Phỏng Vấn Oe Kenzaburo, Nghệ Thuật Tiểu Thuyết Số 195 | Tôi Tìm Kiếm
Có thể bạn quan tâm
Người phỏng vấn: Sarah Fay
Oe Kenzaburo dành cả cuộc đời để khai thác bất cứ chủ đề nào nghiêm túc – nạn nhân của vụ thả bom nguyên tử ở Hiroshima, những cuộc đấu tranh của người dân Okinawa, thử thách đối với người khuyết tật, kỷ luật trong đời sống học thuật – trong khi bản thân ông bề ngoài lại chả nghiêm túc chút nào! Mặc dù rất nổi tiếng tại Nhật Bản như một nhà hoạt động phá bĩnh cũng như là một trong những nhà văn thành danh nhất của quốc gia nhưng về phương diện cá nhân Oe, hơn thế, lại là người hài hước đầy mê hoặc. Lúc nào cũng giản dị và bình thản, ông ăn vận trong bộ sơ-mi thể thao, chuyển động không ngừng nghỉ và cười đùa một cách thoải mái. (Henry Kissinger, người ủng hộ to lớn cho những gì mà Oe chống lại, có lần đã bình phẩm về “nụ cười quỉ quái” của ông). Nhà của Oe, nơi ông dành hầu hết thời gian ngồi trong phòng khách trên một chiếc ghế tựa bên cạnh là những bản thảo chép tay, sách vở, và một núi những đĩa CD nhạc jazz và nhạc cổ điển, thì cũng thoải mái và khiêm tốn như con người ông.
Ngôi nhà theo phong cách phương Tây được vợ ông, bà Yukari, trang trí thì giống như ở ngoại ô Tokyo nơi Akira Kurosawa và Toshiro Mifune từng sinh sống. Ngôi nhà nằm đằng sau con đường, ẩn sau một khu vườn có nhiều hoa huệ tây, gỗ thích và hơn trăm loại hoa hồng khác nhau. Cùng với người con trai út và người con gái sống nương tựa vào họ, Oe và Yukari sống trong một căn nhà với người con trai Hikari 44 tuổi bị khuyết tật não.
“Công việc của nhà văn là công việc của một anh hề”, Oe nói, “anh hề cũng là người bàn về những nỗi đau”. Ông coi hầu hết những tiểu thuyết của mình như là một phép loại suy của những chủ đề được mở rộng ở hai cuốn tiểu thuyết “Một nỗi đau riêng” (1964) [1] , cuốn sách thuật lại nỗ lực của một người cha để chấp nhận sự ra đời của một đứa trẻ tật nguyền; và Tiếng thét câm lặng (1967), một tiểu thuyết mô tả những xung đột giữa cuộc sống làng xã và văn hóa hiện đại nước Nhật thời hậu chiến.Danh mục đầu tiên bao gồm những tiểu thuyết và truyện ngắn như “Aghwee , quái vật bầu trời (1964), Hãy dạy chúng tôi thoát khỏi bệnh điên (1969), Ghi chép của pinch-runner (1976), Hãy đứng lên, hỡi những chàng trai của thế hệ mới (1986) và Cuộc sống bình lặng(1990). Chúng ăn sâu vào trong những trải nghiệm cá nhân của Oe về sự ra đời của Hiraki ( Thường thì người kể chuyện cũng là nhà văn và đứa con trai thì tên là Mori, Eeyore, hoặc Hikari), nhưng những người kể chuyện thường đưa ra những quyết định khác xa so với những quyết định của Oe và vợ ông. Danh mục thứ hai bao gồm “Nuôi thù”(1958), Hái nụ giết trẻ (1958) cùng với Cú nhảy lộn nhào (1999), cộng với Tiếng thét câm lặng. Những tác phẩm đó khai thác những folklore và thần thoại mà Oe được nghe từ mẹ và người bà của mình, và họ là nét khắc họa điển hình cho người kể chuyện bị ép buộc phải tra vấn hành vi tự dối mình mà hắn ta thực hiện vì lợi ích của cuộc sống trong cộng đồng.
Oe sinh năm 1945 trong một ngôi làng nhỏ ở đảo Shikoku và được nuôi dạy để tin rằng hoàng đế (Nhật hoàng) là một vị thần. Ông nói rằng ông thường xuyên tưởng tượng hoàng đế giống như một con chim trắng và đã bị sốc khi khám phá ra rằng ông ta chỉ là một con người bình thường cùng với một giọng nói rất thực khi ông nghe ông ta tuyên bố sự đầu hàng của Nhật Bản trên đài phát thanh vào năm 1945. Năm 1994, Oe nhận giải Nobel văn học nhưng sau đó lại từ chối vinh dự cao quí nhất dành cho giới nghệ sĩ Nhật Bản, Huy chương văn hóa vì những liên hệ của nó đến quá khứ thờ phụng hoàng đế của đất nước ông. Quyết định đó là khiến ông trở thành một nhân vật gây nhiều tranh cãi, một vị trí ông đã thường xuyên nắm giữ trong tiến trình văn nghiệp của đời ông. Truyện ngắn đầu tay “Tuổi 17” (1961) căn cứ một cách không chắc chắn vào vụ ám sát năm 1960 một lãnh đạo Đảng Xã hội bởi một sinh viên cánh hữu, người sau đó đã tự sát. Oe phải nhận những lời đe dọa từ những kẻ cánh hữu cực đoan, những người cho rằng cuốn tiểu thuyết đã báng bổ di sản của chính phủ đế quốc và sự chỉ trích từ những trí thức và nghệ sĩ cánh tả vì họ cho rằng cuốn sách đã bênh vực cho những kẻ khủng bố.
Kể từ đó ông vẫn tiếp tục với sự quan tâm dành cho chính trị và xem những hành động của mình cũng cần phải đồ sộ như những tác phẩm văn chương của đời mình . Khi tôi đến phỏng vấn ông cách nay hơn 4 ngày trong tháng tám này, Oe tỏ vẻ hối tiếc hỏi tôi liệu chúng tôi có thể kết thúc sớm hơn một chút để ông có thể đi gặp những người tổ chức từ một nhóm các công dân có liên quan.
Khi Hiraki ra đời vào năm 1963 -ba năm sau khi Oe kết hôn, Oe đã xuất bản cả hai tiểu thuyết và một số truyện ngắn nổi tiếng bao gồm Niềm kiêu hãnh của người chết (1957) và “Nuôi thù” giành được giải Akutagawa đáng mơ ước. Các nhà phê bình chào đón ông như một nhà văn trẻ vào loại quan trọng bậc nhất kể từ Yukio Mishima. Nhưng nhà phê bình Takashi Tachibana lại cho rằng “thiếu Hiraki thì sẽ không có văn chương Oe”. Hiraki lúc sinh ra được chẩn đoán là bị thoát vị não. Sau cuộc phẫu thuật lâu dài và nguy hiểm, các bác sĩ nói với Oe rằng Hikari sẽ bị khuyết tật nặng. Oe biết rằng đứa con ông sẽ bị đào thải – thậm chí đó còn được xem như một nỗi sỉ nhục khi mang một đứa con tật nguyền ra ngoài xã hội nhưng ông và vợ đã đón nhận cuộc sống mới của họ.
Cái tên Hiraki nghĩa là “ánh sáng”. Khi còn nhỏ, Hiraki hiếm khi nói chuyện và dường như là không hiểu gì khi gia đình cố gắng nói chuyện với cậu. Gia đình Oe thường mở những băng thâu tiếng chim hót, nhạc Mozart và Chopin bên cạnh chiếc cũi để làm dịu đứa bé và để giúp cậu ngủ. Sau đó khi được 6 tuổi, Hiraki nói được một câu hoàn chỉnh. Khi đi bộ cùng với Oe trong kỳ nghỉ gia đình, thằng bé nghe tiếng chim kêu và nói một cách chính xác rằng, “Đó là một con gà nước”. Chẳng bao lâu thì thằng bé có phản ứng với nhạc cổ điển và khi cậu đủ lớn, gia đình Oe ghi danh cho cậu vào những buổi học đàn dương cầm. Hiện tại, Hiraki là nhà soạn nhạc khuyết tật nổi tiếng nhất Nhật Bản. Anh đồng thời có thể nhận biết và nhớ lại bất cứ bản nhạc nào anh từng được nghe và chép lại một cách chính xác từ trí nhớ. Đồng thời anh cũng có thể nhận biết bất cứ tác phẩm nào của Mozart sau khi lắng nghe chỉ một vài nốt nhạc và xếp nó vào danh mục Köchel. CD đầu tiên của anh, Âm nhạc của Hikari Oe, phá vỡ doanh số bán ra của đĩa ghi âm trong thể loại cổ điển. Anh dành nhiều thời gian cùng Oe trong phòng khách. Người cha viết và đọc sách còn người con thì lắng nghe và soạn nhạc.
Trong cuộc nói chuyện Oe chuyển đổi dễ dàng giữa tiếng Nhật, tiếng Anh( thứ tiếng ông thông thạo) và đôi khi là tiếng Pháp. Nhưng vì cuộc phỏng vấn này ông đã yêu cầu một người phiên dịch và tôi mắc nợ Shion Kono, người đã hoàn thành công việc với một sự chính xác và nhanh lẹ phi thường. Sự tận hiến của Oe đối với ngôn ngữ, và đặc biệt đối với ngôn ngữ viết, thẩm thấu vào từng trắc diện của cuộc đời ông. Có một thời điểm trong cuộc phỏng vấn ông đã tham khảo một cuốn tiểu sử viết về ông để trả lời một trong số những câu hỏi của tôi. Khi tôi hỏi liệu ông làm như vậy có phải là vì ông gặp rắc rối với việc ghi nhớ những khoảng thời gian nào đó, ông đã nhìn tôi vẻ ngạc nhiên: “Không”, ông nói. “Đó là sự trầm tư của bản thân. Kenzaburo Oe cần phải tìm cho bằng được Kenzaburo Oe. Tôi định rõ bản thân thông qua cuốn sách này”.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Thời kỳ đầu trong sự nghiệp, ông đã phỏng vấn nhiều người. Ông có phải là một người phỏng vấn giỏi không thưa ông?
