Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử Từ Góc độ Di Sản Văn Hóa

PGS.TS Trần Lê Bảo

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Dẫn nhập

Di sản văn hóa là một loại di sản của quá khứ, nhưng trước hết nó có tính hiện tại. Cái gọi là “di sản” chính là một tồn tại nào đó từ trong quá khứ được chuyển di tới hôm nay.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một loại di sản văn hóa đa giá trị. Phái Thiền này mang những giá trị độc đáo cả về văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Từ lí luận về di sản văn hóa, có thể nhận chân giá trị của Thiền phái Trúc Lâm từ ba góc độ: Thứ nhất, xét từ thuộc tính thời gian của di sản văn hóa, Thiền phái Trúc Lâm không chỉ là sự kiện tồn tại trong quá khứ kéo dài mãi tới hôm nay, mà còn là sự kiện xuất phát từ ngày hôm nay hướng về quá khứ và hướng tới tương lai. Thứ hai, từ thuộc tính sáng tạo cấu trúc của di sản văn hóa, Thiền phái Trúc Lâm không chỉ là quá khứ tồn di trong hiện tại, mà còn được cấu trúc lại trong hiện tại, không chỉ được kế thừa mà còn luôn được sáng tạo. Thứ ba là từ thuộc tính tồn tại của tổng thể di sản văn hóa, Thiền phái Trúc Lâm không chỉ là một hiện tượng cô lập, mà là sự kiện tồn tại với những sai biệt của một chỉnh thể hóa. Như vậy có thể thấy Thiền phái Trúc Lâm và di sản văn hóa có quan hệ gắn bó hữu cơ giữa tính chung và tính riêng, giữa chủ thể và khách thể, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bộ phận và chỉnh thể hệ thống.

  1. Những vấn đề chung về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

1.1. Từ trình tự nghiên cứu, chúng ta trước hết cần xác định nghiên cứu khách thể rồi mới tiếp tục đi sâu nghiên cứu nội dung và hình thức giá trị di sản, tức là khảo sát đối tượng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, từ góc độ lí luận quan niệm về “Di sản văn hóa”.

 Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là sự thăng hoa của tư tưởng Thiền trong điều kiện xã hội và giai đoạn lịch sử đầy hào hùng Việt Nam. Thiền phái này trở thành giáo phái chính, thu nhận hàng ngàn tín đồ quy tụ về Yên Tử tham thiền tu tập. Cùng với sự phát triển của Thiền môn, là những cảnh quan tôn giáo chùa miếu am, tháp được xây dựng theo triết lý Thiền, rộng khắp trong không gian Yên Tử, đáp ứng cho việc tu thiền và sinh hoạt lễ hội của tín đồ. Những cảnh quan cùng những lễ hội chính là hiện thực hóa tư tưởng Thiền độc đáo Việt Nam.

 Trên cơ sở lí luận về di sản văn hóa, chúng ta có thể xác định hướng nghiên cứu giá trị “di sản” của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đó là lịch sử được kế thừa, là tư tưởng triết học, sinh thái văn hóa cả về vật chất và tinh thần, cách thức tổ chức giáo hội, nghi thức tu tập, lễ hội Phật giáo…

1.2 Về mặt tổ chức, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được hình thành từ Sơ Tổ Ngự hoàng Trần Nhân Tông. Ông đã có duyên kế thừa và phát triển tư tưởng Thiền từ tùy tục của Thường Chiếu, đến biện tâm của Trần Thái Tông, tiến tới hòa quang đồng trần của Tuệ Trung Thượng Sĩ sau cùng là tùy duyên lạc đạo của ông, trong điều kiện thực tiễn văn hóa Đại Việt. Trần Nhân Tông đã đặt nền móng và kết nối tư tưởng, cho sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm. Ông cũng là người có công làm cho Thiền phái Trúc Lâm đi vào hiện thực đời sống sinh hoạt Phật giáo Thiền, từ mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức cho đến cụ thể hóa nội dung tu tập và phương thức hành trì. Ông trở thành vị Tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Sau đó Trần Nhân Tông truyền y bát cho đại sư Pháp Loa làm Tổ thứ hai, tôn giả Huyền Quang được truyền trao làm Tổ thứ ba. Cả ba vị này được tôn vinh là Trúc Lâm Tam Tổ.

 Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã kế thừa và sáng tạo từ các tinh hoa của các chi phái Thiền Tông: Tỳ ni đa lưu chi, Vô Ngôn Thông, Trúc Lâm và Thảo Đường. Hoàng đế Trần Nhân Tông triều Trần sau khi thoái vị, đã xuất gia làm hòa thượng, thành người thừa kế đời thứ 18 phái Vô Ngôn Thông. Nhưng ông đã bản địa hóa Phật giáo, lập ra “Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử”, vì thế hiệu của Người là “Trúc Lâm Đại sĩ”. Phái Trúc Lâm này là tông phái lớn nhất Việt Nam, phần lớn người dân đất Việt đi theo phái này.

Giáo nghĩa chủ yếu của Thiền Tông giảng “Bản lai vô nhất vật”, “Bản vô phiền não nguyên thị Bồ Đề, phiền não tức Bồ Đề”. Tăng nhân nhờ tĩnh tọa, trầm tư mặc tưởng để đạt “trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”. Nói đơn giản, Thiền tông rất coi trọng “Tâm” của con người, “Tâm” khai ngộ sẽ trở thành Phật. Khác với Tịnh Thổ tông giảng dựa vào A Di Đà Phật, nhờ “tha lực” (sức mạnh bên ngoài), Thiền tông giảng “tự lực” (sức mạnh bên trong) tu hành khai ngộ. Thiền tông Việt Nam tiếp nhận Thiền tông Trung Quốc và hấp thu Tịnh Độ tông mà trở thành “Thiền – Tịnh hợp nhất, Thiền – Tịnh song tu”. Thiền tông cũng giảng A Di Đà Phật.

 Ngoài tiếp nhận Phật giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ qua Trung Quốc, sau này Thiền tông Việt Nam còn tiếp thu, dung hợp Nho giáo và Đạo giáo. Vì thế trong chùa Việt thờ Phật, cũng có tượng Lão Tử, Khổng Tử và Huyền Thiên Thượng đế… những thần tượng của Nho giáo và Đạo giáo.

1.3 Về phương diện tư tưởng,

 Thiền Trúc Lâm chịu ảnh hưởng sâu sắc của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Về phương thức biểu đạt, Tuệ Trung so với Trúc Lâm thì trực tiếp, đơn giản và hiện thực, Trúc Lâm nặng về coi trọng hình thức văn chương. Về hình thái và tư thái, Trúc Lâm so với Tuệ Trung Thượng Sĩ thì lỗi lạc, nhưng sức sống tâm linh trong thiền ngộ Trúc Lâm lại không mãnh liệt như Tuệ Trung Thượng Sĩ, nhưng lại phổ cập rộng rãi hơn.

 Tâm thức Thiền của Trần nhân Tông được thể hiện trong nhiều bài thơ, kệ và phú của ông. Tuy nhiên trong bài phú Cư trần lạc đạo, đặc biệt ở bài kệ kết thúc bài phú này đã kết tinh cao độ minh triết tâm thức Thiền của ông: “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên / Cơ tắc xan hề khốn tắc miên / Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch / Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.” (Ở trần vui đạo hãy tùy duyên / Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền / Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm / Vô tâm trước cảnh hỏi gì thiền). Bài kệ này thể hiện tinh hoa nhận thức luận của Thiền phái: người tu thiền “chủ yếu làm cho “tâm” đạt đến “vô niệm”. Chỉ cần đạt trình độ “vô Tâm” là đã ngộ ra nhiều, chưa cần phương pháp khác. Tiêu trừ “vọng niệm” và sự “phân biệt” sẽ đạt đến tâm định; đạt đến tiêu trừ “chấp trước” giữa người và ta. Hiểu “chân như”, tin “bát nhã”, thì không cần tìm Phật Tổ ở đâu. Nắm “thực tướng”, hiểu “vô vi”, Thiền thông nam bắc… đều cần thiết, nhưng Phật ở ngay trong nhà, không cần tìm đâu xa. Vì quên mất “gốc”, nên con người mới đi tìm Phật. Khi giác ngộ mới biết rằng “Phật chính là tâm ta.”

