So Sánh ưu Nhược điểm Của Phun Xăng điện Tử Và Chế Hòa Khí Trên ...

Những chiếc xe máy sử dụng hệ thống phun xăng điện tử (FI) đang dần thay thế những chiếc xe sử dụng hệ thống chế hòa khí, đặc biệt là đối với những chiếc xe máy phổ thông. Trên thực tế, hệ thống phun xăng điện tử đã bắt đầu xuất hiện trên xe máy từ những năm 1980, và cho tới nay, hầu hết những chiếc xe máy cao cấp cũng như xe máy phổ thông phân khúc tầm cao đều được trang bị hệ thống FI. Vậy hai hệ thống này hoạt động như thế nào? Chúng khác nhau ra sao và ưu nhược điểm của hệ thống phun xăng điện tử và chế hòa khí là gì?

So sánh ưu nhược điểm của phun xăng điện tử và chế hòa khí trên xe máy - Ảnh 1.

Nguyên lý hoạt động của bộ chế hòa khí

Chế hòa khí là hệ thống phun xăng cơ bản nhất và cho đến thời điểm hiện tại và nó cũng là hệ thống bơm nhiên liệu phổ biến nhất được sử dụng trên xe hai bánh, đặc biệt là ở Ấn Độ, Việt Nam và những quốc gia Châu Á khác. Để giải thích hoạt động cơ bản của bộ chế hòa khí, hãy nghĩ về nó như một ống dẫn hỗn hợp nhiên liệu và không khí vào xi lanh từ một đầu, với một bộ lọc không khí được gắn vào một đầu khác. Bây giờ, ở một nơi nào đó giữa ống này, sẽ có một khu vực có thể điều chỉnh để tăng vận tốc của không khí đi qua. Khu vực nhỏ này của hệ thống bộ chế hòa khí được gọi là venturi, khu vực này có cấu tạo khá hẹp, bởi vậy khi không khí đi qua sẽ tạo ra chênh áp và từ đó tạo điều kiện hút nhiên liệu từ van xăng đặt gần venturi thông qua lực hút.

So sánh ưu nhược điểm của phun xăng điện tử và chế hòa khí trên xe máy - Ảnh 2.

Chế hòa khí khi được tháo ra.

Lượng không khí được hút vào bộ chế hòa khí do một van ở cuối ống nối với xi lanh quyết định. Van này được gọi là van tiết lưu và được kết nối với tay ga của xe máy và điều khiển dòng hỗn hợp khí - nhiên liệu thông qua đầu vào bướm. Khi bạn vặn ga, van tiết lưu sẽ mở ra và cho phép một luồng không khí lưu thông qua bộ chế hòa khí. Ngược lại, nó sẽ đóng lại khi bướm ga trên tay lái được cuộn lại hoàn toàn.

So sánh ưu nhược điểm của phun xăng điện tử và chế hòa khí trên xe máy - Ảnh 3.

Phần màu cam là phao xăng, phần màu vàng lần lượt từ trên xuống dưới là vít chỉnh gió, gic lơ không tải và gic lơ chính.

Xăng sẽ được chuyển vào buồng phao thông qua ống dẫn đầu vào và đường dẫn nhiên liệu được đặt gần venturi, có thể nói buồng phao là một kho dự trữ nhiên liệu nhỏ (bởi vậy chế hòa khí còn có một tên gọi khác là bình xăng con), với một van phao giúp cắt nguồn cung cấp nhiên liệu khi nó đầy và ngược lại. Hỗn hợp nhiên liệu không khí thu được sau đó được cung cấp đến xi lanh - nơi diễn ra quá trình đốt cháy.

