sĩ chẩn đoán xem bạn có bị suy giám hay không.

Hỏi bệnh và thăm khám

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh và thăm khám kĩ lưỡng các dấu hiệu của bệnh suy giáp, bao gồm:

  • Da khô.
  • Phản xạ chậm.
  • Phù.
  • Nhịp tim chậm.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ cần bạn nói rất kì triệu chứng khác mà bạn gặp phải như mệt mỏi, buồn phiền, táo bón hoặc cảm giác sợ lạnh. Đồng thời bạn cũng cần cung cấp cho bác sĩ các thông tin sau:

  • Bạn có bao giờ phẫu thuật tuyến giáp.
  • Có bao giờ bạn xạ trị vùng đầu cổ để trị ung thư chưa.
  • Bạn có sử dụng những thuốc có khả năng gây ra suy giáp hay không.
  • Bất kì thành viên nào trong gia đình mắc các bệnh lý về tuyến giáp…

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu là các duy nhất giúp xác định chẩn đoán suy giáp.

Xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp (TSH) giúp đo lường mức độ TSH do tuyến yên sản xuất.

  • Nếu tuyến giáp của bạn sản xuất không đủ hormone thì tuyến yên sẽ tăng TSH để kích thích tuyến giáp sản xuất hormone giáp. Khi bị suy giáp, nồng độ TSH của bạn cao vì cơ thể bạn đang cố gắng kích thích hoạt động của tuyến giáp.
  • Nếu bạn bị cường giáp, nồng độ TSH của bạn thấp vì cơ thể đang cố gắng ngăn chặn việc sản xuất hormone giáp quá mức.

Xét nghiệm thyroxine (T4) cũng góp phần trong chẩn đoán suy giáp. T4 là một hormone do tuyến giáp trực tiếp sản xuất. Khi thực hiện cả 2 xét nghiệm TSH và T4 giúp đánh giá chức năng tuyến giáp.

Thông thường, nếu bạn có mức T4 thấp cùng với TSH cao, khả năng cao bạn bị suy giáp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vẫn cần có những xét nghiệm khác để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

suy giáp
Người bệnh cần sớm được chẩn đoán và điều trị kịp thời

Điều trị bệnh suy giáp

Suy giáp được điều trị bằng cách sử dụng hormone thay thế mà tuyến giáp không còn có thể tạo ra. Bạn sẽ dùng một loại thuốc nội tiết tố tuyến giáp giống hệt với hormone mà tuyến giáp thường tạo ra. Thường thì bạn nên dùng vào buổi sáng trước khi ăn.

Khi bắt đầu điều trị, bạn thường sẽ được xét nghiệm máu khoảng 6-8 tuần sau lần đầu tiên và chỉnh liều nếu cần. mỗi lần chỉnh liều, bạn sẽ cần mốt số xét nghiệm máu khác. Sau khi đạt được liều điều trị mong muốn, có thể bạn sẽ lặp lại xét nghiệm máu mỗi 6 tháng và sau đó mỗi năm một lần.

Suy giáp có thể được kiểm soát hoàn toàn bằng thuốc, miễn là bạn tuân thủ điều trị. Không bao giờ tự ý ngừng sử dụng thuốc nếu không có sự yêu cầu của bác sĩ.

Suy giáp là một bệnh thường gặp. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của bạn. Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn có một trong những dấu hiệu trên. Mọi thông tin đều mang tính chất tham khảo.

Từ khóa » Chẩn đoán Suy Giáp