OE KENZABURO
Không, không, không. Một người phỏng vấn giỏi khám phá ra những điều mà đối tượng chưa bao giờ được nói trước đây. Tôi không nghĩ rằng tôi có khả năng trở thành một người phỏng vấn giỏi bởi vì tôi chưa bao giờ có thể moi được thứ gì mới mẻ cả.
Trong năm 1960, tôi là thành viên của một nhóm 5 nhà văn Nhật được chọn đi thăm Chủ tịch Mao. Chúng tôi ở đó với tư cách là thành viên của phong trào phản đối Hiệp ước an ninh Mỹ- Nhật. Tôi là người trẻ nhất trong 5 người. Chúng tôi gặp ông ta muộn vào lúc một giờ sáng. Họ dẫn chúng tôi tới một khu vườn tối mò. Trời tối đến độ chúng tôi không thể nhận ra rằng có một bụi hoa nhài gần đó nhưng chúng tôi lại không thể ngửi thấy. Chúng tôi đùa rằng nếu chúng tôi cứ đi theo mùi hoa nhài thì chúng tôi có thể đến được chỗ Mao. Ông ấy là một người đàn ông gây ấn tượng sâu sắc – một con người to lớn khác thường, đặc biệt bởi những chuẩn mực châu Á. Người ta không cho phép chúng tôi đặt những câu hỏi và thay vì trò chuyện trực tiếp với chúng tôi, ông ấy nói với thủ tướng Chu Ân Lai. Ông ấy tự trích dẫn từ sách của mình – chính xác từng từ một- toàn bộ thời gian. Thật là cực kỳ nhàm chán. Ông ấy có một hộp thuốc lá rất lớn và ông ấy hút cũng dữ. Khi họ trò chuyện thì Chu Ân Lai một cách vui vẻ tiếp tục dịch chuyển từ từ cái hộp khỏi Chủ tịch Mao nhưng Mao vẫn với tay và di chuyển nó trở lại .
Năm sau thì tôi phỏng vấn Sartre. Lần đầu tiên tôi ở Paris. Tôi thuê một căn phòng nhỏ ở Saint-Germain-des-Prés, và những giọng nói đầu tiên tôi nghe được là của những người biểu tình phía ngoài đang hò reo ““Paix en Algérie!” [2] Sartre là một yếu nhân trong đời tôi. Giống Mao, cơ bản thì ông đã lặp lại những gì mà ông đã xuất bản – trong Chủ nghĩa hiện sinh là một thuyết nhân bản và trong Những tình huống – vì thế tôi ngừng ghi chép. Tôi chỉ viết những tựa sách. Ông cũng nói rằng con người nên phản đối chiến tranh hạt nhân nhưng ông ủng hộ Trung Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân. Tôi cực lực phản đối sự sở hữu vũ khí hạt nhân bởi bất kỳ ai nhưng tôi có thể đồng ý với Sartre về điểm này. Tất cả những gì ông nói là, Câu tiếp theo.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông không phỏng vấn Kurt Vonnegut cho truyền hình Nhật Bản hay sao?
OE
Vâng, khi ông ấy đến Nhật Bản tham dự Hội nghị PEN [3] năm 1984 nhưng đó còn hơn một cuộc trò chuyện (entretien=talk) – hai nhà văn trong một cuộc đàm luận. Vonnegut là một nhà tư tưởng nghiêm túc diễn tả những quan điểm sâu sắc trên tinh thần a-mua Vonnegutian. Tôi cũng không thề moi điều gì quan trọng từ ông ấy.
Tôi có được nhiều thành công hơn trong việc thu nhận những ý kiến chân thành thông qua thư từ với các nhà văn. Noam Chomsky bảo với tôi rằng khi ông còn là một nam sinh trẻ tại trại hè thì có một thông báo nói rằng Mỹ đã thả bom A và rằng các lực lượng Đồng minh sẽ chiến thắng. Họ đốt lửa trại ăn mừng và Chomsky chạy ra khu rừng và ngồi đó một mình tới tận chập tối. Tôi luôn kính trọng Chomsky nhưng tôi thậm chí còn kính trọng ông ấy hơn sau khi ông nói với tôi điều đó.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Khi là một thanh niên, ông tự cho mình là một người theo chủ nghĩa vô chính phủ? Liệu ông vẫn xem mình là người như thế?
OE
Về nguyên tắc, tôi là một người theo chủ nghĩa vô chính phủ. Kurt Vonnegut từng nói rằng ông ấy là người theo thuyết bất khả tri tôn kính Chúa Jesus. Tôi là người vô chính phủ yêu quí nền dân chủ.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Hoạt động chính trị của ông có bao giờ khiến ông dính vào các rắc rối?
OE
Hiện tại vào lúc này tôi đang bị kiện ra tòa vị tội phỉ báng cho cuốn Sổ tay Okinawa. Những kí ức quan trọng nhất của tôi về Thế chiến II là việc sử dụng bom nguyên tử và những cuộc thảm sát tập thể ở Okinawa năm 1945. Tôi viết Sổ tay Hiroshima về vấn đề thứ nhất và Sổ tay Okinawa về vấn đề thứ hai. Suốt cuộc chiến tại Okinawa, quân đội Nhật Bản đã ra lệnh cho người dân trên hai hòn đảo nhỏ ngoài khơi Okinawa tự sát. Họ bảo rằng người Mỹ tàn ác đến độ chúng sẽ hãm hiếp phụ nữ và giết hại đàn ông. Họ nói tốt hơn là mọi người hãy tự sát trước khi bọn Mỹ đổ bộ vào. Mỗi gia đình được phát hai quả lựu đạn. Vào ngày quân Mỹ đổ bộ, hơn 500 người đã tự sát. Ông giết cháu, chồng giết vợ.
Tôi lập luận rằng người chỉ huy của những đơn vị phòng vệ đóng quân trên đảo phải chịu trách nhiệm cho những cái chết kể trên. Sổ tay Hiroshima được xuất bản gần 40 năm trước đây nhưng khoảng 10 năm trước một phong trào theo chủ nghĩa dân tộc bắt đầu mưu toan xét lại sách giáo khoa lịch sử một cách hợp lệ ngõ hầu xóa bỏ bất cứ sự đề cập nào về sự tàn bạo mà Nhật Bản gây ra ở châu Á suốt đầu thế kỷ XX, chẳng hạn như Vụ thảm sát Nam Kinh và những vụ tự sát ở Okinawa. Nhiều cuốn sách được xuất bản về những tội ác ác của Nhật Bản ở Okinawa nhưng cuốn sách của tôi là một trong số ít sách vẫn được in. Phe bảo thủ muốn một đích nhắm và tôi trở thành cái đích đó. So với khi cuốn sách được xuất bản những năm 70, cuộc tấn công hiện tại của phe cánh hữu chống lại tôi dường như có tính dân tộc cực đoan hơn , bộ phận hồi sinh trong tinh thần sùng bái hoàng đế. Họ cho rằng người trên những hòn đảo chết hết bởi một cảm giác đẹp đẽ thuần túy của lòng ái quốc vì hoàng đế.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có nghĩ việc từ chối Huy chương văn hóa 1994 là một sự phản đối có hiệu quả chống lại sự sùng bái hoàng đế?
OE
Nó hiệu quả vì cho tôi một nhận thức về nơi mà những kẻ thù của tôi – kẻ thù theo cái nghĩa cơ bản của từ đó – trú ngụ và những gì chúng chiếm giữ trong xã hội và văn hóa Nhật Bản. Dưới hình thức mở đường cho những sự khước từ trong tương lai bởi những người được tặng thưởng khác, tuy vậy, nó lại không có hiệu quả.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông xuất bản Sổ tay Hiroshima và tiểu thuyết Một nỗi đau riêng trong cùng khoảng thời gian. Vậy cái gì thì quan trọng đối với ông hơn?
OE
Tôi nghĩ rằng Sổ tay Hiroshima đề cập đến những vấn đề quan trọng hơn Một nỗi đau riêng. Giống như tựa đề được đưa ra, Một nỗi đau riêng đề cập đến những vấn đề quan trọng đối với tôi – mặc dù nó là tiểu thuyết hư cấu. Đây là điểm khởi đầu cho sự nghiệp của tôi: viết Sổ tay Hiroshima và Một nỗi đau riêng. Người ta cho rằng từ lúc ấy tôi luôn viết lặp đi lặp lại những thứ giống nhau – con trai tôi Hiraki và Hiroshima. Tôi là một kẻ nhàm chán. Tôi đọc nhiều sách văn học, tôi suy tư về nhiều thứ, nhưng nền tảng của tất cả điều đó là con trai tôi Hiraki và Hiroshima..
Liên quan đến Hiroshima, chính tôi đã trải nghiệm, nghe về nó từ khi còn là một đứa trẻ ở Shikoku năm 1945 và sau này thêm một lần nữa thông qua những cuộc phỏng vấn với nạn nhân sống sót của bom A.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có thử kết hợp những niềm tin chính trị của ông vào trong các tiểu thuyết hay không?
OE
Trong những cuốn tiểu thuyết, tôi không cố giảng giải hay lên lớp cho ai cả. Nhưng trong các bài tiểu luận của tôi về dân chủ tôi có thử truyền đạt. Tôi viết như một người theo chế độ dân chủ với một chữ d nhỏ. Trong những tác phẩm của mình tôi đã cố gắng hiểu rõ quá khứ: chiến tranh, nền dân chủ. Vấn đề vũ khí hạt nhân đã và đang là vấn đề cơ bản đối với tôi. Những hoạt động phi hạt nhân hóa, đơn giản là phản đối tất cả những vũ khí hạt nhân đang tồn tại hiện nay. Về điểm đó thì nó không thay đổi dù chỉ là nhỏ nhất và tôi cũng phải là thành viên của phong trào đó. Nói cách khác thì đó là một phong trào vô vọng.
