Tên Và Cách đặt Tên Làng (xã) ở Phủ Lý Nhân Xưa - Ha Nam
Có thể bạn quan tâm
Do nhu cầu canh tác cây lúa nước, cây hoa màu và cây lưu niên có thời gian sinh trưởng vài tháng đến vài chục năm, mà từ rất lâu rồi, người Việt ở vùng đồng bằng Bắc bộ nói chung, người Việt ở phủ Lý Nhân xưa nói riêng đã định cư thành làng hoặc đơn vị tương đương làng (chạ, hương, trang, thôn... ). Mỗi làng đều có một hay nhiều tên gọi khác nhau, liên quan mật thiết đến phong tục, tập quán, lối sống, tín ngưỡng, sở thích của cả cộng đồng. Vì sao người ta lại đặt tên cho làng mình là thế này mà không phải là thế kia, và ngược lại ? Cách đặt và gọi tên làng mang tính ngẫu nhiên hay tất nhiên, có tuân theo sự chi phối nào không? Đó là những vấn đề mà chúng tôi muốn đặt ra và lý giải trong tiểu luận này.
I. Thực trạng tên làng (xã) ở phủ Lý Nhân xưa:
Các làng (xã) ở phủ Lý Nhân xưa đã được đặt và gọi tên như thế nào? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản mà không dễ trả lời, nếu không dầy công khảo sát qua thư tịch và qua thực tế điền dã văn hóa dân gian.
1. Thứ nhất, nhiều làng (xã) ở phủ Lý Nhân xưa đều có tên Nôm và tên Hán Việt (tên chữ) kèm theo. Tên Nôm có thể có trước, còn tên Hán Việt thường có sau, khi chữ Hán và văn hoá Hán có quá trình giao thoa sâu hơn với văn hoá Việt. Trong đó, tên Nôm có kết cấu 1 tiếng, 1 chữ còn tên Hán Việt có kết cấu 2 tiếng, 2 chữ. Ví dụ:
- Làng Dác, tên Hán Việt là làng Nhân Dực, tổng Bồ Xá, nay thuộc xã Đồn Xá, huyện Bình Lục.
- Làng (thôn)(2) Đinh, tên Hán Việt là làng Đinh Xá, tổng Văn Mỹ, nay thuộc xã Đinh Xá, huyện Bình Lục.
- Làng Chuôn, tên Hán Việt là làng Chuyên Thiện, tổng Chuyên Nghiệp, nay thuộc xã Châu Giang, huyện Duy Tiên.
- Làng Khoai, tên Hán Việt là làng Lê Xá (nơi cư trú của dòng họ Lê), tổng Đọi Sơn, nay thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên.
- Làng Gạo, tên Hán Việt là làng Nhật Tựu, tổng Nhật Tựu, nay thuộc xã Nhật Tựu, huyện Kim Bảng.
- Làng Gốm, tên Hán Việt là làng Thuỵ Lôi, tổng Thuỵ Lôi, nay thuộc xã Thuỵ Lôi, huyện Kim Bảng.
- Làng Giốc, tên Hán Việt là làng Thượng Vĩ, tổng Công Xá, nay thuộc xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân.
- Làng Chè, tên Hán Việt là làng Nguyễn Đồng, tổng Đồng Thuỷ, nay thuộc xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân
- Làng Nguộn, tên Hán Việt là làng Nguyễn Trung, tổng Động Xá, nay thuộc xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm.
- Làng Chàng, tên Hán Việt là làng Nham Tràng, tổng Cẩm Bối, nay thuộc xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm…vv.
Số lượng làng có tên Nôm một tiếng, một chữ và tên Hán Việt hai tiếng, hai chữ chiếm khoảng 40% tổng số làng ở phủ Lý Nhân xưa.
