Sự Biểu Hiện Của Cái đẹp Trong Lĩnh Vực Nghệ Thuật

Con người đồng hóa thế giới theo nhiều quy luật khác nhau, trong đó có quy luật của cái đẹp. Mác đã khẳng định rằng, trong bất cứ một ngành sản xuất vật chất nào, con người cũng đều sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Nhờ có cái đẹp mà con người không mất đi lòng tin vào cuộc sống, chân lý. Cái đẹp luôn là khát khao vươn tới của con người. Bởi vậy, trong lịch sử tư tưởng mỹ học, cái đẹp là phạm trù thẩm mỹ xuất hiện sớm nhất và luôn được coi là tiêu chuẩn quan trọng nhất, phổ biến nhất, là điểm tựa trung tâm để con người đánh giá đời sống về thẩm mỹ.

1. Nghĩ về cái đẹp

Cái đẹp có mặt khắp nơi trong cuộc sống, được biểu hiện qua muôn vàn những sự vật, hiện tượng với những kích thước, màu sắc, hình dáng khác nhau. Từ những cái đẹp của thế giới tự nhiên do tạo hóa sinh ra như sông, núi, biển, trời, trăng, sao… cho đến những thành phố, làng mạc, nhà cửa, đường xá, xe cộ… do bàn tay con người tạo ra và ngay cả bản thân con người với những hành động, cử chỉ, lời nói, hình thể đều chứa đựng trong đó những yếu tố của cái đẹp, là hiện thân của cái đẹp. Đặc biệt, có thể tìm thấy vô số cái đẹp trong những tác phẩm nghệ thuật.

Trước khi mỹ học Mác - Lênin ra đời, trong lịch sử tư tưởng mỹ học có ba khuynh hướng khác nhau về cái đẹp: duy tâm khách quan, duy tâm chủ quan và duy vật. Mỹ học duy tâm khách quan không tìm thấy cơ sở của cái đẹp ở trong các sự vật, hiện tượng của thế giới hiện thực, họ lý giải nguồn gốc của nó trong thế giới ý niệm. Bởi vậy, cái đẹp theo họ là một phạm trù vĩnh cửu, bất biến. Mỹ học duy tâm chủ quan lại tuyệt đối hóa cái đẹp, tìm nguồn gốc của cái đẹp trong ý thức, cảm xúc chủ quan cá nhân.

Chủ nghĩa duy vật trước Mác lại tập trung sự chú ý vào phương diện khách quan của cái đẹp. Họ cho rằng cái đẹp là một thuộc tính tự nhiên vốn có của sự vật, sự vật tự nó đã đẹp rồi, con người chẳng qua chỉ là kẻ thưởng ngoạn vẻ đẹp ấy một cách bị động mà thôi.

Từ thời cổ đại, các nhà mỹ học duy vật đã biết dựa vào những đặc tính tự nhiên của sự vật để vạch ra những thuộc tính và phẩm chất của cái đẹp, đó là sự cân xứng, hài hòa, trật tự, số lượng, chất lượng… Aristote quan niệm rằng: “Cái đẹp ở trong kích thước và trong trật tự, do đó, một vật bé quá không trở thành đẹp vì thoạt nhìn đã qua, không kịp thu nhận, một vật lớn quá không trở thành đẹp vì một lúc không nhìn chúng được ngay” (1).

Đến TK XIX, các nhà mỹ học Nga đã thực sự kéo cái đẹp trở về với mảnh đất trần thế, tìm thấy cơ sở của cái đẹp ngay trong hiện thực cuộc sống, gắn cái đẹp với hoạt động thực tiễn của con người. Tsernushevski cho rằng: “cái đẹp của hiện thực khách quan là cái đẹp hoàn bị”, rằng “sự vật trong hiện thực hiện ra trước mắt chúng ta đúng như nó tồn tại trong hiện thực” (2). Từ đó, ông định nghĩa: “Cái đẹp là cuộc sống”.

Mỹ học macxit quan niệm bản chất của cái đẹp là sự thống nhất biện chứng giữa hai nhân tố khách quan và chủ quan. Cái đẹp gắn liền với ý thức chủ quan, với sự đánh giá của con người, nhưng không phải là những ý niệm được mang từ bên ngoài vào mà xuất phát từ cơ sở khách quan, từ những phẩm chất thẩm mỹ tồn tại khách quan trong bản thân sự vật. Và như vậy, cái đẹp chẳng qua là sự phản ánh những tính chất thẩm mỹ khách quan của hiện thực: đó là kích thước, màu sắc, âm thanh, nhịp điệu… kết hợp theo một trật tự và tỉ lệ hợp lý tạo nên sự cân đối, hài hòa. Cấu trúc hài hòa của sự vật, đó là phẩm chất quan trọng tạo nên cái đẹp khách quan của đối tượng. Tuy nhiên, chính trong cấu trúc hài hòa của sự vật cũng không đơn thuần chỉ là cái khách quan tự nó mà còn liên quan đến yếu tố chủ quan, đến quan niệm của con người. Chẳng hạn, một bông hoa đẹp là sự hài hòa của nhiều phẩm chất: màu sắc tươi thắm, vẻ tươi mới, hương thơm dịu dàng… nhưng những phẩm chất này lại chỉ được cảm nhận thông qua sự tri giác, cảm thụ của chủ thể. Như vậy, bản chất của cái đẹp gắn liền không chỉ với những phẩm chất khách quan của sự vật mà còn bao hàm trong nó quan niệm chủ quan của con người.

