Quan Liêu Là Gì? Ý Nghĩa Thực Sự Của Từ Quan Liêu - Học Luật OnLine

Trong ngôn ngữ hàng ngày, quan liêu là từ ngữ được sử dụng như một tính từ mang ý nghĩa tiêu cực – đó là tính phức tạp, cứng nhắc và không hiệu quả trong hoạt động của Bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, từ này có nguồn gốc ra sao và ý nghĩa của nó có thật sự là như vậy hay không?

Tham khảo thêm:

  • Hàm nghĩa của thuật ngữ “Tư pháp”
  • Phúc thẩm – tái thẩm và hoạt động xét lại bản án
  • Giải thích tên gọi các hoạt động Kháng cáo và Kháng nghị
  • Nguồn gốc của tên gọi Hiến pháp

Quan liêu là gì?

Hồ Chí Minh

Quan liêu, theo quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Quan liêu là “bệnh giấy tờ, bệnh hình thức, không thực tế, là xa cách quần chúng, không theo đường lối quần chúng, làm không đúng chính sách của Chính phủ và của đoàn thể”[1].

Quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không đi sâu đi sát công việc, việc gì cũng không nắm vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung.

Quan liêu là xa rời quần chúng, không rõ lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình, không lắng nghe ý kiến của quần chúng, sợ phê bình và tự phê bình. Tác phong của người cán bộ mắc bệnh quan liêu là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách.

Theo Hồ Chí Minh, người cán bộ mắc bệnh quan liêu còn có biểu hiện như: “Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn”[2]. Khi triển khai thực hiện công việc của bản thân, giao nhiệm vụ cho cấp dưới mà không biết kiểm tra thì sẽ không có điều kiện giải thích, hướng dẫn, đôn đốc cấp dưới, không kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hay xử lý vi phạm, điều này dẫn đến công việc không có hiệu quả, gây thiệt hại về tài sản, tiền bạc, công sức của Nhà nước, của nhân dân.

Quan liêu, xét về bản chất

Quan liêu là sự tha hóa quyền lực của cơ quan công quyền. Sự tha hóa này biểu hiện chủ yếu ở bên ngoài là hiện tượng giấy tờ, bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian và ở bên trong là tâm lý hám danh, chạy theo chủ nghĩa thành tích, chạy theo địa vị, chức quyền và lợi dụng địa vị chức quyền, lợi dụng sơ hở của cơ chế quản lý để mưu cầu lợi ích cá nhân dẫn tới lạm quyền và lộng quyền.

Bệnh quan liêu với các đặc trưng chủ yếu là “sự thống trị của bàn giấy”, xa quần chúng, xa thực tế, xa cuộc sống, chỉ chú ý đến hình thức, không chú ý đến bản chất của sự vật, lấy phương pháp mệnh lệnh hành chính thay cho phương pháp làm việc khoa học. Nói chung, cách làm việc như vậy thường không quan tâm đến hiệu quả của công việc.

Yếu tố thường xuyên ảnh hưởng đến tổ chức, bộ máy, đến năng lực của cán bộ là bệnh quan liêu. Chính căn bệnh này đã làm tê liệt bộ máy, vô hiệu hóa bộ máy, làm xói mòn đạo đức của một số cán bộ, đảng viên, làm rạn nứt mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng, làm cho nhân dân hiểu sai lệch về sự lãnh đạo của Đảng, bản chất nhà nước xã hội chủ nghĩa – một nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Suy cho cùng, bệnh quan liêu khi đã xâm nhập vào đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ là nguyên nhân gây nên mọi sự trì trệ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội hiện nay.

Một trong những nguyên nhân của bệnh quan liêu là mất dân chủ, không thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; chủ nghĩa cá nhân còn tồn tại trong một số cán bộ, công chức…

=> Quan liêu là từ ngữ chỉ những người, những cơ quan lãnh đạo từ trên xuống dưới, xa rời thực tế, việc gì cũng không sâu, chỉ đại khái. Đối với công việc thì trọng hình thức, chỉ biết khai hội, xem báo cáo trên giấy, không kiểm tra đến nơi đến chốn.

Bộ máy quan liêu là gì?

Bộ máy quan liêu là một thuật ngữ dùng để chỉ 1) cơ quan của các quan chức chính phủ không được bầu cử và 2) một nhóm người xây dựng chính sách hành chính. Về mặt lịch sử, một bộ máy quan liêu là một cơ quan quản lý của chính phủ do các bộ phận có cán bộ không liên quan đến bầu cử quản lý. Ngày nay, bộ máy quan liêu là hệ thống hành chính quản lý một tổ chức lớn bất kỳ. Hành chính công ở nhiều quốc gia là một ví dụ của một bộ máy quan liêu.[3]

Điểm tiêu cực, tích cực của quan liêu

Khi xem xét mọi cách khách quan, toàn diện thì mọi sự vật, hiện tượng tồn tại trong thế giới vật chất này đều có những mặt tích cực, tiêu cực. Quan liêu cũng không ngoại lệ, cụ thể:

Điểm tích cực của quan liêu

– Có thể vận hành, quản lý một tổ chức lớn dựa vào những quy định quy tắc: rất nhiều cơ quan ban ngành ngang nhau có thể dựa vào những quy định quy tắc đó để hoạt động theo một cùng một cách.

