Nỗ Lực Bảo Vệ Quần Thể Voọc Mũi Hếch | Con Người Và Thiên Nhiên

Voọc mũi hếch là một trong những loài linh trưởng quý hiếm nhất trên thế giới và là loài đặc hữu của Việt Nam. Một con số thống kê cho thấy, hiện trên thế giới chỉ còn khoảng 200 cá thể voọc mũi hếch, riêng ở nước ta đã có khoảng 180 cá thể. Vì vậy, vấn đề bảo vệ voọc mũi hếch trước nguy cơ bị tuyệt chủng đã được đặt ra, trong đó tỉnh Hà Giang cũng có nhiều biện pháp hữu hiệu.

                                    Cánh tay, đùi, mặt và đầu của voọc mũi hếch có màu trắng kem.

Đang hồi sinh

Ở nước ta, voọc mũi hếch phân bố ở Quảng Ninh, Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Hà Giang… Chúng thường sống trên những tầng cây cao do bản tính nhút nhát. Voọc mũi hếch có đặc điểm lông đen; cánh tay, đùi, mặt và đầu có màu trắng kem; cổ họng có mảng lông màu da cam… Voọc mũi hếch đã được xếp vào mức độ cực kỳ nguy cấp trong danh mục Sách đỏ về các loài bị đe dọa của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên thế giới và trong Sách đỏ Việt Nam.

Vào năm 2002, một quần thể voọc mũi hếch khoảng 60 con được phát hiện tại khu rừng Khau Ca. Khau Ca là 1 trong 6 khu rừng đặc dụng của Hà Giang, với địa hình núi đá vôi, rộng trên 1.000 ha, trải dài trên địa bàn 3 xã Tùng Bá (huyện Vị Xuyên), Minh Sơn và Yên Định (huyện Bắc Mê).

Ngay sau đó, Dự án bảo tồn voọc mũi hếch được triển khai dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã Quốc tế (FFI) giúp loài vật này thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Từ đó đến nay, Tổ chức FFI đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiến hành các biện pháp bảo tồn như: Tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm giảm thiểu tác động và các mối đe dọa vào rừng; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng; hỗ trợ phát triển sinh kế; thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan; thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu để đưa ra các giải pháp bảo tồn phù hợp… Qua khảo sát, các chuyên gia bảo tồn cho biết, quần thể voọc mũi hếch hiện đã tăng lên 145 – 160 cá thể.

Là người có hơn 10 năm nghiên cứu, theo dõi sự phát triển của loài voọc mũi hếch, ông Hoàng Văn Tuệ- nguyên Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên – Chi cục Kiểm lâm Hà Giang cho biết: Đàn voọc mũi hếch đã được phát triển, hồi sinh đáng kể trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Nhiều nhà khoa học và người dân đã phát hiện không ít cá thể voọc mũi hếch đang trưởng thành và voọc non ở những đàn voọc mũi hếch.

                                               Voọc mũi thường sinh sống trên những tầng cây cao.

Vẫn cần những biện pháp bảo vệ

Thực tế cho thấy, vẫn đang có những tác động xấu đến hành lang sinh cảnh của loài linh trưởng này như: Việc mở đường dân sinh đi qua khu rừng đặc dụng; có nhiều hộ dân đã và đang sinh sống, canh tác trong khu bảo tồn và khai thác nguồn lợi từ rừng, tác động xấu đến môi trường sinh cảnh bảo tồn loài voọc mũi hếch…

Vì thế, cuối tháng 10 vừa qua, Sở NNPTNT tỉnh Hà Giang, Tổ chức FFI tổ chức hội thảo về tầm quan trọng của quần thể voọc mũi hếch tại khu vực rừng phòng hộ Quản Bạ. Trước tầm quan trọng của việc bảo tồn voọc mũi hếch tại Quản Bạ, ông Warwick Tordoff- Giám đốc điều hành Quỹ Bảo tồn các hệ sinh thái trọng yếu cho rằng: Việc bảo tồn voọc mũi hếch tại Quản Bạ là hết sức quan trọng. Qua Dự án này cũng kỳ vọng rằng, người dân địa phương sẽ được hưởng lợi; mong rằng, các đại biểu cùng với việc cần quan tâm thêm về việc thực hiện các hoạt động bảo tồn còn cần quan tâm mang lại nguồn thu cho người dân bản địa trong khu vực.

Còn theo ông Josh Kempinsiki- Giám đốc FFI, việc chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang rừng đặc dụng khu vực Cao – Tả – Tùng là hết sức cấp thiết. FFI sẽ tư vấn, hỗ trợ để đảm bảo môi trường sống cho voọc mũi hếch tại Quản Bạ. Những năm tiếp theo FFI sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Hà Giang bảo tồn voọc. Liên kết với một số đơn vị trên thế giới để bán thú nhồi bông mang hình voọc mũi hếch; xây dựng biển truyền thông trên những tuyến đường đến Hà Giang để bảo tồn voọc; kết nối với hãng hàng không Vietjet air để vẽ hình ảnh voọc mũi hếch lên thân máy bay… Bên cạnh đó, cũng rất cần có sự vào cuộc của chính quyền và người dân Hà Giang, nguồn lực từ những tổ chức, cá nhân trên toàn quốc cũng như thế giới cùng đồng hành trong việc bảo tồn voọc mũi hếch Hà Giang nói chung, Quản Bạ nói riêng…

Nguồn: Kim Tiến/ Báo Đại Đoàn Kết

Bài liên quan:

  1. Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam
  2. Chuyển nhượng carbon rừng: Thách thức và khuyến nghị
  3. Những người theo dấu chân voọc quần đùi trắng quý hiếm
  4. Bảo vệ voọc gáy trắng ở Quảng Bình: Cần mở rộng không gian sinh tồn
  5. Theo dấu vết voọc quý hiếm ngay giữa Hà Nội
  6. Nỗ lực bảo tồn đàn voọc gáy trắng
  7. Các loài rùa nguy cấp trước mối đe dọa từ buôn bán và tiêu thụ

Từ khóa » Hình ảnh Con Voọc Mũi Hếch