Phân Biệt đường đôi Và đường 2 Chiều, đường 1 Chiều

Bài viết sau đây sẽ giúp cho các bạn hiểu rõ và phân biệt được thế nào là đường đôi và đường 2 chiều, đường 1 chiều trong Luật giao thông đường bộ Việt Nam; các loại biển báo thường gặp và tốc độ tối đa cho phép các phương tiện được chạy trên các loại đường này cũng như các mức xử phạt vi phạm có liên quan đến đường đôi, đường 2 chiều, đường 1 chiều.

1. Đường đôi, đường 2 chiều, đường 1 chiều là gì?

- Đường đôi là đường có chiều đi và chiều về được phân biệt bằng dải phân cách được đặt ở khoảng giữa đường (ví dụ: dải phân cách bê tông, hộ lan, bó vỉa hoặc dải đất dự trữ…).

đường đôi, đường 2 chiều và đường 1 chiều_1
Một số dạng đường đôi tại Việt Nam

Tham khảo: Tác dụng, cách nhận biết các loại vạch kẻ đường thường gặp

- Đường 2 chiều là đường mà phương tiện lưu thông trên đó theo 2 hướng ngược nhau nhưng không có dải phân cách ở giữa như đường đôi. (Tức là đường có cả hai chiều đi và chiều về trên cùng một phần đường xe chạy, không được phân biệt bằng dải phân cách giữa)

đường đôi, đường 2 chiều và đường 1 chiều_2
Một số dạng đường 2 chiều ở Việt Nam

Như vậy, căn cứ vào các khái niệm trên thì:

  • Nếu tháo dỡ dải phân cách ở giữa thì đường đôi trở thành đường 2 chiều. Nếu một phía đường trên đoạn đường đôi bị hư hỏng phải sửa chữa, buộc các phương tiện phải đi trên phía đường đôi còn lại thì đoạn đường đôi mà các phương tiện đang đi trở thành đường 2 chiều.
  • Nếu đường có 2 chiều đi và chiều về được phân biệt bằng vạch kẻ đường (nét liền hoặc nét đứt) thì không phải là đường đôi mà là đường 2 chiều.

- Đường một chiều là đường chỉ cho các phương tiện lưu thông theo một chiều nhất định.

đường đôi, đường 2 chiều và đường 1 chiều_3
Một số dạng đường một chiều

2. Khái niệm về đường đôi, đường 2 chiều, đường 1 chiều quy định ở văn bản nào?

Khái niệm về đường đôi, đường 2 chiều, đường 1 chiều được quy định tại Điều 3 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về báo hiệu đường bộ và Điều 3 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

3. Các biển báo hiệu có liên quan đến đường đôi, đường 2 chiều, đường 1 chiều:

- Biển số W.235 "Đường đôi": báo hiệu cho người điều khiển phương tiện biết sắp đi đến đoạn đường đôi có dải phân cách cứng ở giữa. Biển báo này là biển báo nguy hiểm thường được đặt ở đầu những đoạn đường đôi.
đường đôi, đường 2 chiều và đường 1 chiều_4
Biển báo đường đôi
- Biển số W.236 "Kết thúc đường đôi": báo hiệu cho người điều khiển phương tiện biết sắp kết thúc đoạn đường đôi (tức sắp hết đoạn đường có dải phân cách cứng ở giữa). Đây cũng là 1 loại biển báo nguy hiểm.
đường đôi, đường 2 chiều và đường 1 chiều_5
Biển báo kết thúc đường đôi
- Biển số W.204 “Đường 2 chiều”: Báo hiệu sắp đến đoạn đường có chiều xe đi và về đi chung trên một phía đường (do ở phía đường còn lại đang sửa chữa hoặc có trở ngại) hoặc để báo trước đoạn đường đôi tạm thời. Biển này cũng được sử dụng để báo chuẩn bị chuyển sang đường đi chung hai chiều hoặc hết đoạn đường một chiều, bắt đầu đi hai chiều.
đường đôi, đường 2 chiều và đường 1 chiều_6
Biển báo đường 2 chiều

- Biển số W.234 "Giao nhau với đường hai chiều": Biển này đặt trên đường một chiều để báo trước sắp đến vị trí giao nhau với đường hai chiều.

