QUAN NIỆM VỀ CÁI ĐẸP CỦA MỸ HỌC CỔ ĐẠI - Hệ Tri Thức

“Chân”, “thiện”, “mỹ” là những giá trị cao quý mà con người luôn mong mỏi đạt tới, trong đó, nội dung cốt lõi của “mỹ” là cái đẹp. “Cái đẹp” tưởng chừng là cái dễ nhận thức nhưng trên thực tế lại khó nắm bắt, diễn tả. Vì vậy, phạm trù cái đẹp luôn gây mâu thuẫn và tranh cãi, lịch sử mỹ học cũng có rất nhiều đáp án cho câu hỏi: “đẹp là gì?”, “thế nào là đẹp?”. Song, trong hành trình tìm hiểu “cái đẹp”, chúng ta không thể không hướng về mỹ học cổ đại với tất cả sự ngưỡng mộ và trân trọng.

  1. Quan niệm về cái đẹp của mỹ học phương Tây cổ đại

Những phạm trù mỹ học xuất hiện đầu tiên và chủ yếu tại Hy Lạp – La Mã cổ đại. Người Hy Lạp cổ đại hình thành tư tưởng mỹ học từ việc cảm thụ vẻ đẹp của thiên nhiên, con người, từ việc phản ánh đời sống nghệ thuật của cộng đồng. Những hiện tượng đẹp đẽ, kỳ vĩ của thiên nhiên; vẻ đẹp của con người cùng các tác phẩm nghệ thuật bất hủ, hoàn mỹ như Iliát và Ôđixê (Hôme)…; các công trình kiến trúc nổi tiếng như đền thờ thần Áctemít, đền Atena, đền Páctenông; các tác phẩm điêu khắc mẫu mực như tượng Atena, tượng thần Zớt, tượng Apôlông… buộc các nhà tư tưởng thời bấy giờ phải lưu tâm nghiên cứu, đánh giá, nhận xét về chúng. Cũng từ đó, quan niệm về cái đẹp ra đời.

Những người theo phái Pitago cho rằng con số lập nên bản chất mọi sự vật, từ đó khẳng định cái đẹp là do sự hài hòa giữa các con số hay nói cách khác “cái đẹp là sự hài hòa trong quan hệ số lượng”. Họ chứng minh bằng hiện tượng chất lượng âm thanh phụ thuộc vào chiều dài dây đàn và tìm ra quan hệ số lượng trong âm nhạc như quãng tám: 1:2 ; quãng năm: 2:3 ; quãng bốn: 3:4. Như vậy, không thể có cái đẹp nếu không có hòa điệu và hòa điệu là sự thống nhất của cái đa dạng, sự hòa hợp của những gì mâu thuẫn.

Hêraclít (530 – 470 TCN) – nhà thơ và triết gia vĩ đại theo xu hướng duy vật, xem xét sự vật theo quan điểm biện chứng sơ khai. Ông cho rằng, lửa là khởi nguyên của vũ trụ, thế giới tồn tại là do ngọn lửa vận động vĩnh cửu. Hêraclít biện giải hài hòa là sự thống nhất giữa những mâu thuẫn và nó đạt được thông qua con đường đấu tranh giữa chúng, như độ tương phản giữa các màu sắc, các âm thanh cao thấp, dài ngắn … Hêraclít phát hiện tính chất tương đối của vẻ đẹp khi ông nhận định con khỉ đẹp nhất cũng xấu nếu đem so sánh với con người. Như vậy, Hêraclít được coi là một trong những đại biểu sớm nhất giải thích các khái niệm thẩm mỹ theo xu hướng duy vật và có tính chất biện chứng sơ khai.

Đêmôcrít (460 – 370 TCN) là nhà sáng tạo nên chủ nghĩa duy vật nguyên tử luận. Ông xuất phát từ chỗ cho rằng cái đẹp có cơ sở khách quan từ trong thế giới vật chất. Bản chất cái đẹp, theo ông nằm trong sự đối xứng, trong hòa điệu giữa các bộ phận với nhau; sự trung bình, vừa phải, không thừa, không thiếu, còn “nếu vượt quá mức độ, cái dễ chịu nhất cũng trở thành cái khó chịu”.