Quan niệm về cái đẹp có tính tổng hợp, khái quát cao; nhưng từ thực tiễn đời sống, có thể thấy cái đẹp là những cái phù hợp với quan niệm của con người về sự hoàn thiện, hài hòa, cân xứng; phù hợp với ước muốn của con người về tính lý tưởng, về chân, thiện. Như vậy, cái đẹp là một phạm trù thẩm mỹ dùng để chỉ một phẩm chất thẩm mỹ của sự vật khi nó phù hợp với quan niệm của con người về sự hoàn thiện và tính lý tưởng, có khả năng gợi lên ở con người một thái độ thẩm mỹ tích cực do sự tác động qua lại giữa đối tượng và chủ thể.

Hiện nay, con người đã có quan điểm toàn diện, biện chứng về bản chất của cái đẹp. Qua đó, cái đẹp được nhìn nhận trong sự thống nhất biện chứng giữa hai mặt khách quan và chủ quan. Ngay trong cái khách quan đã hàm chứa sự đánh giá chủ quan của con người và ngay trong quan niệm chủ quan của con người cũng không phải là sự chủ quan thuần túy được bắt nguồn từ những nhân tố khách quan, đồng thời cũng không tránh khỏi sự chế định bởi những tiêu chuẩn thực tiễn mang tính khách quan. Do vậy, sự cảm thụ cái đẹp chẳng những đòi hỏi sự tồn tại khách quan, hiển nhiên của cái đẹp trong hiện thực mà còn đỏi hỏi sự phong phú, chủ quan của thế giới tinh thần, tình cảm của con người.

2. Vài nét về sự biểu hiện của cái đẹp trong nghệ thuật

Trong đối tượng nghiên cứu của mỹ học, nghệ thuật đứng ở vị trí trung tâm. Mặc dù quan hệ thẩm mỹ của con người với hiện thực được biểu hiện trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, trong mọi hoạt động của con người, song hình thái biểu hiện cao nhất của mối quan hệ này là nghệ thuật. Tất cả mọi quy luật của sự đồng hóa bằng thẩm mỹ đều được thể hiện mọi cách tập trung và điển hình trong nghệ thuật. Chính vì vậy, chúng ta coi “mỹ học trước hết như khoa học về bản chất và các quy luật của sáng tạo nghệ thuật” (3). Xem nghệ thuật là đối tượng khám phá quan trọng nhất, mỹ học nghiên cứu những đặc điểm, những quy luật bao quát nhất của nghệ thuật được thể hiện ở bản chất, đặc trưng và các quy luật của hoạt động sáng tạo cũng như cảm thụ nghệ thuật.

Trong tác phẩm nghệ thuật, cái đẹp bộc lộ trên cả hai phương diện nội dung và hình thức.

Xét về mặt nội dung, một tác phẩm nghệ thuật đẹp khi nó phản ánh chân thực cái đẹp của hiện thực cuộc sống. Cái đẹp trong nghệ thuật bắt nguồn trước hết từ chính những cái đẹp trong tự nhiên, trong cuộc sống. Bởi vậy, đến với nghệ thuật, chúng ta có thể tìm thấy tất cả những biểu hiện đa dạng của cái đẹp trong thế giới tự nhiên cũng như trong đời sống xã hội.

Cái đẹp của thế giới tự nhiên được khắc họa trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, từ vẻ đẹp trong trẻo, tinh khiết của mùa xuân: “Cỏ xanh xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” đến cái phập phồng, rạo rực của mùa hè: “Dưới trăng quyên đã gọi hè/ Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”.

Trong những bức tranh của họa sĩ Nga Levitan, người ta lại nhìn thấy vẻ đẹp phong phú của cuộc sống hiện lên qua những nếp nhà gỗ đơn sơ, mộc mạc ở nông thôn, trong sắc vàng rực rỡ của tiết trời thu.

