Xuất Khẩu Dệt May Trên đà Phục Hồi

Năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may Việt Nam khi thị trường có nhiều biến động phức tạp, khó dự báo. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày. Khó khăn do thiếu nguyên liệu những tháng đầu năm và nhu cầu chững lại từ khu vực EU, Hoa Kỳ… từ tháng 4/2020, khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ tập trung vào đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh khiến các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã phải đối mặt với tình trạng khan hiếm đơn hàng. Các đơn hàng nhỏ giọt, số lượng và giá trị thấp chỉ duy trì sản xuất trong thời gian ngắn theo từng tháng, thậm chí từng tuần, nhiều doanh nghiệp phải dãn ca, cho công nhân nghỉ việc luân phiên, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu.

Xuất khẩu giảm

Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm của ngành dệt may đạt khoảng 35 tỷ USD, giảm 9,8% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may đạt 29,8 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2019. Xuất khẩu sợi đạt 3,74 tỷ USD, giảm 10,5%; xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt 1,0 tỷ USD, giảm 16% và vải mành, vải kỹ thuật khác đạt 456 triệu USD, giảm 22,6%.

Xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 20,6 tỷ USD, chiếm 58,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.

Bảng 1: Tình hình xuất khẩu các sản phẩm của ngành dệt may

Mặt hàng

Năm 2020 (triệu USD)

Tăng/ giảm so với năm 2019 (%)

Tổng

35.014

-9,8

Hàng dệt, may

29.810

-9,2

Xơ, sợi dệt các loại

3.737

-10,5

Nguyên phụ liệu dệt may

1.012

-16,0

Vải mành, vải kỹ thuật khác

456

-22,6

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Về hàng, dệt may: Năm 2020, xuất khẩu hàng dệt, may của Việt Nam đạt 29,81 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2019.

Hoa Kỳ là thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 13,99 tỷ USD, giảm 5,8% so với năm 2019 và chiếm tỷ trọng 46,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt, may của cả nước. Đứng thứ hai là thị trường EU, đạt 3,08 tỷ USD, giảm 11,7% so với năm trước, chiếm tỷ trọng 10,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt, may. Tiếp đến là thị trường Nhật Bản đạt 3,53 tỷ USD, giảm 11,4% so với năm trước và chiếm 11,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt, may. Xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 2,86 tỷ USD, giảm 14,8% và chiếm 9,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt, may.

Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Việt Nam chiếm trên 20% thị phần hàng may mặc vào Hoa Kỳ. Một trong những nguyên nhân là việc các nhãn hàng may mặc đã và đang chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tránh ảnh hưởng của cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung.

Nhìn chung năm 2020, xuất khẩu dệt may sang hầu hết thị trường giảm so với năm 2019. Giảm nhiều phải kể đến một số thị trường như Tanzania giảm 77%; Angola giảm 75%; Argentina giảm 44%; Senegan, Philippines, Slovakia cùng giảm hơn 39%; một số thị trường châu Âu giảm đáng kể khác như Anh, Hy Lạp, Phần Lan, Tây Ban Nha, Na Uy, Áo giảm từ 28 - 37%.

Bảng 2: Thị trường xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam

Thị trường

Kim ngạch XK 2020 (Triệu USD)

Tăng/ giảm so với năm 2019 (%)

Tỷ trọng trong XK dệt may cả nước (%)

Tổng

29.809

-9,21

100

Hoa Kỳ

13.987

- 5,77

46,92

Khu vực EU

3.075

-11,7

10,32

Nhật Bản

3.531

-11,40

11,85

Hàn Quốc

2.855

-14,82

9,58

Trung Quốc

1.368

-14,09

4,59

Khu vực ASEAN

1.346

-7,56

4,55

Canada

793

-2,03

2,66

Đài Loan

271

-6,35

0,91

Australia

248

-2,74

0,83

Nga

242

-4,69

0,81

Hồng Kông (Trung Quốc)