Có thể nói đó là cơ chế hoạt động rất cơ bản của bộ chế hòa khí, nhưng ở thời điểm hiện tại, những bộ chế hòa khí hiện đại sẽ bao gồm nhiều chi tiết phức tạo hơn. Các bộ chế hòa khí này sử dụng các thành phần như màng ngăn, van kim... để điều khiển hỗn hợp nhiên liệu và không khí. Tuy nhiên, điểm quan trọng cần lưu ý ở đây là toàn bộ thiết lập này khá đơn giản và hoàn toàn là cơ khí mà không có thiết bị điện tử hoặc cảm biến nào hoạt động ở bên trong.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống phun xăng điện từ

Không giống như bộ chế hòa khí, hệ thống phun xăng điện tử bao gồm một bộ thiết bị điện tử và cảm biến phức tạp. Trong hệ thống chế hòa khí, nhiên liệu được hút từ bình chứa, trong khi trong hệ thống FI lại phụ thuộc vào thiết bị bơm nhiên liệu được lắp đặt bên trong bình xăng để kiểm soát dòng nhiên liệu. Vòi phun nhiên liệu cũng được thiết kế trực tiếp vào bên trong buồng đốt. Bởi vậy nhiên liệu được phun ra dưới dạng sương và cho phép đốt cháy nhiên liệu hiệu quả và tiết kiệm hơn.

So sánh ưu nhược điểm của phun xăng điện tử và chế hòa khí trên xe máy - Ảnh 4.

Việc cung cấp nhiên liệu trong hệ thống FI được điều khiển thông qua một thiết bị được gọi là ECU, nó sẽ liên tục thực hiện các phép tính phức tạp ở tần số rất cao để cung cấp hỗn hợp nhiên liệu không khí tốt nhất có thể. Dựa trên nhiều thông số khác nhau như tốc độ động cơ, vị trí bướm ga, nhiệt độ động cơ và tải, v.v. ECU sẽ "chỉ đạo" các kim phun để cung cấp lượng nhiên liệu vừa phải với mỗi hành trình nạp để tạo điều kiện đốt cháy hiệu quả nhất.

Mặc dù hiệu quả của hệ thống FI đã được chứng minh là vượt trội hơn so với bộ chế hòa khí, nhưng không phải là hai hệ thống này không có những ưu và nhược điểm riêng biệt.

Ưu điểm của bộ chế hòa khí

Bộ chế hòa khí có chi phí sản xuất thấp, vận hành đơn giản và dễ sửa chữa hoặc thay thế. Hệ thống chế hòa khí cho phép người dùng có thể điều chỉnh chúng theo yêu cầu của họ. Ngoài ra, bộ chế hòa khí không được tích hợp vào động cơ nên chúng có thể được bảo dưỡng hoặc thay thế mà không cần chạm vào động cơ. Đặc biệt đối với những xe cào cào hoặc xe sử dụng nhiều trong môi trường địa hình đồi núi thì bộ chế hòa khí thể hiện được nhiều ưu điểm hơn về độ bốc.

Nhược điểm của bộ chế hóa khí

Bộ chế hòa khí là thiết kế cũ, khi hoạt động dễ gây tình trạng thừa hoặc thiếu xăng, không phải là hệ thống hoạt động hiệu quả nhất. Hầu hết các bộ chế hòa khí đều có độ trễ nhẹ, dẫn đến phản ứng ga cũng sẽ có độ chậm nhất định. Một số thành phần như màng chắn tương đối mỏng manh và dễ bị hư hỏng. Hỗn hợp nhiên liệu không khí dao động, ảnh hưởng đến độ êm và mượt của động cơ.

Ưu điểm của hệ thống phun xăng điện tử

Hỗn hợp nhiên liệu - không khí và quá trình phun nhiên liệu được tối ưu hóa bằng máy tính cho phép đốt cháy sạch hơn, hiệu quả hơn. Phản hồi bướm ga chuẩn và nhanh hơn chế hòa khí. Tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn và mạnh hơn một chút so với hệ thống chế hòa khí.

Nhược điểm của hệ thống phun xăng điện tử

Đắt hơn đáng kể so với bộ chế hòa khí. Không thể sửa chữa bằng các dụng cụ đơn giản, phải thay thế và khá tốn kém. Không thể tùy chỉnh như bộ chế hòa khí, trừ khi có thể thiết lập lại tùy chỉnh ECU, cái này cũng khá tốn kém.

Đây là những vấn đề bạn sẽ gặp phải nếu để xe lâu ngày không đi. Hãy nắm chắc để biết cách khắc phục

Từ khóa » đặc Tính Lý Tưởng Của Bộ Chế Hòa Khí