– Có đầy đủ cơ sở giám sát và có phân cấp quản lý, sẽ giúp khách hàng, người dân có thể kháng cáo đến cấp cao hơn.

Điểm tiêu cực của quan liêu

– Hoạt động không có sự hiệu quả gây lãng phí lớn

– Thông tin giữa các văn phòng và các cấp có thể bị lệch lạc hoạt động không đúng đắn

– Việc thực hiện các quy định khá phức tạp, thủ tục giấy tờ dư thừa không cần thiết

– Cùng một việc có thể phải thực hiện lặp lại giữa các cấp hoặc ngang cấp

– Quan liêu cũng thường chậm thay đổi khi có gì mới hoặc là chậm thực hiện thay đổi

Quan liêu là gì

Ý nghĩa thực sự của từ Quan liêu

Trong từ “Quan liêu” (官僚), chữ liêu cũng mang nghĩa là quan lại. Từ này đã được sử dụng từ thời kỳ phong kiến ở Việt Nam và Trung Quốc với ý nghĩa là những người cùng làm quan, có vai vế bằng nhau. Cùng với đó là khái niệm “Bộ máy quan liêu” để chỉ chế độ tuyển dụng quan chức dựa trên cơ sở thi cử và thành tích.

Vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, xã hội châu Âu có sự thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là ở Pháp và Đức. Sự biến chuyển mạnh mẽ trong xã hội đã thúc đẩy sự ra đời của nhiều học thuyết về xã hội. Max Weber – nhà kinh tế chính trị học vã xã hội học nổi tiếng người Đức đã đề ra một loạt khái niệm then chốt cho xã hội học tổ chức, trong đó có khái niệm “Bộ máy quan liêu” (Bureaucracy). Từ bureaucracy được hình thành từ 2 thành tố: “bureau” nghĩa là bàn giấy làm việc hoặc cơ quan của chính phủ; và “cracy” nghĩa là chính thể, chế độ (như democracy – chính thể dân chủ).

Như vậy Bureaucracy nếu chỉ dịch đơn giản thì có nghĩa là chế độ cơ quan bàn giấy. Khi dịch sang tiếng Việt với tên gọi “chế độ quan liêu”, từ này theo tinh thần của Max Weber đó là cơ cấu hành chính bổ nhiệm, là hệ thống chức vụ và nhiệm vụ được xác định rõ ràng, phân công phân nhiệm chính xác, hệ thống quyền hành có tôn ti trật tự, thúc đẩy sự phân công lao động và chuyên môn hóa. Theo đó, từ “quan liêu” ở đây là một tính từ trung tính chứ không hề mang nghĩa xấu như trong ngôn ngữ hàng ngày hiện nay mà chúng ta vẫn thường hiểu.

Tác giả: Linh Minh họa: Anh

Tài liệu tham khảo

  • Từ điển Hán nôm: http://hvdic.thivien.net/hv/quan%20li%C3%AAu
  • Từ điển Oxford: https://en.oxforddictionaries.com/definition/-cracy
  • Tổ chức trong quá trình hiện đại hóa: http://www.phantichkinhte123.com/2015/05/to-chuc-trong-qua-trinh-hien-ai-hoa.html

Nguồn: Lê Thị Khánh Linh, Ý nghĩa thật sự của từ “Quan liêu”, Luật văn diễn dịch.URL: https://luatvandiendich.wordpress.com/2018/06/27/y-nghia-that-su-cua-tu-quan-lieu/

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 489-490.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 436, 394.

[3] Wikipedia

5/5 - (14817 bình chọn)
  • Bộ máy nhà nước
  • Luật văn diễn dịch
  • Quan liêu

Bài viết liên quan

  • Quá trình thành lập nhà nước Lưỡng Hà cổ đạiQuá trình thành lập nhà nước Lưỡng Hà cổ đại
  • Bản chất, chức năng, bộ máy và hình thức nhà nước tư sảnBản chất, chức năng, bộ máy và hình thức nhà nước tư sản
  • Bản chất, chức năng, bộ máy và hình thức nhà nước phong kiếnBản chất, chức năng, bộ máy và hình thức nhà nước phong kiến
  • Khởi tố và khởi kiện – Hiểu thế nào cho đúng?Khởi tố và khởi kiện – Hiểu thế nào cho đúng?
  • Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước theo Hiến pháp 2013Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước theo Hiến pháp 2013
  • Các bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩaCác bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa
  • Ý nghĩa của từ Quy phạm trong “Quy phạm pháp luật”Ý nghĩa của từ Quy phạm trong “Quy phạm pháp luật”
  • Thân chủ nghĩa là gì? Khái niệm thân chủ?Thân chủ nghĩa là gì? Khái niệm thân chủ?

Từ khóa » Chế độ Quan Liêu Tiếng Anh Là Gì