2. Thứ hai, không ít làng chỉ có tên Nôm mà không có tên Hán Việt:
2.1. Làng chỉ có tên Nôm 1 tiếng, 1 chữ. Đó là:
- Làng Cát, tổng Hoàng Đạo, nay thuộc xã Duy Hải, huyện Duy Tiên
- Làng (thôn) Trại, tổng Bồ Xá, nay thuộc xã An Nội, huyện Bình Lục.
- Làng Ngò, tổng Ngu Nhuế, nay thuộc xã Đức Lý, huyện Lý Nhân.
- Làng (thôn) Trại, tổng Mễ Tràng, nay thuộc xã Liêm Tiết, huyện Thanh Liêm...
2.2. Làng chỉ có tên nôm 2 tiếng, 2 chữ. ví dụ:
- Làng Đồng Quê (tên khác: Đầu Quê), tổng Vũ Bản, nay thuộc xã Vũ Bản, huyện Bình Lục.
- Làng Nga Khê, tổng Trần Xá, nay thuộc xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân.
- Làng (thôn) Kênh Cạn, tổng Cẩm Bối, nay thuộc xã Thanh Lưu huyện Thanh Liêm…vv.
3. Thứ ba làng chỉ có tên Hán Việt mà không có tên nôm:
3.1. Làng có tên Hán Việt 1 tiếng, 1 chữ ví dụ:
- Làng (thôn) Nội, tổng Cẩm Bối, nay thuộc xã Thanh Lưu, huyện Thanh Liêm.
- Làng (thôn) Quốc, tổng Cổ Viễn, nay thuộc xã Hưng Công, huyện Bình Lục.
- Làng (thôn) Trung, tổng Văn Mỹ, nay thuộc xã Đinh Xá, Bình Lục…vv.
3.2. Làng có tên Hán Việt 2 tiếng, 2 chữ:
- Làng Thượng Thọ, tổng Bồ Xá, nay thuộc xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục
- Làng Bích Trì, tổng Mễ Tràng, nay thuộc xã Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm
- Làng Điệp Sơn, tổng Yên Khê, nay thuộc xã Yên Nam, huyện Duy Tiên.
- Làng Vân Châu, tổng Kim Bảng, huyện Kim Bảng, nay thuộc xã Phù Vân, Thành phố Phủ Lý…vv.
4. Thứ tư, có làng mang tên Nôm ứng với 3 tiếng, 3 chữ. Số lượng rất ít:
Ví dụ, làng Chiền Đầu Trang (mới đổi tên là Thận Y), tổng Yên Khê, nay thuộc xã Yên Nam, huyện Duy Tiên.
5. Thứ năm, có làng chỉ mang tên Hán Việt 3 tiếng, 3 chữ.
Ví dụ: Làng Phúc Lộc Châu, tổng Yên Khê, nay thuộc xã Yên Nam, huyện Duy Tiên; làng Đồng Nhân Đoài, tổng Vũ Bản, nay thuộc xã Vũ Bản, huyện Bình Lục.
6. Thứ sáu, có làng mang tên nửa Nôm, nửa Hán Việt.
Ví dụ: Làng Ngọc Thị, tổng Hoàng Đạo, nay thuộc xã Duy Minh, huyện Duy Tiên. “Ngọc" là tên nôm, “Thị" (chợ) là tên Hán Việt. Làng (thôn) Lạt Hà, tổng Trác Bút, nay thuộc thị trấn Hoà Mạc, huyện Duy Tiên. “Lạt" là tên Nôm, “Hà" (sông) là tên Hán Việt. Làng Bút Phong, tổng Quyển Sơn, nay thuộc xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng. “Bút" là tên Nôm, còn “Phong" (gió) là tên Hán Việt…vv.
