Suýt Mất Mạng Vì Thày Lang Chữa Bỏng Chui - Công An Nhân Dân

Nghe người làng mách nhau về thầy lang có "thuốc tiên" chữa bỏng gia truyền ở khu tập thể 3A Quang Trung, ngày 23/1, sau khi con trai bị bỏng nước sôi, chị P. ở thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng (Hà Tây) hấp tấp đưa con xuống Hà Nội tìm đến cơ sở gia truyền chữa bỏng Thân - Như Ý.

Cháu Quách Duy Nam mới 13 tháng tuổi, da còn non nớt, vết bỏng trên bàn chân trái khiến cháu đau nhức khóc suốt cả ngày. Thầy lang bôi cho cháu loại thuốc vàng như nghệ được ví như "thần dược" trong điều trị bỏng. Trái với những gì thầy quảng cáo, càng ngày cháu Nam càng khóc nhiều hơn, vết thương ăn sâu vào trong khiến một đứa trẻ không thể chịu đựng nổi. Sau 13 ngày "kiên trì" điều trị, tính mạng cháu Nam có nguy cơ bị đe dọa thì người mẹ này mới đưa con đến Viện Bỏng quốc gia.

15h ngày 8/2, cháu Nam được vào cấp cứu trong tình trạng tổn thương hoại tử mu chân trái, toàn bộ vết thương màng thuốc che phủ phía trên nhưng phía dưới có nhiều dịch mủ. Sau hội chẩn, bác sỹ ở Khoa Chữa bỏng trẻ em đã quyết định phải phẫu thuật ghép da cho cháu. Sau khi con khỏi bệnh, vợ chồng chị P. bật khóc hối hận: Chỉ vì tin vào "lang băm" mà suýt nữa con chị mất bàn chân.

PGS-TS Lê Năm, Giám đốc Viện Bỏng cho biết: Thầy lang tại cơ sở số 3A Quang Trung do không có kiến thức cơ bản về bỏng nên không chẩn đoán được độ sâu của tổn thương bỏng, không tiên lượng được bệnh nhân bỏng và cho rằng mọi tổn thương bỏng đều như nhau, chỉ cần đắp thuốc tại chỗ là khỏi. Trong khi đó, tất cả các tổn thương bỏng sâu đều phải phẫu thuật ghép da. Nếu không mổ ghép da thì bất kỳ dùng thuốc gì cũng không thể khỏi được. Những bệnh nhân sau khi đã điều trị ở thầy lang bị hoại tử phải vào cấp cứu tại Viện Bỏng hầu hết đều được thầy lang sử dụng loại thuốc "tạo màng" bôi vào vết bỏng. Thuốc "tạo màng" có ở trong quả hồng xiêm xanh, chè xanh, lá trầu không… Thầy lang chỉ biết thuốc "tạo màng" chữa được bỏng nên bôi cho bệnh nhân mà không biết thuốc này chỉ chữa được bỏng nông (khỏi rất nhanh) và bỏng trên diện tích hẹp (không được bôi quá 10% diện tích cơ thể), không được bôi ở những chỗ có cơ, khớp, tứ chi…

Sau cháu Nam vài ngày, Viện Bỏng lại nhận được ca cấp cứu tương tự. Đó là cháu Dương Gia Khánh, ở phường Bách Khoa (Hà Nội) bị bỏng nước sôi, gia đình cũng chạy chữa cho cháu ở số 3A Quang Trung. Hơn 10 ngày điều trị tại chỗ, tổn thương bỏng của cháu bị nhiễm khuẩn nặng. Cháu được chuyển đến Viện Bỏng quốc gia trong tình trạng hoại tử cổ, mu bàn chân trái, nền vết thương bẩn nhiều giả mạc, tổn thương chuyển độ sâu, phải mổ ghép da.

Theo PGS-TS Lê Năm, Giám đốc Viện Bỏng quốc gia thì 2 cháu bé này vào viện trong tình trạng chân co quắp, nếu không chữa trị kịp thời sẽ để lại di chứng nặng nề. Đây là 2 trường hợp điển hình trong nhiều trường hợp bị hoại tử từ việc chữa trị ở số 3A Quang Trung.

Tiến sỹ Vũ Trọng Tiến, Phó Chủ nhiệm Khoa Điều trị bỏng người lớn bức xúc kể: "Cách đây vài hôm, chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Ngọc Tư, ở thôn Kênh Đào, xã Anh Đào, huyện Mỹ Đức (Hà Tây) trong tình trạng rất khủng khiếp. Bàn tay bệnh nhân này bị bỏng điện và được ông lang gần nhà chữa trị. Ông lang này dùng thuốc "tạo màng" để bôi vào vết bỏng khiến bàn tay Tư sưng nề như nhúng trong lớp nhựa cứng. Bên ngoài lớp nhựa bít lại khiến mạch máu thần kinh bị chít hẹp, mủ bên trong không ra được hấp thu vào trong máu gây nhiễm khuẩn nặng. Cả bàn tay hoại tử hết, không những thối mà các ngón tay đều teo lại. Bệnh nhân này mà đến viện chậm chút nữa là không cứu được".

Mấy chục năm công tác trong ngành bỏng, đây là ca đầu tiên mà bác sỹ Tiến thấy lạ lùng như thế. Bàn tay Tư như bàn tay tượng,các bác sỹ phải dùng cưa mới cắt đứt được lớp nhựa. Biện pháp cuối cùng là phẫu thuật cắt bàn tay hết chỗ thối mới cứu sống được Tư.

