Phương Thức Hư Từ | TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC

6. Phương thức hư từ

Các ý nghĩa ngữ pháp, mà đặc biệt là các mối quan hệ ngữ pháp giữa các từ, cũng có thể được thể hiện bằng các hư từ. Đó chính là phương thức hư từ. Tuy nhiên có khi việc xác định phương thức hư từ không hoàn toàn đơn giản, bởi vì hư từ có thể được sử dụng kèm theo một phương thức ngữ pháp khác. Thường thì người ta chỉ nói đến phương thức hư từ khi đó là phương thức duy nhất để thể hiện một loại ý nghĩa ngữ pháp nào đấy. Ví dụ: trong tiếng Nga để biểu thị ý nghĩa cách, người ta có thể vừa sử dụng phương thức phụ gia (biến đổi danh từ theo cách tương ứng), vừa dùng các hư từ, chẳng hạn: dl’a studenta (cho sinh viên). Trong những trường hợp như vậy, người ta coi việc sử dụng hư từ là phương thức phụ, còn phương thức phụ gia mới là phương thức ngữ pháp đặc trưng. Tình hình này khác hẳn với các ngôn ngữ không biến hình, nơi mà hư từ là phương tiện duy nhất để thể hiện một loại ý nghĩa ngữ pháp. Chẳng hạn trong trường hợp tương tự như ở ví dụ trên thì đối với tiếng Việt, hư từ cho là phương tiện duy nhất để thể hiện mối quan hệ phụ thuộc giữa một danh từ này và một danh từ khác. Ví dụ:

Sách cho sinh viên

Như vậy có thể nói, phương thức hư từ là phương thức được sử dụng là phương thức ngữ pháp chủ yếu trong các ngôn ngữ không biến hình. Ví dụ trong tiếng Việt, để thể hiện ý nghĩa thời chúng ta sử dụng những hư từ như đã, đang, sẽ; để thể hiện thức mệnh lệnh, chúng ta sử dụng những hư từ như hãy, đừng, chớ, nào, thôi; để thể hiện ý nghĩa dạng chúng ta dùng các từ bị, được; hoặc để thể hiện các mối quan hệ khác nhau giữa các từ, chúng ta sử dụng các từ của, cho, bằng, đến, v.v… .

Tuy nhiên cần phải nhớ rằng, hư từ là những nhóm từ loại có mặt ở tất cả các ngôn ngữ, song việc sử dụng chúng để thể hiện một loại ý nghĩa ngữ pháp nào đó có thể sẽ rất khác nhau trong ngôn ngữ này hay ngôn ngữ kia. Chính vì vậy, có những hư từ tồn tại trong ngôn ngữ này nhưng lại không có trong ngôn ngữ khác.

7. Phương thức trật tự từ

Việc sắp xếp các từ theo những trật tự khác nhau có thể làm thay đổi ý nghĩa ngữ pháp của chúng. Đó chính là cơ sở của phương thức trật tự từ. Cũng giống như đối với phương thức hư từ, trật tự từ cũng là phương thức được sử dụng phổ biến trong các ngôn ngữ. Nhưng không phải trong ngôn ngữ nào trật tự từ cũng luôn luôn là phương thức mang tính bắt buộc. Như một số trường hợp trong tiếng Nga, ví dụ: câu Mat’ l’ubit dotx’ (mẹ yêu con gái) đã dẫn ở trên, từ giữ một vị trí nhất định trong câu và nếu ta thay đổi vị trí đó thì ý nghĩa của câu sẽ thay đổi, do chức năng ngữ pháp của các từ thay đổi. So sánh: dotx’ l’ubit mat’ (con gái yêu mẹ). Tuy nhiên, nếu nhìn toàn cục thì vị trí của các từ trong câu tiếng Nga tương đối tự do. So sánh:

On id’ot v skolu (nó đi đến trường) Id’ot on v skolu (nó đi đến trường) V skolu on id’ot (nó đi đến trường).

Trong khi đó thì ở các ngôn ngữ không biến hình, như tiếng Việt hay tiếng Hán chẳng hạn, trật tự của các từ thường rất ổn định và mang tính bắt buộc. Sự thay đổi vị trí của các từ sẽ kéo theo sự thay đổi về nghĩa của câu nói hay của một đơn vị ngôn ngữ, vì chức năng ngữ pháp của các từ thay đổi. So sánh:

Nó đi đến trường Đi đến trường nó Đến trường nó đi

Phương thức trật tự từ có thể được dùng để thể hiện nhiều loại ý nghĩa ngữ pháp khác nhau, như thức mệnh lệnh, dạng, thời, từ loại và nổi lên trên hết là chức năng ngữ pháp khác nhau của các từ. Xét như vậy ta có thể thấy rằng, phương thức trật tự từ là phương thức đặc trưng cho các ngôn ngữ không biến hình, bởi vì các ngôn ngữ biến hình, đa số các loại ý nghĩa ngữ pháp thường được thể hiện bằng các dạng thức khác nhau của từ.

8. Phương thức láy

Phương thức láy (cũng còn gọi là phương thức lặp) là phương thức lặp lại một bộ phận hoặc toàn bộ từ căn (có thể 1 hoặc 2 lần) để thể hiện ý nghĩa ngữ pháp. Trên thực tế phương thức này chỉ được sử dụng hạn chế về ý nghĩa số như chuyển số ít thành số nhiều. Chẳng hạn, trong tiếng Việt: ngày ngày, người người, đêm đêm, tầng tầng, lớp lớp; hay trong tiếng Mã Lai: orang orang (người người). Ở đây cần phải phân biệt phương thức láy dùng để cấu tạo từ mới và phương thức láy dùng để thể hiện ý nghĩa ngữ pháp. Với phương thức láy dùng để cấu tạo từ mới, người ta cũng lặp lại một bộ phận hay toàn bộ một căn tố, nhưng không phải để thay đổi ý nghĩa ngữ pháp của từ mà để tạo ra một đơn vị từ vựng khác có ý nghĩa khác với đơn vị cho trước, còn với phương thức láy dùng để thể hiện ý nghĩa ngữ pháp thì không có một đơn vị từ vựng mới nào được tạo ra mà chỉ có ý nghĩa ngữ pháp (ý nghĩa số) thay đổi. So sánh:

Từ mới:

xanh xanh (hơi xanh) no no (hơi no) nhè nhẹ (hơi nhẹ)

ý nghĩa ngữ pháp mới:

nhà nhà (nhiều nhà) người người (nhiều người) xóm xóm (nhiều xóm) ________________________________________________

Từ khóa » Ví Dụ Hư Từ Là Gì