Bài kệ này còn là sự thăng hoa giáo lí Thiền, cũng là tôn chỉ của Sơ Tổ và là tư tưởng nhất quán của Thiền phái, được thể hiện qua bốn điểm:

* Hãy sống “vui với đạo” ngay nơi trần thế đầy thử thách tai ương, giữ tâm thanh thản tự tại, hòa hợp với đời, không câu chấp, lệ thuộc vào bất cứ điều gì. Thiền Trúc Lâm đặc biệt coi trọng quy luật vô thường của đời người, như quan niệm của Trần Thái Tông. Người trăn trở, mong thực hiện đạt đến một trình độ giải thoát tâm mình. Trúc Lâm tranh thủ đem thời gian và tinh lực của mình đặt vào quán tưởng Thiền. Thực tế những thiền sư có thể “đắc đạo”, đều do ngộ ra từ tham cứu những “việc bình thường”.

* Hành động “tùy duyên”, là hành động theo lẽ tự nhiên như “đói ăn, mệt ngủ”, hoàn toàn không cưỡng cầu, việc nên làm thì làm, việc làm phải đúng lúc, đúng chỗ, không bị ảnh hưởng của thiên kiến cá nhân, hoặc ngoại cảnh trái phảỉ…

* Con đường thành Phật phải là giữ được tâm thanh tịnh, “kiến tính thành Phật”. Con đường đốn ngộ thành Phật là con đường thăng hoa – đốn ngộ. Tự mỗi người phải thực hiện, tự khơi dậy tiềm lực của chính mình, không tìm cầu tha lực. Chính là “vật báu – bản thể tâm trong sáng” ở ngay trong mỗi con người. “Niệm trước mê là chúng sinh, niệm sau ngộ là Phật”.

Trúc Lâm chủ trương trước là làm dứt phiền não, phù hợp với Thiền pháp “Ngũ đình tâm quán” của Thiền học nguyên thủy; sau lại mượn giáo nghĩa Tịnh Thổ, để thuyết minh chân lí và Thiền pháp; theo nhận thức của Đại thừa là thức tỉnh người tu Thiền quay về bản tâm: “Hồi tự gia” (về nhà mình), cho rằng “Phật ở tâm ta”, chớ tìm ở đâu xa bên ngoài.

* Trước mọi cảnh huống con người luôn giữ được tâm hư rỗng (vô tâm), “tiến thoái bình thản”, “tự tính thanh tịnh”. Con người phải tự thanh tĩnh nội tâm. Tâm có tĩnh thì nước mới tĩnh, phải xây dựng cho được “Tịnh Thổ” ngay trong trần gian, mới có thể thấy được “Tịnh Thổ” nơi Tây Phương Cực Lạc. Điều đặc biệt là Phật Hoàng Trần Nhân Tông không chỉ khai mở cho chính mình, mà còn mong khai mở cho mọi chúng sinh. Ngài không chỉ thuyết pháp bằng những chứng ngộ giáo lí Thiền uyên áo, mà còn bằng cả cuộc đời, tùy duyên hành xử nhằm đem lại “Tịnh tâm”, “Tịnh Thổ” cho con dân Đại Việt.

Thông qua việc khảo sát Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, ta có thể nhận thức sâu hơn về bản thể của di sản văn hóa, từ đó mới có hướng triển khai cấu trúc nghiên cứu.

  1. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử từ thuộc tính thời gian của di sản văn hóa.

2.1 Di sản văn hóa là một loại di sản của quá khứ, nhưng trước hết nó có tính hiện tại, bởi lẽ bất kì một loại hình văn hóa nào cũng đều có tính thực tại, thì mới có thể trở thành di sản. Cái gọi là “di sản” chính là một tồn tại nào đó, từ trong quá khứ được chuyển di tới hôm nay. Vì vậy, giá trị của di sản văn hóa sẽ không chỉ là giá trị lịch sử, mà quan trọng là giá trị hiện tại của nó. Nhận thức được thuộc tính thời gian của di sản văn hóa, có thể đem lại cho chúng ta những hiểu biết mới về nó.