II. Cách đặt và gọi tên làng (xã):
Đối với người Việt Bắc bộ nói chung, người Việt ở phủ Lý Nhân nói riêng, làng (xã, thôn, trang, hương...) không chỉ là đơn vị tụ cư, đơn vị sản xuất, mà còn là đơn vị văn hoá (bảo lưu phong tục, tập quán, lối sống), đơn vị tâm linh (ngoài làng có đình thờ Thành hoàng, đền thờ thần, chùa thờ Phật, kèm theo có lễ hội; trong gia đình thờ thổ thần, gia tiên), là quê hương với tất cả ý nghĩa cao đẹp, thiêng liêng. Vì thế, người ta có khá nhiều lý do, nhiều cách đặt tên làng (xã) sao cho nó gắn bó hơn với tâm tư, tình cảm của mỗi con người, mỗi gia đình. Sơ bộ khảo sát và thống kê, chúng tôi thấy người dân phủ Lý Nhân đã đặt tên làng theo những cách sau:
1. Tên làng được đặt do lấy gợi ý từ đặc thù về cảnh quan, môi trường sinh thái nơi làng đó cư trú. Đó là tên các làng: làng Lau, làng Chẩy, làng Sông đều thuộc xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm. Tên làng Lau hình thành do xung quanh làng có nhiều cây lau sậy mọc, phải phát hoang mới cầy cấy được. Tên làng Chẩy (Yên Cừ) hình thành do làng cư trú chỗ trũng, mưa xuống nước chẩy dồn các nơi về như thác. Tên làng Sông hình thành do cư trú cạnh con mương lớn. Làng Bích Trì, xã Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm ở cạnh cái đầm sâu, hay bị vỡ đê, người dân lấy gợi ý đó đặt tên cho làng (“Trì" nghĩa là ao sâu). Làng Lầy (Thượng Thọ), tổng Bồ Xá, nay thuộc xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục, cư trú ở nơi trũng, quanh năm bị lũ lụt đe doạ, đi một bước cũng phải lội sình lầy. Người ta lấy đặc điểm cảnh quan ấy đặt tên làng. Tên làng Vực (xã Liêm Cần) được đặt do làng có nhiều ao sâu như vực - dấu vết việc đào ao lấy đất đắp nền nhà.
2. Tên làng (xã) được đặt theo dòng họ có đông người cư trú nhất hoặc có công khai mở làng. Đó là các làng: Lê Xá, Trần Xá, Đinh Xá, Ngô Xá, Trịnh Xá, Dương Xá, Phạm Xá... Đặc tính tên các làng này là tên họ tộc phía trước, cộng với “xá" (nơi ở) đứng sau. Hà Nam có tới hơn chục làng đặt tên kiểu ấy.
3. Tên làng (xã) được đặt do lấy tên người có công mở làng lập ấp đầu tiên. Đấy là làng (thôn) Ông Cân, tổng Bồ Xá, nay thuộc xã La Sơn, huyện Bình Lục.
4. Tên làng (xã) hình thành do có nhiều một loại lương thực hoặc hoa màu. Thuộc loại này có làng Khoai (tức làng Lê Xá), xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên; làng Gạo (tức làng Nhật Tựu), xã Nhật Tựu, huyện Kim Bảng; làng Gạo (tức Lũng Xuyên), xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên; làng Khoai (An tập) xã Bối Cầu, huyện Thanh Liêm...
5. Tên làng (xã) được đặt để kỷ niệm, ghi nhớ một sự kiện lịch sử - văn hoá có liên quan. Đấy là làng Câu Tử (Ngựa chết), xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên. Tên làng kiểu này rất hiếm ở Hà Nam.
6. Tên làng (xã) hình thành một cách võ đoán, ngẫu nhiên, không xuất phát từ lý do gì. Đó là các làng: Đồng Rồi (Bình Lục), Du My (Duy Tiên), Do Nha (Phủ Lý), Nãi Văn (Bình Lục), Nông Vụ (Kim Bảng)... Tên làng kiểu ấy cũng không có nhiều ở phủ Lý Nhân xưa.
