Số đếm Hán-Việt | TRANG CHUYÊN NGÔN NGỮ HỌC
Có thể bạn quan tâm
Lê Đình Tư
1. Số từ chỉ số lượng
1.1 Số từ chỉ số lượng chính xác: Hệ thống số từ chỉ số lượng chính xác trong tiếng Việt có phần phức tạp vì tiếng Việt có sử dụng hai hệ thống số đếm chính xác: số đếm thuần Việt và số đếm Hán-Việt.
– Hệ thống số đếm chính xác thuần Việt được phân ra thành hai hệ thống nhỏ: số đếm chẵn và số đếm lẻ.
+ Số đếm chẵn thuần Việt được sử dụng trong tất cả các trường hợp để chỉ số lượng chính xác, ví dụ: tám mét, bốn năm. Tiếng Việt sử dụng hệ thống số đếm cơ bản gồm 10 số nên muốn có số đếm lớn hơn 10, ta phối hợp các số đếm cơ bản với nhau, ví dụ: mười hai, ba hai (hoặc ba mươi hai), năm bảy (hoặc năm mươi bảy). Các số đếm từ hàng trăm trở đi được thiết lập bằng cách phối hợp 10 số cơ bản với các đơn vị trăm, nghìn, triệu, tỉ, ví dụ: hai trăm; một nghìn chín trăm; ba triệu hai trăm nghìn; bốn tỉ hai trăm năm mươi triệu bốn trăm năm muơi sáu nghìn (4.250.456.000).
Ngoài ra, để đếm các số từ một trăm trở lên, tiếng Việt còn dùng các danh từ lẻ hoặc linh để thay cho chữ ‘không’ ở hàng chục, ví dụ: một trăm lẻ một (=101), một nghìn không trăm linh một (=1001). Khi viết các số đếm, ta dùng các dấu chấm để ngăn cách các chữ số hàng nghìn, hàng triệu…
+ Tuy nhiên, tiếng Việt có sự biến đổi âm của các số lớn hơn 10 có hàng đơn vị là năm (=lăm), mười (=mươi), ví dụ: mười lăm, hai lăm, hai mươi, năm mươi, và ở các số 21 và 31, một được đổi thành mốt, ví dụ: hai mốt, ba mốt.
+ Đối với các chữ số hàng chục đầu 2 và đầu 3, có thể rút gọn chữ số mươi thành [m] và đọc nối với chữ số chỉ hàng chục, ví dụ: hăm hai (22), băm lăm (35).
+ Riêng số bốn còn có thêm dạng ‘tư’ nhưng thường không được sử dụng làm số đếm cơ bản mà chỉ sử dụng cho hàng đơn vị của các số đếm lớn hơn 20, ví dụ: ba tư (34), bốn tư (44), hoặc sử dụng kèm theo các từ khác để chỉ cách thức hay số thứ tự, ví dụ: chẻ tư, thứ tư, hàng tư.
+ Các số lẻ dưới 1 (gọi là số thập phân) có cách đọc: Số đếm chẵn + số thập phân, ví dụ: (một) phần hai (½), (ba) phần tư (¾), (sáu) phần nghìn (6/1000), hoặc: Số đếm cơ bản (không) + phảy + số lẻ, ví dụ: không phảy năm (=0,5), không phảy bảy lăm (=0,75). Riêng trường hợp 0,5 còn có cách đọc thông thường là (một) nửa, khi dùng với các danh từ, ví dụ: (một) nửa tài sản. Trong khẩu ngữ, người ta có thể đọc các số lẻ theo cách: chữ số thập phân + phảy, ví dụ: năm phảy (=0,5), ba phảy (=0,3).
Các số lẻ lớn hơn 1 có cách đếm: số đếm chẵn + rưỡi hoặc số thập phân, ví dụ: hai rưỡi (2,5), năm một phần ba (5⅓), hoặc: Số đếm chẵn + phảy + số lẻ, ví dụ: một phảy hai (=1,2), năm phảy sáu tám (=5,68).
