Suntory Pepsico Company Profile - Những điều Cần Biết Nếu Bạn ...

marketing foundation

Tomorrow Marketers – PepsiCo với bề dày lịch sử gần 130 năm hình thành và phát triển, PepsiCo hiện tại là một trong những tập đoàn thực phẩm và đồ uống lớn nhất trên thế giới với 57 thương hiệu khác nhau. Đồng thời, với những chiến lược kinh doanh táo bạo, chiến lược marketing nổi bật cùng các chiến dịch vì cộng đồng thì PepsiCo đã trở thành điểm đến mơ ước của nhiều marketers trong ngành hàng FMCG.

Nếu muốn trải nghiệm môi trường làm việc trong tập đoàn đa quốc gia này, bạn cần phải nắm thật chắc các thông tin về thương hiệu. Đặc biệt với những bạn đang có ý định tham gia chương trình Management Trainee của Suntory PepsiCo (là PepsiCo Beverage tại Việt Nam) thì nhất định không được bỏ qua bài viết này. Hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu những điểm nổi bật về tập đoàn thực phẩm và nước giải khát này nhé!

1. PepsiCo – Hành trình trở thành tập đoàn nước giải khát hàng đầu thế giới

1.1. 1893 – 1964: Những bước đầu khó khăn của PepsiCo

Năm 1893, Caleb Bradham – một dược sĩ tại New Bern, Bắc Carolina phát minh ra công thức cho nước giải khát “Brad’s Drink” và nó được đổi tên thành Pepsi-Cola vào năm 1989. Đây chính là nguồn gốc của Pepsi bây giờ.

Năm 1902, Công ty Pepsi-Cola được thành lập và chỉ một năm sau đó, loại thức uống này được đăng ký bằng sáng chế. Số lượng bán ra của thức uống này liên tục tăng và công ty phát triển thịnh vượng cho đến khi rơi vào thời kỳ khó khăn sau Thế chiến thứ I. Công ty đã được tổ chức lại và tái hợp nhất nhiều lần trong những năm 1920.

Năm 1931, một lần nữa, Pepsi-Cola phá sản và được mua lại bởi Charles Guth – Chủ tịch của một nhà máy sản xuất kẹo hàng đầu là Loft; đồng thời cũng sở một doanh nghiệp sản xuất si-rô ở Baltimore, Maryland. Để phát triển thức uống này, Guth đã ký kết hợp động để dự trữ soda trong chuỗi cửa hàng kẹo và nhà hàng lớn của Loft, đồng thời sử dụng tài nguyên của Loft để quảng bá Pepsi và chuyển công ty đến một địa điểm gần các cơ sở của Loft.

Năm 1941, Pepsi chính thức sáp nhập vào Loft.

Năm 1960, ra mắt dòng sản phẩm mới là Diet Pepsi và mua lại Mountain Dew

Năm 1963, Donald Kendall trở thành giám đốc điều hành của Công ty Pepsi-Cola và thực hiện những thay đổi ngay lập tức đối với đội ngũ quản lý để cải thiện mối quan hệ với các nhà cung cấp chai Pepsi. Đồng thời, ông cũng đưa ra một loạt các đổi mới tiếp thị để thúc đẩy doanh số bán hàng của Pepsi-Cola. Chưa đầy hai năm sau, ông đã dẫn đầu việc sáp nhập với Frito-Lay, dựa trên sự thật đơn giản là hầu hết mọi người ăn khoai tây chiên đang thưởng thức đồ uống cùng một lúc.

Đọc thêm: Làm thế nào để giải quyết bài toán gia nhập thị trường

1.2. 1965 – 1989: PepsiCo chính thức ra đời và mở rộng ở quốc gia khác

Năm 1965, Công ty Pepsi-Cola sáp nhập vào Frito-Lay để trở thành PepsiCo, inc được biết đến như hiên giờ. Vào thời điểm thành lập, PepsiCo được thành lập tại bang Delaware và có trụ sở tại Manhattan, New York. Sau đó được chuyển về địa điểm hiện tại là Purchase, New York vào năm 1970.

Năm 1966, PepsiCo thực hiện một số hoạt động như ra mắt sản phẩm snack Doritos tại Mỹ; thực hiện chiến dịch quảng cáo đầu tiên của Mountain Dew và nổi bật nhất là gia nhập vào thị trường Nhật Bản và Đông Âu.