7. Tên làng (xã) được đặt xuất phát từ lòng tự hào, tự tôn và lòng mơ ước của người dân về quê hương mình: An Thái, Văn Phú, Trung Hoà, An Ninh, Phú Viên, Thượng Thọ, Cát Tường, Bình Mỹ, Thịnh Đại...
8. Cũng có trường hợp tên làng được đặt để mong xua đi điều rủi ro, đón điều tốt đẹp. Tên làng ấy là Thanh Nộn (xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng). Nguyên làng này có tên cũ là Thanh Non. Không rõ vì sao nam giới bị chết non nhiều, tuổi thọ thấp. Các bậc cao niên họp bàn, cải tên Thanh Non thành Thanh Nộn, hy vọng tống được điều xấu đi.
9. Tên làng (xã) được đặt xuất phát từ nghề của làng. Đó là làng Lác Đũi (tên Hán Việt là Lạc Nhuế), chuyên nghề dệt lụa, the, đũi đem bán kiếm lời, lúc nông nhàn.
10. Tên làng (xã) đôi khi được đặt do liên quan đến tín ngưỡng dân gian. Làng Vân Lâm nguyên có tên là làng Quế, Quế Lâm. Từ khi làng thờ Pháp Vân ở chùa thì đổi tên thành Vân Lâm (có nghĩa là làng Quế Lâm thờ Phật Pháp Vân - một trong Tứ pháp của người Việt). Làng Đanh Xá thờ Bà Đanh (Pháp Vũ) cho nên lấy tên Bà để đặt tên làng.
11. Tên làng được đặt do căn cứ vào vị trí của làng. Ví dụ: làng Nội (trong), làng Ngoại (ngoài), làng Thượng (trên) làng Hạ (dưới), làng Đông, làng Đoài (phía Tây)
12. Tên làng (xã) được đặt xuất phát từ ý chí luận chủ quan: Quyết Thành, Quyết Thắng, Quyết Tiến…vv.
III. Vài nhận xét, đánh giá bước đầu
Từ kết quả khảo sát, hệ thống hoá, phân loại tên gọi và cách đặt tên làng (xã) ở phủ Lý Nhân xưa, chúng tôi tạm rút ra vài nhận xét và đánh giá bước đầu như sau:
1. Tên gọi làng (xã) rất đa dạng, đa chiều. Có tên Nôm, tên Hán Việt, tên nửa Nôm nửa Hán Việt. Đây cũng là điều phổ biến trong tên gọi và cách đặt tên làng (xã) ở phạm vi đồng bằng Bắc bộ mà phủ Lý Nhân chỉ là một trường hợp tiêu biểu.
2. Cách đặt tên làng (xã) cũng rất đa dạng, đa chiều. Để đặt tên làng (xã), có khi người ta xuất phát từ cảnh quan, môi trường nơi làng cư trú; có khi xuất phát từ tên người lập làng, từ họ của dòng tộc cư trú nhiều nhất trong làng, cũng có khi xuất từ một sản vật có nhiều ở làng; lại cũng có khi xuất phát từ lòng mong ước, tự hào, tự tôn của dân làng. Đôi khi người ta đặt tên làng một cách ngẫu nhiên, võ đoán, không hàm ý gì.
3. Ngôn ngữ dân tộc Việt mang tính đơn lập. Do thế, khi gọi tên làng xã, người ta hay có xu hướng đơn âm, đơn tiếng đi. Nhiều làng, tên gọi chỉ có 1 tiếng, ứng với 1 chữ (làng Lau, làng Chẩy, làng Sông, làng Lẫy...)
4. Khi ngôn ngữ Việt tiếp xúc với ngôn ngữ Hán, xảy ra quá trình giao thoa, tiếp biến, dẫn tới hình thành từ, ngữ và tên Hán Việt 1 tiếng, 1 chữ hoặc 2 tiếng 2 chữ. Xu thế chung là gọi làng bằng tên Hán Việt 2 chữ, 2 tiếng.