Trước hết những nhận thức mới này, sẽ chỉ cho chúng ta thấy kết cấu thời gian liên tục của di sản văn hóa. Mặc dù chúng ta có thể cường điệu những nhận thức về giá trị thực tại của di sản văn hóa, song về cơ bản chủ yếu vẫn xuất phát từ nhu cầu, lập trường, quan niệm của con người hiện tại, để xác định loại nội hàm văn hóa và đối tượng cần được bảo hộ hôm nay. Nhưng sự cường điệu hiện tại, đồng thời cũng cần vượt lên hiện tại. Vì sao vậy? Bởi lẽ nội hàm của hiện tại, đã bao quát cả hiện tại và tương lai cùng tồn tại. Cách nhận thức này đã được đề cập tới trong giáo lí nhà Phật: Muốn biết nguyên nhân đời trước, hãy nhìn những thụ hưởng ngày hôm nay; muốn biết kết quả trong tương lai, hãy xem những hành vi hiện tại. Hiện tại của chúng ta chính là kết quả của quá khứ, tương lai của chúng ta chính là kết quả của hiện tại. Chỗ đứng ở hiện tại đã ngầm chứa cả ba giai đoạn quá khứ, hiện tại và tương lai. Cho nên chúng ta không những phải nhận thức tính hiện tại của di sản văn hóa từ thời điểm hiện tại, mà còn phải khẳng định giá trị lịch sử của di sản văn hóa, còn phải nhận thức di sản văn hóa, từ hiện tại hướng về tương lai. Haidơgơ cũng có quan điểm cho rằng: nếu như hiện tại chúng ta đang sử dụng một văn vật nào đó, làm sao ta lại gọi nó là di sản? Chủ yếu là vì những thứ này đã được thời đại quá khứ soi chiếu (đóng dấu) vào: “là quá khứ” chính là những văn vật lịch sử được bảo lưu liên tục cho tới nay.” (1)

Trong quá trình khảo sát Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử, sự thực là chúng ta xuất phát từ hiện tại, mở rộng khung thời gian về quá khứ và cả về tương lai. Cái gọi là “hiện tại” chính là do hiện tại của “chủ thể” quy định.

2.2 Xét về nguồn gốc trực tiếp, Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử là một phái hệ của Phật giáo Nam Thiền của Huệ Năng. Đặc trưng cơ bản của dòng giáo lí này là “đốn ngộ” và “vô trú vô niệm”.

  1. Đặc trưng đầu tiên của Nam Thiền Huệ Năng là Thiền “đốn ngộ”, tức là con đường một lần thăng hoa đốn ngộ, “kiến tính thành Phật” không đợi phải tu tập từ từ, lâu dài, cũng không phải lau chùi, tu sửa tâm từng ngày, có thể nghe một tiếng lá rơi, một lời dạy về đạo bỗng nhiên khai ngộ, thấy bản tính thanh tịnh của tâm là lập tức giác ngộ thành Phật. Phương cách đốn ngộ của nhà Thiền như ánh sáng đi và đến, gần như đồng thời. Nhà Thiền coi tâm là căn nhà tăm tối, chỉ cần ánh sáng chiếu vào thì bóng tối lui. “Người ngu cũng như kẻ trí, Phật tính vốn không sai biệt, chỉ vì mê ngộ không như nhau mới sinh ra có ngu có trí mà thôi”. “Niệm trước mê là chúng sinh, niệm sau ngộ là Phật”

Quan niệm của Nam Thiền Huệ Năng có ý nghĩa thực tiễn lớn lao. Bởi lẽ nó đã đem lại sự bình đẳng trong việc khai ngộ cho mọi người, ai cũng bình đẳng trước khổ đau, nên cũng bình đẳng trong giác ngộ; hạnh phúc đến cho hiện tại mà không phải dày công tu luyện, hay phải đợi nhiều kiếp sau mới được hạnh phúc. Rõ ràng Thiền đốn ngộ của Lục tổ Huệ Năng đã mở ra một chân trời mới, đầy tự do khoáng đãng, hoạt bát sinh động và cũng đầy thách thức.

