Trong Cánh Rừng Sâu Thẳm Của Hồn Người - VnExpress Giải Trí
Có thể bạn quan tâm
Maya Jaggi
eVăn: Ngày 21/1/2005 vừa qua, nhà văn Nhật Bản Oe Kenzaburo (giải Nobel văn chương 1994) tròn 70 tuổi. Trong tháng 2, ông đã đến thăm thành phố Hiroshima và đọc diễn văn nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành phố này (cùng với Nagasaki) bị Mỹ ném bom nguyên tử (tháng 8 năm 1945). Nhân dịp này, tờ báo Guardian của Anh đã đăng bài viết của Maya Jaggi đưa ra cái nhìn tổng quan và nhất quán về con người, tác phẩm và niềm tin của Oe. |
Kenzaburo Oe đã lạc mất cha mình trong thế chiến thứ hai và tuyên bố rằng sự thất bại của Nhật bản đã khiến ông trở thành nhà văn. Là một nhân vật đáng kính, Oe đã viết một loạt tác phẩm nói về mối quan hệ của mình với đứa con trai mắc chứng tự kỷ và ông đã đạt giải Nobel văn chương. Giờ đây, vào tuổi 70, và là một người chỉ trích kịch liệt sự tái sinh của chủ nghĩa quân phiệt, Oe sẽ viếng thăm Hiroshima vào tháng tới để ghi dấu sự tàn phá thành phố này 60 năm trước.
Khi Kenzaburo Oe hai mươi tám tuổi và đã trở thành một nhà văn đáng kính của lớp thanh niên thời hậu chiến, đứa con đầu tiên của ông ra đời vào năm 1963 với chứng bệnh thoát vị não (não bị đẩy ra ngoài sọ), một "đứa trẻ quái thai hai đầu" của các tác phẩm Oe về sau. Nếu phẫu thuật chỉnh hình thì có nguy cơ làm tổn thương não, và đã có lúc người cha mong cho đứa con chết đi, một khoảng thời gian "nhục nhã". Sau này, Oe viết trong một hồi ký được tiểu thuyết hóa rằng "không một chất tẩy rửa mạnh mẽ nào cho phép tôi rũ bỏ nó (khoảng thời gian nhục nhã đó - ND) ra khỏi cuộc đời tôi". Thế nhưng một chuyến thăm Hiroshima để đọc báo cáo tại một hội nghị về hòa bình và gặp gỡ những nạn nhân sống sót sau thảm họa bom nguyên tử đã thuyết phục được Oe vượt qua nỗi hoài nghi, làm ông tin tưởng rằng đứa con ông phải sống. "Sự sinh thành con trai tôi đã dạy tôi làm người và làm một nhà văn", ông nói.
Mối ràng buộc giữa Oe và Hikari (có biệt hiệu là "Pooh" được đặt theo tên con gấu của AA Milne), kéo dài hơn ba mươi năm nay, đã gợi hứng cho Oe viết một chuỗi những tác phẩm tiểu thuyết vô song mà nhân vật chính là người cha có những đứa con bị tổn thương não. Kinh nghiệm đó ngập tràn trong quan điểm phức tạp của Oe thể hiện trong các tiểu thuyết và tiểu luận của ông về chủ nghĩa quân phiệt và giải trừ vũ khí hạt nhân, sự vô tội và tính xác thực, niềm tin và sự cứu chuộc. John Nathan, giáo sư văn hóa Nhật Bản trường đại học California ở Santa Barbara, người dịch những tác phẩm của Oe sang tiếng Anh và là tác giả của tác phẩm Nhật Bản, sự tháo cũi sổ lồng (tạm dịch từ Japan Unbound) đã nhận xét rằng cũng như Natsume Soseki, nhà văn hiện đại đầu thế kỷ 20, Oe đã "sáng tạo ra một ngôn ngữ của riêng mình, theo kiểu Faulkner và vài nhà văn Nhật Bản thế hệ trước. Ông luôn tự ý thức một cách vô cùng day dứt và đau đớn nhìn sâu vào bên dưới bề mặt sự vật". Mặc dù Nathan cảm thấy tác phẩm của Oe "khó mà dịch cho hết ý" và "ông đã phải chuyển ngữ rất vất vả" nhưng bản dịch tiếng Anh của tác phẩm Oe vẫn thu hút một số lượng lớn độc giả ngoại quốc từ sau giải thưởng Nobel văn chương 1994.
Henry Miller đã so sánh Oe với Dostoevsky trong "chuỗi những hy vọng và tuyệt vọng" của Oe. Trong khi Edward Said, người bạn thân thiết của Oe hơn hai mươi năm vừa mới qua đời, thì lưu ý đến "năng lực phi thường của sự hiểu biết cảm thông", đặc biệt là hiểu biết giữa các nền văn hóa. Said đã viết trong một bức thư ngỏ năm 2002 là "còn có ai khác ngoài Oe đã thường xuyên cảnh báo về "mối nguy cơ của Nhật Bản có quá nhiều tính huênh hoang đế quốc và ảo tưởng kinh tế", một hiểm họa mà theo Oe là có nguồn gốc từ việc nước Nhật đã không rút ra được bài học nào từ quá khứ. Theo tiểu thuyết gia Anh (gốc Nhật, ND) Kazuo Ishiguro, "Oe luôn bị hấp dẫn với những gì chưa được tiết lộ về vai trò của Nhật Bản trong thế chiến thứ hai".