Những năm sau đó, công ty liên tục thực hiện chiến lược kinh doanh như ra mắt sản phẩm mới, sáp nhập và mua lại các công ty khác, gia nhập thị trường mới…. Các sản phẩm mới của PepsiCo trong giai đoạn này phải kể đến như snack vòng vị hành Funyuns tại Mỹ năm 1969, bánh khoai tây chiên giòn Tostitos năm 1981. Đồng thời, sự lớn mạnh của PepsiCo trên thị trường quốc tế càng được đẩy mạnh khi công ty này gia nhập vào 2 thị trường lớn là Liên Xô và Ấn Độ. Kết hợp với các chiến dịch marketing nổi bật, PepsiCo đã có những bước đệm mạnh mẽ trong giai đoạn này.

1.3. 1990 – nay: Những thương vụ M&A và sự mở rộng danh mục sản phẩm.

Năm 1990, PepsiCo mua lại Gamesa – công ty sản xuất bánh quy lớn nhất ở Mexico với mức giá khoảng 300 triệu USD để sở hữu 70% cổ phần.

Năm 1991, PepsiCo liên doanh với Lipton Tea của Unilever để phát triển và đưa ra thị trường các sản phẩm đồ uống có nguồn gốc từ trà. Đồng thời trong năm này, PepsiCo tiếp tục ra mắt sản phẩm khoai tây chiên Sunchips.

Năm 1992, nhận thấy mối quan tâm ngày càng tăng với sức khỏe, PepsiCo giới thiệu Aquafina. Cho đến 1997, loại thức uống này được phân phối trên toàn cầu.

Năm 1994, sự liên doanh giữa PepsiCo và Starbucks tạo ra mối quan hệ cà phê Bắc Mỹ (NACP) để phát triển thức uống cà phê lạnh pha sẵn dưới tên thương hiệu Starbucks và sử dụng mạng lưới phân phối của PepsiCo.

Năm 1995, PepsiCo cho ra mắt thương hiệu snack khoai tây Lay’s tại 20 thị trường trên khắp thế giới.

Năm 1998, PepsiCo thực hiện thương vụ mua lại lớn nhất với thương hiệu nước trái cây Tropicana của Seagram Co., với mức giá 3,3 tỷ đô. Khi Coca-Cola đang nắm giữ thương hiệu nước cam số 2 tại Mỹ Minute Maid thì việc mua lại này sẽ giúp PepsiCo có thêm sản phẩm để cạnh tranh với đối thủ truyền kiếp của mình. Một năm sau khi được PepsiCo mua lại, Tropicana nhanh chóng gia nhập vào thị trường Ấn Độ.

Năm 2000, PepsiCo tuyên bố đạt thỏa thuận mua lại 90% cổ phần của công ty South Beach Beverage Co. (SoBe). Trong khi đó, đối thủ của PepsiCo là Coca-Cola cũng mong muốn mua 20% cổ phần của công ty này nhưng không thành công. SoBe là công ty sản xuất các thức uống hỗn hợp trái cây, nước tăng lực, đồ uống từ sữa… nên đã giúp PepsiCo mở rộng danh mục đồ uống không có gas của công ty.

Năm 2001, PepsiCo mua lại Công ty The Quaker Oats, sở hữu thương hiệu đồ uống thể thao bán chạy nhất Gatorade với mức giá 13,4 tỷ USD. Với thương vụ này, PepsiCo sẽ thống trị thị trường đồ uống thể thao trị giá 2,5 tỷ USD, vốn đang phát triển nhanh hơn cola trong thời gian đó. Giống như SoBe, Gatorade cũng được Coca-Cola đề xuất mua lại nhưng không thành.

Năm 2006, PepsiCo liên tiếp mua lại ba công ty gồm IZZE, Naked Juice và Stacy’s Pita Chip Co, trong đó 2 công ty để bổ sung vào danh mục thương hiệu nước uống và 1 công ty bổ sung vào danh mục đồ ăn cho PepsiCo.

Năm 2007, PepsiCo mở rộng thị trường nước trái cây tại Nga để cạnh tranh trực tiếp với Coca-Cola khi mua lại hơn 76% cổ phần của Lebedyansky với mức giá từ 1,5 – 2 tỷ USD. Vào thời điểm đó, Lebedyansky được cho là công ty có vị thế dẫn đầu thị trường nước trái cây và có hệ thống phân phối tốt.