Hành nghề "chui"

Chúng tôi đến khu tập thể số 3A Quang Trung. Người bán hàng nước ở đầu ngõ hỏi ngay: "Ở số 3 này có tới 2 thầy chữa bỏng, chị hỏi thầy Thân hay thầy Phong. Thầy Thân chữa tuyệt vời lắm, đông khách lắm".

Thấy chúng tôi muốn lên nhà ông Thân, chị bán hàng cơm gần đấy ghé tai nói nhỏ: "Nhà ông Phong chữa tốt hơn, nhanh khỏi lắm. Để chị dẫn đường cho". Nhà ông lang Nguyễn Xuân Phong ở ngay tầng 1 của khu tập thể. Căn nhà chỉ hơn 10m2, nhưng sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân bỏng điều trị tại chỗ. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn thầy điều trị cho người nhà ở Hà Tây, vợ chồng thầy đồng ý ngay và còn đảm bảo sẽ khỏi bệnh. Vợ thầy (bà Thu Hiền) kể: "Nhiều bệnh nhân vào viện Xanh Pôn chữa không khỏi, khi đến đây tôi chữa cho khỏi hết"…

Rời nhà ông Phong, chúng tôi đi qua dãy hành lang tối om, leo lên chiếc cầu thang gỗ cũ kỹ để lên tầng 2 tìm ông Thân. Chẳng cần hỏi thăm, chúng tôi đã thấy một bệnh nhân đang được ông Thân chữa bỏng ngoài hành lang. Ông khoe có cả bác sỹ ở bệnh viện Bạch Mai, cả thứ trưởng và rất nhiều "sếp"... cũng đến đây chữa bỏng. Ông còn có cơ sở 2 ở tập thể Cục Quân y, Trung Hòa, Cầu Giấy để điều trị cho những bệnh nhân nặng vì nhà ông chỉ có 12m2.--PageBreak--

Theo người dân ở đây thì thường thấy ông Thân đưa trẻ con ra "vườn hoa công viên" để chữa bỏng. "Từ khi bị đình chỉ, mỗi năm tôi vẫn chữa cho 2.000 người khỏi bệnh" - ông Thân tự hào khoe. Trong lúc ông đang quảng cáo bài thuốc của mình thì một anh chồng cõng vợ đến "bắt đền" vì gần 1 tuần chữa trị, vết bỏng ở chân vợ anh đau nhức như bị cắn, nặn ra có máu...

Con gái ông Phong (cũng chữa bỏng ở đó) "đổ" cho bệnh nhân là "không chịu nằm yên, chắc đi lại nên mới thế, chứ vết bỏng đẹp thế này cơ mà… Mua thuốc về bôi tiếp". Chưa hết, một chị phụ nữ đến tìm ông Thân cũng vì vết bỏng của con chị mấy hôm nay đau nhức không chịu được. Nguyên nhân nhanh chóng được con gái ông Thân "tìm" ra: "chắc để cho nó đi lại chứ gì".

Chính quyền địa phương không biết?

Theo Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, năm 2002 đã xảy ra "sự kiện" ông Phong và ông Thân làm đơn tố cáo nhau về việc hành nghề không phép. Thời điểm đó, Viện Bỏng quốc gia cũng có ý kiến về việc xem xét lại giấy phép hành nghề chữa bỏng ở số 3A Quang Trung vì nhiều bệnh nhân sau khi chữa ở đây đã bị hoại tử phải vào viện cấp cứu.

Ngày 26/2/2002, Sở Y tế đã ra Văn bản đình chỉ việc hành nghề chữa bỏng của ông Đinh Công Thân và ông Nguyễn Xuân Phong với lý do: Cả 2 bài thuốc không phải là bài thuốc gia truyền vì chưa chứng minh được nguồn gốc của bài thuốc. Ông Phong chứng minh bài thuốc gia truyền chữa bỏng của mình bằng một giấy xác nhận của Hội đồng Y học Hà Tĩnh, nhưng Sở Y tế thấy xác nhận đó chưa đủ căn cứ và chỉ cấp phép cho ông chữa dạ dày. Hiện nay, Sở Y tế đang xem xét hồ sơ xin cấp phép chữa bỏng của ông Phong vì còn căn cứ vào nhiều tiêu chuẩn.

Bị đình chỉ nhưng 2 ông này vẫn tiếp tục chữa bệnh trái phép. Theo điều tra của chúng tôi, tuy không treo biển quảng cáo như trước, nhưng 2 ông vẫn chữa bỏng công khai, bệnh nhân ra vào tấp nập.

Theo Thanh tra Sở Y tế thì trách nhiệm kiểm tra, giám sát hiện nay là của chính quyền địa phương. Thế nhưng, khi chúng tôi đặt vấn đề về việc hai ông này vẫn hành nghề chui, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND phường Tràng Tiền tỏ ra khá ngạc nhiên. Ông Hoàn cho rằng, từ năm 2004 đến nay, phường đã tổ chức kiểm tra nhà ông Thân 3 lần và nhà ông Phong 5 lần đều không phát hiện thấy các ông chữa bệnh cho ai(?). Từ năm 2002 trở về trước có kiểm tra, nhưng sổ theo dõi chưa tìm thấy vì Trạm Y tế chuyển địa điểm

Từ khóa » Bỏng độ 3a