Oe sẽ mừng sinh nhật lần thứ bảy mươi của mình vào thứ hai này (tức ngày 7 tháng 2). Và ông sẽ trở lại thăm Hiroshima vào tháng tới (tức tháng 3) và có bài thuyết trình ghi dấu lễ kỷ niệm vào Tháng tám 60 năm ngày thảm họa bom nguyên tử giáng xuống Hiroshima và Nagasaki. Tháng sáu năm ngoái, Oe là người đồng sáng lập ra hiệp hội "Điều khoản chín" (Article 9), gồm một nhóm trí thức Nhật Bản, tất cả đều từng kinh qua thế chiến thứ hai, thực hiện các cuộc vận động hành lang để bảo vệ nhau, tránh sức ép của những người theo chủ nghĩa xét lại và phản đối chiến tranh. Tháng 12 vừa qua, thủ tướng Nhật Bản, ông Koizumi Junichiro, đã cho triển khai lực lượng phòng vệ Nhật Bản tại Iraq, nhiệm vụ lớn nhất của Nhật Bản tại hải ngoại kể từ năm 1945.
Oe cũng phụ trách một cột báo hàng tháng của Nhật báo Asahi, vốn từ lâu đã bị xem là đích ngắm của những người Nhật bảo thủ đòi duy trì hệ thống Thiên hoàng vẫn tồn tại sau thất bại năm 1945. Chính ông đã bị hành hung khi đang diễn thuyết ở trường đại học Tokyo sau khi ông cho xuất bản tác phẩm Tuổi mười bảy (Seventeen) vào năm 1961. Đây là một tiểu thuyết mà nhân vật chính là một thiếu niên khủng bố, lấy nguyên mẫu từ kẻ ám sát chủ tịch đảng xã hội Nhật Bản vào năm 1960 vốn là một thiếu niên cực hữu. Ngày anh sẽ lau khô nước mắt tôi (The day he shall wipe my tears away) xuất bản năm 1972, châm biếm lòng yêu nước quá khích của Mishima Yukio, kẻ đối lập về phương diện văn chương với Oe, người đã mổ bụng tự sát vào năm 1970 sau khi cầm đầu một cuộc đảo chính không thành 1. Chỉ ít ngày sau khi nhận giải thưởng Nobel văn chương, Oe bị chỉ trích vì đã khước từ Huân chương văn hóa của hoàng gia với lý do rằng ông từ chối "nhìn nhận bất cứ quyền lực nào, bất cứ giá trị nào đứng cao hơn nền dân chủ". Một chiếc xe phát thanh hăm dọa bên ngoài nhà ông, Oe nhớ lại, "nhưng vợ tôi can đảm hét toáng lên "Các ông sai rồi".
Oe và vợ, bà Yukari, sống một "đời sống bình lặng" - tiêu đề châm biếm của một trong những quyển tiểu thuyết của ông - với Hikari ở Setagaya, một vùng ngoại thành phía tây Tokyo, có những con đường yên tĩnh với những cây gỗ thích đỏ. Họ cũng có một ngôi nhà trên núi. Trên những bức tường nhà họ ở Tokyo treo đầy những bức tranh màu nước của Yukari. Một vài bức trong số đó là tranh minh họa cho tác phẩm của Oe. Họ còn có hai người con nữa. Người con gái Natsumiko đang làm tại thư viện của một trường đại học. Người con trai Sakurao là một khoa học gia làm việc tại một công ty nông nghiệp. Vợ của anh sẽ sinh cho Oe đưa cháu đầu tiên vào mùa xuân này.
Hikari, 41 tuổi, mắc chứng tự kỷ, động kinh và thị lực kém. Sau khi chào xã giao vài câu tiếng Anh, anh chàng cao lớn này đi xuống nhà dưới nghiên cứu các đĩa CD. Hikari lên sáu tuổi mới biết nói. Anh đã làm người cha mình giật mình vì nhận dạng được giọng hót của những loài chim trong rừng sau khi nghe băng ghi âm giọng hót các loài chim đó. Mặc dù khả năng sử dụng ngôn ngữ của anh còn nhiều hạn chế, nhưng Hikari đã được đánh thức bằng nhạc Bach và Mozart, học chơi piano (dù bây giờ anh đã bỏ), chép nhạc và phát triển được năng khiếu khác thường của mình để trở thành nhạc sĩ. Theo Nathan thì "Hikari không những là nhà thông thái ngớ ngẩn duy nhất trong lịch sử y học mà còn có khả năng sáng tác nhạc trong đầu không cần dùng nhạc cụ". Ba đĩa CD nhạc của Hikari phát hành năm 1990 đã đưa anh đạt giải thưởng cao nhất về nhạc cổ điển Tây phương ở Nhật Bản. Đĩa CD đầu tiên bán được 400.000 bản, "số lượng phát hành lớn hơn bất kỳ tiểu thuyết nào của tôi", Oe nói, "tôi rất tự hào về điều đó". Oe phát âm tiếng Anh khá nặng, nhưng vốn từ vựng dồi dào của ông làm ta nhớ lại ông từng giảng thuyết nhiều lần ở Mỹ. Oe có thể đọc được tiếng Anh, Pháp, Nga và Hán ngữ, nhưng ông luôn có sẵn một người bạn để dịch những lời ông nói bằng tiếng mẹ đẻ.