Tư tưởng của tôi thực sự không biến cải kể từ thập niên 60. Thế hệ cha tôi coi tôi là một thằng ngốc ủng hộ chế độ dân chủ. Những người cùng thời lại phê phán tôi vì sự trơ lì – vì tự thỏa mãn với nền dân chủ. Và thế hệ trẻ hơn hiện nay thực ra lại không hiểu gì về nền dân chủ hoặc thời kỳ dân chủ hậu chiến – 25 năm sau cuộc chiến (Thế chiến II) . Họ phải đồng ý với T. S. Eliot khi ông ấy viết rằng, “Đừng để tôi nghe gì về sự thông thái của người già.” Eliot là một người trầm lặng, nhưng tôi thì không – hoặc giả ít nhất thì tôi hi vọng là không.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có bất cứ sự khôn ngoan nào để kể về nghề viết không?
OE
Tôi là kiểu nhà văn viết đi viết lại. Tôi rất háo hức sửa chữa lại mọi thứ. Nếu bạn nhìn vào một trong những bản thảo của tôi, bạn có thể thấy là tôi đã tạo ra nhiều sự thay đổi. Vì thế một trong những phương pháp văn học chính của tôi là “lặp lại với sự khác biệt” . Tôi bắt đầu một tác phẩm trước tiên bằng việc thử mang một đường hướng mới vào tác phẩm mà tôi đã viết – tôi thử chống lại địch thủ tương tự thêm một lần nữa. Sau đó tôi sử dụng bản nháp thành quả và tiếp tục trau chuốt nó và tôi làm vậy để cho những dấu tích của tác phẩm cũ biến mất. Tôi xem tác phẩm văn chương của mình là tổng hòa của những khác biệt trong sự lặp lại.
Tôi từng nói rằng đối với một tiểu thuyết gia thì sự trau chuốt này là điều tối quan trọng để học hỏi. Edward Said [4] viết một cuốn sách rất hay có tên Sự công phu trong âm nhạc trong đó ông xem xét ý nghĩa của sự trau chuốt trong âm nhạc của những nhà soạn nhạc vĩ đại như Bach, Beethoven, và Brahms. Thông qua sự trau chuốt những nhà soạn nhạc này đã sáng tạo ra những viễn tượng mới mẻ.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Làm sao ông biết khi nào thì mình quá chau truốt?
OE
Đó là vấn đề. Tôi trau chuốt và trau chuốt rồi năm này qua năm khác độc giả của tôi giảm dần. Phong cách của tôi đã trở nên vô cùng khó đọc, vô cùng lắt léo, phức tạp. Điều đó thì cần thiết để tôi cải thiện tác phẩm của mình, để tạo ra một viễn tượng mới mẻ nhưng 15 năm trước đây tôi đã kinh qua sự hoài nghi sâu sắc vì liệu sự trau chuốt có phải là phương pháp đúng đắn của một tiểu thuyết gia hay không.
Về cơ bản thì một tác giả cừ khôi nắm bắt được chiều hướng phong cách của chính anh ta hoặc cô ta. Có một giọng điệu tự nhiên, sâu sắc và giọng điệu đó có mặt từ bản nháp đầu tiên của bản thảo. Khi anh ta hoặc cô ta trau chuốt bản thảo ban đầu, điều đó tiếp tục đẩy mạnh và đơn giản hóa cái giọng điệu tự nhiên, sâu sắc đó. Khi tôi ở Hoa Kỳ giảng dạy tại Princeton vào năm 1996 và 1997, tôi đã đi xem một bản sao từ bản thảo gốc tác phẩm Huckleberry Finn của Mark Twain. Tôi đọc được 100 trang hoặc cỡ như vậy và dần dần tôi nhận ra rằng từ ban đầu Twain đã có được một phong cách chuẩn xác. Thậm chí khi ông ấy viết bằng thứ tiếng Anh sai lạc, phong cách trên thủ giữ một kiểu nhạc tính nào đó. Điều này khiến nó rõ ràng hơn. Phương pháp trau chuốt đó khởi phát một cách tự nhiên từ một tác giả cừ khôi. Một nhà văn giỏi như thường lệ sẽ không thử phá hủy giọng điệu của mình nhưng tôi sẽ luôn thử phá hủy giọng điệu của tôi.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Tại sao ông lại muốn phá hủy giọng điệu của ông?
OE
Tôi muốn tạo ra một phong cách văn chương mới trong ngôn ngữ Nhật Bản. Trong lịch sử của văn học Nhật Bản hiện đại, khởi đầu từ 120 năm trước đây, văn phong không hướng tới sự trau chuốt. Nếu bạn nhìn vào những nhà văn Nhật như Tanizaki và Kawabata, họ mô phỏng kiểu mẫu của văn học Nhật Bản cổ điển. Văn phong của họ là những kiểu mẫu vi tế của văn xuôi Nhật Bản xứng tầm với thời kỳ vàng của văn chương Nhật bản, truyền thống của những thể thơ ngắn – tanka và haiku. Tôi tôi trọng truyền thống này nhưng tôi muốn viết cái gì khác biệt.
Khi tôi viết tiểu thuyết đầu tiên của mình tôi đã 22 tuổi và là một sinh viên ngành văn học Pháp. Mặc dù tôi đang viết bằng tiếng Nhật nhưng tôi lại say mê tiểu thuyết và thi ca tiếng Pháp và tiếng Anh: Gascar và Sartre, Auden và Eliot. Tôi luôn so sánh văn học Nhật Bản với văn học Pháp hoặc Anh. Tôi đọc bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh khoảng 8 giờ đồng hồ rồi sau đó viết bằng tiếng Nhật khoảng 2 tiếng. Tôi nghĩ rằng, Làm thế nào mà một nhà văn Pháp có thể diễn tả điều này? Làm thế nào một nhà văn Anh có thể diễn tả điều này? Thông qua cách đọc bằng những ngoại ngữ rồi sau đó viết bằng tiếng Nhật, tôi muốn xây một cây cầu. Nhưng sự viết của tôi chỉ trở nên càng ngày càng khó khăn mà thôi.
Ở tuổi 60 tôi bắt đầu nghĩ rằng phương pháp của mình có lẽ sai lầm, hình dung của tôi về cách thức sáng tạo có thể sai lầm. Tôi vẫn trau chuốt cho tới khi tôi không thể tìm ra bất cứ khoảng mở nào trên trang giấy nhưng hiện tại có một giai đoạn thứ hai: tôi viết lại một bản phóng tác cực ngắn, rõ ràng về những gì mà tôi đã viết. Tôi tôn trọng những nhà văn có thể viết bằng cả hai loại văn phong – như Céline, người có một văn phong phức tạp và một văn phong rõ ràng.
Tôi khám phá ra văn phong này trong bộ ba tác phẩm “giả-cặp đôi”: Thử thách, Đứa trẻ mặt buồn và Tạm biệt, sách của tôi. Tôi viết với cùng văn phong rõ ràng trong Hãy đứng lên, hỡi những chàng trai của thế hệ mới nhưng đó là tuyển tập cũ hơn các truyện ngắn. Trong cuốn sách đó, tôi muốn lắng nghe giọng nói của cái tôi chân thực của mình. Nhưng các nhà phê bình vẫn cứ tấn công tôi vì những câu khó và cấu trúc phức tạp.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Tại sao lại gọi là bộ ba tác phẩm giả-cặp đôi?
OE
Một người chồng và một người vợ là một cặp đôi đích thực nhưng tôi lại miêu tả những giả-cặp đôi. Thậm chí tại thời kỳ đầu của sự nghiệp, trong tiểu thuyết dài-hoàn chỉnh đầu tiên của tôi, Hái nụ, giết trẻ, người kể chuyện và em trai anh ta là một giả-cặp đôi. Trong hầu hết các tác phẩm của tôi, tôi cảm thấy rằng tôi đã nắm bắt được những nhân vật dưới hình thức những quan hệ ràng buộc và những điều tởm lợm của những sự bắt cặp trái lẽ thường kể trên.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Đối với một số những tiểu thuyết của ông, ông đã chấp nhận một kế hoạch trí tuệ – thường là một nhà thơ có tác phẩm mà ông sẽ đọc một cách đầy ám ảnh và lồng vào cuốn sách. Trong Hãy đứng lên, hỡi những chàng trai của thế hệ mới, đó là Blake, trong Cú nhảy lộn nhào đó là R. S. Thomas, và trong Tiếng vọng của thiên đàng là Kim Chi Ha. Điều này phục vụ mục đích gì thưa ông?
OE
Những ý tưởng trong các cuốn tiểu thuyết của tôi được nối kết với những ý tưởng của các nhà thơ và triết gia mà tôi đang đọc tại thời điểm đó. Phương pháp này cũng cho phép tôi kể với mọi người về những nhà văn tôi cho là quan trọng.
Khi tôi ở độ tuổi đôi mươi, thầy tôi Kazuo Watanabe bảo với tôi rằng do tôi không định trở thành thầy giáo hoặc giáo sư văn học, tôi sẽ phải tự mình nghiên cứu. Tôi có hai chu kỳ: một chu trình 5 năm tập trung vào một nhà văn hoặc nhà tư tưởng cụ thể; và chu trình 3 năm dành cho một chủ đề riêng biệt. Tôi vẫn đang thực hiện điều đó từ lúc tôi 25 tuổi. Tôi đã có được 12 thời kỳ 3 năm. Khi tôi đang thực hiện một chủ đề đơn lẻ, tôi thường dành từ sáng tới chiều để đọc. Tôi đọc hết mọi điều do nhà văn viết và tất cả những nghiên cứu về các tác phẩm của nhà văn đó.