Năm 2008, PepsiCo công bố kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào Trung Quốc trong vòng 4 năm tới như một phần của chiến lược mở rộng sang các thị trường mới nổi và mở rộng danh mục các sản phẩm phù hợp tại địa phương.

Năm 2009, để mở rộng các danh mục sản phẩm sang thị trường Nhật Bản, PepsiCo và Công ty Thực phẩm Calbee thành lập liên minh chiến lược để sản xuất và bán nhiều loại sản phẩm thực phẩm tại Nhật Bản.

Năm 2011, PepsiCo mua lại Wimm-Bill-Dann với mức giá 5,4 tỷ USD để trở thành doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống lớn nhất ở Nga và dẫn đầu trong thị trường sữa đang phát triển nhanh chóng của đất nước.

Năm 2016, PepsiCo tiếp tục mua lại Kevita – một công ty hàng đầu ở Bắc Mỹ về probiotic lên men và đồ uống kombucha. Thương vụ này sẽ mở rộng danh mục sản phẩm đồ uống chăm sóc sức khỏe cao cấp của PepsiCo

Trong ba năm liên tiếp là 2018, 2019 và 2020, PepsiCo tiếp tục mở rộng danh mục khi mua lại 2 công ty thực phẩm là Healthy Warrior, Bare Snack và ký thỏa thuận mua lại với BFY Brand. Cùng với đó là thương vụ mua lại 2 công ty đồ uống SodaStream, Muscle Milk. Như vậy, chỉ trong 3 năm gần đây, PepsiCo đã mở rộng thêm ít nhất 4 thương hiệu để làm đa dạng thêm danh mục sản phẩm của mình.

Trong giai đoạn này, ngoài việc mở rộng danh mục bằng việc mua lại các thương hiệu khác, PepsiCo còn liên tiếp cho ra các sản phẩm mới như MTN Dew, IMAG!NE Snack, LifeWTR, Tropicana Probiotics…

Đọc thêm: Quy trình 4 bước phân tích M&A Case (sáp nhập và mua lại)

2. Danh mục sản phẩm và các thương hiệu nổi bật của PepsiCo

PepsiCo hoạt động trên hai lĩnh vực chính là Nước giải khát và Thực phẩm. Tại hai lĩnh vực này, PepsiCo lại có những ngành hàng và thương hiệu mang tính biểu tượng như Đồ uống có gas (Pepsi), Đồ uống tăng lực (Mountain Dew), Nước trái cây (Tropicana), Trà (Lipton), Đồ uống thể thao (Gatorade), Snack Khoai tây (Lay’s).

2.1. Pepsi

Pepsi là thương hiệu lâu đời và cũng giá trị nhất của PepsiCo. Trải qua những thăng trầm, cho đến nay, Pepsi đã có mặt tại hơn 200 quốc gia và tạo ra doanh thu hơn 20 tỷ USD mỗi năm. Dù phát triển lớn mạnh như vậy nhưng Pepsi vẫn đứng sau Coca-Cola trong top các đồ uống có gas.

2.2. Mountain Dew

Mountain Dew là thương hiệu đồ uống phổ biến thứ hai của PepsiCo, được sáng chế bởi Barney và Ally Hartman năm 1940. Theo Euromonitor, Mountain Dew hiện đang chiếm khoảng 7% thị phần nước ngọt có gas và xếp vị trí thứ 5 chỉ sau Coca-Cola, Pepsi, Diet Coke và Dr Pepper tại Mỹ. Lần gần nhất PepsiCo cung cấp dữ liệu về thương hiệu này cho thấy, Mountain Dew đang tạo ra doanh thu khoảng 7 tỷ USD.

2.3. Tropicana

Tropicana được sáng chế vào năm 1947 bởi Anthony Rossi – là một người Ý nhập cư tại Hoa Kỳ. Đến năm 1998, PepsiCo chính thức sở hữu Tropicana với mức giá 3,3 tỷ USD. Trong lần công bố dữ liệu bán hàng cuối cùng vào năm 2011, Tropicana đang tạo khoảng 6 tỷ USD doanh thu mỗi năm cho PepsiCo. Trong năm 2021, Tropicana chiếm khoảng ⅓ thị trường (~33% thị phần) và trở thành thương hiệu nước cam hàng đầu tại Mỹ. Tuy nhiên, PepsiCo tuyên bố bán Tropicana, Naked và các thương hiệu nước trái cây được lựa chọn khác cho công ty cổ phần tư nhân PAI Partners với mức giá 3,3 tỷ USD và giữ lại 39% cổ phần. Lý do là sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận thấp hơn mức trung bình của công ty trong thời gian gần đây.

