Quy định Về An Toàn Sinh Học Tại Phòng Xét Nghiệm

Trang chủ » Phòng chống dịch bệnh

Quy định về an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm

Đăng ngày: 22/11/2016

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 103/2016/NĐ-CP quy định về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm.

   Phạm vi điều chỉnh của Nghị định trên không quy định là các phòng xét nghiệm vi sinh mà bao gồm các cơ sở có phòng xét nghiệm làm việc với vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cho người và các mẫu bệnh phẩm có khả năng chứa vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cho người của tổ chức, cá nhân (cơ sở xét nghiệm) gồm: Phân loại vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm và cơ sở xét nghiệm theo cấp độ an toàn sinh học; điều kiện bảo đảm an toàn sinh học tại cơ sở xét nghiệm; thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học và công bố cơ sở xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học; kiểm tra an toàn sinh học; phòng ngừa, xử lý và khắc phục sự cố an toàn sinh học. Điều kiện bảo đảm an toàn sinh học tại cơ sở xét nghiệm: các điều kiện trong Nghị định được điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam và các quy định quốc tế.Những quy định cụ thể đã được quy định tại văn bản khác,không quy định cụ thể tại Nghị định này. Điều kiện xét nghiệm vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm: Trong đó, Nghị định quy định cơ sở kinh doanh dịch vụ xét nghiệm vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm phải được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật; có phòng xét nghiệm đáp ứng các điều kiện theo quy định. Trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ xét nghiệm vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì ngoài việc đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định này phải đáp ứng các quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh. Nghị định quy định vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cho người được chia thành 4 nhóm: Nhóm 1 là nhóm chưa hoặc ít có nguy cơ lây nhiễm cho cá thể và cộng đồng bao gồm các loại vi sinh vật chưa phát hiện thấy khả năng gây bệnh cho người. Nhóm 2 là nhóm có nguy cơ lây nhiễm cho cá thể ở mức độ trung bình nhưng nguy cơ cho cộng đồng ở mức độ thấp bao gồm các loại vi sinh vật có khả năng gây bệnh nhưng ít gây bệnh nặng cho người, có khả năng lây truyền sang người và có biện pháp phòng, chống lây nhiễm, điều trị hiệu quả trong trường hợp mắc bệnh. Nhóm 3 là nhóm có nguy cơ lây nhiễm cho các thể cao nhưng nguy cơ cho cộng đồng ở mức độ trung bình bao gồm các loại vi sinh vật có khả năng gây bệnh nặng cho người, có khả năng lây truyền sang người và có biện pháp phòng, chống lây nhiễm, điều trị hiệu quả trong trường hợp mắc bệnh. Nhóm 4 là nhóm có nguy cơ lây nhiễm cho cá thể và cộng đồng ở mức độ cao bao gồm các loại vi sinh vật có khả năng gây bệnh nặng cho người, có khả năng lây truyền sang người và chưa có biện pháp phòng, chống lây nhiễm, điều trị hiệu quả trong trường hợp mắc bệnh.      Cơ sở xét nghiệm cũng được phân loại theo 4 cấp độ an toàn sinh học: cấp I; cấp II; cấp III; cấp IV.     Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quy định danh mục vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm theo nhóm nguy cơ và cấp độ an toàn sinh học phù hợp với kỹ thuật xét nghiệm.     Sở Y tế tối thiểu 3 năm một lần sẽ kiểm tra, thanh tra cơ sở xét nghiệm đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học và đã tự công bố đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học trên địa bàn quản lý. Theo Nghị định này, cơ sở xét nghiệm an toàn sinh học phải có trách nhiệm: 1.Đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố an toàn sinh học tại cơ sở xét nghiệm. 2.Xây dựng kế hoạch phòng ngừa, phương án xử lý sự cố an toàn sinh học bao gồm: xác định, khoanh vùng các điểm có nguy cơ xảy ra sự cố an toàn sinh học tại cơ sở xét nghiệm; các biện pháp, trang thiết bị, nhân lực để xử lý và khắc phục sự cố; phương án phối hợp với các cơ quan có liên quan để ứng phó sự cố an toàn sinh học; 3.Đào tạo, tập huấn cho nhân viên của cơ sở xét nghiệm về các biện pháp phòng ngừa và khắc phục sự cố an toàn sinh học. Nghị định cũng yêu cầu hằng năm, cơ sở xét nghiệm an toàn sinh học cấp III và cấp IV phải tổ chức diễn tập phòng ngừa và khắc phục sự cố an toàn sinh học. Cụ thể, khi xảy ra sự cố an toàn sinh học, cơ sở xét nghiệm có trách nhiệm khẩn trương huy động nhân lực, trang thiết bị để xử lý sự cố theo phương án phòng ngừa, xử lý sự cố an toàn sinh học quy định ở trên. Đối với sự cố an toàn sinh học ở mức độ ít nghiêm trọng, cơ sở xét nghiệm phải tiến hành lập biên bản về xử lý, khắc phục sự cố và lưu lại cơ sở. Đối với sự cố an toàn sinh học ở mức độ nghiêm trọng, cơ sở xét nghiệm phải báo cáo sự cố và các biện pháp đã áp dụng để xử lý, khắc phục sự cố an toàn sinh học với cơ quan quản lý . Sau khi đã xử lý và khắc phục hậu quả sự cố an toàn sinh học, cơ sở xét nghiệm phải tiến hành kiểm điểm, phân tích nguyên nhân xảy ra sự cố và sửa đổi, bổ sung kế hoạch phòng ngừa, xử lý sự cố an toàn sinh học.

Trich từ nguồn chinhphu.vn

Bệnh thủy đậu: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và cách phòng ngừa
Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết tại tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk
Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19
Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về công tác phòng, chống dịch và tiêm vắc xin phòng Covid-19
Kiểm tra hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết tại 04 tỉnh khu vực Tây Nguyên
Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại huyện Đắk Mil
Kiểm tra hoạt động phòng, chống COVID-19 tại các Cửa khẩu quốc tế trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Gia Lai
Danh mục văn bản quy định về xét nghiệm COVID-19
Giám sát hỗ trợ triển khai báo cáo điện tử trên Hệ thống QLTTTCQG
Triển khai tiêm chủng phòng COVID-19 cho cán bộ ở “tuyến đầu” tỉnh Gia Lai
Liên kết
Tây Nguyên Institute of Hygiene and Epidemiology
34 Phạm Hùng, phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk Điện thoại: (0262)3.66.39.79 - Email: info@tihe.org.vn
© 2014 Bản quyền bởi Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên.

Từ khóa » Trình Bày An Toàn Sinh Học Trong Phòng Thí Nghiệm