Nếu tôi đang đọc thứ gì đó bằng một ngôn ngữ khác ví dụ như Bốn bản tứ tấu của Eliot chẳng hạn, tôi sẽ dành 3 tháng đầu tiên để đọc đi đọc lại một phần như “ Cái sọ dừa phương Đông” bằng tiếng Anh cho tới khi tôi nhớ nó thì thôi. Sau đó tôi trở đi trở lại giữa hai phần – nguyên bản tiếng Anh và bản dịch tiếng Nhật – tới lúc tôi cảm thấy rằng mình đang ở trong một đường xoáy trôn ốc bao gồm văn cảnh tiếng Anh, văn cảnh Nhật Bản, và bản thân tôi nữa. Từ đó Eliot hiển lộ
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Thú vị là việc ông bao chứa cả sự uyên bác hàn lâm và lý thuyết văn học vào trong những chu trình của sự đọc. Ở Mỹ, sự phê bình văn học và giới sáng tác hầu như tách biệt lẫn nhau.
OE
Tôi hầu như hoàn toàn tôn trọng các học giả. Mặc dù họ kèn cựa trong không gian chật hẹp nhưng họ lại tìm thấy những cách thức sáng tạo thực sự trong việc đọc bất cứ tác giả nào đó. Đối với một tiểu thuyết gia, người suy nghĩ cao rộng, sự thấu thị như thế giúp đưa ra một đường hướng sắc nét hơn cho việc thông hiểu tác phẩm của tác giả.
Khi tôi đọc một công trình học thuật về Blake hay Yeats hoặc là Dante, tôi đọc cho bằng hết và tôi chú ý tới hàng loạt những điều khác biệt giữa các học giả. Đó là chỗ mà tôi học hỏi được nhiều nhất. Cứ độ ít năm là học giả mới lại cho ra đời một cuốn sách về Dante và mỗi học giả thì có đường hướng hoặc phương pháp riêng của mình. Tôi mô phỏng theo mỗi học giả và nghiên cứu phương pháp kể trên khoảng một năm. Sau đó tôi lại mô phỏng theo một học giả khác chừng một năm và vân vân..
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông làm cách nào để lựa chọn người để nghiên cứu?
OE
Thi thoảng đó là một hệ quả tự nhiên của những thứ mà tôi đang đọc. Ví dụ, Blake dẫn tôi tới Yeats, từ đó lại dẫn tôi tới Dante. Tại những thời điểm khác thì đó là sự trùng hợp thuần túy. Tôi theo một chuyến du lịch quảng cáo ở Anh quốc và tôi dừng lại tại xứ Wales. Tôi đã ở đó độ 3 ngày và tôi không còn sách đọc nữa. Tôi đi tới một nhà sách công cộng và hỏi người làm việc tại đó giới thiệu một số cuốn sách bằng Anh ngữ. Anh ta đề nghị một tuyển tập của một nhà thơ địa phương nhưng cảnh báo với tôi là cuốn sách không bán chạy cho lắm. Nhà thơ tên là R.s. Thomas, và tôi đã mua tất cả những gì họ có. Khi tôi đọc ông ấy, tôi nhận ra rằng ông là nhà thơ quan trọng nhất mà tôi được đọc tại thời điểm đó của đời tôi. Tôi cảm thấy ông ấy có nhiều điểm chung với Walter Benjamin mặc dù họ dường như rất khác biệt. Cả hai đều quan tâm tới ngưỡng cửa giữa thế giới trần tục và huyền bí.Và tôi bắt đầu suy tư về bản thân với tư cách một hữu thể trong mối quan hệ tay ba với Thomas và Benjamin.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Nghe có vẻ như khi ông đi du lịch ông lại giành phần lớn thời gian trong phòng khách sạn để đọc sách.
OE
Vâng, đúng vậy. Tôi có tham quan chút ít nhưng tôi không có hứng thú với thức ăn ngon. Tôi thích uống rượu nhưng tôi không thích đi đến các quán ba bởi vì tôi sẽ dây vào những cuộc ẩu đả.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông gây lộn vì điều gì vậy?
OE
Ở Nhật Bản ít nhất là như vậy, bất cứ khi nào tôi vô tình gặp một trí thức có xu hướng tôn thờ hoàng đế là tôi nổi khùng lên. Phản ứng của tôi đối với người này chắc chắn là bắt đầu chọc tức hắn ta và sau đó cuộc ẩu đả bắt đầu. Dĩ nhiên, những cuộc ẩu đả chỉ diễn ra sau khi tôi uống rất nhiều rượu rồi.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có thích đi du lịch bên ngoài Nhật Bản hay không?
OE
Không có gì tốt bằng việc học những trải nghiệm hơn là đến tận nơi mà tác phẩm được viết ra. Đọc Dostoyevsky tại Saint Petersburg. Đọc Beckett và Joyce tại Dublin. Đặc biệt Không thể đặt tên cần phải được đọc ở Dublin. Dĩ nhiên, Beckett viết tại hải ngoại bên ngoài Ireland. Bất cứ lúc nào tôi đi du lịch, tôi đều mang theo bên mình Bộ ba của Beckett kết thúc bằng cuốn Không thể đặt tên . Tôi không bao giờ cản thấy chán cuốn sách đó.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Hiện tại ông đang nghiên cứu gì thưa ông?
OE
Hiện giờ tôi đang đọc những bài thơ sau này của Yeats được viết vào giữa năm 1929 và 1939. Yeats qua đời ở tuổi 43 và tôi đang cố gắng tìm hiểu xem ông ấy trông thế nào khi cùng độ tuổi với tôi, 42. Tôi nhớ một bài thơ yêu thích mà ông ấy viết khi ông ấy 41 tuổi: “Cánh đồng cỏ”. Tôi luôn luôn đọc lại bài thơ đó, cố gắng diễn giải nó. Tiểu thuyết tiếp theo của tôi nói về một nhóm những người già bị mất trí gồm một tiểu thuyết gia và một chính trị gia, những người mang suy nghĩ cuồng loạn.
Đặc biệt có một câu thơ của Yeats gây cho tôi ân tượng: “Sự cám dỗ đối với tôi đã im bặt”. Tôi không có nhiều những khao khát phóng túng trong cuộc đời nhưng tôi thủ đắc được thứ mà Yeats gọi là “sự mê loạn của một lão già”. Yeats không phải là người thực hiện những điều kì dị, nhưng vào cuối đời ông ấy bắt đầu đọc lại Nietzsche. Nietzsche trích dẫn Plato khi bảo rằng mọi thứ thú vị ở thời Hy Lạp cổ đại khởi phát từ sự điên loạn hoặc mê cuồng.
Cho nên ngày mai tôi sẽ dành ra 2 tiếng để đọc Nietzsche ngõ hầu nắm bắt lại một viễn cảnh khác nữa đối với ý tưởng về sự mê cuồng của người già, nhưng tôi sẽ đọc Nietzsche trong lúc nghĩ về Yeats. Nó cho phép tôi có thể đọc Nietzsche một cách khác biệt nhằm trải nghiệm việc đọc Nietzsche song song với Yeats.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Cái cách mà ông miêu tả điều này cứ như thể là ông quan sát thế giới thông qua lăng kính của một nhà văn. Liệu độc giả của ông có quan sát thế giới thông qua những cách nhìn của ông.
OE
Khi tôi bị khích động bởi Yeats , Auden hay R. S. Thomas, tôi nhìn thế giới thông qua họ, nhưng tôi không tin rằng bạn có thể quan sát thế giới thông qua lăng kính của một tiểu thuyết gia. Tiểu thuyết gia là người bình thường. Sự hiện tồn trần tục hơn thôi. Tính thế tục quan trọng hơn. William Blake và Yeats, họ thì đặc biệt.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có cảm thấy ganh tị với những nhà văn như Haruki Murakami và Banana Yoshimoto?
OE
Murakami viết với một văn phong Nhật Bản rõ ràng và đơn giản. Sách của anh ta được dịch ra nhiều ngoại ngữ và được đọc rộng rãi, đặc biệt tại Mỹ, Anh và Trung Quốc. Anh ta tạo ra cho mình một chỗ đứng trong nền văn chương thế giới theo cái cách mà Yukio Mishima cũng như bản thân tôi không thể có được. Thực sự đây là lần đầu tiên chuyện này xảy ta trong nền văn học Nhật Bản. Người ta đọc các tác phẩm của tôi, nhưng nhìn lại thì tôi không chắc là mình có được một lượng độc giả nhất định, thậm chí là ở Nhật Bản. Đó không phải là ganh đua nhưng tôi vẫn muốn nhìn thấy nhiều hơn các tác phẩm của mình được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức, và có được độc giả tại các quốc gia đó. Tôi không cố viết cho số đông độc giả nhưng tôi muốn chạm tới con người. Tôi muốn nói cho mọi người về văn học và những suy nghĩ ảnh hưởng sâu sắc tới tôi. Vì là người đã đọc sách văn học suốt cuộc đời tôi hi vọng sẽ thông tri những nhà văn tôi cho là quan trọng. Lựa chọn đầu tiên của tôi là Edward Said, đặc biệt là những cuốn sách về sau của ông ấy. Thậm chí nếu tôi chưa từng nghe về Edward Said thì tôi cũng nghĩ về ông rồi. Tư tưởng của ông trở thành một phần quan trọng trong các tác phẩm của tôi. Chúng giúp tôi tạo ra những cách diễn đạt mới mẻ với Nhật ngữ, những suy tưởng mới mẻ với Nhật ngữ. Đứng về mặt cá nhân thì tôi cũng yêu mến ông ấy.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Mối quan hệ giữa ông và Mishima thì căng thẳng.
OE
Ông ấy căm ghét tôi. Khi tôi xuất bản cuốn “Tuổi 17”, Mishima viết cho tôi một lá thư nói rằng ông ấy rất thích cuốn đó. Bởi vì câu chuyện đó hư cấu nên cuộc đời của một chàng sinh viên trẻ cánh hữu, Mishima có thể nghĩ rằng tôi bị cuốn hút bởi Thần đạo, chủ nghĩa dân tộc và lòng thờ phụng hoàng đế. Tôi không bao giờ dự định ca ngợi chủ nghĩa khủng bố. Tôi muốn cố gắng nắm bắt hành vi của một thanh niên trốn chạy gia đình và xã hội để gia nhập một nhóm khủng bố. Tôi vẫn nghĩ về điều này.