  1. Đặc trưng thứ hai của Nam Thiền Huệ Năng là chủ trương “vô trú vô niệm”. Vốn có nguồn gốc từ Lục Tổ huệ Năng nhờ nghe câu kinh “ưng vô sở trú nhi sinh kì tâm” (không dựa vào đâu để sinh ra tâm của mình), trong kinh Kim Cương mà ngộ đạo. Huệ Năng lấy tôn chỉ là “vô niệm” trên căn bản là “vô trú”. Chính vì là “vô trú”, nên Huệ Năng mới có bài kệ: “Bồ đề vốn không cây / Gương sáng vốn không đài / Xưa nay không một vật / Bụi biết bám vào đâu” (Bồ đề bản vô thụ / Minh kính diệc phi đài / Bản lai vô nhất vật / Hà xứ nhạ trần ai?)

Truyền thống Thiền là gắn kết điều tiết thân, tâm, coi trọng tâm định tĩnh, nỗ lực chuyên tâm, mới mong chứng ngộ và giải thoát. Tuy nhiên con đường của Huệ Năng vừa có lối mòn, lại vừa ẩn trong lau lách, vừa không bài bác tụng kinh ngồi thiền, lại vừa nói “vô trú vô niệm”. Cho nên Lục tổ Huệ Năng tuy nói “kiến tính thành Phật”, nhưng ông cũng phải mất tám tháng “đạp chày giã gạo”, tu tập công phu, mới thành chính quả. Mặc dù vậy, nhưng “vô trú vô niệm” vẫn là chỗ căn bản nhất của Thiền Huệ Năng. Chính điều này làm cho Thiền nói chung bớt đi nhiều sự nghiêm khắc và lạnh lẽo của Phật giáo nguyên thủy.

  1. Quan niệm căn bản về “đốn ngộ” và “vô trú vô niệm” của Thiền phái Nam tông, thực sự trở thành một triết thuyết có ích cho xã hội và con người, không chỉ từ khi nó ra đời, mà còn có ích cho cả con người hôm này và mai sau; chí ít cũng là định hướng về đời sống tinh thần cho con người, khi triết thuyết này là những thể nghiệm nhân sinh sâu sắc và uyên áo.

2.3 Những nét cơ bản về thể nghiệm nhân sinh của Thiền phái Nam tông bao gồm: Tiến thoái bình thản và vui sống với đạo

  1. “Tiến thoái bình thản” là một thái độ, một trạng thái tâm lí, thông qua sự trải nghiệm sâu sắc của con người, trong bất kì hoàn cảnh nào tiến hay lui, được hay mất, động hay tĩnh… tâm lúc nào cũng giữ được yên tĩnh, bình thản. Đây là một vấn đề vô cùng khó khăn và phức tạp, đối với mỗi con người trong mỗi hoàn cảnh, đặc biệt là đối với kẻ sĩ trong trường kì lịch sử. Kẻ sĩ có người lựa chọn con đường của Nho gia “đạt thì kiêm tế thiên hạ, cùng thì độc thiện kì thân”, có người theo con đường “vô vi” của Đạo gia, dù họ theo đuổi con đường xuất – xử (hành – tàng), hoặc ngược lại là xử – xuất hay vừa xuất vừa xử… tất cả đều thấy khó khăn, người bị biếm trích, kẻ bất đắc chí gạt lệ thở dài, thậm chí có thể còn bị giết… Duy chỉ có thái độ “tiến thoái bình thản” là một trải nghiệm nhân sinh đặc biệt của Thiền, có thể làm con người tĩnh tâm lại, trước mọi biến đổi của xã hội, của bản thân; khiến con người vừa cố gắng làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình trong hiện tại, lại vừa vui sống thanh thản. Đây chính là tính minh triết và sự uyển chuyển của Thiền, giúp cho nhân sinh có một tâm lí ứng xử nhẹ nhàng, với cuộc sống, vừa có trách nhiệm với đời, lại vừa không bị đời trói buộc.
  2. “Vui sống với đạo” cũng là một thể nghiệm nhân sinh đặc sắc của Thiền. Mỗi tư tưởng đều chỉ ra một con đường, một quan niệm, một phương cách sống và đạo ở đây chính là con đường đạt đến mục tiêu của các trường phái tư tưởng. Nho, Đạo, Phật đều có đạo của riêng mình. Cái gọi là “vui sống với đạo” chính là cách sống lí tưởng mà mỗi con người ở mỗi triết thuyết đạt tới.

