Phong Tục Thờ Chó đá Của Người Việt

Từ xưa, những gia đình giàu có thường đặt chó đá trước cửa để canh giữ nhà và thể hiện sự quyền uy, phú quý của gia chủ, thuật phong thủy chôn chó đá để thay đổi dương cơ, âm phần, tránh được những hiểm họa do thế đất xấu gây ra. Trong khi dân gian quan niệm chôn chó đá để xua đuổi tà ma. Có thể thấy rằng, tín ngưỡng thờ chó đá đã có từ rất lâu và cho đến nay vẫn còn được gìn giữ trong văn hóa của người Việt. Rất khó để chứng minh sự linh ứng của tín ngưỡng này, nhưng cùng với niềm tin, con người sẽ thoải mái, an tâm và cảm thấy cuộc sống tốt đẹp hơn. Và đây cũng chính là giá trị đích thực của tín ngưỡng thờ chó đá trong tâm thức người Việt. 

Trong quan niệm của người Việt xưa, chó là con vật trung thành và mang lại nhiều may mắn. Tục thờ chó được biểu hiện dưới nhiều hình thức. Người Việt thường chôn chó đá trước cổng như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà hoặc đặt chó đá trên bệ thờ và coi như một bậc thần linh. Chó đá trong nhà thường nhỏ, mang dáng vẻ hiền lành, không to lớn như chó đá ở đình, đền, phủ. Trong khi nhiều công sở, di tích đền chùa sử dụng linh vật ngoại lai như sư tử, voi để gác cửa thì ở nhiều địa phương người dân vẫn giữ tục chôn chó đá trước cửa, thậm chí thờ và kính cẩn gọi là cụ Thạch, Thần cẩu, quan lớn Hoàng Thạch. 

Thôn Thượng, xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội, nằm sát con đường lớn trải nhựa, ngay lối vào làng đã thấy cặp chó đá sừng sững hai bên, hướng nhìn thẳng ra đường. Nhìn cặp chó đá rất oai phong và hùng dũng khiến dân làng và khách thập phương tin vào sự linh thiêng và câu chuyện về những tên trộm, toán cướp có ý định vào làng “làm một mẻ” khi nhìn thấy hai “ông khuyển” trong đêm tối mà giật mình kinh hãi từ bỏ ý định ra về. Theo lời cụ từ chuyên hương khói đình làng Thượng cho hay: “Tôi được các cụ kể lại bởi cặp chó đá trấn giữ đầu làng có từ rất lâu rồi, khoảng trên 300 năm. Chúng được các cụ chọn xem ngày tốt và tạc bằng đá xanh nguyên khối với những đường nét hoa văn rất cầu kỳ và công phu từ những phần nhỏ nhất như: đuôi, tai, mắt… Cặp chó đá có chiều cao gần 1m, khối lượng mỗi con nặng khoảng 3 tạ do một người trong làng cung tiến mang tận từ Thanh Hóa ra. Theo thời gian và mưa nắng bào mòn, cặp chó đá đã phần nào bị hư hại và những nét văn hoa chỉ còn lại mờ mờ. Từ lâu, dân làng tôi đã coi đây như một linh vật có giá trị văn hóa độc đáo của làng, như một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt. Có người am hiểu về văn hóa cho rằng, những đường nét khắc trên cặp chó đá này thuộc kiến trúc, điêu khắc từ thời Lê”.

Sự thật không phải ngẫu nhiên dân làng chuyển cặp chó đá ra đầu làng mà liên quan đến một sự kiện. Vào khoảng năm 1946, Chính phủ cách mạng lâm thời có sơ tán một kho hàng bí mật về cất giữ tại làng. Không biết bằng cách nào một toán trộm biết có hàng gì đó quý hiếm đang cất giữ trong làng đã lên kế hoạch cướp kho. Ngày chúng kéo ô tô về làng với đầy đủ trang bị vũ khí, trong khi đó lực lượng bảo vệ kho vừa yếu, lại thiếu nên đã đánh kẻng báo cho cả làng cùng bảo vệ kho. Tiếng kẻng vang lên, dân làng nhanh chóng cầm vũ khí, quốc xẻng bao vây toán cướp hòng không cho chúng chạy thoát. Một lực lượng khác được huy động khiêng cặp chó đá đặt trước và sau ô tô bọn chúng và bố trí nhiều chướng ngại vật khác nhằm cản lối. Đánh đuổi bọn cướp thành công, dân làng họp bàn và thống nhất rằng, vị trí cổng làng cần phải có vật gì trấn giữ nên quyết định đặt cặp chó đá yên vị từ đó đến nay. Ngày nay, nhiều cao niên trong làng vẫn nhớ ngày giặc Pháp kéo về càn quét, đốt phá làng, có một tên lính Pháp nhìn thấy cặp chó đá do sợ hãi đã giương súng bắn vào phần đầu con bên trái dẫn đến bị biến dạng. Cặp chó đá được người cung tiến đặt ngay tại cổng đình làng, nằm ở ngoài đê. Sau này khi đình được chuyển vào trong làng cho tiện việc trông nom và hương khói, cặp chó đá vì thế cũng được chuyển vào theo. Qua thời gian, dân làng quyết định không đặt cặp chó đá ở cổng đình nữa mà đặt ở ngay đầu làng với mong muốn chúng sẽ trấn giữ, bảo vệ dân làng và ước vọng về sự yên bình và thịnh vượng.

