Niềm đam Mê đi Tìm Vẻ đẹp Những âm Thanh - Lưu Hồng Quang
Có thể bạn quan tâm
Niềm đam mê đi tìm vẻ đẹp những âm thanh của nghệ sĩ Lưu Hồng Quang
Khi ánh nắng mùa xuân ấm áp tràn về bên cửa, khi sức sống của thiên nhiên trỗi dậy trên những chồi xanh cũng là lúc ở đất nước Úc xa xôi, trái tim nghệ sĩ trẻ Lưu Hồng Quang như được tiếp thêm sức mạnh để tiếng đàn được cất lên với một năng lượng và niềm hứng khởi mới. Với chàng nghệ sĩ trẻ, tình yêu anh dành cho âm nhạc như suối nguồn chưa bao giờ vơi cạn. Khám phá thế giới âm nhạc là niềm hạnh phúc, sự tự hào và cả trách nhiệm mà cá nhân anh luôn ý thức để góp một phần sức lực của mình đưa âm nhạc cổ điển đến gần gũi hơn với công chúng.
Nhà soạn nhạc L.V. Beethoven đã từng nói: “Âm nhạc là sự giác ngộ cao hơn cả triết học và tri thức”. Âm nhạc không những là sứ giả của cái đẹp, âm nhạc còn là kho báu lưu giữ tri thức của những khối óc vĩ đại. Những tác phẩm âm nhạc không những ghi dấu ấn tư tưởng nghệ thuật mà nó còn lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội của thời đại. Để hoàn thiện một tác phẩm âm nhạc phải mất cả năm, có khi cả nhiều năm trời để những cảm xúc được chắt lọc qua những trải nghiệm thăng trầm, thậm chí là những thử thách của thời cuộc. Trong sắc thái lung linh và sâu lắng của âm nhạc, tâm hồn con người được lĩnh hội và thấm đẫm những giá trị nhân văn để trở nên trong sáng và nhạy cảm hơn. Nhãn quan về thẩm mỹ vì thế sẽ được nâng lên một chuẩn mực mới. Những nốt nhạc chứa đựng trong nó cảm xúc chân thành chính là ngọn lửa sưởi ấm trái tim con người.
“Âm nhạc là sự giác ngộ cao hơn cả triết học và tri thức”
Thế nhưng, để tiếng đàn vang lên truyền tải được hết những tâm tư, cảm xúc của tác giả với công chúng lại là một quá trình đào sâu, tìm tòi và khổ công luyện tập của người nghệ sĩ. Âm nhạc là hình thức thể hiện tâm tư, tình cảm sâu kín nhất của con người. Mỗi bản nhạc sẽ tái hiện một thông điệp khác nhau mà người nghệ sĩ muốn hiểu tường tận và cặn kẽ sẽ phải tìm về tận gốc những khởi nguồn cảm hứng của tác giả khi viết lên tác phẩm đó. Đôi khi tác phẩm cần được soi chiếu trong cái nhìn tổng thể về cuộc đời tác giả, hoàn cảnh sáng tác, bối cảnh chung của thời cuộc mới thấy hết được những ẩn ý và nội dung sâu kín đằng sau những nốt nhạc. Chỉ có đi sâu tìm hiểu, tiếng đàn khi cất lên mới thực sự là những âm thanh chất chứa nỗi niềm cảm xúc của người đã thai nghén nên tác phẩm ấy. Để đạt được hình thái thể hiện sâu sắc đó không chỉ cần thời gian và công sức tập luyện cơ học trên cây đàn. Nó còn là những giờ lăn lộn tìm hiểu cái gốc gác của tác phẩm qua những tư liệu quý giá, để từ đó người nghệ sĩ tự xây lại cho mình những trải nghiệm cảm xúc chân thật và chính xác nhất về bản nhạc. Có thể nói, để cho ra đời những tác phẩm giá trị, đôi khi tác giả phải đánh đổi bằng chính những bão tố trong cuộc đời của mình. Vì vậy, tìm hiểu sâu sắc về những tác phẩm vừa là trách nhiệm vừa là niềm vinh dự của những người nghệ sĩ. Đó là một hành trình giải mã gian truân nhưng đầy hạnh phúc.