2.4. Lipton

Lipton lần đầu được bán trên thị trường bởi Sir Thomas Lipton vào năm 1890. Cho đến năm 1972, Lipton đã bị mua lại bởi Unilever và vào năm 1991 Unilever đã liên doanh với PepsiCo để mở rộng loại thức uống này. Theo Statista, trong năm 2019, Lipton là một trong những thương hiệu nước giải khát có giá trị nhất với ước tính giá trị là 9,1 tỷ USD. Hiện nay, thương hiệu này đang được phân phối tại hơn 100 thị trường trên toàn thế giới.

2.5. Lay’s

Vào năm 1932, Herman W. Lay bắt đầu một doanh nghiệp nhỏ ở Nashville, Tennessee để bán khoai tây chiên được sản xuất bởi một công ty ở Atlanta, Georgia. Sáu năm sau đó, Herman mua lại công ty để thành lập H.W.Lay & Company. Thương hiệu tiếp tục phát triển trong 3 thập kỷ tiếp theo. Cho đến năm 1961, đối thủ cạnh tranh là Frito đã hợp nhất với Lays để tạo nên công ty thực phẩm Frito-Lay. Chỉ 4 năm sau đó, Pepsi-Cola đã nhanh chóng mua lại Frito-Lays với mức giá 213 triệu USD. Theo báo cáo trong năm 2017, Lay’s tạo ra khoảng 1,7 tỷ USD doanh thu và chiếm gần 30% thị trường khoai tây chiên tại Mỹ. Hiện nay, thương hiệu này đã được bán tại hơn 200 quốc gia.

3. Suntory PepsiCo Việt Nam

3.1. Lịch sử hình thành và phát triển

Giai đoạn 1991 – 1992: Tiền thân của Suntory PepsiCo

Ngày 24/12/1991, Công ty Nước giải khát Quốc tế (IBC) được thành lập do liên doanh giữa Công ty Thương mại và Du lịch Sài Gòn (SP. Co) và Marcondray – Singapore với tỷ lệ góp vốn 50% – 50%.

Năm 1992, IBC xây dựng và khánh thành nhà máy đầu tiên tại Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh với nhân sự ban đầu chỉ hơn 100 người.

Giai đoạn 1994 – 2012: Những dấu ấn quan trọng của PepsiCo

Năm 1994, PepsiCo liên doanh với Công ty Nước giải khát Quốc tế (IBC) để gia nhập vào thị trường Việt Nam với hai thức uống là Pepsi và 7Up.

Cho đến năm 1998 – 1999, cấu trúc về vốn thay đổi, PepsiCo – IBC chuyển từ loại hình liên doanh sang doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Số cổ phần trên đã được PepsiCo mua lại với giá 4,8 triệu USD. Đây là thương vụ M&A đầu tiên của PepsiCo tại Việt Nam, đánh dấu mốc quan trọng của tập đoàn nước giải khát trong thị trường tiềm năng này.

Năm 2003, Công ty PepsiCo – IBC đổi tên thành Công ty Nước Giải khát Quốc tế PepsiCo Việt Nam. Cũng trong cùng thời gian này, các sản phẩm nước giải khát khác của công ty lần lượt ra mắt và nhận được sự đón nhận của người tiêu dùng như Sting, Twister, Lipton Ice Tea, Aquafina.

Năm 2004, để mở rộng sản xuất và kinh doanh tại Quảng Nam, đồng thời, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân khắp mọi miền tổ quốc, PepsiCo thực hiện thương vụ M&A thứ hai với nhà máy Điện Bàn.

Năm 2006, PepsiCo ra mắt Snack Poca, vốn là thương hiệu toàn cầu Lay’s của công ty được đổi tên để hoạt động trong thị trường nội địa Việt Nam. Sau đó là phát triển thêm dòng sản phẩm sữa đậu nành Body Natural vào năm 2007.