Nam Thiền Huệ Năng đã mở ra phong khí mới, không phải chỉ ở nơi yên tĩnh, theo dõi hơi thở, kiểm soát ý nghĩ, mà với tinh thần vô trú vô niệm, con người sẽ dứt bỏ được nhiều mê tối ràng buộc, con người sẽ sống thanh thản hơn và nhìn nhận cuộc sống cũng nhẹ nhàng hơn. Cho dù sống trong hoàn cảnh nào, con người cũng không câu chấp, luôn tìm được “bản lai diện mục” của bản tâm, sống như mình mong muốn, không câu nệ hình thức, cũng không gò bó quy củ…

Chính những điều này, đã kéo tôn giáo về với đời thường, biến cuộc sống thoát tục thành cuộc sống bình phàm. Vì vậy Thiền giả, Nho sĩ và Đạo sĩ cũng không quá phân cách rạch ròi, quan trọng là người ta tìm được một quan niệm sống, một phương thức sống, một niềm vui thanh thản ở trong lòng mỗi người.

  1. Từ thuộc tính sáng tạo của “di sản văn hóa”

ý kiến cho rằng, di sản văn hóa là một loại tồn tại có từ trước, được con người hiện tại tiếp thu. Nhưng, bản thân di sản không chỉ là sự tồn di của quá khứ trong hiện tại, mà còn được hiện tại cấu trúc lại; di sản không chỉ được kế thừa mà còn được sáng tạo. Tính sáng tạo của di sản văn hóa nhìn chung có thể thấy từ ba phương diện sau:

3.1 Trên thực tế, di sản văn hóa được những chủ thể hiện tại, gắn cho những ý nghĩa của thời hiện tại. Cái gọi là “di sản”, kì thực là những xác nhận được đưa thêm vào giá trị của di sản, từ nhu cầu của con người hiện tại. Quá trình xác nhận này, được tiến thêm một bước là di sản được tăng thêm ý nghĩa mới.

Dựa vào quan niệm ngày càng phát triển của “di sản văn hóa”, thì những giá trị chân chính của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, cũng ngày càng được phát hiện nhanh chóng, và luôn được “sáng tạo” thêm, vì nhu cầu ngày càng cao của con người, trong cuộc sống luôn biến đổi theo xu hướng hiện đại.

