Phương Pháp ám Thị Gián Tiếp Thường được Sử Dụng Trong Trường ...

Mục lục bài viết

  • 1. Phương pháp thuyết phục
  • 2. Phương pháp “thực nghiệm cảm xúc” (truyền tin biến dạng)
  • 3. Phương pháp dẫn dắt tư duy
  • 4. Phương pháp Ám thị gián tiếp
  • 5. Phương pháp kích thích đưa đối tượng vào trạng thái tâm lý không bình thường
  • 6. Phương pháp gợi nhớ

Nội dung chính Show
  • Mục lục bài viết
  • 1. Phương pháp thuyết phục
  • 2. Phương pháp “thực nghiệm cảm xúc” (truyền tin biến dạng)
  • 3. Phương pháp dẫn dắt tư duy
  • 4. Phương pháp Ám thị gián tiếp
  • 5. Phương pháp kích thích đưa đối tượng vào trạng thái tâm lý không bình thường
  • 6. Phương pháp gợi nhớ
  • Video liên quan

1. Phương pháp thuyết phục

Thuyết phục là phương pháp tác động bằng cách vạch ra chân lý, lẽ phải, giúp cho đối tượng nhận rõ đúng, sai, phải, trái, thiệt, hơn về các vấn đề có liên quan đến đối tượng, từ đó có sự chuyển đổi nhận thức, quan điểm, quan niệm và thay đổi động cơ khai báo.

Thuyết phục có thể thực hiện bằng 3 hình thức: Giảng giải, phân tích, khuyên nhủ bằng lý lẽ; Tổ chức tranh luận; Đưa đối tượng vào "hoàn cảnh" để trong hoàn cảnh đó đối tượng thấy ngay quan điểm, nhận thức cũ của họ là không đúng. Trong trường hợp thuyết phục được thực hiện bằng sự khuyên nhủ, phân tích giảng giải mang đậm màu sắc tình cảm, cán bộ điều tra hoặc người thuyết phục cần đưa ra những luận điểm trong đó được chứng minh tối đa có căn cứ vững chắc, đảm bảo lô gic chặt chẽ làm cho đối tượng nhận thức đúng về vấn đề được nêu ra, từ đó thay đổi lập trường và thái độ khai báo. Về mục đích thuyết phục là nhằm tác động vào nhận thức của đối tượng, làm cho đối tượng hiểu được lý lẽ căn bản trong vấn đề được nêu ra và đồng tình với những lý lẽ đó, nhưng để đối tượng tiếp nhận lý lẽ, cần phải tạo được quan hệ thiện cảm với đối tượng, nghĩa là cần có tác động tình cảm trước làm nền. Đồng thời phải tác động khơi gợi để đối tượng có sự nghi ngờ tính đúng đắn của nhận thức, quan điểm cũ, vì nếu đối tượng còn niềm tin vào quan điểm cũ của họ thì họ sẽ không tiếp nhận lý lẽ của người thuyết phục.Trước khi thuyết phục đối tượng phải tác động tạo uy tín chiếm được lòng tin của đối tượng đối với cán bộ điều tra. Cần lựa chọn những cán bộ điều tra thực sự có uy tín, có ảnh hưởng thực tế đến đối tượng, thường là những cán bộ điều tra có trình độ hơn hẳn đối tượng về mọi mặt. Những luận điểm đưa ra thuyết phục và những thông tin đưa ra để chứng minh phải có căn cứ đảm bảo tính chính xác, do đó phải kiểm tra xác minh kỹ trước khi sử dụng. Phải căn cứ vào đặc điểm tâm lý riêng của đối tượng (giới tính, lứa tuổi, dân tộc và cá tính riêng) để lựa chọn cách tác động sao cho đối tượng tiếp nhận một cách thoải mái, không cảm thấy bị xúc phạm hay gò ép, khó khăn. Thuyết phục là phương pháp tác động tâm lý nên không thể có quy định, khuôn mẫu chung cho mọi trường hợp, song về cơ bản có thể đi theo các bước sau: - Tác động tạo uy tín với đối tượng, chiếm lòng tin của đối tượng với cán bộ điều tra. - Gieo mầm hoài nghi vào nhận thức, quan điểm của đối tượng. - Tế nhị trình bày quan điểm của người thuyết phục (có viện dẫn ví dụ chứng minh). - Nêu ra những giải pháp có thể để đối tượng suy nghĩ, lựa chọn. Tất cả các bước đi cụ thể, cán bộ điều tra phải vận dụng sáng tạo, nhưng cần đảm bảo nguyên tắc “không áp đặt”, “kiên trì”, “dần dần”.