Năm 2008, PepsiCo đã tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất khi khánh thành thêm nhà máy thực phẩm ở Bình Dương mà sau này đã tách riêng thành Công ty Thực phẩm PepsiCo Việt Nam. Đồng thời, công ty cũng mở rộng vùng nguyên liệu tại Lâm Đồng, cho ra mắt 3 sản phẩm mới thuộc mảng nước giải khát là 7Up Revive, Trà xanh Lipton, Twister dứa.

Năm 2010, PepsiCo Quốc tế tuyên bố sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam 250 triệu USD cho ba năm tiếp theo. Đồng thời trong cùng năm, nhà máy mới tại Cần Thơ chính thức đi vào hoạt động.

Năm 2012, công ty thực hiện M&A lần ba với nhà máy San Miguel tại Đồng nai và khánh thành nhà máy PepsiCo có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Bắc Ninh.

Giai đoạn 2013 – nay: Chiến lược liên doanh đặc biệt

Vào tháng 4/2013, liên doanh giữa Công ty Nước giải khát quốc tế PepsiCo cùng công ty đồ uống và thực phẩm dinh dưỡng tại Nhật Bản là Suntory Holdings Ltd được thành lập và Công ty Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam (SPVB) chính thức được ra đời. Với chiến lược này, PepsiCo và Suntory mong muốn hợp tác nguồn lực để mở rộng quy mô tại thị trường đang tăng trưởng nhanh là Việt Nam. Đồng thời, sự liên doanh này cũng cho ra mắt sản phẩm mới là trà Olong Tea+ Plus.

Năm 2014 là dấu mốc 20 năm kể từ khi PepsiCo vào Việt Nam, trong năm này, SPVB ra mắt sản phẩm mới C.C Lemons.

Năm 2017, với cam kết phát triển kinh doanh bền vững và đóng góp cho cộng đồng, SPVC khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy thứ 5 của công ty tại Khu Công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc của tỉnh Quảng Nam, đánh dấu bước tiến phát triển quan trọng trong cam kết đầu tư phát triển bền vững của Công ty tại Việt Nam.

Trên hành trình 28 năm xây dựng và phát triển bền vững tại Việt Nam, Suntory PepsiCo đã xây dựng được 5 nhà máy sản xuất, 6 văn phòng bán hàng và tạo ra việc làm cho gần 3000 lao động chính thức cùng khoảng 6000 lao động gián tiếp từ các bên đối tác. Với tiêu chí hàng đầu “Chia sẻ lợi nhuận với cộng đồng”, công ty đã đồng hành với một số chương trình hỗ trợ cộng đồng như Mizuku – Em yêu nước sạch”, hay phối hợp với các tổ chức thực hiện chương trình xây dựng trường học, trao học bổng, hỗ trợ mổ mắt, mổ tim cho bệnh nhân nghèo… Gần đây nhất là PepsiCo Foundation hỗ trợ CARE nhân rộng chương trình She Feeds the World tại Việt Nam nhằm giúp xây dựng các hệ thống thực phẩm bền vững hơn thông qua nâng quyền của phụ nữ trong các chuỗi cung ứng nông sản. Ngoài ra, SPBV nhiều năm liền được công nhận là một trong những công ty sản xuất đồ uống không cồn uy tín nhất Việt Nam và cũng thường xuyên góp mặt vào danh sách nơi làm việc tốt nhất, đạt nhiều giải thưởng đáng giá.

3.2. Danh mục ngành hàng và sản phẩm tại Việt Nam

Tại Việt Nam, PepsiCo phân phối các ngành hàng gồm Nước uống có gas (Pepsi, Mirinda, 7Up, Mountain Dew), Nước uống tăng lực (Sting), Trà (Lipton, Olon Tea+), Nước uống đóng chai (Aquafina, Revive, Goodmood), Nước trái cây (Tropicana Twister), Nước giải khát vị lúa mạch (All-free).

Tại Việt Nam, PepsiCo thành lập hai công ty nhỏ là Công ty TNHH Nước Giải Khát Suntory PepsiCo Việt Nam (SPVB) và Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam (PFVC).

Về SPVB, danh mục ngành hàng và sản phẩm bao gồm Nước uống có gas (Pepsi, Mirinda, 7Up, Mountain Dew), Nước uống tăng lực (Sting), Trà (Lipton, Olon Tea+), Nước uống đóng chai (Aquafina, Revive, Goodmood), Nước trái cây (Tropicana Twister), Nước giải khát vị lúa mạch (All-free).