Tác phẩm Cú nhảy lộn nhào (tạm dịch từ Somersault, 1999), tiểu thuyết đầu tiên của ông sau ngày nhận giải Nobel văn chương, mới được xuất bản ở Anh năm ngoái. Mặc dù quyển sách được viết trước vụ tấn công vào tàu điện ngầm ở Tokyo bằng khí sarin của giáo phái "ngày tận thế" Aum Shinrikyo, nhưng có một một sự tương đồng đầy chủ ý giữa giáo phái Aum và giáo phái "khải huyền" trong tác phẩm. Patron, người cầm đầu giáo phái "khải huyền", đã đau đớn chối bỏ tín ngưỡng của mình hầu ngăn chặn cuộc khủng bố hạt nhân do những kẻ tay chân thi hành. Vài nhà phê bình Anh cho rằng cuốn tiểu thuyết quá dông dài, lê thê suốt gần 600 trang, so sánh nó một cách thiếu thiện chí với tác phẩm "người thật việc thật" của Murakami Haruki Đường xe điện ngầm - Vụ tấn công bằng hơi ngạt ở Tokyo và Tâm lý Nhật (xuất bản năm 1997). Nhưng Fredric Jameson trong bài điểm sách ở London đã tỏ lòng thán phục "sự giản dị của văn phong hậu kỳ, như cấu trúc của một bản giao hưởng Bruckner". Philip Gabriel, giáo sư văn học hiện đại Nhật Bản ở đại học Arizona và là người dịch tác phẩm này sang tiếng Anh, nhận xét rằng sự khảo sát của Oe về vị giáo chủ của một giáo phái "sống với những hệ quả cảm xúc từ việc ông chối bỏ đức tin" cộng hưởng một cách mạnh mẽ với những người Nhật đã kinh qua trận chiến cùng với "tuyên bố chính thức về phẩm chất thần thánh của thiên hoàng". Qua "cú nhảy lộn nhào" của Patron, Oe đã quay trở lại những chấn thương và sự tái sinh mà ông đã nghiệm sinh từ chính thế hệ mình.
Oe chào đời tại Ose năm 1935 trong một ngôi làng hẻo lánh khuất trong những cánh rừng Shikoku. Ose là một quần đảo có núi non bao bọc nằm ở phía tây Nhật Bản. Ông đã tiếp cận văn hoá dân gian từ bà và mẹ. Mỗi khi viết, Oe lại nhớ đến giọng kể chuyện của mẹ mình và cảm thấy mình có lỗi mà tự nhủ: "Mình phải gắng viết một cách chính xác và lương thiện hơn". Những câu chuyện về một vị cứu tinh trong rừng sau này đã gợi hứng cho Oe về những đấng cứu rỗi - và những vị tiên tri giả - trong các truyện của ông nơi bối cảnh trở đi trở lại là một Shikoku đầy huyền thoại. Theo Kazuto Yamaguchi, người biên tập các tác phẩm của Oe ở nhà xuất bản Kodansha Tokyo, thì "rừng Shikoku luôn là một nơi trinh trắng và thiêng liêng đối với Oe, chốn sinh thành của linh hồn".
Cha Oe bị giết năm 1944, còn mẹ ông vào ngày sáu tháng tám năm 1945 đã nhìn thấy một chớp sáng trên bầu trời cách Hiroshima khoảng 100 dặm khi thành phố này bị thả bom. Khi Nhật hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng vào ngày 15 tháng tám cùng năm thì Oe mới lên mười tuổi. Cú sốc khi nghe thấy giọng nói phàm trần của Thiên hoàng trên radio, người mà Oe luôn được dạy là một vị thánh sống, đã tước đoạt sự ngây thơ của Oe và mọi giá trị bị lật đổ. "Nếu như không có những trải nghiệm năm 1945 và những năm sau đó, tôi sẽ chẳng bao giờ trở thành tiểu thuyết gia", Oe nói.
Thời kỳ Đồng minh chiếm đóng Nhật Bản từ 1945 đến 1952 khá hòa dịu, với những anh lính Mỹ hiền lành mang theo kẹo để phát cho trẻ con, song lại khơi nên ở Oe một tình cảm nước đôi đến tận bây giờ đối với nước Mỹ. "Tôi khâm phục và tôn trọng văn hóa của các nước nói tiếng Anh, nhưng tôi phẫn nộ đối với sự chiếm đóng", Oe nói. Cuộc cải cách tiền tệ đã khiến gia đình ông - vốn làm nghề buôn tín phiếu ngân hàng - phải phá sản. Là con thứ năm trong gia đình bảy anh em, chỉ có Oe được đi học đại học. Từ năm 1954 đến 1959, Oe học khoa Pháp văn ở Đại học Tokyo và viết báo kiếm sống. Nhưng "cách phát âm quê mùa đặc biệt" của Oe khiến ông luôn cảm thấy ở tình trạng "chông chênh và ngoài rìa". Điều này đã khơi dậy niềm thông cảm của ông với những người Hàn quốc thiểu số ở Nhật Bản, những người dân Okinawa, nơi đặt các căn cứ quân sự Mỹ mà ông luôn vận động chống đối. Hisaaki Yamanouchi, bạn thời sinh viên với Oe, nay là giáo sư danh dự ở Đại học Tokyo, hồi tưởng lại rằng Oe là một chàng trai nhút nhát nhưng thông minh sáng láng, với "sự ngây thơ trong sáng mà có lẽ chắn Oe còn giữ được đến tận ngày hôm nay".
Tác phẩm đầu tay của Oe miêu tả thời thơ ấu của ông trong chiến tranh. Năm 1958, truyện ngắn Nuôi thù (Shiiku) (được dịch sang tiếng Anh là The Catch hay Prize Stock), miêu tả tình bạn diệu kỳ giữa một cậu bé với một tù binh Mỹ da đen, "một vị khách huy hoàng đến từ bầu trời" như chính lời Oe nói, một tình bạn bị chiến tranh hủy hoại. Theo Yamaguchi, câu truyện là "một bức tranh mỉa mai mối quan hệ Nhật Mỹ". Tác phẩm này đưa Oe nhận được giải thưởng Akutagawa năm 23 tuổi. Cùng năm đó, tiểu thuyết đầu tay của Oe (được dịch sang tiếng Anh là Giết trong trứng nước, bắn trẻ) miêu tả sự phạm tội của một nhóm thanh thiếu niên tản cư đến một ngôi làng hẻo lánh trong thời chiến. Bọn này đã làm những chuyện trụy lạc đáng xấu hổ với những dân làng đang sợ hãi những cơn dịch bệnh ập tới.