Theo Sôcrát (469 – 399 TCN), cái gì đầy danh dự, cái gì hợp đạo đức và cái đẹp đều nhất trí với nhau. Ông xem xét cái đẹp ở các góc độ hoạt động thực tiễn, hành vi, phẩm hạnh và khẳng định sự vật nào cũng có thể là đẹp và cũng có thể không đẹp trong những tình huống khác nhau. Như vậy, Sôcrát đã nhấn mạnh sự liên hệ hữu cơ giữa cái đạo đức và cái thẩm mỹ, cái thiện và cái đẹp. Con người lý tưởng đối với Sôcrát là vẻ đẹp tinh thần lẫn thể chất, trong đó con người tinh thần, theo cách hiểu của ông là con người đạo đức, con người trí tuệ. Đóng góp lớn của Sôcrát là chỉ ra sự liên hệ vững bền giữa cái đẹp với cái có ích, cái có mục đích có thật với cái tốt.

Platôn (427 – 347 TCN) là học trò của Sôcrát, thuộc dòng dõi vương hầu, sống trong giai đoạn nặng nề của lịch sử Hy Lạp, đó là giai đoạn sụp đổ của nền dân chủ Aten, khi ấy Platôn đứng về phía giới chủ nô quý tộc, chống lại chủ nô dân chủ. Ông cho rằng, các vật thụ cảm thay đổi, thoáng qua, nó xuất hiện rồi tiêu biến, vì thế nó không phải là tồn tại đích thực. Tồn tại đích thực, chân chính chỉ lấy niệm, một lực lượng tinh thần tồn tại bên ngoài con người, có trước con người. Platôn không tìm cái đẹp trong các sự vật cảm thụ đơn nhất, trong quan hệ giữa chúng đối với hoạt động của con người mà tìm cái gì là đẹp đối với tất cả, đẹp vĩnh hằng và ông cho rằng chỉ có ý niệm, nguyên mẫu của các đồ vật, làm các đồ vật trở nên đẹp là tuyệt đối đẹp mà thôi. Cái đẹp thuộc vương quốc của những ý niệm siêu trần thế và chỉ có trí tuệ mới nhận thức nổi vương quốc này.

Đại biểu lớn nhất trong số các nhà tư tưởng Hy Lạp cổ đại là Arixtốt (384 – 322 TCN), người phê phán kịch liệt Platôn. Ông giao động giữa 2 dòng duy tâm và duy vật, nhưng do không nghi ngờ gì về tính hiện thực của thế giới xung quanh nên những tư tưởng mỹ học của ông mang xu hướng duy vật. Arixtốt thừa nhận các tiêu chí cơ bản của vẻ đẹp mà những người đi trước đã đưa ra như tính quy mô có trật tự, hài hòa. Dấu hiệu tối quan trọng của cái đẹp mà Arixtốt nhấn mạnh là sự chỉnh thể: phải có đầu, có giữa, có cuối, phải liên kết giữa các bộ phận trong chỉnh thể một cách hữu cơ. Arixtốt không thừa nhận sự đồng nhất cái đẹp với cái có ích; cái có ích chỉ ở hành vi, hành động, trong khi đó cái đẹp có cả trong sự tĩnh tại…

Thời kỳ La Mã cổ đại, những quan niệm về cái đẹp mà mỹ học Hy Lạp cổ đại đều được kế thừa và phát triển. Chủ nghĩa Platon mới mà đại diện là Polotinos (204 – 270) cho rằng những vật nào đó đẹp là nhờ kinh qua sự nối liền với ý niệm, linh hồn càng thoát khỏi phần thể chất được nhiều bao nhiêu thì càng đẹp bấy nhiêu. Những cơ thể đẹp chỉ là cái bóng, những hồi quang của cái đẹp nhất…

Quan niệm về cái đẹp trong mỹ học phương Tây cổ đại mà điển hình là mỹ học Hy Lạp – La Mã cổ đại đã đặt nền móng cho sự phát triển của mỹ học sau này.

  1. Quan niệm về cái đẹp của mỹ học phương Đông cổ đại

Một trong những cái nôi của nền văn minh thế giới và cũng là một trung tâm văn hóa tư tưởng của phương Đông cổ đại là Trung Quốc. Ở đây ta cũng tìm hiểu phạm trù cái đẹp trong mỹ học Trung Quốc cổ đại. Quan niệm về cái đẹp được nảy sinh và phản ánh qua những tác phẩm, những công trình nghiên cứu của các nhà tư tưởng lỗi lạc như Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Mặc Tử…

Quan niệm về cái đẹp của Nho gia:

Trong quan điểm mỹ học của Khổng Tử (551 – 479 TCN), thường bắt gặp hai quan niệm về cái đẹp: “mỹ” và “thiện” – và trong thời đại Khổng Tử, “mỹ” đã lần hồi trở thành sự đánh giá cao đối với hình thức đẹp, còn “thiện” đã trở thành sự đánh giá đối với nội dung đẹp, có đạo đức cao quý. Khổng Tử đặt “thiện” cao hơn “mỹ”.