Về PFVC, danh mục sản phẩm bao gồm Lay’s, Lay’s Stax, Doritos, Quaker.

4. Bài học đáng giá trong chiến lược kinh doanh của PepsiCo

Củng cố vị thế dẫn đầu, đạt được sự tăng trưởng thông qua các thương vụ sáp nhập và mua lại (M&A)

Trong phần 1 về Lịch sử hình thành PepsiCo, có thể thấy công ty này đã liên tục mở rộng các danh mục thương hiệu và sản phẩm của mình thông qua các thương vụ sáp nhập và mua lại. M&A có thể cung cấp những lợi thế của việc tiếp cận năng lực và cơ sở hạ tầng, giảm chi phí trực tiếp và chi phí chung, đạt được tăng trưởng hữu cơ. Kết quả của việc theo đuổi chiến lược này là danh mục đầu tư của PepsiCo bao gồm 57 thương hiệu và mỗi thương hiệu này đã tạo ra ít nhất một tỷ USD doanh thu bán lẻ hàng năm.

Hình thành các liên minh chiến lược trên quy mô toàn cầu

Cụ thể, quan hệ đối tác chiến lược đã được hình thành với Tingyi để giành thị phần trong thị trường đồ uống đang phát triển ở Trung Quốc. Hơn nữa, việc thành lập một liên doanh với Tata ở Ấn Độ để tăng cường khả năng sản xuất nước uống và bắt đầu quan hệ đối tác chiến lược với Almarai ở Ả Rập Saudi có thể được đề cập để minh họa cho việc PepsiCo áp dụng các liên minh chiến lược như một phần không thể thiếu trong chiến lược của công ty. Các liên minh chiến lược quan trọng cũng được PepsiCo thành lập tại thị trường trong nước. Cụ thể, bằng cách thành lập một liên minh chiến lược với Starbucks – một chuỗi quán cà phê toàn cầu, PepsiCo đã có thể khẳng định thị phần của mình từ việc tăng phân khúc thị trường nước tăng lực.

Tập trung vào các thị trường mới nổi

Cựu Giám đốc điều hành PepsiCo Indra Nooyi đã công khai chiến lược tăng cường hơn nữa mức độ hiện diện của công ty tại các thị trường mới nổi. Trong năm 2015, công ty này đã chứng kiến sự tăng trưởng lên đến 2 con số trong báo cáo doanh số bán đồ ăn nhẹ tại Trung Quốc và Pakistan. Đồng thời, PepsiCo cũng củng cố vị trí của mình ở Trung Đông – một thị trường mới nổi khi đó.

Đổi mới trong các chiến dịch truyền thông

Một loạt các chiến dịch truyền thông sáng tạo được phát triển bởi nhóm tiếp thị PepsiCo bao gồm chiến dịch “Do Us a Flavor” liên quan đến người tiêu dùng ở 17 quốc gia gửi ý tưởng hương vị, phát triển ứng dụng trò chơi Lipton Brisk Star Wars cho điện thoại di động và sử dụng sự chứng thực của người nổi tiếng một cách sáng tạo bằng cách thu hút một ca sĩ nổi tiếng trong phân khúc khách hàng mục tiêu thương hiệu Pepsi Beyonce Knowles. Điều quan trọng là sự khác biệt đa văn hóa ở các thị trường khác nhau được tính đến khi phát triển và cung cấp các thông điệp tiếp thị của PepsiCo. Ví dụ, khẩu hiệu tiếp thị của “Live for Now” liên quan đến thương hiệu Pepsi đã được sửa đổi thành “Yalla Now” và “Oh Yes Abhi” cho thị trường Trung Đông và Ấn Độ tương ứng có tính đến sự khác biệt đa văn hóa liên quan đến các thị trường này. Tại Việt Nam, PepsiCo cũng có các chiến dịch nổi bật và gần đây là chiến dịch Pepsi Ngõ tại miền Bắc với thông điệp “Ngõ nhỏ, Phố nhỏ, Pepsi ở đó”.

