Phương Pháp điều Chỉnh Của Luật Dân Sự - HILAW.VN

Pháp luật không tạo ra các quan hệ xã hội mà chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội. Cơ chế điều chỉnh các quan hệ xã hội rất phức tạp bao gồm một hệ thống cơ quan, tổ chức sử dụng các biện pháp, cách thức tác động vào hành vi của các chủ thể, định hướng cách xử sự của các chủ thể tham gia vào các quan hệ đó. Tuỳ theo các nhóm quan hệ xã hội cần điều chỉnh mà Nhà nước lựa chọn các biện pháp tác động khác nhau lên các quan hệ đó.

Mục lục

Toggle
  • 1. Phương pháp điều chỉnh của luật dân sự
  • 2. Đặc điểm của phương pháp điều chỉnh của luật dân sự

1. Phương pháp điều chỉnh của luật dân sự

Phương pháp điều chỉnh của luật dân sự là những cách thức, biện pháp mà Nhà nước tác động lên các quan hệ tài sản, các quan hệ nhân thân làm cho các quan hệ này phát sinh, thay đổi, chấm dứt theo ý chí của Nhà nước phù hợp với ba lợi ích (Nhà nước, xã hội và cá nhân).

Luật dân sự điều chỉnh các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân của cá nhân, pháp nhân được hình thành trên cơ sở bình đăng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.

Hình minh họa. Phương pháp điều chỉnh của luật dân sự

2. Đặc điểm của phương pháp điều chỉnh của luật dân sự

Phương pháp điều chỉnh của luật dân sự có những đặc điểm sau:

– Các chủ thể tham gia các quan hệ tài sản và các quan hệ nhân thân do luật dân sự điều chỉnh độc lập về tổ chức và tài sản, bình đẳng với nhau về địa vị pháp lí. Độc lập về tổ chức và tài sản là tiền đề tạo ra sự bình đẳng trong các quan hệ mà các chủ thể tham gia. Bởi các quan hệ tài sản mà luật dân sự điều chỉnh mang tính chất hàng hoá – tiền tệ và đền bù tương đương là đặc trưng khi trao đổi. Nếu không độc lập về tài sản và bình đẳng về địa vị pháp lý thì sẽ không tạo ra sự đền bù tương đương. Sự bình đẳng và độc lập được thể hiện ngay cả trong trường hợp các chủ thể có các mối quan hệ khác mà họ không bình đẳng (trong quan hệ hành chính, lao động…) và chính sự bình đẳng, độc lập của các chủ thể mới tạo được tiền đề cho sự tự định đoạt sau này. Nếu vợ chồng tặng cho nhau tài sản trong thời kì hôn nhân mà nguồn gốc tài sản tặng cho có được từ tài sản chung thì quan hệ tặng cho đó chủ yếu mang màu sắc tình cảm, chứ không làm dịch chuyển quyền sở hữu sang cho người được tặng cho vì khi xác lập quan hệ tặng cho này không có sự độc lập về tài sản giữa vợ và chồng.

– Pháp luật dân sự ghi nhận quyền tự định đoạt của các chủ thể trong việc tham gia các quan hệ tài sản. Khi tham gia vào các quan hệ tài sản, mỗi chủ thể đều đặt ra những mục đích với những động cơ nhất định. Bởi vậy, việc lựa chọn một quan hệ cụ thể do các chủ thể tự quyết định, căn cứ vào khả năng, điều kiện, mục đích mà họ tham gia vào các quan hệ đó. Khi tham gia vào các quan hệ cụ thể, các chủ thể tuỳ ý theo ý chí của mình lựa chọn đối tác sẽ tham gia, nội dung quan hệ mà họ tham gia, cách thức, biện pháp thực hiện các quyền và nghĩa vụ. Trong nhiều trường hợp, các chủ thể có thể tự đặt ra các biện pháp bảo đảm, hình thức và phạm vi trách nhiệm, cách thức áp dụng trách nhiệm khi bên này hay bên kia không thực hiện hay thực hiện không đúng thoả thuận.

Tuy nhiên, việc tự định đoạt của các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ không đồng nghĩa với tự do, tuỳ tiện trong việc tạo lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ đó. Đặc điểm chung các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân là đa dạng, phức tạp. Bởi vậy, các quy phạm pháp luật không thể dự liệu hết được các quan hệ đang tồn tại và phát triển. Cho nên, pháp luật đưa ra những giới hạn, vạch ra những hành lang an toàn, cần thiết, trong đó các chủ thể có quyền tự do hành động. Giới hạn đó được xác định bởi các nguyên tắc được quy định trong BLDS và thể hiện rõ nét nhất ở Điều 3 BLDS năm 2015: “Việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Khi vi phạm nguyên tắc này, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác sẽ bị coi là vi phạm pháp luật dẫn đến hậu quả pháp lí, phải bồi thường thiệt hại. Cam kết, thoả thuận là tự nguyện nhưng sau khi đã tự nguyện cam kết, thoả thuận, các chủ thể buộc phải tham gia vào quan hệ dân sự đó. Mặt khác, trong một số trường hợp, nhằm bảo vệ quyền lợi của một số chủ thể nhất định, pháp luật đã hạn chế quyền tự định đoạt đó (như quy định về điều kiện chuyển quyền sử dụng đất, về người được hưởng di sản không phụ thuộc nội dung của di chúc…).

– Xuất phát từ sự bình đẳng giữa các chủ thể, quyền tự định đoạt của họ khi tham gia các quan hệ dân sự, cho nên đặc trưng của phương pháp giải quyết các tranh chấp dân sự là hoà giải. Đây là nguyên tắc được quy định tại Điều 7 BLDS năm 2015 – Nguyên tắc hoà giải. Việc thực hiện hay từ chối một quyền tài sản của các chủ thể thuộc phạm vi tự định đoạt của họ (tuy nhiên, chỉ trong trường hợp quyền của họ không đồng thời là nghĩa vụ mà pháp luật quy định). Cho nên, việc giải quyết các tranh chấp dân sự do các bên tự thoả thuận. Nếu không thể thoả thuận hoặc hoà giải được, toà án chỉ giải quyết trong phạm vi yêu cầu của nguyên đơn.

– Các quan hệ mà luật dân sự điều chỉnh chủ yếu là các quan hệ tài sản mang tính chất hàng hoá và tiền tệ, việc vi phạm nghĩa vụ của một bên trong quan hệ đó dẫn đến thiệt hại về tài sản đối với bên kia. Bởi vậy, trách nhiệm dân sự trước tiên là trách nhiệm tài sản. Trách nhiệm của bên vi phạm đối với bên bị vi phạm và hậu quả của việc áp dụng trách nhiệm là phục hồi tình trạng tài sản của bên bị thiệt hại. Trong quan hệ dân sự, các chủ thể có quyền tự định đoạt. Cho nên, họ có thể quy định trách nhiệm và phương thức áp dụng trách nhiệm cùng hậu quả của nó (những thoả thuận này phải phù hợp với pháp luật). Bởi vậy, trách nhiệm dân sự không chỉ do pháp luật quy định mà còn do các bên thoả thuận về điều kiện phát sinh và hậu quả của nó.

Xem thêm: Đối tượng điều chỉnh của luật dân sự

Xem thêm: [Ebook] Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam

Xem thêm: Đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của Luật hình sự

Từ khóa » Ví Dụ Về Phương Pháp điều Chỉnh Luật Dân Sự