Năm 1960, Oe gặp Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh, người mà những trước tác làm Oe thán phục ("Tôi tự hào rằng ông ấy là người châu Á") và phỏng vấn Jean Paul Sartre ở Paris năm 1961 (một "trí giả đầy lôi cuốn luôn trích dẫn chính mình"). Oe đã xuống đường cùng Sartre và Simone de Beauvoir để phản đối chiến tranh Algeria. Ông tham gia biểu tình chống chiến tranh Việt Nam và có mặt trong cuộc phản kháng lớn của phe cánh tả ở Tokyo vào năm 1960 nhằm chống lại việc phục hồi hiệp ước an ninh Nhật Mỹ. "Tôi tôn trọng nền dân chủ Mỹ và nền hiến pháp đã thực hiện được quyền dân chủ ấy", Oe nói. "Khi tôi chống Mỹ, tôi chỉ chống cái nước Mỹ đã cự tuyệt những nguyên tắc dân chủ". Yamaguchi nói: "Sau chiến tranh, người ta nhìn thấy một tương lai đầy hy vọng. Nhưng Nhật Bản lại lệ thuộc vào Mỹ. Những người trẻ tuổi phản kháng nhưng thất bại, và Oe biểu hiện trong tác phẩm của mình sự giận dữ và thất bại đó. Giới trẻ đã tìm ra một người hùng cho thế hệ mình".
Bị ảnh hưởng bởi chủ thuyết hiện sinh của Sartre và chủ nghĩa hiện thực nghịch dị của Rabelais cùng với truyền thống văn chương Mỹ từ Twain đến Norman Mailer, Oe đã tạo dựng ra những hình tượng phản anh hùng (anti-hero) chìm đắm trong những nhục thấp hèn và bị ruồng bỏ, căm ghét cái gọi là "văn minh". Trong những truyện ngắn và truyện vừa như Tuổi mười bảy (1961) và J (1963), các nhân vật này bị những hành vi chính trị cuồng tín quyến rũ nhưng rồi chỉ đi đến nghiện rượu hay trở thành những kẻ sống vất vưởng dưới đường xe điện ngầm. Oe giễu nhại thói quen ù lì phẳng lặng của người Nhật trong tác phẩm Tiểu thuyết I, một tự truyện về người Nhật Bản, và tấn công thẳng vào "sự mập mờ" của những bậc đàn anh như Kawabata Yasunari (Nobel văn chương năm 1968). Các nhà phê bình chế nhạo văn xuôi của Oe là "sặc mùi bơ", bởi cú pháp tây phương làm hoen ố sự trong sáng của tiếng Nhật. Nathan, người đã nhận xét "một đường ranh tinh tế giữa sự nổi loạn mang tính nghệ thuật với sự phóng túng" cũng nói rằng "quan điểm trước sau như một của Oe là tấn công vào những giá trị truyền thống" 2.
Năm 1960, Oe lập gia đình với Yukari, chị của người bạn học Juzo Itami (sau này là đạo diễn các phim như Tampopo). Khi sinh Hikari vào tháng sáu năm 1963, các bác sĩ đã nói rằng thằng bé sẽ chỉ sống một đời sống thực vật, và thuyết phục vợ chồng Oe nên để cho đứa bé chết. Tại Hiroshima vào tháng sau, Oe nhận thấy những phe phái ủng hộ hòa bình thân Liên Xô hay Trung Quốc tranh luận nhau xem bên nào nên có vũ khí hạt nhân. Không ai chịu cứu giúp những nạn nhân sống sót cả, Oe nói. Ông đến thăm những nạn nhân sống xót ở bệnh viện Hội chữ thập đỏ, nơi một bác sĩ 3 đã nói với Oe " đừng quá tuyệt vọng hay hy vọng". Qua tấm gương về lòng kiên nhẫn của người bác sĩ, Oe nói: "tôi thấy mình được khích lệ để có thể đối diện với chính con trai mình", người mang tên là "ánh sáng" 4.
Sự "tái sinh" chính trị và cá nhân của Oe được phản ánh trong tác phẩm Những ghi chép về Hiroshima (1965), và mối liên hệ giả tưởng mà ông nối kết giữa đứa con tật nguyền với những nạn nhân chịu hệ lụy của thảm họa hạt nhân đã hình thành nên một tác phẩm mang cho ông tầm ảnh hưởng quốc tế. Đó là Một nỗi đau riêng (A Personal Matter, 1964). Điểu, một hình tượng nhân vật phản anh hùng, là một người cha nuôi giấc mộng đào tẩu đến Phi Châu, tìm quên trong hơi men và gái điếm. Vật lộn với tình thế tiến thoái lưỡng nan, Điểu phải đối diện với đứa con "quái vật" cho đến tận khi anh quyết tâm cứu thoát đứa con và chính bản thân mình. Nathan, người dịch cuốn tiểu thuyết, nhận thấy "một nguồn năng lượng diệu kỳ, mạnh mẽ và làm ta choáng ngợp" trong tác phẩm này. Khi Nathan gặp Oe ở Tokyo, ông ngạc nhiên khi thấy Oe là một người đàn ông phương phi và nghiêm nghị với khuôn mặt tròn, đôi vai xuôi và bụng nhỏ. Oe trông rất hiền lành. Sau này ông nhận ra có một cảm thức hài hước rất riêng, nghiêng về cái nghịch dị nơi Oe. Giống như những tác phẩm của ông, Oe hài hước không chịu nổi (hysterically funny).
