Tăng Cường Sự Giám Sát Của Nhân Dân Trong Công Tác Xây Dựng ...
Có thể bạn quan tâm
Trong những năm qua, phần lớn cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên thường xuyên gắn bó với nhân dân, có tác phong sâu sát cơ sở, tích cực tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết những vướng mắc, băn khoăn, trăn trở của người dân. Đặc biệt, sau khi có Quy định số 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) “Về việc đảng viên đang công tác ở cơ quan, doanh nghiệp thường xuyên giữ vững mối quan hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ nơi cư trú”, mối quan hệ của cán bộ, đảng viên với các tầng lớp nhân dân đã được củng cố, tăng cường. Những năm gần đây, chế độ tiếp xúc với nhân dân của cán bộ lãnh đạo các cấp được duy trì thường xuyên, nghiêm túc, thực chất và hiệu quả hơn. Nhiều bí thư cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp ở địa phương đã chủ động sắp xếp thời gian đi xuống cơ sở, trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe ý kiến và đối thoại với người dân, góp phần giải quyết những bức xúc liên quan đến người dân, qua đó phòng ngừa được những “điểm nóng” phát sinh từ cơ sở.
Tuy nhiên, một số cấp ủy, tổ chức đảng và một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn có biểu hiện quan liêu, thiếu sâu sát cơ sở, ít lắng nghe dân, thậm chí sống xa dân, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với dân, không quan tâm đến những nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân. Mặt khác, như văn kiện Đại hội XII đã chỉ ra, nhiều nơi chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát dẫn đến nhiều khuyết điểm, sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên chậm được phát hiện, xử lý và chưa góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nội bộ Đảng.
Để phát huy vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự giám sát của nhân dân trong tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc về tầm quan trọng của sự giám sát của nhân dân đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cần hiểu rằng, nhân dân không chỉ là người thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, mà còn là một trong những nhân tố quan trọng để giúp Đảng tự nhìn nhận những ưu điểm, khuyết điểm của mình, từ đó giúp Đảng “tự soi”, “tự sửa”, tự hoàn thiện mình để ngày càng xứng đáng với vai trò là “người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” như Bác Hồ căn dặn.
Hai là: Tiếp tục phát huy vai trò, sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp, thành phần, lực lượng trong xã hội tích cực tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Trong đó, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp cần nhận thức sâu sắc, quán triệt và thực hiện nghiêm Quyết định số 217-QĐ/TW về quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị quy định về việc Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Ba là: Các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể, đơn vị cần thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân phải bằng và thông qua những cơ chế, chính sách, việc làm thiết thực, cụ thể và có hiệu lực trong thực tế. Công khai hóa, minh bạch hóa mọi việc liên quan đến đời sống, sinh kế và những nhu cầu thiết thân, quyền lợi chính đáng của nhân dân. Thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận các dịch vụ công, kiên quyết phát hiện, xử lý những cán bộ, công chức gây phiền hà, nhiễu nhương với người dân.
Bốn là: Duy trì thường xuyên mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân thông qua việc tăng cường chế độ tiếp xúc và đối thoại giữa cán bộ lãnh đạo với người dân. Theo đó, bí thư cấp ủy và người đứng đầu các cấp phải thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để lắng nghe ý kiến phản ảnh, tiếp nhận thông tin, đối thoại trực tiếp và kịp thời xử lý những vấn đề phản ảnh, kiến nghị của nhân dân, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sinh kế và những bức xúc của dân. Chỉ có gần dân, lắng nghe dân, cán bộ, đảng viên mới có điều kiện tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của dân và mới có cơ sở để đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của nhân dân, từ đó có biện pháp giải quyết phù hợp, hiệu quả.
Năm là: Sớm nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện bộ công cụ lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với các cơ quan công quyền, nhất là các cơ quan, cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Quy định này sẽ là cơ sở quan trọng để nhận diện, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, cán bộ, công chức, đồng thời là một trong những giải pháp hữu hiệu để góp phần gắn kết, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Vì chỉ số hài lòng của nhân dân là “thước đo” của lòng dân đối với Đảng, khi chỉ số hài lòng của nhân dân cao, chứng tỏ tổ chức đảng, chính quyền đã gắn bó mật thiết với nhân dân; ngược lại, chỉ số hài lòng của nhân dân thấp, chứng tỏ mối quan hệ giữa tổ chức đảng, chính quyền với nhân dân "có vấn đề”. Cũng thông qua bộ công cụ đánh giá này sẽ nhận diện, phát hiện, xử lý những tổ chức, cá nhân có chỉ số hài lòng thấp đối với nhân dân.
Bài học thực tiễn cho thấy, việc tăng cường sự giám sát của nhân dân, thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ góp phần làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân ngày càng sâu sắc, bền chặt hơn; tinh thần cống hiến, hy sinh vì dân, vì nước của đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng từ đó được củng cố, tăng cường; và do vậy, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ cũng được nâng cao.
Theo ThS. Nguyễn Văn Thi (Khoa CTĐ, CTCT, Học viện Chính trị)/qdnd.vn
Từ khóa » Chịu Sự Giám Sát Của Nhân Dân
-
Quy định Chung Về Quyền Giám Sát Của Nhân Dân Trong Hiến Pháp ...
-
Về Nguyên Tắc Hiến định: Đảng Chịu Sự Giám Sát Của Nhân Dân Và ...
-
Giám Sát Của Nhân Dân đối Với Ủy Ban Nhân Dân Cấp Xã
-
Để Nhân Dân Giám Sát đến Cùng - Đảng Cộng Sản Việt Nam
-
Vai Trò Giám Sát Của Hội đồng Nhân Dân Với Việc Bảo đảm Tất Cả ...
-
Giám Sát Của Công Dân đối Với Công Tác Giải Quyết Khiếu Nại Hành ...
-
Phát Huy Vai Trò Giám Sát Của Nhân Dân: Vì Sự Vững Mạnh Của Tổ ...
-
Đặc điểm, Vai Trò Của Pháp Luật Về Giám Sát Xã Hội đối Với Các Cơ ...
-
Tìm Hiểu Về Quy định Cán Bộ Chịu Sự Giám Sát Của Nhân Dân Hiện Nay
-
Về Cơ Chế Kiểm Soát Quyền Lực Chính Trị đối Với Đảng - Chi Tiết Tin
-
Luật Hoạt động Giám Sát Của Quốc Hội Và Hội đồng Nhân Dân 2015
-
Hướng Dẫn Thực Hiện Hoạt động Giám Sát Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật
-
Hoàn Thiện Cơ Chế Bảo đảm Mọi Tổ Chức đảng, đảng Viên Chịu Sự ...
-
Quốc Hội Việt Nam Những Vấn đề Lý Luận Và Thực Tiễn - Ấn Phẩm