Nhưng trong một lá thư khác được xuất bản trong Tuyển tập thư từ của ông ấy, Mishima viết rằng tôi đã làm ông ấy bất ngờ vì tôi quá xấu xa. Thường thì người ta sẽ không xuất bản một lá thư hạ nhục như thế. Ví dụ như trong những lá thư của Nabokov, những lá thư có ý lăng nhục trực tiếp không được xuất bản cho tới khi cả 2 bên liên quan qua đời. Nhưng Mishima lại là một vị thánh đối với những nhà xuất bản và ông ấy đã cho phép xuất bản bất cứ thứ gì ông ấy muốn.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Thực sự có phải ông đã từng gọi vợ của Mishima là cái L..tại một bữa tiệc?
OE
Đó là chuyện bịa đặt. John Nathan đã viết điều này trong phần dẫn cuốn Hãy dạy chúng tôi thoát khỏi điên loạn. Ông ấy muốn tạo ra một hình ảnh về tôi giống như một nhà văn trẻ thích gây tai tiếng. Mishima và tôi gặp nhau 2 lần tại các bữa tiệc của nhà xuất bản nhưng ở đó đã có những nữ chiêu đãi phục vụ rượu và một nhà văn thì không bao giờ dẫn theo vợ đến các bữa tiệc kiểu như vậy. Mishima là nhà văn lỗi lạc nhất tại thời điểm đó. Đó là điều không thể xảy ra. Theo John Nathan thì tôi học được từ đó từ Norman Mailer. Nhưng tôi đã biết từ đó rồi- tôi lớn lên gần những người lính Mỹ và đó là từ mà họ sẽ ném về phía các thiếu nữ Nhật. Là một người tự trọng, tôi không bao giờ sử dụng một từ như thế. Vả lại, nếu tôi căm ghét ai đó tôi sẽ bày tỏ trực tiếp với người đó. Tôi không tha thứ cho John Nathan vì chuyện đó mặc dù tôi thích bản dịch của ông ấy đối với cuốn sách kể trên [Hãy dạy chúng tôi thoát khỏi điên loạn].
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Nathan đã chuyển ngữ một số sách của ông. Liệu rằng văn phong của một nhà văn có thể được dịch sang ngôn ngữ khác?
OE
Tôi thích các bản dịch tới một mức độ nào thôi. Mỗi dịch giả có giọng điệu khác nhau nhưng tôi nhận thấy rằng họ đọc các tác phẩm của tôi rất tốt. Tôi thích những bản dịch của Nathan nhưng những bản dịch tiếng Pháp cho các tác phẩm của tôi là tốt nhất.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Làm sao ông lại hiểu rõ những ngôn ngữ đó với tư cách một người đọc?
OE
Tôi đọc tiếng Pháp và tiếng Anh như người nước ngoài. Tôi mất một thời gian dài để đọc bằng tiếng Ý nhưng khi tôi đọc nó tôi cảm thấy tôi đang thấu hiểu được giọng điệu trong văn cảnh. Khi tôi thăm Ý, tôi có một buổi phóng vấn trên radio và người phỏng vấn hỏi tôi về Dante. Tôi tin rằng Thần khúc của Dante có thể tiếp tục cứu rỗi thế giới. Người phỏng vấn quả quyết là người Nhật sẽ không bao giờ nắm bắt được nhạc tính trong ngôn ngữ của ông ấy. Tôi nói rằng, Không phải vậy, không hoàn toàn nhưng tôi có thể hiểu những khía cạnh nào đó của giọng điệu Dante. Người phỏng vấn trở nên buồn bã và nói rằng điều đó là không thể. Anh ta yêu cầu tôi đọc lại Dante. Tôi đọc lại có lẽ 15 dòng từ phần đầu của Luyện ngục. Anh ta dừng thu âm và nói, Đây không phải tiếng Ý- nhưng tôi tin rằng ông tin đó là tiếng Ý.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Nhiều nhà văn bị ám ảnh về sự làm việc trong sự cô đơn nhưng những người kể chuyện trong các tác phẩm của ông – những nhà văn – lại viết và đọc trong khi nằm trên đi-văng trong phòng khách. Ông có làm việc giữa gia đình hay không?
OE
Tôi không cần phải cô đơn để làm việc. Khi tôi đang viết những cuốn tiểu thuyết và đọc sách, tôi không cần phải tách biệt bản thân hoặc xa gia đình. Thường thì tôi làm việc trong phòng khách trong lúc Hiraki nghe nhạc. Tôi có thể làm việc cùng Hiraki và có vợ tôi bên cạnh bởi vì tôi đọc lại nhiều lần. Tiểu thuyết thì luôn bất toàn và tôi biết rằng tôi sẽ phải đọc lại nó một cách toàn bộ. Khi tôi đang tiến hành viết bản nháp đầu tiên tôi không nhất thiết phải viết một mình. Khi tôi đọc lại, tôi đã có một mối liên hệ với văn cảnh cho nên tôi không cứ nhất thiết phải cô đơn.
Tôi có một phòng làm việc ở tầng hai nhưng hiếm khi tôi làm việc ở đó. Thời gian duy nhất tôi làm việc tại đó là khi tôi đang hoàn thành một cuốn tiểu thuyết và cần tập trung – điều ấy là một sự phiền hà đối với những người khác.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Theo một trong số những tiểu luận của mình ông đã viết rằng chỉ có ba loại người thú vị để trò chuyện: một người biết nhiều về lắm thứ, một người đã đến một thế giới mới hoặc một người kinh qua điều gì đó lạ lùng và khiếp sợ. Vậy thì ông là loại người nào?
OE
Tôi có một người bạn thân – một nhà phê bình nổi tiếng – người quả quyết rằng không có cuộc đối thoại nào với tôi. Oe, ông ấy nói, không chịu lắng nghe bất cứ điều gì mà người khác nói; ông ta chỉ nói những gì trong đầu ông ta. Tôi không tin là điều đó đúng và tôi không nghĩ rằng tôi có hứng thú để lắng nghe. Tôi đã không chiêm quan được nhiều điều vĩ đại. Tôi không đến thế giới mới. Tôi không có được những trải nghiệm lạ lùng. Tôi đã kinh qua những điều vụn vặt. Tôi viết về những kinh nghiệm vụn vặt đó và đọc lại chúng và trải nghiệm lại chúng thông qua việc đọc lại.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Hầu hết các tiểu thuyết dựa trên chính cuộc đời cá nhân của ông. Vậy ông có xem những cuốn tiểu thuyết của mình như một phần của truyền thống tiểu thuyết – Cái tôi của Nhật Bản? [5]
OE
Có một số các tác phẩm vĩ đại trong truyền thống thuộc tiểu thuyết – cái Tôi. Homei Iwano, người đã viết suốt thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, là một trong những nhà văn yêu thích của tôi. Có một cụm từ mà ông ấy đã xử dụng – “sự dũng cảm tàn bạo vô vọng”. Nhưng tiểu thuyết-cái Tôi là về những gì xảy ra khi mà cuộc sống thường ngày của tác giả bị chen ngang bởi một sự kiện bất thường hoặc đặc biệt – một cơn sóng thần, một trận động đất, cái chết của một người mẹ, cái chết của một người chồng. Nó không bao giờ khai mở tới một sự tra vấn về vai trò của cá nhân trong xã hội. Các tác phẩm của tôi bắt đầu với đời sống cá nhân của riêng tôi nhưng tôi cố gắng khai mở những vấn đề xã hội.
Dickens và Balzac viết về cuộc sống một cách khách quan. Họ viết với sự phơi mở có chủ tâm. Nhưng vì tôi viết về cuộc sống thông qua bản thân tôi, vấn đề quan trọng nhất là làm sao để thuật lại một câu chuyện, làm sao tìm được một giọng điệu. Sau đó đến nhân vật.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Có phải tất cả những tiểu thuyết của ông đều được khúc xạ thông qua những kinh nghiệm cá nhân của ông?
OE
Tôi không khởi sự viết một tiểu thuyết với ý tưởng định trước theo cái hướng mà tôi sẽ dẫn dắt nhân vật hay làm thế nào mà tôi có thể tạo ra một nhân vật nào đó. Đối với tôi, đây là thứ mà hành động tu chỉnh hướng vào. Thông qua quá trình đọc lại và tu chỉnh, những nhân vật và tình huống mới nảy sinh. Đó là một cấp độ rất khác biệt so với đời thực. Ở cấp độ này, những nhân vật phát triển và câu chuyện triển nở một cách tự thân.
Tuy tất cả các tiểu thuyết của tôi phần nào nói về bản thân tôi, về những gì mà tôi đang suy nghĩ với tư cách một người đàn ông trẻ, một người đàn ông tuổi trung niên với một đứa con tật nguyền, một ông già. Tôi trau dồi văn phong ngôi thứ nhất ngược với ngôi thứ ba. Đó là một vấn đề. Một tiểu thuyết gia thực sự giỏi có khả năng viết theo ngôi thứ ba nhưng tôi chưa bao giờ đủ khả năng để viết tốt theo ngôi thứ ba. Theo nghĩa đó thì tôi là một tiểu thuyết gia nghiệp dư. Mặc dù tôi đã viết theo ngôi thứ ba trong quá khứ, nhân vật thì luôn luôn bằng cách này hay cách khác giống hệt như tôi. Lí do đó là chỉ thông qua ngôi thứ nhất tôi mới có thể xác định thực tại nội giới của mình.