Hơn nữa, ban lãnh đạo cấp cao tập trung vào framework được gọi là ‘5Cs’ để hướng dẫn chiến lược kinh doanh và lập kế hoạch dài hạn của PepsiCo. 5Cs là viết tắt của những điều sau đây:

  • Commercial agenda
  • Building new capabilities: Xây dựng khả năng mới
  • Increasing focus on costs: Tăng cường tập trung vào chi phí
  • Fostering a culture of collaboration: Thúc đẩy văn hóa hợp tác
  • Exercise discipline when it comes to capital returns: Siết chặt quản lý với lợi nhuận vốn

Phát triển và thúc đẩy ý tưởng One PepsiCo

Indra Nooyi – cựu Giám đốc điều hành của PepsiCo đã nỗ lực tăng mức độ liên kết của các thương hiệu nhỏ với các giá trị và triết lý của công ty PepsiCo thông qua việc thúc đẩy ý tưởng về One PepsiCo. Điều này có nghĩa là được tạo điều kiện thông qua việc chia sẻ quản lý chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng, chi phí hoạt động cho nhiều thương hiệu trong danh mục đầu tư của PepsiCo đã giảm.

5. Chương trình Suntory PepsiCo Management Trainee và Giám sát tài năng

5.1. Suntory PepsiCo Management Trainee

Xuất hiện lần đầu tại Việt Nam vào năm 2006, Suntory PepsiCo Management Trainee là chương trình quản trị viên tập sự của Suntory PepsiCo. Với tinh thần đậm chất Grow – Win – Enjoy, chương trình được thiết kế để tìm kiếm những tài năng trẻ sáng giá nhất và phát triển họ thành các nhà lãnh đạo tương lai toàn diện – những người sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh bền vững của Suntory PepsiCo trong tất cả các bộ phận bao gồm: Bán hàng, Tiếp thị, Tài chính, Nhân sự, Chuỗi cung ứng và hoạt động.

Điều đặc biệt trong chương trình MT của Suntory PepsiCo là mở cho hai nhóm đối tượng gồm (i) các ứng viên bên ngoài tập đoàn và (ii) các ứng viên đang làm việc tại tập đoàn. Đối với nhóm (i), đối tượng là các bạn sinh viên tốt nghiệp mới tốt nghiệp Cử nhân/Thạc sĩ hoặc các bạn sinh viên tốt nghiệp dưới 1 năm kinh nghiệm làm việc. Đồng thời, nhóm này cần đáp ứng các điều kiện khác như có quốc tịch tại Việt Nam; GPA trên 7,0 (thang 10); kỹ năng tiếng Anh và tin học văn phòng tốt, chưa vào đến vòng Assessment Centre của chương trình Quản trị viên tập sự hoặc Giám sát tài năng của Suntory PepsiCo trước đó… Đối với nhóm (ii), đối tượng là nhân viên L4/ L5 dưới 1 năm kinh nghiệm tại Suntory PepsiCo. Các điều kiện khác cho nhóm này gồm xếp hạng PDR của năm gần nhất ít nhất 4/3 hoặc ¾ (nếu chưa được xếp hạng PDR thì phải có đề cử từ Line Manager, HR Business…); kỹ năng tiếng Anh và tin học văn phòng tốt…

Khi tham gia chương trình, các ứng viên sẽ trải qua 5 vòng gồm: Application, Testing, Initial Interview, Career Camp và On-Boarding. Cụ thể:

Vòng 1: Application – Nộp đơn ứng tuyển

Vòng này các bạn chỉ cần làm theo hướng dẫn, nộp CV và chờ kết quả từ phía SPVB. Để gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng, các bạn cần chuẩn bị một CV đẹp từ trước đó và quan trọng là đủ các điều kiện yêu cầu.

Vòng 2: Testing – Bài kiểm tra bằng tiếng anh

Tại vòng này, các bạn cần phải hoàn thành một bài kiểm tra năng lực bằng tiếng anh được gửi qua email. Hình thức của bài kiểm tra giống dạng bài Aptitude Test, sẽ bao gồm các dạng như Verbal test, Numerical test và Abstract test.

Vòng 3: Initial Interview – Vòng phỏng vấn sơ bộ ban đầu

Đây là vòng phỏng vấn cá nhân giữa bạn và nhà ứng tuyển với mục đích hiểu sâu hơn ứng viên. Vì thế, hãy tự tin, reflect lại bản thân và chuẩn bị thật kỹ trước buổi phỏng vấn nhé.

Đọc thêm: Vòng Initial Interview, Assessment Camp và Final Interview cần kiến thức Marketing gì?