Một cuốn tiểu thuyết khác có tựa đề tiếng Anh là The Silent Cry (Tiếng khóc thầm lặng, 1967) được hội đồng Nobel đánh giá là kiệt tác. Câu truyện mở ra với hình ảnh người kể chuyện đang bị thối rữa trong một cái hố lầy lội với một con chó hôi hám trên tay, sau khi đứa con ngờ nghệch của ông được đưa vào trại tế bần, và một người bạn đã treo cổ nó lên trong trạng thái trần truồng. Sau chiến tranh, người kể chuyện và người anh có khuynh hướng bạo lực của ông ("là hai mặt của con người tôi", Oe từng nói thế), trở về căn nhà nơi họ đã sống thời ấu thơ nhưng họ phải đối mặt với những cách nhìn mâu thuẫn về lịch sử gia đình. Theo lời người biên tập tác phẩm Oe, sau Tiếng khóc thầm lặng, "Oe đã đánh mất một nửa lượng độc giả bởi văn phong ông quá phức tạp. Bản thân Oe cũng biết điều đó, và sau này ông đã cố gắng khắc phục điều này". Yamanouchi nói, văn phong của Oe đã giản dị hơn từ giữa thập niên 80 bởi vì "hình tượng Hikari trong tác phẩm của Oe là hiện thân của sự thơ ngây".
Trong loạt truyện với chủ đề "đứa con ngớ ngẩn", hình tượng Hikari hóa thân dưới nhiều cái tên khác nhau như Pooh, Eeyore, Mori 5 hay là Jin. Từ truyện ngắn Hãy dạy chúng tôi rũ bỏ cơn điên (tạm dịch từ Teach Us to Outgrow our Madness, 1969) (trong tác phẩm này, một người đàn ông cảm thấy nỗi đau của đứa con mình qua mối liên kết mạnh mẽ và không thể tách chia giữa họ), đến Một đời thầm lặng (1990) mà Itami đã chuyển thể thành phim với nhạc nền của phim dựa trên chính tác phẩm của Hikari. Trong truyện ngắn huyễn tưởng Aghwee, quái vật trên không (1964), một nhạc sĩ sau khi đã để mặc đứa con mình chết, bị ám ảnh bởi một bóng ma "là một đứa trẻ con mập mạp, mặc bộ quần áo ngủ màu trắng, to như một con kangaroo". Khi người nhạc sĩ lương tâm day dứt, đứa bé đã trở thành một bóng ma khổng lồ của tất cả những con người yểu mệnh, không biết đến ký ức - trong đó hẳn có cả những người chết vì chiến tranh.
Oe từng nói rằng phong cách của ông "bắt đầu từ những nỗi đau riêng tư, sau đó nối kết với xã hội, với quốc gia và thế giới". Theo lời Yamaguchi, tác phẩm của Oe "luôn mang tính phổ quát dù bên ngoài chúng có vẻ như là những bi kịch cá nhân riêng tư". Trong tác phẩm "Hãy thức tỉnh, con người trẻ tuổi của thế hệ mới"(1983), một người cha gặp những cơn ác mộng đen tối khi đứa con trai ông, Eeyore, bước vào tuổi trưởng thành. Nhưng Eeyore rất ngây thơ trong sáng. Sau khi vượt qua một cuộc thử thách, "nó (cậu bé) ngoái đầu nhìn tôi đờ đẫn như mọi lần, dường như vô cảm, nhưng cả khuôn mặt và thân thể nó đã không còn căng thẳng nữa, và cái sinh vật xưa nay có vẻ mềm yếu ấy trỗi dậy với vẻ rạng rỡ huy hoàng đến chói mắt ". Hai cha con cùng viết một bản nhạc về "vai trò của kẻ yếu trong việc ngăn ngừa sự tàn khốc của chiến tranh". Oe nói: "Tôi tin vào lòng khoan dung và tin vào vai trò của kẻ yếu trong công cuộc đấu tranh chống bạo lực. Đó chính là điều quan tâm không dứt của tôi. Chính phủ Nhật Bản hiện tại muốn giương cao ngọn cờ của kẻ mạnh. Nhưng sau thất bại (năm 1945), chúng ta lẽ ra phải sát cánh cùng kẻ yếu. Đó là điều mà Nhật Bản nên làm: kẻ yếu, tự thân họ là một giá trị". Tiểu thuyết của Oe đã chỉ ra rằng nỗi sợ đối với những gì yếu ớt và nhạy cảm chính là ảnh chiếu của bóng tối bên trong chính mỗi người chúng ta. Nathan, người dịch quyển tiểu thuyết này trong năm 2002, đánh giá nó là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Oe, "một quyển sách dũng cảm, với sự trung thực khi nhà văn tự chỉ trích mình".
Oe miêu tả mối quan hệ giữa ông và đứa con trai là mối quan hệ cộng sinh. "Và điều đó vẫn đúng cho đến ngày hôm nay, Oe nói. "Khi đọc Blake, Yeat hay RS Thomas, tôi luôn đọc trong tâm thế mình là người cha của đứa con tật nguyền". Theo quan điểm của Nathan, Oe đã tự thay đổi mình theo gương đứa con trai. "Thậm chí dáng đi của Oe cũng trở nên giống Hikari". Nathan nói "Hikari, người đã được Oe hóa thân thành Pooh hay Eeyore, đã có một tầm quan trọng mang tính biểu tượng lớn lao đối với người cha, như hiện thân cho một người có khả năng vượt thắng tất cả những tai họa, những khó khăn tưởng chừng nan giải, biến chúng thành hy vọng, chuyển chúng thành điều tích cực. Người cha nguyên mẫu (archetypal father) và người cha trong đời thực (của Hikari, tức Oe - ND) muốn tham gia vào điều đó".