Âm nhạc thể hiện những tâm tư sâu kín của con người
Robert Alexander Schumann, nhà soạn nhạc và phê bình âm nhạc nổi tiếng của Đức, một trong những nhà soạn nhạc lãng mạn lừng danh nhất thế kỷ 19 đã từng nói: “Đem ánh sáng vào bóng tối của trái tim con người, đó là nghĩa vụ của người nghệ sĩ”. Với Lưu Hồng Quang, cuộc hành trình đi tìm vẻ đẹp những âm thanh để mang ánh sáng âm nhạc đến với công chúng không chỉ là nghĩa vụ mà còn là niềm khao khát và đam mê cháy bỏng. Cuộc hành trình ấy không phải khi nào cũng trải hoa hồng mà ở phía sau những thành công của anh là cả sự nỗ lực thầm lặng để chinh phục những thử thách. Đó làm một cuộc hành trình dài cả về địa lý khi con đường học tập của anh trải qua những châu lục khác nhau. Đó còn là hành trình của sự chuyển biến trong tâm hồn khi khám phá vẻ đẹp của âm nhạc cổ điển, cái tôi trong anh giác ngộ sâu sắc, để tự đối thoại với bản thân mình và vượt qua giới hạn mỗi ngày. Dành tình yêu cho âm nhạc cũng đồng nghĩa với sự hi sinh những nhu cầu vật chất đời thường để Lưu Hồng Quang thiêu đốt mình cho nghệ thuật, để mỗi nốt nhạc vang lên hòa trong giọt mồ hôi thánh thót chất chứa những cảm xúc, nỗi lòng và tâm huyết của người nghệ sĩ.
Khán giả hẳn còn nhớ chương trình hòa nhạc “Ode to Joy” nghệ sĩ Lưu Hồng Quang đã cùng nghệ sĩ Lưu Đức Anh song tấu bản giao hưởng số 9 của nhà soạn nhạc L.V. Beethoven đầu năm 2020 tại Hà Nội. Nhà soạn nhạc vĩ đại, người truyền cảm hứng sống tuyệt vời viết tác phẩm này khi đôi tai của ông đã hoàn toàn bị điếc. Cuộc sống của ông bị bủa vây bởi sự đau khổ, nghèo đói, cô đơn và bệnh tật, tất cả những gì bất hạnh nhất đối với một con người. Nhưng vượt lên tất cả những thử thách nghiệt ngã đó, những giai điệu bất hủ của bản giao hưởng số 9 vẫn vút cao như một sự khẳng định của tinh thần chiến thắng bất diệt. Từ trong u tối, ghê sợ của bóng đêm, giai điệu được dẫn dắt uyển chuyển sang sắc thái mạnh mẽ và dữ dội với những nốt nhạc bùng nổ năng lượng của một cuộc chiến vũ trụ khủng khiếp. Để rồi khi cơn bão đi qua, chiến thắng khải hoàn được xướng lên trong sự vui sướng tột cùng với những giai điệu ngập tràn hạnh phúc. Khán giả đã được đắm mình và tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của thế giới âm thanh kì vĩ trong bản giao hưởng vĩ đại. Cuộc hành trình chuẩn bị nhiều năm trời của hai nghệ sĩ Lưu Hồng Quang và Lưu Đức Anh đã kết lại thật đẹp đẽ với buổi hòa nhạc ý nghĩa kỷ niệm 250 năm ngày sinh của L.V. Beethoven này. Những kỹ thuật biểu diễn được nghiên cứu kỹ lưỡng và luyện tập nhuần nhuyễn. Khía cạnh nghệ thuật và nội dung của tác phẩm cũng được phân tích sâu để chạm được đến những cảm xúc thăng hoa nhất của con người. Màn trình diễn phi thường của hai nghệ sĩ đã để lại ấn tượng không thể quên trong một buổi trình diễn vỡ òa cảm xúc.
Âm nhạc thắp lên niềm tin chiến thắng
Điểm thường thấy trong những tác phẩm mà Lưu Hồng Quang lựa chọn biểu diễn là độ khó trong yêu cầu kỹ thuật trình diễn. Bản Sonata số 3 đầy năng lượng nhưng cũng trữ tình và sâu lắng của L.V. Beethoven là một tác phẩm điển hình như vậy. Tạo nên kết cấu của tác phẩm là tổ hợp phức tạp những kỹ thuật khó trong biểu diễn đàn piano như kỹ thuật chuyển âm đòi hỏi theo đó là kỹ thuật khó về cử động tay và xoay cánh tay, kỹ thuật chạy những hợp âm đảo với yêu cầu tốc độ cao và sự kiểm soát điêu luyện, kỹ thuật chạy đúp nốt với những nốt nhạc nhanh, mạnh và bùng nổ năng lượng, đặc biệt là việc sử dụng hợp âm và những đoạn chạy quãng tám ngắt quãng là một trong những kỹ thuật khó thường thấy trong những sáng tác của L.V. Beethoven. Lưu Hồng Quang luôn trình diễn những tác phẩm đầy thách thức kỹ thuật đó trong một tâm thế thư thái đến lạ kỳ. Chất thơ ấy như được toát ra từ vẻ đẹp bên trong tác phẩm hòa quyện với vẻ đẹp trong tâm hồn người nghệ sĩ đã nhẹ nhàng dẫn dắt và làm lay động trái tim người yêu nhạc.