5 Những làng chỉ có tên Hán Việt mà không có tên Nôm có thể giải thích bằng mấy lý do sau: Có thể do làng ấy tách ra khỏi làng gốc muộn, cho nên chỉ đặt tên Hán Việt; Có thể ban đầu làng có cả tên Nôm và tên Hán Việt, sau đó tên Nôm bị lu mờ rồi mất hẳn.
6. Những làng chỉ có tên Nôm mà không có tên Hán Việt có thể do khi tách từ làng cũ ra lập làng mới, người ta chỉ lấy lại tên Nôm để đặt tên cho làng mình nhằm ghi nhớ nguồn gốc. Trên thực tế làng chỉ có tên Nôm rất ít, chiếm khoảng 5% tổng số làng.
7. Một bộ phận không nhỏ làng (xã) mang tên Nôm 1 tiếng, 1 chữ thường có xu hướng kết hợp với từ tố “kẻ" phía trước, nhưng nay đã mờ nhạt đi. Ví dụ: Kẻ Tâng, Kẻ Sở, Kẻ Lạt, Kẻ Non, Kẻ Vò (chỉ làng Nông Vụ), Kẻ Điền (chỉ làng Điền Xá), Kẻ Lầy (chỉ làng Thượng Thọ), Kẻ Vũng (chỉ làng Vĩnh Sơn)...
8. Tên làng (xã) bị thay đổi nhiều lần do các biến động lịch sử - văn hoá quy định.
9. Tên và cách đặt tên làng (xã) thường tuân theo quy luật tâm lý, gắn với phong tục, tập quán, lối sống của một cộng đồng; có tên làng ngẫu nhiên, song rất ít. Nghĩa là tên làng (xã) thường có chiều sâu lịch sử văn hoá. Vì thế các cấp quản lý nên tôn trọng ý nguyện của người dân, không nên đổi tên hoặc đặt tên làng theo ý chí luận, mang nặng tính chính trị, kiểu như: Quyết Thành, Quyết Thắng, Quyết Tiến, lại càng không nên vì tiện thể mà xoá tên làng, gọi làng bằng xóm, nhiều xóm hợp thành một xã như một số nơi hiện nay. Làm như thế là vô tình xoá đi nền tảng văn hoá của làng, biến văn hoá làng thành văn hoá xóm. Không nên quên rằng, làng Việt với cái tên và sức sống nội tại của nó, đã tạo thành bản sắc văn hoá đủ sức chống lại mưu đồ đồng hoá của các thế lực phong kiến phương Bắc suốt một nghìn năm, để tồn tại đến giờ.
Từ khóa » Từ Hán Việt Xá Là Gì
-
Tra Từ: Xá - Từ điển Hán Nôm
-
Xá Nghĩa Là Gì Trong Từ Hán Việt? - Từ điển Số
-
Xá - Wiktionary Tiếng Việt
-
Từ Điển - Từ Xá Có ý Nghĩa Gì - Chữ Nôm
-
Từ điển Tiếng Việt "xá" - Là Gì?
-
Phố Xá Hay Phố Sá Là đúng Chính Tả Tiếng Việt
-
“Ðường Sá” Và “phố Xá” – Dùng Như Thế Nào Mới đúng? - Sách Hay
-
Phố Sá Hay Phố Xá Là đúng Chính Tả? - LUV.VN
-
Đường Xá Hay Đường Sá? Phố Xá Hay Phố Sá Là đúng Chính Tả?
-
Một Tên Gọi Hán Ngữ Ban đầu Của Śāriputra (Xá-lợi-phất)
-
Tra Từ 舍 - Từ điển Hán Việt
-
Người Xa – Wikipedia Tiếng Việt
-
XÁ 舍 Thuộc Dạng Chữ Tượng Hình. Trong... - Chiết Tự Chữ Hán
-
Đường Sá Hay đường Xá Là đúng Chính Tả Tiếng Việt