Nửa Cuối Năm 2020 Là Thời điểm Thực Sự Khó Khăn Của Ngành Dệt May

"Trống trơn" đơn hàng

Theo thống kê của Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm nay, sản xuất dệt tăng 1,8%, trong khi sản xuất trang phục lại giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 7 tháng ước đạt 16,18 tỷ USD, giảm 12,1%; xơ, sợi dệt các loại giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, ngành dệt may đã chứng kiến kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất trong 1 thập kỷ trở lại đây.

Đáng chú ý, tính đến tháng 7, nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng hai quý cuối năm cho các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp; trong khi mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ được coi là "cứu cánh" cho nhiều doanh nghiệp may trong quý II thì hiện tại giá đã giảm mạnh do dư thừa nguồn cung trên toàn thế giới.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự báo, xuất khẩu dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm tiếp tục giảm khoảng từ 14-18% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm khoảng 32,75 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.

Chú thích ảnhDây chuyền sản xuất hàng may mặc tại Công ty TNHH Hana Kovi Việt Nam (Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex phân tích, hành vi tiêu dùng sau đại dịch COVID-19 đã thay đổi đáng kể. Các khảo sát gần đây trên cả thị trường quốc tế (do Deloitte thực hiện) và trong nước (do Tập đoàn thực hiện) đều cho chung một nhận định là dược phẩm, thực phẩm và gửi tiền tiết kiệm là những ưu tiên "tiêu dùng" hàng đầu của mọi người.

Quần áo tuy vẫn có vị trí thứ 4 trong danh mục ưu tiên, nhưng vẫn được xếp sau khoản "tiết kiệm", do đó ngân sách dành cho hàng may mặc rất hạn chế. Xu thế tiêu dùng ít đi, sử dụng các mặt hàng cơ bản nhiều hơn, hạn mức mua sắm thấp đi,… sẽ chi phối thị trường thời trang trong thời gian tới. Việc tổng cầu giảm sẽ đẩy cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia sản xuất dệt may trở nên khốc liệt hơn, giá thấp hơn, áp lực của người mua lớn hơn.

"Đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm vừa qua, do Việt Nam không bị ngừng sản xuất như Trung Quốc hay Bangladesh vì cách ly xã hội, nhờ đó thị phần của dệt may Việt Nam tại Mỹ và EU đã tăng lên. Cuộc chiến giành lại thị phần sẽ diễn ra gay gắt trong thời gian tới", lãnh đạo Vinatex nhấn mạnh.

Hướng vào thị trường nội địa

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trước những thách thức, khó khăn hiện hữu trong những tháng cuối năm 2020, doanh nghiệp dệt may cần tối thiểu hóa sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất chặt chẽ, giữ vững chất lượng sản phẩm, bố trí lại lực lượng sản xuất, xác định lực lượng lao động chủ lực cần duy trì việc làm và thu nhập để người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường chưa hồi phục.

Ông Lê Tiến Trường cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đã được lên kế hoạch và dự báo khá sát so với kết quả hiện tại. Ông cho rằng, 6 tháng đầu năm chưa phải là thời điểm khó khăn nhất, do kinh tế vẫn còn được thông thương và số ca nhiễm bệnh chưa tăng cao như hiện nay. Tuy nhiên, quý III và quý IV của năm 2020 mới thật sự là thử thách đối với ngành dệt may.

“Hiện nay, đơn hàng cho quý IV hầu như chưa có, đây là một thách thức vô cùng lớn cho kế hoạch kinh doanh của Tập đoàn. Những đơn hàng khẩu trang cũng đã đảo chiều, số lượng không nhiều trong khi giá lại giảm đến mức chỉ vừa đủ chi phí sản xuất. Tuy nhiên, tập đoàn sẽ nỗ lực tối đa, bám chặt mọi cơ hội kinh doanh dù nhỏ nhất, chấp nhận tổ chức sản xuất linh hoạt, sản xuất cả những mặt hàng chưa từng làm để hạn chế suy giảm cũng như duy trì công ăn việc làm cho người lao động”, ông Lê Tiến Trường cho biết.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, mặc dù các mặt hàng chủ lực của May 10 nhiều năm qua như: Veston, sơ mi cao cấp, quần âu… cầu giảm sút rất mạnh nhưng nhờ chuyển đổi sang khẩu trang vải, khẩu trang y tế và đồ bảo hộ, nên công ty trụ vững hết quý II/2020.

Từ khóa » Dệt May Cuối Năm 2020