Trước hết quan niệm tu tập “tùy duyên” của Phật Hoàng Trần Nhân Tông là sự đổi mới căn bản đối với lối tu tập cũ. Lúc đầu Phật giáo tu theo kiểu khổ hạnh, vì vậy những phật tử tìm đến núi cao Yên Tử chọn những hang, mái đá, hay dựng những am nhỏ để tham thiền, sống đời khổ hạnh “ăn rau rừng mặc áo lá”, coi nhẹ đời sống vật chất. Từ khi hệ phái Trúc Lâm ra đời, với quan niệm “tùy duyên”, “đói ăn mệt nghỉ” không phải sống khổ hạnh nữa, thì hệ thống chùa miếu am đã được phát triển với quy mô lớn, tọa lạc ở rộng khắp khu vực Yên Tử và các vùng lân cận. Điều này chẳng những minh chứng cho sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm, mà còn có ý nghĩa to lớn về đường lối tu tập. Quan trong hơn là việc coi trọng vị trí chiến lược vùng Đông Bắc, cả về chính trị, kinh tế lẫn quân sự và văn hóa, ở thời đại vương triều Lý – Trần. Vì vậy cảnh quan văn hóa Yên Tử, chẳng những đáp ứng yêu cầu về tính đa dạng, đa chức năng của cảnh quan thiên nhiên, mà còn đáp ứng được yêu cầu quan trọng của Phật giáo Thiền. Cũng chính vì vậy mà nơi đây, từ xa xưa đã hấp dẫn nhiều vua quan, thiền sư và đệ tử tu tập. Thực tế đã có nhiều thiền sư tu tập chính quả thành Bồ Tát, tiêu biểu là Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Cho đến nay cảnh quan văn hóa non thiêng Yên Tử lại càng có nhiều thay đổi phù hợp với điều kiện kinh tế văn hóa xã hội và quan niệm mới về Thiền phái nơi đây. Chùa miếu dựng lên ngày càng khang trang, huy hoàng và hợp quy cách về phong thủy. Đặc biệt pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được dựng trên đỉnh cao nhất non thiêng Yên Tử, cao đến 12,6 mét, đúc bằng 138 tấn đồng, nhằm ca ngợi, tôn vinh chiến công và đạo đức của một vị Vua – Sư lừng danh trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là những bằng chứng về sự sáng tạo và biến đổi của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử theo dòng thời gian.

3.2 Thứ hai là chúng ta dù cường điệu tính sáng tạo của “di sản văn hóa”, song vẫn còn một nguyên nhân quan trọng nữa cần đề cập tới. Đó là bản thân phương thức con người dùng để lí giải, tiếp cận sự vật vốn đã mang tính sáng tạo. Như mọi người đều biết, “hình thức” cũng là phương thức quan trọng của chủ quan, dùng để lí giải sự vật khách quan. Bản thân phương thức lí giải này đã bao hàm những yếu tố mang tính sáng tạo chủ quan của người nghiên cứu. Heghen đã từng nói: “Hình thức đặc thù của thế giới khách quan, tính khách quan của các chủng loại vốn đa dạng, là sự sáng tạo các phạm trù lí tính của thế giới chủ quan; nhưng thế giới chủ quan lại vượt lên những kết cấu, vốn được sáng tạo trong quá trình cụ thế hóa, những ý nghĩa độc lập, vốn tự mình sáng tạo ra. Sự đan xen giữa tính nội tại và tính siêu việt này, là biện chứng pháp của mâu thuẫn logic nội tại (của sự vật hiện tượng TLB), điều này được thể hiện rất phổ biến trong nghệ thuật. Từ ý kiến của Hêghen cho thấy tác phẩm nghệ thuật vừa “thuộc về” lại “không thuộc về” tác giả sáng tác ra nó”(2).

Sáng tác văn chương cũng là một dấu ấn sâu đậm của Phật giáo nói chung và của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng, trong đời sống nhân sinh. Mặc dù Thiền gia vẫn chủ trương “vô ngôn”, “trực chỉ truyền tâm. giáo ngoại biệt truyền”… nhưng các thiền sư và những người nương cửa Phật vẫn sáng tác thơ, kệ, phú chuyên chở đạo lí Thiền để giác ngộ chúng sinh. Bên cạnh đó, nhiều nhà thơ chịu ảnh hưởng của tư tưởng Thiền, cũng sáng tác về Thiền lí và đậm đà Thiền vị. Chất Thiền thể hiện trong thơ khá phong phú và đa dạng, tùy theo đặc trưng thể loại, tùy theo thời đại và phong cách từng thi sĩ – thiền sư. Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã quy định đọc chiếu vua bằng chữ Hán phải kèm theo giải nghĩa bằng Tiếng Việt cho các quan và dân đều hiểu. Cùng với những sáng tác bằng chữ Hán, Phật Hoàng còn để lại hai bài phú Nôm nổi tiếng trong Yên Tử nhật trình là Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca. Hai tác phẩm này không chỉ có giá trị về nội dung tư tưởng Thiền học, mà còn thể hiện ý thức yêu nước trong việc sáng tạo văn hóa, văn học và ngôn ngữ dân tộc. Ngoài ra thơ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông còn thể hiện tình yêu thiên nhiên và tình yêu quê hương đất nước. Trong Toàn tập Trần Nhân Tông của Lê Mạnh Thát có 35 bài thơ của Phật Hoàng thể hiện về đề tài này. Có điều rằng, những bài thơ cho dù miêu tả cảnh thiên nhiên, hay cảnh đẹp của quê hương đất nước, cũng đều mang đậm hương vị thiền, được thăng hoa từ tâm thức thiền của Người.