Trước khi Hikari chào đời, Oe nói "tôi đã lập gia đình với chị gái người bạn thân thiết nhất của tôi và chúng tôi có mối quan hệ bình thường. Nhưng mọi thứ đã thay đổi từ khi con trai tôi ra đời. Tôi và vợ tôi đã thiết lập một mối quan hệ hoàn toàn mới. Nếu như không có sự động viên của nàng và không có con trai tôi, chắc tôi đã bỏ cuộc sáng tác giữa chừng". Oe đã bị buộc tội bóc lột Hikari nhưng không ai trong gia đình ông đồng ý chuyện đó. "Mối quan hệ giữa chúng tôi là mối quan hệ thực. Đó là điều quan trọng nhất : trước hết là cuộc sống, sau nữa mới đến văn chương.." . trong tập tiểu luận Một gia đình tự chữa lành (A Healing Family, 1995), Oe đã viết rằng chính khả năng tự biểu lộ mình bằng âm nhạc của Hikari đã dạy cho Oe về năng lực chữa lành của nghệ thuật. Tác phẩm này đã bán được 300.000 bản chỉ riêng ở Nhật. Người biên tập tác phẩm của Oe nói: "Người ta tìm thấy niềm hy vọng trong tác phẩm của Oe". Ishiguro miêu tả Oe là một con người "đứng đắn, chân thật, khiêm tốn, cởi mở đến ngạc nhiên, lương thiện và không màng danh vọng". Nhưng Nathan cũng tiết lộ rằng Oe có thể "rất đáng sợ và thô lỗ, ông nóng tính và xa cách. Nhưng ông là một người thầy tuyệt vời, ông biết quá nhiều". "Tôi chẳng có kỷ luật gì cả", Oe tuyên bố. "Tôi là người vô tổ chức", mặc dù Oe là một thành viên siêng năng của câu lạc bộ bơi lội. Ở nhà, ông ngồi nơi ghế bành, kê một tấm bảng trên đầu gối để viết văn. "Tôi phải chăm sóc cho Hikari. Đôi khi nó muốn xem tivi, chương trình nhạc cổ điển hay đấu vật sumo gì đó, nhưng tôi không phiền lòng. Tôi luôn hạnh phúc bên cạnh nó. Tôi có thể cảm thấy rất cô đơn và hãi sợ con người. Nhưng với con trai tôi, tôi cảm thấy mình vô cùng tự do".
Tiểu thuyết của Oe ngày càng nhắm sâu vào một niềm mong mỏi cái thiêng liêng, dù Oe không tin vào Thượng Đế. Trong tác phẩm bộ ba Cây xanh bốc cháy, 1993-1995) chưa được dịch sang tiếng Anh, Oe đã xây dựng nhân vật Gii, một con người tật nguyền có tài chữa bệnh trở thành vị cứu tinh của dân tộc mình. Nhưng đến giữa thập niên 90, Oe đã thề sẽ ngưng sáng tác bởi Hikari đã tìm được tiếng nói riêng của mình. Oe nói ông và vợ ông kiên quyết bán nhà và "sống trong một chiếc xe moóc", trong khi ông bắt đầu đọc Spinoza. Nhưng mặt khác, giải thưởng Nobel cũng đã thuyết phục ông. "Tôi phải trở thành nhà văn đoạt giải Nobel", ông nói. Tuy thế, Oe, người không có nổi một chiếc xe hơi riêng, cũng nhận thấy giải thưởng Nobel mang lại nhiều rủi ro. Gần đây, Hirari mới bị tấn công tại một nhà ga đông đúc ở khu Shinjuku. Oe nói "tôi không thể đặt nó (Hikari) nằm hay ngồi trên băng ghế được, nó đã trở thành bức tượng rồi". Khi có một người hỏi: "Ông Oe, ông nghĩ gì về thủ tướng Koizumi?". Không nói không rằng, Oe chỉ duỗi tay ôm lấy bờ vai bất động của đứa con mình. Sự tảng lờ không trả lời của ông khiến có kẻ bất bình: "Ông Oe đã quá ngạo nghễ từ sau khi nhận giải Nobel văn chương". Oe cố pha trò từ biến cố đó, nhưng ông đành nhún vai bất lực.
Trong diễn từ nhận giải Nobel Nhật Bản, sự nhập nhằng và bản thân tôi của ông, Oe đã chỉ thẳng ra "căn bệnh cố hữu" của Nhật Bản là dao động giữa Âu và Á từ sau công cuộc hiện đại hóa vào thế kỷ 19, mà theo quan điểm của Oe, đã dẫn đến việc bành trướng xâm lược các nước lân bang. Trong Lời nói đầu của tuyển tập Những ghi chép về Hiroshima năm 1995, Oe đã viết về sự cần thiết phải xem xét lại vấn đề Hiroshima trong tương quan với cuộc xâm lăng của Nhật Bản với các nước châu Á. Bởi nguy cơ răn đe hạt nhân trong chiến tranh lạnh quá nặng nề, nên Ishiguro đã cho rằng "chúng ta dễ dàng xem người Nhật là nạn nhân đầu tiên và duy nhất của việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh, và chính người Nhật đã thành đại diện cho những điều có thể xảy ra cho tất cả chúng ta". Công cuộc tái thiết nhanh chóng nước Nhật với vai trò một đồng minh chống lại chủ nghĩa cộng sản cũng có một vai trò trong việc này. Nhật Bản thời hậu chiến là một câu chuyện về sự thành công. Nhưng Ishiguro cũng nói thêm: "Xét từ quan điểm đạo đức, có vài ý kiến cho rằng Nhật Bản đã quá chậm trễ trong việc giúp đỡ các nước châu Á, nơi vẫn còn gánh chịu nhiều nỗi đau".