2. Phương pháp “thực nghiệm cảm xúc” (truyền tin biến dạng)

Thực nghiệm cảm xúc là phương pháp tác động nhằm gây ra ở đối tượng phản ứng cảm xúc (sự thay đổi cảm xúc đột ngột). Cán bộ điều tra sử dụng những thông tin được ẩn chứa trong những đối tượng vật chất nào đó (ý nghĩa của đối tượng vật chất) để tác động, nhằm xác định xem đối tượng có liên quan hay không và liên quan đến mức nào với sự kiện đang điều tra, hoặc giá trị của thông tin cần tìm kiếm thu giữ, thông qua biểu hiện thay đổi hay không thay đổi cảm xúc khi bị thông tin đó tác động.

Thông tin được sử dụng để tác động là những thông tin dưới dạng ý nghĩa của đối tượng vật chất nào đó, có thể là thông tin về những dấu vết vật chứng của vụ án, các tài liệu, chứng cứ do người bị hại, người làm chứng cung cấp, bản cung của các đối tượng khác... được “tạo ra” trên cơ sở phán đoán, nhận định về sự tồn tại của nó qua những nguồn phản ánh khác (ví dụ: theo dấu vết khám nghiệm tử thi, cho phép phán đoán thủ phạm đã gây án bằng một con dao loại nào đó - cán bộ điều tra đã dùng một con dao cùng loại, gói kín lại tờ báo nhưng vẫn nhận thấy rõ hình thù đó là một con dao...để tác động đến đối tượng)... Những thông tin này có đặc điểm là mang tính riêng biệt, chỉ người nào có liên quan đến nó mới hiểu và chịu sự tác động, do đó nếu được sử dụng đúng sẽ có tác động rất mạnh đến nhận thức và trạng thái cảm xúc của đối tượng nếu đối tượng có liên quan, làm xuất hiện các cảm xúc mới và biểu hiện ra qua sự thay đổi nét mặt, cử chỉ, giọng nói v.v... Những thay đổi này có thể kéo dài, nhưng cũng có thể chỉ diễn ra trong giây lát (đối tượng giật mình, bàng hoàng, sau đó lại trấn tính ngay). Vì vậy, khi trình bày thông tin, cán bộ điều tra cần chú ý kín đáo quan sát thái độ, hành vi, cử chỉ của đối tượng để kịp thời phát hiện biểu hiện thay đổi cảm xúc của họ.

Mục đích chủ yếu của việc truyền đạt thông tin này là nhằm làm thay đổi cảm xúc của đối tượng, qua sự thay đổi trạng thái cảm xúc đó cán bộ điều tra có cơ sở để kiểm tra giả thuyết điều tra về sự liên quan, mức độ liên quan của đối tượng với tội phạm (trường hợp thông tin chắc chắn là của vụ án như công cụ phương tiện phạm tội, dấu vết...), hoặc kiểm tra giá trị của thông tin được đưa ra để tác động (thông tin đó có quan trọng không? có đúng không? - trường hợp chưa tìm được, chưa thu được chính thông tin của vụ án mà mới chỉ là phán đoán), từ đó điều chỉnh các tác động khác nhằm khai thác thông tin chính xác từ đối tượng. Đồng thời việc đưa ra thông tin đó cũng có ý nghĩa thay đổi nhận thức của đối tượng về khả năng che giấu tội phạm, từ đó khiến cho họ phải thay đổi thái độ, lập trường khai báo.