– Số đếm Hán -Việt (nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục, thất, bát, cửu, thập) chỉ được sử dụng hạn chế trong những trường hợp cần phải biểu thị sự trang trọng, trong một số thuật ngữ hay trong một số thành ngữ, quán ngữ, ví dụ: thơ song thất lục bát, ốm thập tử nhất sinh, nhóm Tam ca, hình tứ giác, hình tam giác, đàn tam thập lục, tam thập nhi lập, xe song mã, mâm ngũ quả, tam sao thất bản, bách bệnh, thiên binh vạn mã, thiên niên kỉ.
1.2 Số từ chỉ số lượng áng chừng: Đây là loại số từ dùng để chỉ những số lượng không chính xác.
– Tiếng Việt sử dụng 3 số từ áng chừng cơ bản: vài, dăm, mươi.
– Để tạo ra những số đếm áng chừng khác, người ta kết hợp chúng với các số đếm chính xác (số đếm chẵn), ví dụ: vài ba, dăm ba, dăm bảy, mươi lăm, vài mươi, dăm trăm, mươi nghìn. Riêng đối với số đếm áng chừng thập phân, trong khẩu ngữ, người ta có thể nói “phảy” hoặc “phần” thay cho con số thập phân, ví dụ: vài phảy/ vài phần (= vài phần mười), dăm phảy/dăm phần (= dăm phần mười), vài ba phảy (= vài ba phần mười).
– Gần với số đếm áng chừng, còn có 2 số đếm gộp là: chục (10), tá (12). Những số đếm này có thể khác nhau ở các địa phương, ví dụ: ở Nam Bộ một chục có thể là 12, thậm chí 14. Ta cũng có thể kết hợp các số đếm áng chừng với các số đếm gộp này, ví dụ: dăm chục ngàn người, vài tá bút, vài chục triệu đồng. Hiện nay, tá càng ngày càng ít được sử dụng.
2. Số thứ tự
– Tiếng Việt không có hệ thống số thứ tự riêng như ở nhiều ngôn ngữ khác. Số thứ tự trong tiếng Việt được tạo ra bằng cách thêm từ ‘thứ’ vào trước các số đếm, ví dụ: thứ hai, thứ năm, thứ mười bảy. Riêng đối với số thứ tự đầu tiên, người ta thường thay số ‘một’ thuần Việt bằng nhất Hán-Việt thành thứ nhất; đối với số thứ tự thứ hai, có thể thay số hai bằng nhì thành thứ nhì; đối với số thứ tự thứ bốn, có thể thay số bốn bằng tư thành thứ tư.
– Khi đi với một số danh từ và động từ, ta có thể bỏ ‘thứ’ mà vẫn thể hiện được số thứ tự, ví dụ: bàn một, hàng hai, dòng bốn, đứng nhất lớp, về nhì, nhưng không nói: con hai thay cho con thứ hai, hay bữa hai thay cho bữa thứ hai…
Cần lưu ý rằng, trong những trường hợp cần phân biệt số đếm và số thứ tự, người ta đặt số từ chỉ thứ tự sau danh từ (hoặc động từ). So sánh: hai lớp/ lớp hai; năm bàn/bàn năm; chín ngày/ ngày chín; về nhì.
_______________________________________________________________
Từ khóa » Tiếng Hán Việt Số
-
Hệ đếm Tiếng Việt - Wikipedia
-
Chữ Số Trung Quốc – Wikipedia Tiếng Việt
-
Số đếm - Học Tiếng Hàn
-
Tự Học Hán Ngữ Hiện đại – Bài 1 - Vietsciences
-
Cách Đọc & Viết TẤT CẢ Số Đếm Tiếng Trung Đầy Đủ Nhất 2022
-
Số đếm Và Số Thứ Tự Trong Hán Ngữ Cổ đại - Chùa Bửu Minh Gia Lai
-
Tra Từ: Số - Từ điển Hán Nôm
-
Tra Từ: 數 - Từ điển Hán Nôm
-
Số đếm Tiếng Trung: Cách ĐỌC, VIẾT Và GHÉP Chuẩn Nhất
-
SỐ ĐẾM - Tiếng Trung Cầm Xu
-
Bảng Số Tiếng Hàn
-
Số - Wiktionary Tiếng Việt
-
Số đếm Tiếng Trung | Cách Đọc & Viết Cho NGƯỜI MỚI 2022