Trong “Aghwee, quái vật bầu trời chẳng hạn”, tôi đã viết về người nào đó ở trong cái hoàn cảnh tương tự với hoàn cảnh mà tôi đã từng trải qua khi Hiraki được sinh ra, người đưa ra một quyết định khác hẳn so với cái quyết định mà tôi đã đưa ra. Cha của Aghwee lựa chọn không để cho đứa con dị dạng của ông ấy sống. Trong Một nỗi đau riêng, tôi viết về một nhân vật chính khác –Điểu- người lựa chọn chung sống với thằng bé. Những nhân vật kể trên được ra đời trong cùng khoảng thời gian. Nhưng trong trường hợp này, đó thực tế là bước giật lùi. Viết về những hành động của cả cha Aghwee và Điểu, tôi hướng cuộc đời tôi theo những hành động của Điểu. Tôi không có ý định là sẽ thực hiện điều này nhưng sau đó tôi nhận ra rằng điều này là những gì tôi đã làm.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Hiraki thường xuyên xuất hiện như một nhân vật trong tiểu thuyết của ông.
OE
Tôi đã chung sống với nó 44 năm rồi, và viết về nó là một trong những cột trụ đối với lối diễn đạt văn chương của tôi. Tôi viết về nó để chỉ ra làm thế nào mà một người tật nguyền có thể tự nhận thức được mình và chuyện đó khó khăn như thế nào. Khi nó còn rất nhỏ, nó bắt đầu tự biểu lộ bản thân –tính cách của nó thông qua âm nhạc. Tại một thời điểm nào đó thì nó đã có thể biểu lộ những ý niệm chẳng hạn như nỗi buồn thông qua âm nhạc. Nó đã tiến vào quá trình tự khai ngộ. Nó vẫn đang tiếp tục con đường đó.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông từng nói rằng ông viết đúng nguyên văn những gì cậu ấy nói nhưng ông lại đặt chúng trong một trật tự khác nhau.
OE
Tôi chép lại những từ Hiraki nói theo một trật tự chính xác mà nó nói ra. Điều mà tôi thêm vào là ngữ cảnh và tình huống cũng như làm thế nào mà những người khác đáp lại nó. Thông qua quá trình này mà những lời nói của Hiraki trở nên có thể dễ nắm bắt hơn Tôi sẽ không bao giờ sắp xếp lại những lời nói của nó hầu để làm cho chúng có thể hiểu được.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Những đứa con khác của ông nghĩ về một thực tế đó là ông viết quá nhiều về Hiraki trong các tiểu thuyết của mình?
OE
Tôi cũng viết về con trai tôi O-chan và con gái tôi Natsumiko. Chỉ có Natsumiko đọc những gì tôi viết về Hiraki mà thôi. Tôi phải rất cẩn thận hoặc giả nó sẽ bảo với tôi là Hiraki không nói điều đó.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Tại sao ông lại quyết định sử dụng tên thật của họ – đặc biệt là tên thật của Hiraki?
OE
Thoạt đầu, tôi không sử dụng tên của nó. Tôi gọi nó là Eeyore trong những tiểu thuyết của mình nhưng trong đời thực tôi gọi nó là Pooh.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Tại sao thế?
OE
Gấu Pooh là lí do để tôi cưới vợ tôi. Ngay trước khi kết thúc cuộc chiến một bản dịch của Gấu Pooh do Iwanami Shoten, một nhà xuất bản thuộc giới trí thức, ấn hành. Chỉ có vài ngàn bản in. Tôi biết anh trai của vợ tôi Juzo Itami tại trường trung học và mẹ họ nhờ tôi tìm cho cô ấy một bản cuốn Ngôi Nhà Ở Góc Gấu Pooh. Côấy đọc nó suốt thời kỳ của cuộc chiến nhưng lại làm mất nó. Tôi là một người thông thạo các tiệm sách cũ ở Tokyo và có thể tìm cuốn Gấu Pooh và cuốn Ngôi Nhà Ở Góc Gấu Pooh. Tôi tìm được một cuốn, gửi đến nhà họ và sau đó bắt đầu thư từ với con gái bà ấy. Chuyện bắt đầu như thế đấy.
Nhưng tôi thực sự không xem gấu Pooh như một nhân vật. Tôi thích kiểu của Eeyore hơn.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Gia đình ông phản ứng ra sao khi ông đoạt giải Nobel?
OE
Cách đánh giá của gia đình đối với tôi không hề thay đổi. Tôi vẫn đang ngồi đây đọc sách. Hiraki thì đang nghe nhạc đằng kia. Con trai tôi, một sinh viên nghành hóa sinh tại Đại học Tokyo và con gái tôi, một sinh viên trường Đại học Sophia, đang ở trong phòng ăn. Họ không mong đợi tôi giành giải. Có một cuộc điện thoại vào khoảng 9h tối Hiraki trả lời máy – đó là một trong các sở thích riêng của nó, trả lời điện thoại. Nó có thể nói, Xin chào, bạn có khỏe không? một cách hoàn hảo bằng tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng trung Quốc và tiếng Hàn Quốc. Vì thế nó trả lời điện thoại và nói bằng tiếng Anh, Không và sau đó lại như lần trước, Không. Sau đó Hiraki đưa điện thoại cho tôi. Đó là một thành viên của Hội đồng Nobel thuộc Viện hàn lâm Thụy Điện. Ông ta hỏi tôi, Ông có phải là Kenzaburo? Tôi hỏi ông ấy nếu Hiraki từ chối giải Nobel nhân danh tôi và sau đó tôi nói, Tôi xin lỗi – Tôi chấp nhận. Tôi đặt điện thoại xuống, trở về cái ghế này, ngồi xuống và thông báo cho gia đình tôi, tôi đã giành giải Nobel. Vợ tôi nói, Điều đó đúng không?
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Đó là tất cả những gì bà ấy nói?
OE
Vâng, và hai đứa con tôi không nói gì cả. Chúng chỉ đi về phòng của chúng một cách lặng lẽ. Hiraki tiếp tục nghe nhạc. Tôi chưa bao giờ nói với nó về giải Nobel.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có thất vọng bởi phản ứng của họ?
OE
Tôi trở lại đọc sách nhưng tôi không thể không khỏi tự hỏi rằng liệu có phải hầu hết các gia đình sẽ phản ứng theo cách này. Sau đó điện thoại bắt đầu rung chuông. Khoảng 5 giờ nó vẫn không ngừng .Những người tôi biết. Những người tôi không biết. Lũ con tôi chỉ muốn những phóng viên trở về nhà. Tôi kéo màn để tạo cho chúng tôi chút ít riêng tư.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Có bất cứ bất lợi nào đối với việc giành được giải thưởng đó chăng?
OE
Không có gì đặc biệt tai hại về chuyện giành được giải thường – nhưng cũng không có gì là đặc biệt lợi lạc đối với chuyện giành giải. Vào lúc tôi giành giải, các phóng viên tập trung bên ngoài nhà tôi khoảng 3 năm trời. Báo chí Nhật Bản có xu hướng đánh giá quá cao giá trị của đối thủ giành giải Nobel. Thậm chí những người không đánh giá cao các tác phẩm văn học của tôi hay những người chống đối hoạt động chính trị của tôi đều hứng thú với tôi khi người ta nói rằng tôi đang được xem xét cho giải thưởng.
Giải Nobel thì hầu như vô nghĩa đối với tác phẩm văn học của nhà văn nhưng nó khơi dậy ấn tượng chung về anh ta, vị trí của anh ta với tư cách một nhân vật xã hội. Anh ta đạt được một kiểu thông hành mà anh ta có thể xử dụng trong lãnh vực rộng lớn hơn. Nhưng đối với tác giả thì không có gì thay đổi cả. Ý kiến của tôi về bản thân mình không thay đổi. Chỉ có một số ít nhà văn vẫn tiếp tục cho ra những tác phẩm hay sau khi giành giải Nobel. Thomas Mann là người như thế. Faulkner cũng tương tự.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Khi Hiraki được sinh ra, ông đã là một tiểu thuyết gia nổi tiếng. Ông và vợ ông được xem như một cặp đôi quyến rũ. Ông có bao giờ lo lắng rằng cuộc đời cùng với Hiraki sẽ tách ông khỏi công việc?
OE
Tôi đã 28 tuổi rồi. Đó là 5 năm sau khi tôi đoạt giải thưởng Akutagawa uy tín. Nhưng tôi không e ngại về việc có một đứa con tật nguyền hay là mình phải xấu hổ. Tính cách của Điểu trong tiểu thuyết Một nỗi đau riêng thì không thoải mái với đứa con tật nguyền – đó là cần thiết cho qui tắc cốt truyện – nhưng tôi không bao giờ cảm thấy lo lắng về điều đó. Tôi đã chọn số phận của tôi, như Huckleberry Finn.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ngay sau khi Hiraki được sinh ra, ông không chắc là cậu ấy sẽ sống được
OE
Bác sĩ bảo với tôi rằng khả năng nó sống sót là mong manh. Tôi có cảm giác là nó sẽ chết sớm. Một vài tuần sau khi Hiraki sinh ra, tôi đến Hiroshima. Tôi đã nhìn thấy nhiều người sống sót trong vụ thả bom nguyên tử viết tên của người nào đó đã chết lên chiếc chiếc đèn lồng và thả nó nổi bồng bềnh trên dòng sông. Họ dõi theo những chiếc đèn lồng trôi sang bờ bên kia của dòng sông – những linh hồn chết đang đi về cõi tối. Tôi muốn được tham gia. Tôi viết tên Hiraki lên chiếc đèn bởi vì nó là người, tôi nghĩ, sẽ phải chết sớm. Vào lúc đó, tôi đã không còn ý chí muốn sống.
Về sau, tôi bảo với một người bạn của mình, một nhà báo có con gái chết trong vụ ném bom xuống Hiroshima, điều mà tôi đã thực hiện. Anh ấy nói, Cậu không nên có những tình cảm ủy mị như vậy. Cậu phải tiếp tục làm việc. Sau đó, tôi đồng ý rằng điều tôi đã làm là loại tình cảm ủy mị tồi tệ nhất. Sau này tôi đã thay đổi thái độ của mình.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông muốn nói gì với tình cảm ủy mị?