3. Phương pháp dẫn dắt tư duy

Dẫn dắt tư duy là phương pháp mà cán bộ điều tra đưa ra những nhiệm vụ, những câu hỏi có chọn lọc buộc đối tượng khi trả lời phải liên tưởng tới sự kiện thực tế và bị sự kiện đó chi phối không thể đưa ra câu trả lời bịa đặt xa thực tế, mà phải trả lời đúng hoặc gần đúng sự thật, hoặc sẽ nhận ra sự thật là cán bộ điều tra đã biết đối tượng nói dối và điều đó bất lợi cho họ, từ đó mà điều chỉnh thái độ khai báo. Phương pháp dẫn dắt tư duy có thể thực hiện ở 3 dạng: - Đặt câu hỏi dẫn dắt sự liên tưởng Cán bộ điều tra đặt ra những câu hỏi buộc đối tượng khi trả lời phải liên tưởng tới quá trình thực hiện tội phạm hoặc hành vi che giấu tội phạm và dự đoán lôgíc câu hỏi tiếp theo của cán bộ điều tra, từ đó sẽ nảy sinh một suy nghĩ ám ảnh về những tình tiết bất lợi (có thể do suy diễn như: có người đã nhìn thấy hành vi của đối tượng), làm cho đối tượng nghĩ rằng cán bộ điều tra đã nắm được các tình tiết của sự việc phạm tội và hành vi che dấu tội phạm của đối tượng, nếu tiếp tục khai báo quanh co sẽ không có lợi. Chẳng hạn trong vụ án mạng, công tác khám nghiệm và giám định đã xác định nạn nhân chết bởi một nhát dao đâm do thủ phạm thực hiện bằng tay trái. Khi hỏi cung đối tượng của vụ án này, sau nhiều câu hỏi khác, cán bộ điều tra đã hỏi đối tượng về đặc điểm thuận tay trái của anh ta. Do đó đối tượng đã liên tưởng tới hành vi thực hiện tội phạm bằng tay trái của mình và nghĩ rằng cán bộ điều tra đã biết sự thật, nên đã khai báo thành khẩn. Tác động dẫn dắt liên tưởng thường được sử dụng trong những trường hợp cán bộ điều tra mới chỉ có cơ sở để đặt giả thuyết về sự liên hệ giữa các tình tiết của vụ án với đối tượng và với hành vi phạm tội. Vì vậy, những thông tin đưa ra tác động phải là những thông tin có thật hoặc có cơ sở khẳng định chứ không phải là những giả định tưởng tượng nhưng dưới dạng câu hỏi giả định (chẳng hạn: giả sử anh làm việc đó, anh sẽ làm thế nào?...). Trong trường hợp trên, phải xác định chắc chắn hung thủ thực hiện tội phạm bằng tay trái và đối tượng là người thuận tay trái. Đồng thời, cần chú ý thái độ khi đặt câu hỏi, không để đối tượng hiểu rằng cán bộ điều tra hỏi như vậy là để thăm dò. Khi đối tượng trả lời, cán bộ điều tra phải luôn giữ bình tĩnh, tỏ thái độ “biết rồi” để củng cố thái độ khai báo của đối tượng. - Đặt câu hỏi làm biến đổi hướng tư duy của đối tượng Là việc cán bộ điều tra đặt câu hỏi khác với sự chuẩn bị trước của đối tượng, buộc đối tượng không thể sử dụng câu trả lời đã chuẩn bị sẵn để đối phó, mà thường phải trả lời đúng sự thật hoặc sát với sự thật đã xảy ra. Đó là dạng câu hỏi khẳng định về vấn đề mà đối tượng định từ chối nếu hỏi thẳng, nhưng cách hỏi sẽ buộc đối tượng không thể từ chối mà phải gián tiếp thừa nhận điều đó. Thông thường trước khi trả lời những câu hỏi của cán bộ điều tra, đối tượng bao giờ cũng dự kiến, phán đoán trước cán bộ điều tra sẽ hỏi vấn đề gì, hỏi như thế nào, và đối tượng sẽ tính toán, chế biến các tình tiết và chuẩn bị câu trả lời sẵn sao cho có lợi cho đối tượng. Toàn bộ nỗ lực tâm lý thường hướng vào vấn đề và câu trả lời mà họ chuẩn bị sẵn, và do bị tâm thế đó chi phối nên khi cán bộ điều tra đưa ra câu hỏi trái với trình tự đã sắp sẵn, đối tượng sẽ không kịp nghĩ ra câu trả lời khác để đối phó, đồng thời cũng phải liên tưởng tới những tình tiết thật của sự kiện và câu trả lời sẽ đúng hoặc gần đúng với sự thật. Chẳng hạn: qua các biện pháp điều tra khác, cán bộ điều tra biết rằng đối tượng A đã chuẩn bị sẵn câu trả lời từ chối việc A có thấy B ở một địa điểm. Nếu cán bộ điều tra hỏi “anh có thấy B ở đó không” thì A sẽ trả lời “không thấy”. Khi lấy lời khai của A, cán bộ điều tra đã hỏi: “khi anh đến đó, B đã đến chưa” đối tượng đã buột miệng trả lời “chưa, anh ta chưa đến”. Từ câu trả lời như vậy, đối tượng đã phải tiếp tục trả lời theo đúng yêu cầu của cán bộ điều tra.