229

-20,51

0,77

Chile

94

-35,70

0,32

Mexico

88

-27,32

0,30

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải Quan

Cơ cấu mặt hàng dệt, may xuất khẩu: Năm 2020, cơ cấu xuất khẩu mặt hàng dệt may có sự thay đổi lớn. Các mặt hàng truyền thống như áo jacket, quần, áo các loại và các loại quần áo thời trang, hàng cao cấp đều giảm xuống. Do đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu từ đầu quý II/2020, nhu cầu mua sắm thời trang trên thế giới đã giảm mạnh, nhường chỗ cho các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng phòng chống dịch bệnh. Các doanh nghiệp Việt Nam đã xoay chuyển từng bước để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thế giới và duy trì sản xuất, xuất khẩu giữ chân người lao động qua việc chuyển sang sản xuất và tăng xuất khẩu các nhóm hàng cần thiết cho phòng chống dịch và sản phẩm sử dụng nhiều trong nhà để bù đắp lượng đơn hàng xuất khẩu truyền thống thiếu hụt gồm: Khẩu trang đạt khoảng 817 triệu USD; đồ bảo hộ lao động đạt 757 triệu USD (tăng 283%, tương đương 559 triệu USD); màn, rèm, thảm đạt 415 triệu USD (tăng 3,7%, tương đương 15 triệu USD); quần áo ngủ đạt 222 triệu USD (tăng 12,5%, tương đương 25 triệu USD); quần áo y tế đạt 161 triệu USD (tăng 17,5%, tương đương 23 triệu USD).

Bảng 3: Một số chủng loại hàng dệt may xuất khẩu năm 2020

Chủng loại

Năm 2020 (triệu USD)

Tăng/ giảm so với năm 2019 (%)

Khẩu trang

817

-

Đồ bảo hộ lao động

757

283

Màn, rèm, thảm

415

3,66

Quần áo ngủ

222

12,5

Quần áo y tế

161

17,5

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Về xơ, sợị dệt các loại : Xuất khẩu sợi đạt 3,74 tỷ USD, giảm 10,5% về giá trị nhưng tăng 1,2% về số lượng so với năm 2019. Giá xuất khẩu bình quân năm đạt khoảng 2.150 USD/tấn, giảm 11,6% so với năm 2019.

Xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt gần 1,2 triệu tấn, tương đương 2,7 tỷ USD, tăng 5,1% về số lượng nhưng giảm 7,2% về trị giá.

Năm 2020 là năm khó khăn cho ngành xơ sợi, ngoài việc phải chịu tác động tiêu cực từ đại dịch toàn cầu, ngành xơ sợi còn phải chịu ảnh hưởng do các vụ việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu. Trong năm 2020, ngành xơ sợi đã bị Hoa Kỳ và Ấn Độ tiến hành điều tra chống bán phá giá và Thổ Nhĩ Kỳ điều tra tự vệ toàn cầu.

Từ cuối năm 2020, hầu hết các doanh nghiệp xơ sợi đều không có đơn hàng mới từ thịtrường Trung Quốc hoặc khách trả giá thấp. Các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Đài Loan tuy vẫn có đơn hàng nhưng số lượng rất ít, đồng thời giá bán vẫn theo xu hướng giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi. Nguyên nhân do sựcạnh tranh về giá từ các đối thủ, có dấu hiệu phá giá để tránh tồn kho, đồng thời TrungQuốc bán ra thị trường lượng bông dự trữ với số lượng lớn khiến giá bông giảm mạnh.

Xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ giảm do tác động tiêu cực từ các vụ việc áp thuế chống lẩntránh đối với sợi POY và chống bán phá giá đối với sợi dún polyester và sợi nhân tạo. Đâycũng là thị trường áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với Việt Nam.

Năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường xơ sợi thứ 2 sau Trung Quốc với mức xuất khẩu đạt138.000 tấn, trị giá 321 triệu USD, chiếm 19,2% về lượng và chiếm 14,9% trong kim ngạchxuất khẩu xơ sợi của Việt Nam. Nhưng đến nay, sau khi nước này áp dụng các biện phápphòng vệ thương mại đối với Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ còn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6của Việt Nam, sau Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Đài Loan và Hoa Kỳ. Xuất khẩu sang ThổNhĩ Kỳ đạt 79,2 triệu USD, chiếm 2,1% tổng xuất khẩu.

Thị trường Ấn Độ cũng có sự giảm sút do tác động tiêu cực từ vụ việc áp thuế chốngbán phá giá của Ấn Độ áp từ cuối năm 2018 đối với sợi nylon Filament yarn nhập khẩu từViệt Nam. Xuất khẩu sang thị trường này năm 2020 giảm từ vị trí thứ 5 xuống đứng thứ 11trong các thị trường xuất khẩu xơ, sợi của Việt Nam, chỉ đạt 41,1 triệu USD, giảm 66,6% sovới năm 2019, đạt 1,1% trong tổng xuất khẩu xơ, sợi. Trong năm 2020, Ấn Độ tiếp tục khởixướng điều tra chống bán phá giá đối với sợi polyeste có xuất xứ từ Việt Nam.