Mạnh Tử (372 – 289 TCN) – người được tôn vinh là bậc á thánh của Nho gia, nhà kế thừa Khổng Tử vĩ đại nhất cũng xuất phát từ những quan điểm mỹ học nói trên. Trong Mạnh Tử, chương III, ông đã đưa ra một định nghĩa thú vị về cái đẹp và cái cao thượng “cái phong phú được gọi là cái đẹp. Cái phong phú và cái rạng rỡ được gọi là cái cao thượng”.

Tuân Tử (298 – 238 TCN) đã có những cống hiến đáng kể vào Mỹ học Nho giáo cổ đại. Ông khẳng định bản tính con người sinh ra là ác, và chỉ nhờ tác dụng của “hòn đá mài” khoa học và nghệ thuật mà con người mới trở nên đẹp về mặt đạo đức. Ông nói: đối với con người, nếu không rèn luyện, thì bản tính của y, do chính nó, không thể đẹp được.

Quan niệm về cái đẹp của Đạo gia:

Lão Tử (thế kỷ VI – V TCN) cho rằng cái đẹp là cái giản dị, “giống như gỗ chưa qua tay người”, cái giản dị và cái khiêm tốn không có một tí vẻ đẹp bề ngoài nào cả, đối với Lão Tử, đó chính là tiêu chuẩn cơ bản của cái đẹp.

Trang Tử (369 – 286 TCN) phát triển xa hơn những quan điểm mỹ học của Lão Tử. Theo ông, cái đẹp cũng là biểu hiện của đạo. Con người nhận thức được cái đẹp của thiên nhiên, bản thân thiên nhiên là nguyên lý vĩ đại vô tận của các hình tượng, là nguồn của cái đẹp. Bản thân con người cũng là một phần tử nhỏ của thiên nhiên, do vậy trong bản chất con người cũng có cái đẹp. Ông khẳng định quan niệm về cái đẹp là tương đối vì thế giới là vô cùng vô tận, con người thậm chí là cả thần linh cũng không có khả năng bao quát được vẻ đẹp của thế giới. Những nhận thức của con người về cái đẹp không đúng với chân lý; chúng là chủ quan và tương đối.

Quan niệm về cái đẹp của Mặc gia:

Mặc Tử (479 – 381 TCN) phủ nhận cái đẹp vì nó không đem lại lợi ích vật chất gì; nó không thể thỏa mãn được những nhu cầu vật chất cơ bản nhất của con người. Cái đẹp, theo Mặc Tử, là phần thu nhập của bọn giàu, là bằng chứng cho cảnh thừa thãi và cảnh hủ hóa, là nguyên nhân thống khổ của nhân dân lao động. Chính vì nó mà con người bị tách rời khỏi sự lao động cần thiết và hữu ích và phải đi thêu thùa những màu sắc này nọ trên áo bọn giàu sang. Những người nghèo khốn không được hưởng cái đẹp…

Tóm lại, cái đẹp theo quan niệm mỹ học cổ đại cả ở phương Tây và ở phương Đông cũng được tiếp cận ở nhiều cách nhìn khác nhau hoặc trên lập trường duy vật, hoặc trên lập trường duy tâm. Có quan niệm nhấn mạnh cái đẹp ở sự hòa điệu, có quan niệm đồng nhất cái đẹp với tính thiện, với đức hạnh, đồng nhất cái đẹp với tính tự nhiên, có quan niệm đi tìm cái đẹp từ thế giới siêu tự nhiên, ý niệm, tinh thần ở bên ngoài con người; song cũng có quan niệm phủ nhận cái đẹp, coi đó là sản phẩm của tầng lớp thống trị, là cái không cần thiết. Tuy nhiên, nhìn chung các quan niệm về cái đẹp trong thời kỳ cổ đại cũng hướng đến những giá trị chung nhất để con người phấn đấu đạt đến và đều để lại những tư tưởng quý báu cho những thế hệ mai sau làm giàu thêm tư tưởng thẩm mỹ của mình.

Theo nguyenquynhanh

Từ khóa » Thế Nào Là Cái đẹp Trong Mỹ Học