Mục đích của việc đặt câu hỏi chi tiết vào những điểm đối tượng bịa đặt là buộc đối tượng phải liên tục giải quyết các mâu thuẫn một cách căng thẳng, phải nỗ lực cao để xây dựng những tình tiết giả tạo mới vì không có sự kiện thật để dựa vào đó nhớ lại và trả lời, và do đó đối tượng sẽ phải chịu sự căng thẳng tâm lý cao độ và đến mức độ nhất định đối tượng sẽ không thể giải quyết được các nhiệm vụ tư duy được đặt ra bằng cách bịa đặt nữa. Tình trạng đó của đối tượng được kết hợp với các tác động khác làm cho đối tượng nhận thức rằng cán bộ điều tra đã biết là đối tượng khai man trá, từ đó điều chỉnh thái độ khai báo. Muốn vậy, cán bộ điều tra nên đặt câu hỏi vào những tình tiết càng ít liên quan dến việc thực hiện và che dấu tội phạm càng tốt, làm cho đối tượng chủ quan và tích cực trả lời các câu hỏi. Vấn đề quan trọng nữa là phải đặt câu hỏi liên tục, không cho đối tượng có thời gian để suy nghĩ...Ví dụ: một đối tượng muốn chứng minh rằng khi xảy ra vụ án, đối tượng không có mặt ở hiện trường, do đó khai rằng lúc đó đối tượng đang chơi ở một địa điểm. Cán bộ điều tra đã đặt những câu hỏi: lúc đó là mấy giờ? ở đó có những ai? Họ làm gì? ai mặc quần áo như thế nào? Nói chuyện gì? Có sự kiện gì khác xảy ra ở đó, ai ra về trước? Lúc nào? ai về sau cùng ... đối tượng không trả lời được vì thiếu thông tin cụ thể (không có sự kiện thật). Từ đó đối tượng đã thấy được vấn đề và xin khai lại đúng sự thật.

4. Phương pháp Ám thị gián tiếp

Ám thị là phương pháp tác động mang tính cưỡng bức tâm lý. Đó là sự tác động của một người đến một hay một nhóm người khác, làm cho họ tiếp nhận một cách không phê phán những lời lẽ chứa đựng tư tưởng, ý muốn của người ám thị và thực hiện theo ý muốn đó. Có 3 dạng ám thị: ám thị trực tiếp (ám thị tác động dưới hình thức mệnh lệnh), ám thị gián tiếp và ám thị tiêu cực hay ám thị ngược (ám thị tác động dưới hình thức cấm đoán gây phản ứng ngược).