"Sự nuối tiếc và ăn năn về cuộc chiến đã được khắc ghi vào hiến pháp rằng Nhật Bản quyết tâm không bao giờ tham chiến nữa", Oe nói. "Điều đó giải thích tại sao tôi coi trọng điều đó đến vậy". Oe đã phản đối chuyến viếng thăm đầy tranh cãi của thủ tướng Koizumi đến ngôi đền Yasukuni ở Tokyo, nơi tưởng nhớ những binh sĩ tử nạn trong chiến tranh, những tội phạm chiến tranh "hạng A". Ông cũng hối thúc Chính phủ Nhật Bản chính thức bồi thường cho đối với những nô lệ tình dục Hàn Quốc trong chiến tranh, những người được xem là "phụ nữ giải khuây" - điều mà gần đây đã bị tòa án từ chối. Những sự bất công đó, nguồn gốc làm bùng lên cơn giận dữ của các nước láng giềng, "phải được giải quyết một cách chính thức giữa các quốc gia", Oe nói. "Lịch sử phải được nhìn nhận lại. Nếu Nhật Bản cho rằng thương mại và sự thịnh vượng là đủ thì thật là sai lầm. Tôi muốn sống để nhìn thấy sự hòa giải cuối cùng giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Triều Tiên".
Từ sau tác phẩm Cú nhảy lộn nhào, Oe đã cho xuất bản ở Nhật hai bộ ba tác phẩm nữa là Đứa con thay thế (The Changeling) và Đứa trẻ mặt buồn (The Infant with a Melancholy Face). Tác phẩm Đứa con thay thế hư cấu nên mối quan hệ giữa Oe và người anh rể. "Itami lúc nào cũng là một chàng trai bảnh bao, còn tôi thì không", Oe nói. "Anh ấy rất thông minh, tốt bụng và có năng lực trong khi tôi bị coi là một kẻ thích tự tử. Thế nhưng tôi vẫn sống còn anh rể tôi thì đã chết". Itami đã nhảy lầu tự sát năm 1997, sau năm năm mang gương mặt thương tích bởi bọn yakuza chém vì ông đã chế nhạo chúng trong một bộ phim. Điều tra cho thấy có thể có vai trò của bọn mafia trong cái chết của Itami. Nhưng Oe đã quy cái chết của anh mình cho việc giới truyền thông làm rùm beng về vụ ngoại tình của chính ông. "Itami là một mẫu người quý phái có xu hướng bỏ cuộc giữa chừng. Anh ta đã từ bỏ cuộc sống".
Trong những phim trước kia mà Itami đạo diễn, Oe nói "luôn có một hy vọng và niềm tin vào tương lai. Nhưng giờ đây tôi thấy một bức tường tối tăm án ngữ trước mặt chúng ta". Tập cuối cùng của bộ ba tác phẩm Giã biệt văn chương (tạm dịch từ Goodbye My Book), đang được đăng từng số trên tạp chí văn học Nhật Bản Gunzo và sẽ được xuất bản vào mùa thu này (2005). Yamaguchi, người biên tập tạp chí Gunzo, miêu tả tác phẩm này như một tiểu thuyết "hậu 11 tháng 9" về "một vụ khủng bố thê thảm ở Tokyo". Tác phẩm giả thiết rằng Mishima, người sùng bái thiên hoàng mà Oe đã giễu nhại trước đây, vẫn còn sống sót sau thất bại của một hành động phi thường năm 1970 và được phóng thích sau 30 năm nằm khám để lãnh đạo một giáo phái ở thế kỷ 21. Oe, người đã miêu tả chức năng của tiểu thuyết gia như một con chim hoàng yến trong mỏ than, đang lo lắng về sự quay trở lại của chủ nghĩa dân tộc trong nền hậu kinh tế ảo của Nhật Bản, nơi trẻ em nay phải chào cờ dưới lá quốc kỳ Nhật. "Quyền lực của văn hóa hoàng tộc vẫn còn tồn tại", Oe nói. "Nếu ai đó có thể đặt ra một đường lối khôn khéo để liên kết nó (văn hóa hoàng tộc - ND) với thế hệ trẻ, thì sẽ tạo ra được một phong trào mạnh mẽ".
Yamaguchi cho biết, Oe là một con người độc lập, và nói thêm: "Đối với những người như Shintaro Ishihara, thị trưởng Tokyo, một con người bảo thủ và ủng hộ quân đội, thì Oe là một cái gai trong mắt". Nhưng đối với Tomoyuki Hoshino, một tiểu thuyết gia mới ngoài ba mươi tuổi, người đạt giải văn học Yukio Mishima năm 2000, Oe là một tấm gương về sự dấn thân. "Đây đúng là lúc chúng ta phải nhìn lại thời hậu chiến", anh nói. "Thế hệ tôi phải tiếp tục gánh vác những vấn đề mà Oe đã và đang chống chọi". Hoshino hình dung Oe đang viết lại những tác phẩm chính trị thời tuổi trẻ của mình dưới ánh sáng của "sự bành trướng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và sự khao khát chủ nghĩa quân phiệt. Ông (tức Oe) tin rằng văn chương có thể ngăn chận cái tương lai kia bằng cách thắp lên ánh sáng cho tâm thức của những kẻ đang muốn đắm mình vào đó".
Oe cũng thừa nhận mình có nhiều nỗi sợ, sợ "cái chết, lo cho tương lai của đứa con tật nguyền, cũng như tương lai của Nhật Bản và thế giới, đặc biệt là châu Á". Tuy nhiên, con trai ông đã dạy cho ông về khả năng hồi phục. "Cứ ba đến năm năm, một vấn nạn mới lại đến, đó là một số triệu chứng bất ngờ của bệnh tật nơi Hikari", Oe nói. "Nhưng Hikari luôn vượt qua được. Cha con chúng tôi cùng nhau xoay xở được". Cách đây vài năm, sức khỏe của Hikari chợt xấu đi và anh đã ngừng sáng tác. Thế nhưng vào mùa xuân 2003, anh lại tiếp tục viết nhạc. Đĩa CD thứ tư của anh sẽ được phát hành tại Nhật vào mùa thu này, cùng thời gian phát hành với một quyển tiểu thuyết của cha mình. "Đó là một sự kiện tuyệt vời hơn nhiều so với sinh nhật lần thứ 70 của tôi", Oe nói.
