Tắc Kè Chậc Lưỡi - Tuổi Trẻ Online

xb9PIQjh.jpgPhóng to
TT - Tao... bị sốc! Giọng Thức ướt. Chẳng lẽ nó khóc. Tôi hoảng. Mày gặp chuyện gì sao? Nàng bỏ mày? Bị phụ tình thì đau, còn tao chới với.

Tạp âm lào xào. Chắc Thức đang lẫn trong đám đông nón nhựa úp kín đầu, lô nhô xuôi ngược. Mày đang ở đâu? Tao chẳng biết đi đâu, cứ lòng vòng một hồi rồi cũng trở về chỗ làm, ngồi vào cái ghế mình đã ngồi mòn đít. Mày đi đâu đó với tao đi.

Khoảng 20 phút sau tôi đến trước công ty Thức làm.

Thức chạy ra, tay xách cặp táp đen, cổ vẫn thắt cà vạt, mái tóc bồng hất ngược ra sau, chỉ thần thái xộc xệch. Thức gượng cười với tôi trước khi leo lên yên xe. Nhìn kính chiếu hậu, không thấy Thức đội nón bảo hiểm, tôi tắt máy xe, bảo Thức trở vào lấy nón. Mấy phút sau Thức trở ra, đưa hai tay ra dấu "không thấy nón". Tôi cho xe chạy lên lề đường, dừng trước một quầy bán nón. Thức chọn mua chiếc màu xám ở sạp hàng có kê bảng giá viết bằng phấn trắng: 60.000đ/cái. Tôi cản. Loại đó dởm! Thức chẳng đếm xỉa, trả tiền, lấy nón úp trên đầu, gài dây dưới cằm. Tao mất ba cái rồi, mua loại tốt uổng.

Thức ngồi im trên yên mặc tôi chở đi đâu thì chở. Đến chỗ cũ lai rai nghen? - Tôi hỏi. Tìm chỗ nào yên tĩnh một chút - Thức nói. Nhậu mà tìm chỗ không ồn ào thật khó như uống trà đá mà muốn... xỉn. Tuy nhiên, tôi cũng chiều bạn, cho xe chạy rề rề về phía Thanh Đa, tấp vô một cái quán ven sông.

Quán thưa khách.

Thức kéo ghế ngồi, đặt cặp táp lên cái ghế cạnh bên. Lão chủ quán cầm tờ thực đơn lừ đừ chuyển dịch. Thức không nhìn vào thực đơn mà đưa mắt nhìn mấy cây bần, mấy cây đước lay lay theo gió. Ráng chiều chấp chới trên mặt sông gợn sóng. Cảnh này làm tao nhớ nhà. Nhà mày còn ai? Còn má với em út tao. Sao không đón má với em lên? Tao định mua được cái nhà trước đã. Dự định này tao nghe mày nói dài dài. Ừ...Thức bỏ lửng, thở ra. Nhìn vào mắt nó, tôi thấy hoàng hôn ẩm ướt. Tôi gọi đồ nhắm và bia. Nó cản. Mày gọi đế đi!

Cầm chai rượu trong như mắt mèo, Thức rót ra ly. Tôi với nó cụng một cái "keng", ngửa cổ uống. Nó đặt ly xuống. Đế giả! Lâu rồi không uống thứ này nên giả - thiệt tao không phân biệt nổi! Thật giả nhan nhản nhưng riêng với thứ này - Thức đưa chút rượu còn lại lên tầm mắt - dù một trăm năm không uống đi nữa tao vẫn nhớ cái vị cay, cái mùi thơm thứ thiệt của nó.

Thức nói một lèo về cái dư vị của thứ rượu mà theo nó chỉ có những người giàu tình cảm, giàu ký ức với làng quê mới cảm nhận được. Tôi gọi bia. Chủ quán vừa ngáp vừa uể oải đặt mấy chai bia lên bàn.

Thức uống bia như uống nước đóng chai, mặt ửng dần, hăng tiết chỉ trích trí nhớ lơ mơ của tôi về cái nơi mà cuống rún tôi chắc đã hóa bùn đời tám hoánh. Tôi uống cũng chẳng thua gì Thức, cũng đỏ mặt tía tai và gân cổ phản công. Tinh tế như mày, nhạy cảm như mày sao để bị đo ván?