Ám thị gián tiếp trong điều tra là phương pháp tác động trong đó cán bộ điều tra đưa ra những câu hỏi khẳng định hoặc thông tin về những sự kiện không liên quan trực tiếp đến sự việc phạm tội nhưng gắn bó với những sự kiện về đời tư, quan hệ và những điều bí mật của đối tượng, nhằm làm cho đối tượng có ý nghĩ rằng: những vấn đề đó mà cán bộ điều tra cũng biết thì những vấn đề, những tình tiết liên quan đến vụ án, đến hành vi phạm tội của đối tượng chắc chắn cán bộ điều tra cũng đã hoặc sẽ biết, từ đó có sự cân nhắc lựa chọn con đường khai báo sự thật để được hưởng khoan hồng. Mục tiêu của tác động này là kích thích óc suy diễn của đối tượng, làm cho đối tượng bị ám ảnh bởi suy nghĩ cán bộ điều tra đã biết hoặc có đủ khả năng biết tất cả những gì đối tượng che giấu. Do đó, những sự kiện đưa ra phải được lựa chọn kỹ, chỉ sử dụng những sự kiện, những chi tiết thuộc về đời tư, những bí mật riêng mà đối tượng muốn giấu kín hoặc những sự kiện xảy ra đã lâu mà đối tượng cho rằng không ai còn nhớ, những chi tiết không được lưu giữ, ghi nhận trong hồ sơ nhân sự, hay những quan hệ công khai của đối tượng. Ví dụ: Đối với một đối tượng rất ngoan cố, cán bộ điều tra biết rằng trước đây đối tượng có quan hệ lén lút với một phụ nữ và đối tượng rất sợ vợ hắn biết điều đó. Trước khi bị bắt, đối tượng vẫn thường mua tặng người tình những món quà độc đáo (là đồ dùng của phụ nữ - chi tiết này cả những đàn em của hắn cũng không biết). Khi hỏi cung, cán bộ điều tra chỉ hỏi “khi anh tặng cho cô... (những thứ quà) thái độ của cô ấy thế nào? Câu hỏi này đã làm cho đối tượng giật mình, xin cán bộ điều tra giữ kín điều đó đừng để vợ hắn biết, và sau đó thay đổi thái độ khai báo. Với mục đích ám thị đối tượng, nhằm khai thác những thông tin về sự kiện mà cán bộ điều tra đã biết nhưng chưa rõ chi tiết và trình tự cụ thể. Vì vậy, khi đặt câu hỏi, cán bộ điều tra cần chú ý không hỏi về những chi tiết liên quan hoặc gần với sự kiện phạm tội để đối tượng không có sự liên tưởng tới những chi tiết mà họ đang còn giấu và phán đoán được sự hạn chế thông tin mà cán bộ điều tra đã có. Mặt khác tuyệt đối không sử dụng thông tin về những sự kiện mới xảy ra hoặc những thông tin động chạm đến sự tự ái, đến những điều thiêng liêng (như tín ngưỡng) hoặc đến nỗi đau của đối tượng (những kỷ niệm đau buồn). Cả những thông tin có vẻ dễ tìm hiểu (như hoàn cảnh gia đình, những thói quen của đối tượng) cũng không nên sử dụng, vì những thông tin đó không có sức tác động, mà còn có thể làm cho đối tượng dễ dàng nhận thấy sự hạn chế thông tin của cán bộ điều tra hoặc gợi tới nỗi đau, tới sự tự ái làm ức chế thái độ tích cực của đối tượng.

