Thị Trường đồ ăn Vặt: Cuộc Chiến Giành "miếng Bánh" Hơn 1 Tỷ USD

Kết quả khảo sát mới nhất của Hãng nghiên cứu thị trường Decision La cho thấy, bình quân giới trẻ Việt Nam bỏ ra 13.000 tỷ đồng chi cho ăn vặt mỗi tháng. Còn theo thống kê của Euromonitor, đến cuối năm 2016, Việt Nam có khoảng 149.000 điểm bán dạng ki ốt trên đường phố, tính cả ki ốt trên xe lưu động và ki ốt cố định tại mặt tiền nhà với doanh thu 46.900 tỷ đồng mỗi năm.

Hàng loạt "tân binh"

Nếu tính bình quân với con số ước lượng về tăng trưởng, quy mô thị trường thức ăn vặt năm 2017 ước đạt 700 triệu USD.

Theo nhận định của các công ty nghiên cứu thị trường, mảng kinh doanh đồ ăn vặt tại Việt Nam đang phát triển rất mạnh, tuy nhiên "sân chơi" hiện nay chủ yếu dành cho các DN ngoại, vắng bóng DN nội.

Điểm qua có thể thấy, thị trường đồ ăn vặt đang được chiếm lĩnh bởi những "ông lớn" trên thế giới như Lotteria, KFC, Burger King, Starbucks, McDonalds, Five Star Chicken…

Sức nóng của thị trường này không chỉ dừng lại ở các chuỗi cửa hàng, quán ăn đường phố, mà đã bùng nổ sang hình thức kinh doanh online thông qua các kênh Facebook cá nhân, Zalo, Viber.

Ước tính đến năm 2020, quy mô thị trường tăng lên gần gấp đôi so với năm 2015 (518 triệu USD), tương đương hơn 1 tỷ USD.

Nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường, nhiều đại gia thực phẩm trong nước gần đây bắt đầu lấn sân sang thị trường đồ ăn vặt.

Vừa qua, công ty Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đã tung ra thị trường một số sản phẩm ăn vặt từ thịt gà, da lợn, thịt lợn… CTCP Sài Gòn Food cũng nhảy vào đường đua khi cho ra mắt hơn 10 món ăn vặt, trong đó các món như bánh tráng trộn, bắp xào tôm, hột vịt lộn xào me… bán khá chạy.

CTCP Ba Huân cũng giới thiệu ra thị trường nhiều sản phẩm ăn vặt như chân gà chua cay, xiên que, xúc xích, bánh flan omega3.

Hầu hết các DN đều khẳng định, sức tăng trưởng của nhóm hàng này liên tục bứt phá. Chỉ sau một năm có mặt ngoài thị trường, một số DN, trong đó có Vissan, đã mở rộng nhà máy sản xuất.

thi-truong-an-vat-JPG-3752-1542900661.jp

Bình quân giới trẻ Việt Nam bỏ ra 13.000 tỷ đồng chi cho ăn vặt mỗi tháng

Bùng nổ doanh số đồ ăn vặt

Theo báo cáo "Những bước chuyển trong ngành hàng thực phẩm" do công ty nghiên cứu Nielsen công bố, ngành hàng thực phẩm là một trong ba nhóm ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2017 tại Việt Nam.

Báo cáo này cũng cho biết, các nhà sản xuất hiện nay rất chủ động trong việc giới thiệu sản phẩm mới đến thị trường và thực tế trong năm 2017 đã có hơn 2.000 sản phẩm mới được các nhà sản xuất thực phẩm tung ra thị trường. Tuy nhiên, không quá 15% trong số này đạt được thành công như mong đợi.

Thực tế, không phải DN kinh doanh đồ ăn nhanh nào khi đưa sản phẩm ra thị trường cũng được đón nhận. Chẳng hạn như bánh burger của McDonalds sau một thời gian khá dài có mặt trên thị trường vẫn không là món ăn khoái khẩu và thường nhật của người dân, do không thể cạnh tranh được với chuỗi bánh mỳ Việt đang nở rộ và tăng trưởng với tốc độ phi mã.

Đánh giá về thất bại của các DN đồ ăn vặt, các chuyên gia của Nielsen cho rằng kể cả thương hiệu mạnh đến mấy, chuỗi vận hành chuẩn đến mấy nhưng sản phẩm mới là yếu tố then chốt.

Theo báo cáo của Nielsen, 37% người tiêu dùng Việt cho biết sức khỏe là mối bận tâm lớn nhất của họ. Bên cạnh đó, 80% người tiêu dùng quan tâm sâu sắc đến những tác động lâu dài mà các phụ chất nhân tạo có thể gây ra, 76% mong muốn biết rõ những chất cấu tạo nên thức ăn mà họ sử dụng hằng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng rất sẵn sàng chủ động điều chỉnh những thói quen để đảm bảo sức khỏe của bản thân.

"Nếu nhà sản xuất nào có thể cho thấy những nỗ lực để xây dựng hình ảnh "tốt cho sức khỏe" để đáp ứng được nhu cầu này của người tiêu dùng, đó sẽ là những người chiến thắng trên thị trường", ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ của Nielsen Việt Nam, đánh giá.

Theo các chuyên gia, sự xuất hiện của các sản phẩm đồ ăn vặt ngày càng nhiều là một dấu hiệu tốt cho thấy người tiêu dùng đã sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các dòng sản phẩm này, vượt trên cả chi tiêu cho các sản phẩm phục vụ nhu cầu cấp thiết mỗi ngày. Điều đó đã và đang tạo ra một cơ hội lớn cho các nhà sản xuất thức ăn nhanh.

Thanh Hoa

Từ khóa » Khảo Sát Thị Trường đồ An Vặt