OE
Định nghĩa hay nhất xuất khởi từ Flannery O’Connor. Bà ấy nói rằng tình cảm ủy mị là một thái độ không dám đương đầu với thực tại trực tiếp một cách công khai. Cảm thấy thương hại người khuyết tật, bà ấy nói, là tương tự như việc giấu giếm họ vậy. Bà ấy liên kết tình cảm ủy mị tai hại này với sự tàn diệt người khuyết tật của phát xít suốt Thế chiến II.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Trong Hãy đứng lên, hỡi những chàng trai của thế hệ mới, có một tình tiết thuộc về những câu chuyện trong đó một sinh viên cánh hữu bắt cóc đứa con trai tật nguyền của người kể chuyện rồi sau đó bỏ lại thằng bé trong một nhà ga xe lửa. Có chuyện gì giống như vậy từng xảy ra hay không?
OE
Những người sinh viên trẻ tại thời điểm đó đang phê phán tôi vì không viết về giới trẻ tại Nhật Bản, những người đang đau khổ và chỉ nghĩ về đứa con tật nguyền của chính tôi. Họ nói rằng tôi quá say mê đối với đứa con của tôi và không đủ thiết tha đối với xã hội. Họ dọa bắt cóc nó nhưng họ đã không bao giờ thực hiện. Tình tiết trong tiểu thuyết đó là đúng theo một nghĩa nào đó: khi đó Hiraki đã bị lạc ở nhà ga Tokyo và tôi đã tìm nó trong khoảng 5 tiếng đồng hồ.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Quả là khó để viết về Hiraki như một hữu thể giới tính? Trong Hãy đứng lên, hỡi những chàng trai của thế hệ mới và Cuộc đời bình lặng, người kể chuyện cảm thấy khó khăn để điều hòa mối bận tâm về tình dục của chính anh ta hoặc những suy nghĩ với những điều tương tự của đứa con trai tật nguyền.
OE
Hiraki không có bất cứ hứng thú tình dục nào. Thậm chí khi có một người đàn bà phần nào khỏa thân trên TV, nó nhắm mắt lại. Hôm khác có một nghệ sỹ dương cần bị hói trên TV – phải có chút ít liên hệ giữa sự khỏa thân và hói đầu đối với Hiaki – và nó không muốn xem. Đó là phản ứng duy nhất của nó đối với hoạt động tình dục. Bạn có thể nói rằng nó nhạy cảm đối với vấn đề đó nhưng theo một cách thức khác biệt hơn so với hầu hết người ta suy nghĩ.
HIKARI OE
Christoph Eschenbach.
OE
Một nghệ sỹ dương cầm và nhạc trưởng nổi tiếng. Trên những bìa album của mình ông ấy để tóc dày đen. Nhưng cách đây không lâu ông ấy đã đi thăm Nhật Bản hiện tại thì ông ấy bị hói hoàn toàn. Chúng tôi xem ông ấy trên TV và Hiraki sẽ không nhìn vào cái đầu trọc lóc của ông ta. Tôi phải dán bìa CD lên màn hình TV quá ngưỡng cái đầu của Eschenbach để Hiraki có thể xem được.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Tại sạo ông lại thôi coi Hiraki như một nhân vật chính trong những tiểu thuyết mình?
OE
Khỏang 10 năm trước, tôi thôi viết về Hiraki một cách thẳng thừng nhưng nó luôn xuất hiện đấy chứ. Nó trở thành nhân vật phụ quan trọng nhất. Chỉ vì Hiraki luôn là một phần của đời tôi cho nên tôi muốn người khuyết tật luôn luôn hiện diện trong tiểu thuyết của mình. Nhưng tiểu thuyết là nơi để thử nghiệm – như Dostoyevsky thử nghiệm với nhân vật Raskolnikov. Tiểu thuyết gia phô diễn những viễn tượng khác nhau – làm thế nào mà nhân vật này sẽ phản ứng trong hoàn cảnh kể trên. Tôi không thực hiện điều đó với Hiraki nữa. Vì tôi tiếp tục chung sống với Hiraki, điều quan trọng là nó thực hiện chức năng như một trụ đỡ trong cuộc sống của tôi chứ không phải là một thử nghiệm. Nó là một phần trong thực tại của tôi. Tôi sẽ luôn nghĩ về việc làm thế nào mà nó có thể chấp thuận và đón nhận một sự thật là tôi đang già đi.
Cách đây hoảng 5 hay 6 năm, tôi bị một cơn u uất. Tôi chịu đựng nó cứ hai hoặc ba năm – thường là do tôi cảm thấy lo lắng về những loại vũ khí hạt nhân hoặc giả Okinawa hay ai đó thuộc thế hệ của tôi qua đời hoặc cứ như thể là những cuốn tiểu thuyết của tôi không còn cần thiết nữa vậy. Tôi vượt qua chuyện đó bằng cách nghe CD giống nhau mỗi ngày. Năm ngoái, tôi đã muốn thử thâu bắt những kinh nghiệm trong tiểu thuyết của tôi. Tôi có thể ghi nhớ rằng đó là bản xô-nát số 32 dành cho đàn dương cầm của Beethoven nhưng tôi không thể nhớ là ai chơi bản nhạc đó. Tôi có rất nhiều đĩa CD. Khi tôi hỏi Hiraki tôi đã lắng nghe người trình diễn nào, nó nhớ được: Friedrich Gulda. Tôi hỏi, năm 1967? và Hiraki nói, 58.
Nhìn chung, khoảng 1/3 cuộc đời tôi là dành cho việc đọc, 1/3 dành cho việc viết tiểu thuyết và 1/3 dành cho việc chung sống với Hiraki.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Thế thì ông tuân theo kế hoạch viết lách nào?
OE
Khi mà tôi bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết, tôi viết mỗi ngày cho tới khi nó được hoàn thành. Thường thì tôi thức vào lúc 7h sáng và làm việc cho tới khoảng 11h. Tôi không ăn sáng. Tôi chỉ uống một ly nước. Tôi nghĩ rằng điều đó là tốt nhất cho việc viết lách
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có xem nghề viết là một công việc khó khăn?
OE
Trong tiếng Pháp từ chỉ công việc là travail ( sự khó nhọc, cơn đau đẻ). Kể cả theo nghĩa của từ này là tranh đấu với nỗ lực và khổ đau lớn lao cũng như thành quả của nỗ lực đó. Đối với Proust, cuộc đấu tranh của việc viết tác phẩm Đi tìm thời gian đã mất và kết quả của nỗ lực đó là như nhau. Tôi không cảm thấy rằng việc viết là một cuộc đấu tranh. Viết bản nháp đầu tiên là một tiến trình cực kỳ thích thú nhưng tôi đọc lại bản nháp đó kỹ lưỡng. Điều đó mất công nhưng hoàn thành tác phẩm thì cũng thú vị lắm.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông đã nói rằng những tiểu thuyết đối với ông là một phương cách để quay lại khu rừng trong ngôi làng mà ông trưởng thành.
OE
Có hai sự chồng chéo – khu rừng hư cấu và ngôi nhà thời niên thiếu của tôi. Tôi đã viết về tuổi thơ của tôi nhiều lần. Cái thật và cái tưởng tượng trộn lẫn vào nhau.
Một lần trong rừng khi tôi đang vẽ phác thảo những cái cây và cố gắng học tên của chúng. Tôi đã bị cảm lạnh. Tôi nằm trên giường và dường như là tôi không còn sống lâu nữa. Con sẽ chết phải không? Tôi hỏi mẹ tôi như vậy. Mẹ tôi nói, Thậm chí nếu con có chết thì mẹ sẽ sinh con lần nữa. Tôi hỏi, Đó sẽ không phải một đứa trẻ khác hả mẹ? Và bà nói rằng, Mẹ sẽ dạy dỗ đứa trẻ đó tất cả những điều mà con biết được, tất cả những cuốn sách mà con đã đọc.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Về cha ông thì sao?
OE
Tôi nhớ chỉ chút ít về ông. Ông sẽ suy tư một mình – trong sự cô lập. Ông bí ẩn. Ông không bao giờ nói chuyện với lũ trẻ con chúng tôi. Ông dệt vải và đọc sách. Ông không kết giao với những người khác trong làng..
Chúng tôi sống trong những dãy núi của Shikoku. Đó là một cuộc đi bộ ban ngày tới quận bên cạnh. Tôi nghe được rằng cha tôi đã từng đi thăm một thầy giáo, một chuyên gia về văn học Trung Quốc, người sống ờ sườn bên kia của ngọn núi. Mẹ tôi nói rằng cha tôi sẽ thăm ông hai lần mỗi năm.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Mẹ ông và bà ngoại ông không trông coi ngôi đền Thần đạo trong làng ông hay sao?
OE
Ngôi đền đó là một ngôi đền thờ Đạo giáo – nó thì hoàn toàn thuộc về văn hóa dân gian, trần tục hơn Thần đạo nhều. Mẹ tôi, mặt khác, là một người suy nghĩ rất sâu xa về Thần đạo. Nhật Bản được xem như quốc gia Thần đạo nhưng nó vẫn bị ràng buộc vào Thiên hoàng. Tôi vào trường tiểu học khi tôi 6 tuổi và Thế chiến II kết thúc khi tôi 10 tuổi. Giữa những năm tháng đó tôi đã có được một sự giáo dục đẫm tinh thần chủ nghĩa dân tộc – chủ nghĩa dân tộc kết hợp với Thần đạo, sự tôn sùng Thiên hoàng và chủ nghĩa quân phiệt. Chúng tôi được dạy rằng Thiên hoàng là một vị thần và do đó chúng tôi phải chết vì Thiên hoàng. Chúng tôi đã tin cho tới khi chiến tranh kết thúc.
Tuy nhiên, trên nền tảng của văn hóa Nhật Bản, tồn tại Thần đạo. Thần đạo là một niềm tin giản đơn gắn với lề thói hằng ngày. Không có sách dạy giáo lý, không có hệ thống thần học. Những ai muốn bỏ đạo thì theo Phật giáo hoặc Cơ đốc giáo. Hoặc họ tìm kiếm tư tưởng độc lập – như những nhà trí thức. Tôi là người theo đuổi tư tưởng độc lập, điều gì đó nằm ngoài tôn giáo.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Có đúng là ông bị rối loạn giấc ngủ?