5. Phương pháp kích thích đưa đối tượng vào trạng thái tâm lý không bình thường

Là phương pháp cán bộ điều tra dùng lời nói hoặc các phương tiện khác (hình ảnh, hoàn cảnh...) tác động đến đối tượng, gây nên ở đối tượng trạng thái tâm lý không bình thường, nhưng cần thiết cho việc khai báo. Các trạng thái đó có thể là: sợ hãi, đau khổ, ân hận, xấu hổ, tức giận... Những trạng thái tâm lý này có tác dụng kích thích, giúp đối tượng vượt khỏi “rào cản” tâm lý đang là nguyên nhân cản trở sự khai báo của đối tượng. Phương pháp kích thích được thực hiện bằng việc cán bộ điều tra đưa ra lời nói hoặc phương tiện có tính chất kích động vào tình cảm, lòng tự trọng, tính tự ty hay kiêu căng... của đối tượng để đưa đối tượng vào trạng thái bị kích động ở mức độ cần thiết. Trạng thái bị kích động đó (có thể nhất thời) sẽ lấn át những yếu tố tâm lý cũ vốn là nguyên nhân cản trở đối tượng khai báo, thúc đẩy đối tượng có hành động để tỏ rõ sự ân hận, thành khẩn, hoặc chứng minh sự “dũng cảm” hoặc để giải toả sự tức giận, nỗi “oan ức” của mình. Trong thực tiễn, khi sử dụng phương pháp này, cán bộ điều tra thường dùng những thủ thuật như: tỏ ý nghi ngờ, thách đố... Chẳng hạn, khi hỏi cung đối tượng là “thủ lĩnh” của một ổ nhóm trộm cắp, cán bộ điều tra đã nói “loại người như anh mà cũng đòi làm “đại ca” của chúng nó? nhận hão mà không biết xấu hổ. Lời nói kích động đó đã kích thích đối tượng kể chi tiết việc đối tượng đã tổ chức các vụ phạm tội như thế nào... Phương pháp kích thích thường được thể hiện đa dạng với các loại đối tượng khác nhau. Với những đối tượng vốn có tính kiêu căng, hoặc lì lợm, tuổi trẻ... thì thường phải kích động tình cảm, kính thích sự bốc đồng, lòng “dũng cảm” của họ. Với những đối tượng lớn tuổi, vốn có cương vị nào đó trong xã hội... thường phải tác động lòng tự trọng, sự tự ái hoặc kích thích khơi dậy lương tâm con người ở họ. Với những bị can đang rơi vào trạng thái thất vọng, chán chường phải kích thích mạnh để họ thoát khỏi trạng thái bàng quan với hoạt động điều tra. Còn những đối tượng đang ở các trạng thái khác phải đảm bảo kích thích vừa phải để họ không bị “sốc” quá mạnh, nguy hiểm cho sức khỏe, không có lợi cho sự khai báo v.v... Vì vậy, khi sử dụng phương pháp kích thích, cần chú ý nghiên cứu kỹ đặc điểm nhân cách và xác định đúng trạng thái tâm lý hiện tại của từng đối tượng cụ thể để lựa chọn kích thích phù hợp. Mặc khác, không được lạm dụng các kích thích có tính chất dọa dẫm thô bạo, vi phạm những điều cấm trong công tác của lực lượng ( được quy định trong luật hình sự và tố tụng hình sự, pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, chế độ công tác xét hỏi bị can).

6. Phương pháp gợi nhớ

Là phương pháp cán bộ điều tra đưa ra những dấu mốc về thời gian, địa điểm, đồ vật, sự kiện làm điểm tựa, giúp đối tượng nhớ lại chính xác những tình tiết mà họ nhớ không chính xác.

Phương pháp gợi nhớ chỉ sử dụng với những đối tượng đã có sự hợp tác thành khẩn, có thái độ tích cực nhưng họ gặp phải khó khăn về trí nhớ (có thể do đặc điểm trí nhớ, có thể do họ bị tác động của sự kiện mà mất trí nhớ tạm thời hoặc nhớ lẫn lộn). Cơ sở của phương pháp gợi nhớ là quy luật liên tưởng của trí nhớ.

Các phương pháp tác động tâm lý như trên là những phương pháp có tính chuyên biệt, đòi hỏi những điều kiện nhất định cả về phương tiện, cách thức thực hiện và kỹ năng của người thực hiện, nếu sử dụng không đúng sẽ không có hiệu quả, thậm chí phản tác dụng, do đó khi quyết định lựa chọn sử dụng phương pháp nào đó phải căn cứ vào yêu cầu thực tế cần thay đổi cái gì ở đối tượng, có phương tiện phù hợp để thực hiện không, cán bộ có thành thạo kĩ năng thực hiện không và cuối cùng là có phù hợp với đặc điểm tâm lý của đối tượng không.

Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự - Công ty luật Minh Khuê

Từ khóa » Ví Dụ Về Phương Pháp ám Thị Gián Tiếp