Tăng Trưởng Kinh Tế Là Gì? Vai Trò & Các Nhân Tố Tăng Trưởng Kinh Tế

815 Mục lục ẩn Khái niệm tăng trưởng kinh tế Vai trò của tăng trưởng kinh tế Các nhân tố tăng trưởng kinh tế

Khái niệm tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế là sự tăng lên về số lượng, chất lượng, tốc độ và quy mô sản lượng của nền kinh tế trong một thời kỳ nhất định.

Sự tăng trưởng được so sánh theo các thời điểm gốc sẽ phản ánh tốc độ tăng trưởng. Đó là sự gia tăng quy mô sản lượng kinh tế nhanh hay chậm so với thời điểm gốc. Quy mô và tốc độ tăng trưởng là “cặp đôi” trong nội dung khái niệm tăng trưởng kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế, dưới dạng khái quát, là sự gia tăng của tổng sản phẩm quốc dân (GNP) hoặc tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong một thời gian nhất định (thường tính cho một năm).

– Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) là tổng giá trị tính bằng tiền của những hàng hoá và dịch vụ mà một nước sản xuất ra từ các yếu tố sản xuất của mình (dù là sản xuất ở trong nước hay ở nước ngoài) trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm).

– Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là tổng giá trị tính bằng tiền của toàn bộ hàng hoá và dịch vụ mà một nước sản xuất ra trên lãnh thổ của nước đó (dù nó thuộc về người trong nước hay người nước ngoài) trong một thời gian nhất định (thường là một năm).

Chỉ tiêu chính biểu hiện mức tăng trưởng kinh tế là tỷ lệ tăng GNP hoặc GDP của thời kỳ sau so với thời kỳ trước theo công thức:

Trong đó:

  • GNP0 và GDP0 là tổng sản phẩm quốc dân và tổng sản phẩm quốc nội thời kỳ trước.
  • GNP1 và GDP1 là tổng sản phẩm quốc dân và tổng sản phẩm quốc nội thời kỳ

Do có sự biến động của giá cả (lạm phát) nên người ta phân định ra GNP, GDP danh nghĩa và GNP, GDP thực tế. GNP và GDP danh nghĩa là GNP, GDP tính theo giá hiện hành của thời kỳ tính; còn GNP và GDP thực tế là GNP, GDP tính theo giá cố định của một năm được chọn làm gốc. Vì vậy, trong thực tế có tăng trưởng kinh tế danh nghĩa (tính theo GNP, GDP danh nghĩa) và tăng trưởng kinh tế thực tế (tính theo GNP, GDP thực tế).

Cách tính GNP và GDP thực tế:

GNP thực tế = GNPn (1 – R)

Trong đó:

  • GNPn là tổng sản phẩm quốc dân tính theo giá hiện hành của năm tính toán.
  • R là chỉ số lạm phát (tính bằng %).

GDP thực tế = GDPn (1 – R).

Trong đó:

  • GDPn là tổng sản phẩm quốc nội tính theo giá hiện hành của năm tính toán.
  • R là chỉ số lạm phát (tính bằng %).

GNP và GDP là hai thước đo tiện lợi nhất để tính mức tăng trưởng kinh tế của một nước biểu hiện bằng giá cả. Vì vậy, để tính đến yếu tố lạm phát người ta phân định GNP, GDP danh nghĩa và GNP, GDP thực tế. GNP, GDP danh nghĩa là GNP và GDP tính theo giá hiện hành của năm tính; còn GNP và GDP thực tế là GNP và GDP được tính theo giá cố định của một năm được chọn làm gốc. Với tư cách này, GNP, GDP thực tế loại trừ được ảnh hưởng của sự biến động của giá cả (lạm phát). Do đó, có mức tăng trưởng danh nghĩa và mức tăng trưởng thực tế.

Xem thêm: GDP là gì? Các phương pháp tính GDP

Vai trò của tăng trưởng kinh tế

Thành tựu kinh tế vĩ mô của một quốc gia thường được đánh giá theo những dấu hiệu chủ yếu như: ổn định, tăng trưởng, công bằng xã hội. Trong đó, tăng trưởng kinh tế là cơ sở để thực hiện hàng loạt vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.

– Trước hết, tăng trưởng kinh tế thể hiện bằng sự tăng lên về số lượng, chất lượng hàng hoá, dịch vụ và các yếu tố sản xuất ra nó, do đó tăng trưởng kinh tế là tiền đề vật chất để giảm bớt tình trạng đói nghèo. Tăng trưởng kinh tế nhanh là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với mọi quốc gia trên con đường vượt lên khắc phục sự lạc hậu, hướng tới giàu có, thịnh vượng.