Phủ thờ Quận công Nguyễn Ngọc Trì ở làng Hát Môn, xã Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội có 4 con chó đá, 2 con nghê đá, toàn bộ bằng đá xanh nguyên phiến. 4 con chó đá đặt trước và sau phủ gọi là thạch cẩu, hai chân trước đứng, chân sau như sắp nhổm lên sủa. Trước tượng chó đá có bát hương để thờ. Ông Nguyễn Ngọc Toàn, con cháu họ Nguyễn Ngọc, cũng là người trông coi không biết những con chó đá này có từ bao giờ, chỉ biết thạch cẩu ngồi đây có ý nghĩa để canh gác cho phủ, giống như những con chó bình thường khác canh nhà cho người dân. “Chó đá có từ khi dựng phủ này vào thế kỷ 18, dòng họ Nguyễn Ngọc bao đời nay đều thờ cúng cẩn thận”, ông Toàn cho hay.

Dân làng Địch Vĩ, xã Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội thờ chó đá như một vị thần và gọi là “quan lớn Hoàng Thạch”. Con chó đá cao 1,4m, đầu hướng về phía núi Ba Vì, dưới chân còn có một đàn chó nhỏ. Quan lớn Hoàng Thạch ngự ở giữa làng, bên cạnh đình và chùa Địch Vĩ. Trước đây, người dân thờ chó đá ở mô đất thấp. Sau này, họ xây bệ thờ và rước ngài lên, không xây cổng, tường bao quanh để ngày lễ, đầu tháng, ai cũng có thể thắp hương cầu bình yên, may mắn. Những người cao tuổi nhất trong làng cũng không biết con chó ở đó từ bao giờ. Chỉ biết trong tâm thức của người Địch Vĩ bao đời, con chó đá này chính là vị thần che chở, mang đến bình yên cho cả làng. Có tiếng chó sủa thì ma quỷ không dám bén mảng tới nhà. Nuôi chó cũng chính là để đánh động cho người làng biết mỗi khi có giặc giã, trộm cướp. Chó đá đặt trong đình làng Phù Trung, Thượng Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội lại được người dân gọi là thần cẩu hay hoàng thạch cẩu. Chó đá được đặt lên bệ thờ ở bên phải, vừa để trông coi đình, vừa được thờ cúng như một vị thần. Làng Phù Trung hình thành từ vài trăm năm nay, con chó đá trước được thờ ở gò đất đầu làng. Sau này gò bị phá, các cụ cao niên rước chó đá về đặt trong đình. Mỗi khi làng có việc, các chủ tế xướng tên vị thành hoàng làng rồi sau đó là xướng đến thần cẩu. Nhiều đời nay, vị thần cẩu này cùng với các vị thành hoàng làng được dân thờ cúng cẩn thận, không dám lơ là.

Hình thức thờ chó đá khá phổ biến ở nông thôn, các vùng quanh Hà Nội như: Hà Tây (cũ), Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… Sau năm 1954, ở mé Nam ngã tư Trung Hiền (phố Đại La tiếp giáp với Minh Khai, Hà Nội ngày nay) có con chó đá khá lớn trấn giữ nên nơi đây còn được gọi là cửa ô Chó Đá. Qua thời gian, chó đá không còn và tên cửa ô này chỉ tồn tại trong tâm trí rất ít người sống gần đó. Ở mỗi vùng, hình thức thờ chó đá cũng khác nhau. Người Tày, Nùng một số nơi ở Lạng Sơn có tục chọn ngày tốt để đặt con chó đá trước cửa trông nhà và trừ tà ma. Với người Dao, hình ảnh con chó được biểu hiện trên trang phục. Người Pa Cô trong tộc người Cơ Tu còn kiêng giết thịt, coi con chó như vật tổ truyền. Ngày nay, người Việt một số nơi không chôn chó đá ở trước cửa nhưng vẫn mua chó gốm về để bày trong nhà, vừa xua đuổi tà ma, vừa làm vật trang trí.

Nhiều tài liệu lịch sử cũng ghi chép việc thờ cúng chó đá. Cuốn Lịch triều Hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết “Nghi môn ở điện Lam Kinh có hai con chó đá rất thiêng” ở phần Dư địa chí ghi chép về trấn Thanh Hoa. Trong cuốn Việt Nam Văn hóa sử cương, học giả Đào Duy Anh từng nhắc: “Xưa kia, cửa ngõ thường không làm đúng chính giữa nhà và sân để cho người ngoài đừng nhìn thẳng vào trung tâm nhà. Người ta cũng thường kiêng không để cho có con đường đâm thẳng vào nhà, hay là có đền chùa ở trước nhà. Nếu bất đắc dĩ không tránh được những điều kỵ ấy thì người ta chôn ở trước nhà một con chó đá hay là treo một cái gương ở trên cửa chính để yểm tà khí”. Giáo sư Ngô Đức Thịnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho biết tục thờ chó đá đã có từ lâu. Thời Vua Lý Công Uẩn đã cho dân lập đền thờ Cẩu Nhi ở hồ Trúc Bạch, Tây Hồ, Hà Nội là phong tục đẹp trong tín ngưỡng của người Việt, nên được gìn giữ và mở rộng. Chó canh cửa là điều hợp với thực tế cuộc sống, cũng là biểu tượng của điềm lành. Người xưa quan niệm chó đến nhà là tốt nên nhiều nơi thờ cúng không chỉ trước đây mà còn ở giai đoạn cận, hiện đại.

Một mùa Xuân nữa đang về, trong cái không khí bảng lảng của mưa bụi, của nhộn nhịp ngày Xuân từ nơi đình làng đến nơi phố thị, hình ảnh những chú chó đá vẫn luôn còn đó, ngộ nghĩnh đáng yêu hay oai phong, trầm mặc, vẫn luôn song hành với tâm thức của mỗi người dân đất Việt lưu giữ cái phong vị, cổ truyền trong bản sắc Việt Nam./.

HẢI PHONG (Sưu tầm và tổng hợp) 

Từ khóa » Sự Tích Thờ Chó đá