Vòng 4: Career Camp

Vòng này tương tự như Assessment Centre, các bạn sẽ được làm việc nhóm với nhau và đề xuất các ý tưởng với nhà ứng tuyển. Đặc biệt hơn, trong vòng này là các bạn sẽ phải trải qua hai ngày thi với hai nội dung khác nhau.

Đọc thêm:

  • Chinh phục 4 dạng interview thường gặp trong Management Trainee
  • Cách vượt qua Case Interview – những kỹ năng cần chuẩn bị và điều cần lưu ý
  • Tips đặt câu hỏi giúp làm rõ vấn đề trong Case Interview
  • Những lỗi lập luận cần tránh trong vòng Assessment Center: để tranh luận không trở thành tranh cãi vô ích

Vòng 5: On-Boarding

Đây là vòng dành cho các ứng viên đã trúng tuyển và bắt đầu cuộc hành trình cùng Suntory PepsiCo.

Với khoảng thời gian là 36 tháng, các ứng viên sẽ được phát triển đầy đủ với chương trình đào tạo chuyên sâu của Suntory PepsiCo. Cụ thể hơn, trong 18 tháng đầu tiên, ứng viên được phát triển bản thân và 18 tháng tiếp theo sẽ được phát triển khả năng lãnh đạo.

5.2. Giám sát tài năng

Chương trình Giám Sát Tài Năng được công ty thiết kế riêng cho các bạn Sinh viên/Ứng viên tài năng, giàu đam mê nhiệt huyết trong lĩnh vực Kinh Doanh (Sales) và Vận hành Sản xuất (Manufacturing/ Supply Chain) nhằm mục tiêu nuôi dưỡng, đào tạo và phát triển các bạn trở thành những Giám sát tài năng then chốt của công ty.

Khi ứng tuyển vị trí Giám sát tài năng, ở cả hai bộ phận, các ứng viên phải đáp ứng được các tiêu chí như vừa tốt nghiệp cử nhân/thạc sĩ hoặc có dưới 2 năm kinh nghiệm làm việc; điểm trung bình tích lũy là 6.5/10 cho hệ cử nhân và 7.5/10 cho hệ Cao đẳng, THCN; có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh và thông thạo các phần mềm Microsoft Office; chủ động trong công việc, sáng tạo, ham học hỏi;…

Về các vòng ứng tuyển, ứng viên phải trải qua 5 vòng như chương trình Management Trainee gồm: Application, Testing, Initial Interview, Career Camp, On-Boarding.

Sau khi kết thúc giai đoạn ứng tuyển, ứng viên thành công chinh phục nhà tuyển dụng sẽ được tham gia lộ trình 18 tháng phát triển để hoàn thiện bộ kỹ năng của mình. Trong 2 tháng đầu, các bạn sẽ được xây dựng kiến thức và các kỹ năng nền tảng theo vị trí mà bạn ứng tuyển. 4 tháng tiếp theo, bạn sẽ đảm nhiệm vai trò giám sát bán hàng hoặc chuyên viên bán hàng kênh tiêu thụ tại chỗ và 12 tháng cuối cùng bạn sẽ được luyện tập để trở thành một giám sát tài năng thực thụ.

Đọc thêm: Nestlé Company Profile – Những điều cần biết nếu bạn muốn ứng tuyển chương trình Management Trainee của Nestlé.

Tạm kết

Với bề dày gần 130 năm hình thành và phát triển, các chiến dịch truyền thông nổi bật cùng các đóng góp cho xã hội, Suntory PepsiCo hứa hẹn sẽ là một bệ phóng hoàn hảo cho sự nghiệp của các bạn trẻ. Nếu bạn muốn trải nghiệm môi trường làm việc hay ứng tuyển chương trình Management Trainee, Giám sát tài năng của Suntory PepsiCo, đừng bỏ lỡ khóa học Case Mastery nhé. Đến với khóa học, các bạn sẽ trực tiếp được giảng dạy bởi Senior Brand Manager của Suntory PepsiCo cùng các trainers có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong các tập đoàn đa quốc gia khác. Đồng thời, khóa học còn giúp nâng cao kỹ năng Problem Solving – là kỹ năng rất quan trọng khi các bạn đi làm dù ở bất kỳ đâu, giúp bạn tự tin chinh phục mọi tình huống case interview trong các vòng tuyển vào Suntory PepsiCo.

Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!

Từ khóa » Chiến Lược Marketing Của Suntory Pepsico