– Tăng trưởng kinh tế làm cho mức thu nhập của dân cư tăng, phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của cộng đồng được cải thiện như: kéo dài tuổi thọ, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ em, giúp cho giáo dục, y tế, văn hoá… phát triển.

– Tăng trưởng kinh tế tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm, giảm thất nghiệp. Khi một nền kinh tế có tỷ lệ tăng trưởng cao thì một trong những nguyên nhân quan trọng là đã sử dụng tốt hơn lực lượng lao động. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế nhanh thì thất nghiệp có xu hướng giảm. Mối quan hệ giữa tăng trưởng thực tế và tỷ lệ thất nghiệp ở nước phát triển đã được lượng hoá dưới tên gọi quy luật Okum – Arthur Okum (1929-1979) (hay quy luật 2,5% – 1): Quy luật này xác định, nếu GNP thực tế tăng 2,5% trong vòng một năm so với GNP tiềm năng của năm đó thì tỷ lệ thất nghiệp giảm đi 1%.

– Tăng trưởng kinh tế tạo tiền đề vật chất để củng cố an ninh quốc phòng, củng cố chế độ chính trị, tăng uy tín và vai trò quản lý của nhà nước đối với xã hội.

– Đối với các nước chậm phát triển, tăng trưởng kinh tế còn là điều kiện tiên quyết để khắc phục sự tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước đang phát triển.

Như vậy, tăng trưởng kinh tế nhanh là mục tiêu thường xuyên của các quốc gia, nhưng sẽ là không đúng nếu theo đuổi tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Thực tế cho thấy, không phải sự tăng trưởng nào cũng mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội như mong muốn, đôi khi quá trình tăng trưởng mang tính hai mặt. Chẳng hạn, tăng trưởng kinh tế quá mức có thể dẫn đến tình trạng nền kinh tế “quá nóng”, gây ra lạm phát, hoặc tăng trưởng kinh tế cao làm cho dân cư giàu lên, nhưng đồng thời cũng có thể làm cho sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội tăng lên. Vì vậy, đòi hỏi mỗi quốc gia trong từng thời kỳ phải tìm  ra những biện pháp tích cực để đạt được sự tăng trưởng hợp lý, bền vững. Tăng trưởng kinh tế bền vững là tăng trưởng kinh tế đạt mức tương đối cao, ổn định trong thời gian tương đối dài (ít nhất từ 20 – 30 năm) và giải quyết tốt vấn đề tiến bộ xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Các nhân tố tăng trưởng kinh tế

Việc xác định các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế có nhiều quan điểm và cách phân loại khác nhau. Các nhà kinh tế cổ điển cho rằng, các yếu tố cơ bản của tăng trưởng kinh tế là đất đai, lao động, tư bản và cách thức kết hợp các yếu tố với nhau. Theo quan điểm hiện đại, muốn có tăng trưởng kinh tế cao phải sử dụng có hiệu quả các yếu tố cơ bản sau:

– Vốn: vốn hiểu theo nghĩa rộng là toàn bộ của cải vật chất do con người tạo ra, tích luỹ lại và những yếu tố tự nhiên… được sử dụng vào quá trình sản xuất. Nói một cách khái quát, vốn là toàn bộ tài sản được sử dụng để sản xuất, kinh doanh. Vốn tồn tại dưới hai hình thức: vốn tài chính và vốn hiện vật. Vốn tài chính là vốn tồn tại dưới hình thức tiền tệ hay các loại chứng khoán, còn vốn hiện vật tồn tại dưới hình thức vật chất của quá trình sản xuất như nhà xưởng, máy móc, thiết bị, nguyên, vật liệu… Các nhà kinh tế học đã chỉ ra mối liên hệ giữa tăng GDP với tăng vốn đầu tư, Harốt Đôma (Harod Domar) đã nêu công thức tính hiệu suất sử dụng vốn sản phẩm gia tăng viết tắt là ICOR (International Capital Output Ration). Đó là tỷ lệ tăng đầu tư chia cho tỷ lệ tăng của GDP. Những nền kinh tế thành công thường khởi đầu quá trình phát triển kinh tế với các chỉ số ICOR thấp, thường không quá 3%, có nghĩa là phải tăng đầu tư 3% để tăng 1% GDP.

Một nền kinh tế tăng trưởng cao không chỉ dừng lại ở việc tăng khối lượng vốn đầu tư, mà còn phải đặc biệt chú ý đến hiệu quả sử dụng vốn, quản lý vốn chặt chẽ, đầu tư vốn hợp lý vào các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế.