đường đôi, đường 2 chiều và đường 1 chiều_7
Biển báo giao nhau với đường 2 chiều

- Biển số I.407 (a, b, c) "Đường một chiều": Để chỉ dẫn những đoạn đường chạy một chiều. Biển này chỉ cho phép các loại phương tiện giao thông đi theo chiều vào theo mũi tên chỉ, cấm quay đầu ngược lại (trừ các xe ưu tiên). Đây là biển báo hiệu lệnh, được đặt sau hoặc trước nơi đường giao nhau.

đường đôi, đường 2 chiều và đường 1 chiều_8
Biển báo đường 1 chiều

- Biển số P.102 "Cấm đi ngược chiều": Để báo đường cấm các loại xe đi vào theo chiều đặt biển, trừ các xe ưu tiên.

đường đôi, đường 2 chiều và đường 1 chiều_9
Biển cấm đi ngược chiều

4. Video tìm hiểu về đường đôi, đường 2 chiều và đường 1 chiều:

5. Tốc độ tối đa đối với xe cơ giới khi đi trên đường đôi, đường 2 chiều, đường 1 chiều:

- Tốc độ tối đa trong khu đông dân cư:

Loại phương tiện

Đường đôi

Đường 2 chiều

Đường 1 chiều 2 làn xe trở lên

Đường 1 chiều 1 làn xe

Ô tô, mô tô và các loại xe khác

60 km/h

50 km/h

60 km/h

50 km/h

Đối với xe gn máy (dưới 50cm3), xe điện

40 km/h

40 km/h

40 km/h

40 km/h

- Tốc độ tối đa ngoài khu đông dân cư:

Loại phương tiện

Đường đôi

Đường 2 chiều

Đường 1 chiều 2 làn xe trở lên

Đường 1 chiều 1 làn xe

Xe con, xe đến 30 chỗ; xe tải từ 3,5 tấn trở xuống

90 km/h

80 km/h

90 km/h

80 km/h

Xe trên 30 chỗ; xe tải trên 3,5 tấn

80 km/h

70 km/h

80 km/h

70 km/h

Mô tô; xe buýt; xe đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc; xe chuyên dùng:

70km/h

60 km/h

70km/h

60 km/h

Ô tô kéo rơ moóc; ô tô kéo xe khác

60 km/h

50 km/h

60 km/h

50 km/h

Đối với xe gắn máy (dưới 50cm3), xe điện

40 km/h

40 km/h

40 km/h

40 km/h

6. Xử phạt vi phạm liên quan đến đường đôi, đường 2 chiều, đường 1 chiều:

Đối với xe ô tô

- Đi ngược chiều vào đường một chiều hoặc đi vào đường có biển “Cấm đi ngược chiều” sẽ bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng, đồng thời còn tước bằng lái xe từ 02 đến 04 tháng (điểm c khoản 5, điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Trường hợp điều khiển xe đi ngược chiều mà gây tai nạn giao thông, mức phạt sẽ tăng lên thành từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng.

- Đi ngược chiều trên đường cao tốc: Mức phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng, tước bằng từ 05 đến 07 tháng (điểm a khoản 8 đ khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Đối với xe máy

- Đi ngược chiều vào đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”: Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng, tước bằng lái từ 01 đến 03 tháng (điểm a khoản 5 Điểm b khoản 10, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Nếu điều khiển xe đi ngược chiều gây TNGT, mức phạt tiền tăng lên thành 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng và bị tước bằng lái từ 02 - 04 tháng (Điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)./.

Minh Hùng (Tổng hợp)

Tham khảo: Cách nhận biết các biển báo giao thông, vạch kẻ đường bộ

Từ khóa » Khái Niệm đường 1 Chiều Và 2 Chiều