"Tôi có cảm giác con người ta có thể chữa lành chính mình, ý chí tự chữa lành và năng lực hồi phục rất mạnh mẽ trong con người chúng ta. Đó là điều quan trọng nhất mà tôi rút ra từ chính cuộc đời mình cùng với con trai tôi", Oe nói. "Tôi không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo, nhưng đôi khi tôi cảm thấy một điều gì đó rất gần với ân huệ mặc khải".
Hoàng Long dịch từ bản Anh ngữ In the Forest of the Soul
Nguồn: The Guardian, 5/2/2005
---
Chú thích của dịch giả:
1 Vào lúc 12:15 ngày 25/11/1970, Mishima Yukio tiếp nối con đường truyền thống bất tận của văn sĩ Nhật Bản như Akutagawa Ryunosuke (tự sát năm 35 tuổi), Dazai Osamu (tự sát năm 39 tuổi), Kawabata Yasunari (tự sát năm 72 tuổi)... Sau khi lớn tiếng hô vang "Nhật Hoàng vạn tuế" ba lần, Mishima vung kiếm mổ bụng tự sát theo hình thức seppuku (thiết phúc) của các kiếm sĩ ngày xưa). Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu như cách tự sát là bình thường và người tự sát không phải là Mishima Yukio - một nhà văn lúc sinh thời đã từng được ba lần đề cử giải thưởng Nobel và được xem là nhà văn có ảnh hưởng lớn nhất đến phương Tây. Ánh hào quang này chỉ "mờ đi" sau sự xuất hiện của Murakami Haruki và Yoshimoto Banana trong văn chương Nhật Bản hiện đại. Mishima Yukio là tác giả của bốn mươi tiểu thuyết, nhiều tập tiểu luận, các vở kịch No và kịch Kabuki hiện đại. Trong số đó, Kim Các tự (Kinkakuji) và tác phẩm trường thiên bộ bốn Bể phong nhiêu (Houjou no umi) được xem là kiệt tác. Chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tinh thần yêu nước Nhật Bản truyền thống, Mishima miêu tả cách hành xử của người hùng chiến bại trong truyện ngắn Ưu quốc. Một trung uý trẻ tự nguyện tự sát cùng với người vợ trẻ mới cưới vì Nhật Bản thất trận. Điều này cũng giúp ta lý giải về sự lựa chọn hình thức tự kết liễu đời mình bằng nghi thức seppuku của Mishima như một cách hành xử truyền thống. 2 Nếu thông tin này của Maya Jaggy là đúng thì dịch giả Phạm Vũ Thịnh đã nhầm khi cho rằng cụm từ "sặc mùi bơ" là của Oe chê bai văn phong Murakami Haruki. Trong khi đó, theo Maya Jaggy, đây là thuật ngữ mà các nhà phê bình dùng để chỉ trích Oe. Chúng tôi sử dụng tư liệu bài viết của Phạm Vũ Thịnh trong bài Kenzaburo Oe: tôi là nhà văn xứ ngoài rìa để làm chú thích, và như vậy cũng sai theo.3 Tức bác sĩ Fumio Shigeto. Tham khảo bài phỏng vấn Oe của Harry Kreisler Oe Kenzaburo:Tôi là nhà văn xứ ngoài rìa đã dẫn. 4 Hikari, viết bằng Hán tự là "quang", nghĩa là ánh sáng.5 Mori, viết bằng Hán tự là "sâm", nghĩa là rừng rậm. Ở trên, tác giả có dẫn lời Yamaguchi nhắc đến "cánh rừng Shikoku luôn là một nơi trong sáng và linh thiêng với Oe, nơi sinh thành của linh hồn ông". Như vậy, theo chúng tôi, việc đặt tên cho nhân vật đứa con tật nguyền là "cánh rừng" là một sự nối kết đầy ý nghĩa của Oe.
Từ khóa » Kenzaburo Oe Và Mẹ
-
Nobel Văn Chương Cũng Chưa Làm Mẹ Vui! - Tuổi Trẻ Online
-
Heart US-UK - Bố Mẹ Châu Á Là Thế đó ♀️ Full: "Khi Còn... | Facebook
-
Kenzaburo Oe: Văn Chương đau Thương Và Khả Năng Tự Chữa Lành
-
Nhà Văn Kenzaburo Oe: Tái Sinh Cùng "Một Nỗi đau Riêng"
-
QUAN NIỆM VỀ SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT CỦA OE KENZABURO
-
Đằng Sau Những Vinh Quang Của Nhà Văn đoạt Giải Nobel
-
Kenzaburo Oe - Cha Va Con
-
Tình Cha Con Trong Tác Phẩm Của Oe Kenzaburo - Văn Nghệ Quân đội
-
Hình Tượng Nhân Vật Trong Tiểu Thuyết Một Nỗi đau Riêng ... - 123doc
-
Hình Tượng Nhân Vật Trong Tiểu Thuyết Một Nỗi đau Riêng ... - 123doc
-
Ōe Kenzaburo đến Việt Nam - Khoa Văn Học
-
Phỏng Vấn Oe Kenzaburo, Nghệ Thuật Tiểu Thuyết Số 195 | Tôi Tìm Kiếm
-
Kenzaburo Oe - Nhật Bản, Sự Nhập Nhằng, Và Bản Thân Tôi - Talawas
-
Oe Kenzaburo: Tôi Là Nhà Văn Của Xứ Ngoài Rìa - Nhật Bản