Trong khi hầu hết các thị trường xuất khẩu giảm thì có 3 thị trường tăng trưởng mạnh làĐài Loan, Hoa Kỳ và Pakistan với mức tăng trưởng lần lượt là 76,5%, 55,7%, 153% về lượngvà 50,4%, 38,5%, 73,1% về giá trị. Tuy vậy, với sự tăng trưởng xuất khẩu mạnh sang HoaKỳ, ngành hiện nay đang bị Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi dún polyester (polyester textured yarn - PTY) nhập khẩu từ Việt Nam.

Giá xuất khẩu xơ, sợi năm 2020 giảm khoảng 11,6% so với năm 2019, trong đó, giá xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh gần 10%, ảnh hưởng chung đến giá xuất khẩu của toàn ngành.

Về nguyên phụ liệu dệt may: Xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt 1,0 tỷ USD, giảm 16% và vải mành, vải kỹ thuật khác đạt 456 triệu USD, giảm 22,6%.

Đánh giá chung

Năm 2020 là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may tăng trưởng âm (giảm 9,8%) chỉ đạt 35 tỷ USD so với 39 tỷ USD năm 2019, sau 25 năm tăng trưởng liên tục và kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đã tụt xuống hàng thứ 3 sau nhóm mặt hàng Điện thoại và Máy vi tính, sản phẩm điện tử - linh kiện. Tuy nhiên, với kim ngạch xuất khẩu đạt được trong năm 2020, ngành dệt may Việt Nam vẫn là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm gần 20% (từ 740 tỷ USD về 600 tỷ USD), các quốc gia cạnh tranh trong lĩnh vực dệt may đều có mức giảm từ 15-20% thậm chí gần 30% do bị cách ly dài.

Ngành dệt may đạt được kết quả như trên là nhờ công tác khống chế dịch bệnh hiệu quả đã giúp Việt Nam là nước duy nhất trong top 5 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới không bị cách ly và không bị dừng sản xuất, qua đó góp phần giữ vững thị phần của ngành thời trang dệt may Việt Nam tại các thị trường lớn. Cùng với đó, các Hiệp định thương mại tự do tuy không thể bù đắp được sự sụt giảm về kim ngạch song đã có tác dụng đáng kể trong việc giảm thiểu thiếu hụt đơn hàng.

Trong năm 2020, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công Thương đã sát sao trong việc nắm bắt tình hình nhập khẩu, sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp theo từng tuần, từng tháng để đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó phải kể đến cơ chế linh hoạt trong chính sách chỉ đạo, điều hành xuất nhập khẩu mặt hàng khẩu trang, đồng thời chủ động thông tin để các doanh nghiệp dệt may chuyển đổi dây chuyền sản xuất sang may đồ bảo hộ, khẩu trang xuất khẩu, giúp bù đắp lượng đơn hàng thiếu trong xuất khẩu, duy trì tăng trưởng của ngành và tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Triển vọng xuất khẩu năm 2021

Hiện nay trên thế giới, tình hình đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí, tác động tiêu cực của đại dịch còn có thể kéo dài trong 1- 2 năm tới. Dự báo, năm 2021 vẫn là năm thị trường dệt may Việt Nam tiếp tục khó khăn, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Công Thương, quý I/2021 xuất khẩu nhóm hàng dệt may tăng 1,1% so với cùng kỳ, đạt 7,18 tỷ USD; xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 31%; xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 8,8% so với cùng kỳ. Điều nay cho thấy, ngành dệt may trong quý 1/2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc so với cùng kỳ năm 2020.

Sự hồi phục xuất khẩu bước đầu của dệt may Việt Nam đã mở ra những tín hiệu tích cực cho năm 2021. Dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2021 có thể phục hồi về mức năm 2019, đạt 39 tỷ USD. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, diễn biến gia tăng của dịch COVID-19 có thể khiến vận chuyển hàng hóa tiếp tục gặp trở ngại. Để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch COVID-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại dịch; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may trong thời gian tới./.

Nguồn: Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2020

Đỗ Thị Bích Thủy

Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến Thương mại - VIOIT

Từ khóa » Dệt May Cuối Năm 2020