Thức ngồi chết trân. Tôi rót tràn ly, uống cạn. Mày còn coi tao là bạn thì cứ xổ hết ra cho nhẹ lòng. Thức uống liền mấy ly, tay kéo mạnh chéo cà vạt một cái rồi mới tháo ra khỏi cổ, nhét vào túi quần. Mày biết đó, chỉ là thằng trưởng phòng kinh doanh nên tất cả hợp đồng mua bán tao đều phải thông qua sếp.

Nhiều năm liền công ty làm ăn tấn tới, sếp tao nở mày nở mặt, tiệc tùng, lên phim lên báo rần trời... nhưng vừa qua có mặt hàng kinh doanh lỗ bị tổng công ty xuống hỏi thăm...Trước cuộc họp với cấp trên, sếp đổ hết tội cho tao. Thế sếp mày chỉ đồng ý bằng... miệng? Có chữ ký hẳn hoi chớ! Vậy thì đổ tội sao được? Tao bất ngờ ở chỗ, trước mọi người, lão sếp nhơn nhơn lặp lại đến ba lần là đã ngăn tao mua số hàng đó qua… điện thoại.

Tôi thở phào. Gọi thêm mồi, rót thêm bia. Vậy về nguyên tắc mày đâu có sai, về trách nhiệm mày cũng không phải gánh. Sự việc thế nào cứ gọi cho đúng tên.

Làm thinh, xát khăn lạnh khắp mặt một hồi, Thức tiếp. Tao sốc còn do bởi chính tao. Lẽ ra lúc đó tao phải chỉ thẳng vào mặt lão sếp, bảo hắn là kẻ trí trá, lừa bịp. Thế mà tao cúi mặt, lưỡi tao thụt tuốt vô họng, tao á khẩu... Nó cười, miệng méo xẹo. Tao đã khác thằng tao trước kia, tao biết tính toán thiệt hơn, tao sợ mất cái vị trí mà tao dốc hết sức lực mới có được và tao... tao... sợ mất cái cơ hội có thể mua được một chỗ ở để rước má, rước em gái tao lên. Má tao gần cả đời cực nhọc, còn em gái tao choắt lại không lớn nổi...

Thức hất chân đẩy mạnh cái ghế có đặt cái cặp táp, mắt ầng ậc nước. Tôi vắt khô cái khăn lạnh đưa cho nó. Thức chườm khăn lên mắt, bất động một hồi rồi bất ngờ hắt khăn ra. Mày có nghe tiếng chậc lưỡi của con tắc kè? Tiếng chậc lưỡi thì tôi không nghe nhưng hình như từ một hang hốc hay trên vách nhà hoặc trong bụi rậm đâu đó, một chuỗi âm thanh nhừa nhựa "tắc... kè... tắc... kè...". Tôi hỏi chủ quán có nuôi tắc kè? Lão ta lấy tay che miệng ngáp, phớt lờ câu hỏi. Bàn nhậu gần đó, một gã ngủ gật, một gã lảm nhảm nói không cần người nghe.

Hoàng hôm lịm tắt đã lâu. Mặt sông chìm trong bóng tối, chỉ còn nghe gió lao xao, sóng nước lao xao. Thức ngồi thẳng lên, hỏi tôi còn nhớ được hình dáng tắc kè? Tôi biết loại có bông lốm đốm trên thân. Thức thêm thằn lằn có thể sống được trong thời tiết khắc nghiệt và loại thằn lằn bông như tôi còn nhớ, để tồn tại được nó luôn có khả năng biến màu.

Bất giác tôi và Thức nhìn nhau rồi dáo dác nhìn quanh tìm kiếm.

Tiếng kêu "tắc... kè... tắc... kè” hình như được phát ra từ lùm cây sẫm đen còn sót lại ven sông. Cũng có thể là thứ âm thanh vẳng lại đâu đó từ ký ức.

Từ khóa » Chậc Lưỡi Là Gì