OE
Tôi luôn gặp rắc rối khi ngủ. Tôi bắt đầu viết những cuốn tiểu thuyết khi là một sinh viên cao đẳng bởi vì điều này. Tầm khoảng 2 năm tôi đã lệ thuộc vào những viên thuốc ngủ nhưng tôi đã bình phục lại bằng việc tự thết cho mình một ly rượu vào mỗi đêm. Tôi đi vào bếp và uống khoảng 4 chai whiskey – thi thoảng nhiều gấp đôi- và từ 2 cho đến 4 lon bia. Tôi uống hết whiskey và bia rồi sau đó tôi có thể đi ngủ rất dễ dàng. Vấn đề là số lượng sách mà tôi đọc được đã giảm một cách đáng kể.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Trong Hãy đứng lên, hỡi những chàng trai của thế hệ mới, người kể chuyện nói rằng cuộc sống của chúng ta thực ra chỉ là một sự chuẩn bị cho nửa ngày vui thú trước khi chết. Thế thì nửa ngày cuối cùng trọn vẹn của ông sẽ như thế nào?
OE
Tôi không biết nửa ngày cuối cùng trọn vẹn của mình sẽ như thế nào nhưng tôi muốn nhận thức một cách hoàn toàn đối với toàn bộ ngày đó. Tôi đã kinh qua nhiều điều trong hơn 70 năm đã qua. Tôi muốn nhớ một số bài thơ. Ngay lúc này ứng viên đó là “Cái sọ dừa phương Đông”.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Chỉ có mỗi một ứng viên hay sao?
OE
Cho lúc này
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Khi nhìn lại cuộc đời mình, ông có cảm thấy rằng ông đã lựa chọn con đường đúng đắn?
OE
Tôi đã dành đời tôi tại gia đình, ăn thức ăn vợ tôi nấu, nghe nhạc và bên cạnh Hiraki. Tôi cảm thấy tôi đã lựa chọn một nghề nghiệp tốt – một nghề nghiệp thú vị. Mỗi sáng tôi thức dậy và biết rằng tôi sẽ không bao giờ đọc hêt những cuốn sách cần phải đọc. Đó là cuộc đời của tôi.
Tôi mong muốn được chết sau khi mà tôi đã hoàn tất một cuốn sách – khi tôi hoàn tất việc viết và có thể đọc ngay được. Tiểu thuyết gia Natsume Soseki có một sự nghiệp cực kỳ ngắn ngủi, từ năm 1905 tới năm 1916. Câu chuyện nổi tiếng nhất về ông ấy đó là ngay trước lúc ông mất ông đã nói rằng, Sẽ là rắc rối nếu tôi chết lúc này. Ông ấy không bao giờ mong đợi cái chết. Ở Nhật Bản nếu một nhà văn chết và để lại một bản thảo chưa hoàn thành người ta sẽ xuất bản nó. Trước khi tôi chết tôi muốn đốt đi tất cả những bản thảo chưa hoàn thành của mình và tất cả những sổ tay ghi chép của tôi. Tôi muốn lựa chọn những cuốn sách mà tôi muốn chúng được tái bản và tất mọi thứ khác thì tôi không muốn tái bản .
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Không phải hầu hết các nhà văn nói như vậy nhưng lại có ý khác hay sao?
OE
Đối với những nhà văn vĩ đại thực sự, có thể có những khám phá quan trọng trong số những bản thảo chưa hoàn thành. Nhưng trong trường hợp của tôi, thậm chí cái mà đã được xuất bản thì không hoàn tất. Quá trình viết của tôi không hoàn thành sau một vài bản nháp. Nó phải đi qua một quá trình dài đọc lại. Nếu như không đọc lại, chúng không phải là những tác phẩm của tôi.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Tác phẩm thành công nhất của ông theo ông nghĩ là tác phẩm nào?
OE
Tiếng Thét Câm Lặng. Đó là tác phẩm từ thời trẻ của tôi và những khuyết điểm là điều không thể tránh khỏi. Nhưng tôi nghĩ rằng đó là tác phẩm thành công nhất, mắc nhiều lỗi nhất và lớn nhất của tôi.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Những người kể chuyện trong những tiểu thuyết của ông sở đắc sự siêu việt nhưng sau đó dường như nó vượt quá tầm của họ.
OE
Kinh nghiệm của tôi về sự siêu việt luôn luôn là thứ yếu. Tôi cảm thấy và tri nhận nó thông qua những người đã vượt qua chiều kích mà chúng ta biết được – những nhà thơ như Yeats và Blake. Rút cục tôi đã không chạm đến một chiều kích khác ngoài nơi mà chúng ta hiện diện trên thế giới này nhưng tôi có thể kinh qua nó thông qua văn chương và điều đó đối với tôi là lý do để hiện hữu.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có nghĩ rằng có đức tin là một gánh nặng đối với một nhà văn?
OE
Trong tiếng Nhật, từ “gánh nặng” có đặc tính “nặng” trong đó. Tôi không nghĩ rằng tôn giáo – đức tin – là một gánh nặng “to tát” nhưng những nhà văn và những nhà tư tưởng mà tôi cảm thấy thân thuộc chia sẻ những suy nghĩ và cảm giác của tôi về đức tin. Tôi đã biến nó thành thói quen để học hỏi từ chúng. Có những nhà văn khác mà tôi không cảm thấy gần gũi bởi vì tôi không chia sẻ những cảm giác và suy nghĩ của họ về đức tin. Tolstoy, chẳng hạn, không phải nhà văn mà tôi cảm thấy gần gũi.
Tôi không có đức tin cũng như tôi nghĩ rằng tôi sẽ phải có điều đó trong tương lai nhưng tôi không phải là người vô thần. Đức tin của tôi là đức tin của một người thế tục. Bạn có thể gọi nó là “luân lý”. Suốt cuộc đời tôi thì tôi đã sở đắc được một số minh triết nhưng luôn là thông qua lý trí, suy tưởng, và kinh nghiệm. Tôi là một người lý trí và tôi làm việc chỉ thông qua linh nghiệm của riêng mình. Phong cách sống của tôi là phong cách sống của một người thế tục, và tôi nghiên cứu về con người theo cách đó. Nếu chỉ có một lãnh vực thông qua đó tôi trực diện với sự siêu việt thì đó là cuộc đời tôi cùng với Hiraki suốt 44 năm qua. Thông qua mối quan hệ của tôi với Hiraki và thông qua sự hiểu biết của tôi đối với âm nhạc của nó tôi đã thoáng thấy qua sự siêu việt.
Tôi không cầu nguyện nhưng có hai điều mà tôi làm mỗi ngày. Điều đầu tiên là nghiên cứu những nhà tư tưởng và nhà văn tôi tin cậy – tôi làm điều này mỗi buổi sáng ít nhất khoảng hai giờ. Việc thứ hai liên quan tới Hiraki.Mỗi tối tôi đánh thức Hiraki dậy để đi tới phòng tắm. Khi nó trở lại giường vì một số lý do, nó không thể đắp chăn cho mình vì vậy tôi đắp chăn cho nó. Giục Hiraki đến phòng tắm là một nghi lễ và tạo cho tôi một tinh thần tôn giáo. Sau đó tôi uống một chén rượu và đi ngủ.
Trịnh Ngọc Thìn dịch
Bình Phước 9/7/2013
*Bản dịch này được người dịch đăng song song trên hai trang: https://toiditimchanly.wordpress.com/ và https://chiecnon.wordpress.com/
Dịch từ bản tiếng Anh theo nguồn: http://www.theparisreview.org/interviews/5816/the-art-of-fiction-no-195-kenzaburo-oe
Chú thích của người dịch:
[1]: Tiểu thuyết Một nỗi đau riêng, tên tiếng Anh (Kojinteki-na taiken ,1964; A Personal Matter)
[2]: ““Paix en Algérie!” : tiếng Pháp –Hòa bình tại Algeria
[3]: PEN là Tổ chức văn bút quốc tế thành lập năm 1921 tại London, Anh quốc.
[4]: Edward Wadie Said (1935-2003) là nhà phê bình Mỹ nổi tiếng.
[5]: tiếng Anh I –novel ( tiếng Nhật watakushi shōsetsu hoặc shishōsetsu) là một trong những hình thức của văn học Nhật Bản thế kỷ XX được đặc trưng bởi lối kể truyện tự-phơi mở trong đó tác giả thường là nhân vật trung tâm.
Chia sẻ:
Từ khóa » Kenzaburo Oe Và Mẹ
-
Nobel Văn Chương Cũng Chưa Làm Mẹ Vui! - Tuổi Trẻ Online
-
Heart US-UK - Bố Mẹ Châu Á Là Thế đó ♀️ Full: "Khi Còn... | Facebook
-
Trong Cánh Rừng Sâu Thẳm Của Hồn Người - VnExpress Giải Trí
-
Kenzaburo Oe: Văn Chương đau Thương Và Khả Năng Tự Chữa Lành
-
Nhà Văn Kenzaburo Oe: Tái Sinh Cùng "Một Nỗi đau Riêng"
-
QUAN NIỆM VỀ SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT CỦA OE KENZABURO
-
Đằng Sau Những Vinh Quang Của Nhà Văn đoạt Giải Nobel
-
Kenzaburo Oe - Cha Va Con
-
Tình Cha Con Trong Tác Phẩm Của Oe Kenzaburo - Văn Nghệ Quân đội
-
Hình Tượng Nhân Vật Trong Tiểu Thuyết Một Nỗi đau Riêng ... - 123doc
-
Hình Tượng Nhân Vật Trong Tiểu Thuyết Một Nỗi đau Riêng ... - 123doc
-
Ōe Kenzaburo đến Việt Nam - Khoa Văn Học
-
Kenzaburo Oe - Nhật Bản, Sự Nhập Nhằng, Và Bản Thân Tôi - Talawas
-
Oe Kenzaburo: Tôi Là Nhà Văn Của Xứ Ngoài Rìa - Nhật Bản