– Con người: trong các yếu tố hợp thành quá trình lao động sản xuất, sức lao động là yếu tố quyết định, mang tính sáng tạo, là nguồn lực không cạn kiệt. Có thể nói: “nguồn lực con người là nguồn lực của mọi nguồn lực”, là “tài nguyên của mọi tài nguyên”. Vì vậy, con người có sức khoẻ, trí tuệ, tay nghề cao, có động lực và nhiệt tình, được tổ chức chặt chẽ sẽ là nhân tố cơ bản của tăng trưởng kinh tế bền vững.

Để phát huy nhân tố con người, cần phải xác định: đầu tư cho con người về thực chất  là đầu tư cho sự phát triển. Nhà nước cần phải có chiến lược phát triển con người, mà trước hết phải nâng cao về số lượng và chất lượng hệ thống giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, bồi dưỡng nhân tài… cùng với việc quản lý và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực.

Nhân tố con người là sự biểu hiện và khẳng định vai trò của con người trên cả hai phương diện: tính cá thể và tính xã hội (cộng đồng). Vì vậy, nhà nước cần phải có cơ chế, chính sách thích hợp nhằm kết hợp sự nỗ lực của mỗi người với sự hỗ trợ của cộng đồng xã hội để tạo ra động lực, lợi thế cho sự tăng trưởng kinh tế.

– Khoa học và công nghệ: khoa học và công nghệ là nguồn lực quan trọng để tăng trưởng và phát triển kinh tế. Khoa học và công nghệ được coi là “chiếc đũa thần mầu nhiệm” để tăng năng suất lao động, phát triển lực lượng sản xuất. Nhờ ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ đã làm cho chi phí về lao động, vốn, tài nguyên trên một đơn vị sản phẩm giảm xuống, hay nói cách khác, hiệu quả sử dụng của các yếu tố này tăng lên.

Sự phát triển khoa học và công nghệ cho phép tăng trưởng và tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu, làm xuất hiện những ngành kinh tế có hàm lượng khoa học cao như: công nghệ điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học… đang là cơ hội và thách thức đối với các quốc gia hướng tới nền kinh tế tri thức. Như vậy, khoa học và công nghệ cũng là một yếu tố đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tăng trưởng nhanh và bền vững.

– Cơ cấu kinh tế: mọi nền kinh tế đều tồn tại và vận động trong một cơ cấu nhất định. Cơ cấu kinh tế là mối quan hệ hữu cơ, phụ thuộc và quy định lẫn nhau cả về quy mô và trình độ giữa các ngành, các thành phần, các vùng, các lĩnh vực của nền kinh tế. Cũng giống như một cơ thể sống, nền kinh tế chỉ có thể tăng trưởng và phát triển khi giữa các mặt, các bộ phận, các yếu tố cấu thành nó có sự phù hợp với nhau cả về số lượng và chất lượng, cũng có nghĩa là phải có một cơ cấu kinh tế hợp lý. Vì vậy, việc xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại để phát huy mọi tiềm năng, nội lực, lợi thế so sánh của toàn bộ nền kinh tế, phù hợp với sự phát triển của khoa học và công nghệ tiên tiến, gắn với phân công lao động và hợp tác quốc tế là yếu tố tạo tiền đề, cơ sở cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế.

– Thể chế chính trị và vai trò của nhà nước: ổn định về chính trị – xã hội là điều kiện cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Thể chế chính trị tiến bộ có khả năng định hướng sự tăng trưởng kinh tế vào những mục tiêu mong muốn, khắc phục được những nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường, phân hoá giàu nghèo sâu sắc… Bởi vì, trên thực tế đã từng có sự tăng trưởng kinh tế không phát triển cùng chiều với tiến bộ xã hội. Chẳng hạn, quá trình tăng trưởng kinh tế ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển đã làm xuất hiện những vấn đề xã hội mà bản thân nền kinh tế dù có tiếp tục tăng trưởng hơn nữa cũng không thể giải quyết được những vấn đề xã hội cơ bản.

Hệ thống chính trị mà đại diện là nhà nước có vai trò hoạch định đường lối, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, cùng hệ thống chính sách đúng đắn sẽ hạn chế được tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, khuyến khích tích luỹ, tiết kiệm, kích cầu… làm cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh, đúng hướng.

5/5 - (1 bình chọn)Bài viết liên quan:
  1. Khủng hoảng kinh tế là gì? Nguyên nhân do đâu?
  2. Hệ thống lợi ích kinh tế: cá nhân, tập thể và xã hội
  3. Kinh tế tri thức là gì?
  4. Phát triển kinh tế là gì? Các yếu tố ảnh hưởng và mối quan hệ với tiến bộ xã hội
Kinh tếKinh tế chính trị Mác - Lênin

Từ khóa » Tốc độ Tăng Trưởng Kinh Tế Là Gì