Âm nhạc của Lưu Hồng Quang không phô trương mà rất giàu sự đồng cảm trong những giai điệu trữ tình. Nó đem đến cho con người một nguồn năng lượng tích cực và tư duy hướng thiện. Nó thấm đẫm sự ấm áp, chân tình mà ở đó ta có thể tìm thấy sự sẻ chia, gần gũi, và bằng một cách vô thức tâm hồn được dẫn dắt đến những tầng hiểu biết cao thượng và đẹp đẽ hơn. Mỗi âm thanh được cất lên từ đôi bàn tay người nghệ sĩ ấy lung linh, kỳ ảo. Nó soi rọi và sưởi ấm trái tim con người, để họ mạnh mẽ bước ra khỏi nơi tăm tối, đón nhận ánh sáng của niềm vui và hạnh phúc.
Sự đồng cảm trong âm nhạc sưởi ấm trái tim con người
Mỗi khi trên sân khấu, khán giả thường thấy một Lưu Hồng Quang rất khác. Anh thăng hoa hơn và dường như thoát mình khỏi thế giới hiện thực để hòa nhập tâm hồn vào thế giới kỳ diệu của âm thanh. Sự cộng hưởng giữa không gian hòa nhạc, sự dõi theo của hàng nghìn trái tim người yêu nhạc như thổi một nguồn năng lượng để tiếng đàn của anh vút cao, bay bổng diệu kỳ. Đối với anh, những phút giây thăng hoa với âm nhạc chính là những phút giây anh cảm thấy mình được hạnh phúc nhất.
Càng học hỏi, tìm tòi và đắm mình trong vẻ đẹp của thế giới âm nhạc, Lưu Hồng Quang lại càng đặt mình ở một vị trí khiêm nhường và bé nhỏ. Anh thường ví mình chỉ là một cây cầu đưa đưa khán giả đến với thế giới âm nhạc với những giá trị cao quý. Đầu 2021, Lưu Hồng Quang thực hiện ước mơ anh ấp ủ từ thời sinh viên khi chơi bản Concerto La thứ của nhà soạn nhạc người Đức Schumann cùng dàn nhạc Woollarah philharmonic Orchestra và nhạc trưởng Warwick Tyrell tại Úc. Những giai điệu lãng mạn, say đắm và đầy rung động của Schumann như giúp anh cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết tình yêu anh dành cho âm nhạc. Âm nhạc chính là ngọn lửa soi lối cho tâm hồn để anh để vượt lên những thử thách phía trước, để cống hiến nhiều hơn.
Cuộc hành trình đi tìm vẻ đẹp những âm thanh của Lưu Hồng Quang là cuộc hành trình thử thách nhưng đầy hạnh phúc. Cuộc hành trình đó có không ít những quãng gập ghềnh, nhưng năng lượng thiêu đốt từ bên trong trái tim và cũng chính âm nhạc đã mang lại cho anh nguồn cảm hứng vô hạn, thôi thúc anh say mê hơn nữa để khám phá chân trời phía trước. Nhân dịp nghệ sĩ Lưu Hồng Quang bước sang một tuổi mới, xin chúc cho anh sẽ giữ vững ngọn lửa đam mê để cống hiến và chinh phục những đỉnh cao mới.
BTV Châu Anh.
Tin liên quan
Franz Liszt: “Những năm tháng hành hương” – Volume 1 “Switzerland”
Âm vang bất diệt khi âm nhạc kể chuyện lịch sử
Nghệ sĩ Lưu Hồng Quang - Ngày trở về
Cha mẹ, người thầy lớn đầu tiên
Lưu Hồng Quang - Âm nhạc là cuộc sống
Nghệ sĩ Lưu Hồng Quang: Âm nhạc là lẽ sống
Từ khóa » Cái đẹp Trong âm Nhạc Là Gì
-
“CÁI ĐẸP CỦA ÂM NHẠC” QUA TAI NGƯỜI NGHE - Thành
-
II. Tính Chất Của Cái đẹp Trong Nghệ Thuật - Tài Liệu Text - 123doc
-
Tìm Hiểu Cái Hay, Cái đẹp Trong Vốn âm Nhạc Cổ Truyền Của Dân Tộc
-
Tính Chất Của Cái Đẹp Trong Nghệ Thuật Là Gì?
-
Thẩm Mỹ – Cái đẹp Trong Nghệ Thuật - THANH NHẠC NUTO
-
Đi Tìm Cái Hay Cái đẹp Của Âm Nhạc Dân Gian
-
Cái đẹp Trong Dân Ca Nam Bộ Dưới Góc Nhìn Mỹ Học Mác Lênin
-
Người Giới Thiệu Cái đẹp Trong âm Nhạc đến Công Chúng
-
Sức Mạnh Thần Kỳ Của âm Nhạc (P.1): Cái đẹp Chân Chính Xuất Phát ...
-
Cái Đẹp Như Ma Lực Một Nhu Cầu
-
Nghệ Thuật Có Cần đẹp Không? - IDesign
-
[PDF] Ca Từ Trong âm Nhạc Việt Nam
-
Tiểu Luận Cái đẹp Của Ca Từ Trong Nhạc Phẩm Trịnh Công Sơn