Cái đẹp của thế giới tự nhiên khi đi vào trong nghệ thuật, qua sự sáng tạo của con người đã trở nên rực rỡ, lung linh với muôn sắc màu. Song có lẽ cái đẹp mà nghệ thuật quan tâm và tập trung chú ý hơn cả là vẻ đẹp của con người. Vẻ đẹp hình thể con người xưa nay luôn là đề tài hấp dẫn với nghệ thuật. Pho tượng David của Michelangelo sống mãi cùng với thời gian bởi trong tác phẩm này, nhà điêu khắc đã thể hiện vẻ đẹp hoàn hảo, tuyệt mỹ về hình thể con người. Đó là chân dung một chàng trai với thân hình lực lưỡng, cân đối, đôi mắt gợi cảm mở to điềm tĩnh, linh hoạt, sống mũi thẳng… tất cả đều gợi lên vẻ đẹp, sức mạnh, hạnh phúc của tuổi trẻ. Vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành của chị em Thúy Kiều, Thúy Vân cũng đã từng làm rung động bao thế hệ con người.

Tuy nhiên, cảm xúc thẩm mỹ mà nghệ thuật đem lại cho ta không chỉ dừng lại việc miêu tả vẻ đẹp bên ngoài của con người, mà quan trọng hơn, nghệ thuật còn khám phá cái đẹp bên trong của con người, cái đẹp ở nhân cách, phẩm chất, tâm hồn và lý tưởng. Điều này lý giải vì sao trong nghệ thuật, có những nhân vật không đẹp về hình thức nhưng vẫn có thể đem lại cho người đọc những rung động sâu sắc về mặt thẩm mỹ. Nhân vật Quasimodo trong tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris là một điển hình. Bên trong cái vẻ bề ngoài tàn tật, xấu xí, vừa thọt, vừa chột, vừa gù là một tình yêu nồng nàn, trong sáng, là sự hy sinh quên mình vì người mà mình yêu. Đó là một vẻ đẹp thực sự của con người.

Như vậy, đến với nghệ thuật, chúng ta không chỉ dễ dàng bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp rực rỡ, hào nhoáng bên ngoài mà nghệ thuật còn giúp con người nhận ra những cái đẹp trong chiều sâu, tiềm ẩn trong vô vàn những điều bình dị của cuộc sống.

Mọi cái đẹp của hiện thực khi đi vào tác phẩm nghệ thuật đều phải xuất phát từ tình cảm, cảm xúc của nghệ sĩ, đều được soi chiếu bởi một lý tưởng thẩm mỹ nhất định. Bởi vậy, chính những cảm xúc thẩm mỹ của người nghệ sĩ cũng là một đối tượng phản ánh của nghệ thuật, là một yếu tố quan trọng làm nên giá trị thẩm mỹ của tác phẩm và đương nhiên cũng là đối tượng mà người thưởng thức quan tâm. Quả vậy, Truyện Kiều đã hấp dẫn chúng ta không chỉ bởi số phận tài hoa nhưng bạc mệnh của nàng Kiều mà còn bởi chính tâm tư, tình cảm của Nguyễn Du trước cái đẹp bị vùi dập, đầy đọa.

Như vậy, đến với nghệ thuật, ta dường như được đắm mình trong thế giới của cái đẹp. Đó là cái đẹp của hiện thực được phản ánh một cách sáng tạo trong tác phẩm, là cái đẹp của tư tưởng, tình cảm, lý tưởng thẩm mỹ của nghệ sĩ, là cái đẹp của hình thức nghệ thuật do tài năng của người nghệ sĩ tạo ra.

Tuy nhiên, mặc dù cái đẹp luôn là đối tượng trung tâm của nghệ thuật, song nghệ thuật không chỉ phản ánh cái đẹp. Những cái xấu xa, lố bịch, cái bi, cái hài… đều có thể trở thành đối tượng phản ánh của nghệ thuật. Bởi ngay cả khi nghệ thuật đang trực tiếp phản ánh cái xấu thì đó cũng là một cách gián tiếp khẳng định cái đẹp.

Có thể khẳng định rằng tác dụng của nghệ thuật đối với đời sống xã hội là vô cùng quan trọng, vai trò của nghệ thuật đối với đời sống tinh thần của con người là không thể thay thế và phạm trù cái đẹp luôn đứng ở vị trí trung tâm trong nghệ thuật. Mọi giá trị của nghệ thuật đều thấm nhuần cái đẹp, đều được thực hiện dựa trên nền tảng là cái đẹp. Chính bởi vậy mà không có một lĩnh vực nào có thể sánh ngang với nghệ thuật trong việc làm thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của con người, bồi dưỡng và phát triển năng lực, thị hiếu thẩm mỹ con người.

___________

1. Aristote, Nghệ thuật thơ ca, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1964, tr.55.

2. Tsernushevski, Mối quan hệ thẩm mỹ của nghệ thuật với hiện thực, tr.2.

3. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, 1992, tr.134.

Tác giả: Hữu Thị Hồng Hoa

Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019

Từ khóa » Cái đẹp Trong Mỹ Học