Cách thức tiếp cận những bài thơ mang thiền vị không hề đơn giản. Người nghiên cứu không chỉ cần có vốn kiến thức về thiền, mà còn cần cả năng lực cảm nhận văn chương qua các tiểu loại phú, kệ, ca; người nghiên cứu không chỉ có phương pháp chuyên ngành mà còn cần cả phương pháp liên ngành để có cái nhìn khái quát và tổng hợp về văn hóa thiền. Nhìn chung, những bài thơ của các nhà thơ trường phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử vừa “thuộc về” lại “không thuộc về” tác giả sáng tác ra nó. Biết bao lớp nghĩa của những bài thơ này được phát hiện, theo những góc độ khác nhau của các đối tượng tiếp nhận và phương pháp tiếp cận mới theo dòng thời gian lịch sử.

Bên cạnh cách tiếp cận hình thức thi ca của tư tưởng thiền tông, cách thức tiếp cận lễ hội Phật giáo ở khu vực non thiêng Yên Tử, cũng có nhiều sáng tạo và đổi mới. Trong nghiên cứu về lễ hội, người Việt Nam và cả người Trung Quốc thường miêu tả quá trình lễ hội như: nghiên cứu “hình thái” văn hiến, bao quát việc sưu tập tài liệu, in ấn quảng bá, bao gồm toàn “kịch bản” lễ hội, nội dung và thứ tự từng hạng mục trong lễ và hội… Khảo sát hình thái kết cấu văn bản, bao gồm cả hình thức “liên văn bản”… Trong quá trình diễn xướng lễ hội, cũng thường dùng khái niệm hình thái, để khảo sát góc độ tôn giáo tín ngưỡng, những huyền thoại, truyền thuyết, âm nhạc vũ đạo, những trò chơi dân gian… Tất cả đều là sự lí giải tính sáng tạo của di sản văn hóa.

Như vậy, có thể thấy Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử theo quan niệm về sự phát triển của di sản văn hóa, vừa “thuộc về” lại “không thuộc về” một cộng đồng cư dân, vì nó luôn biến đổi theo sự biến đổi của con người và xã hội; mặt khác Thiền phái này cũng đã “không thuộc về” và lại “thuộc về” những nhà nghiên cứu, những người lí giải nó theo quá trình sáng tạo dài lâu của quy luật nhận thức.

3.3 Từ nhu cầu của con người và xã hội, di sản luôn được chủ thể hiện tại rất có ý thức sưu tập, chỉnh lí, nghiên cứu và bảo hộ. Di sản văn hóa là những di tồn từ trong lịch sử, kì thực là đã có nhiều mặt sáng tạo vô cùng mạnh mẽ của con người hiện tại. Vì vậy, khi chúng ta xác nhận thuộc tính cấu trúc của di sản văn hóa, không chỉ thấy nội hàm của tính sáng tạo, mà chúng ta còn cần chủ động thâm nhập, cần có cả năng lực hoạt động của người nghiên cứu. Đã có nhiều công trình, dự án khảo cứu của các nhà nghiên cứu văn hóa, văn học, triết học, lễ hội, cảnh quan văn hóa tâm linh… về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đặc biệt là kho mộc bản, ở chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang) có số lượng 3.050 tấm ván khắc, là kho tài sản đa giá trị về tư tưởng và văn học nghệ thuật của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Kho mộc bản này đã được nhiều tổ chức và các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, khai thác và được UNESCO công nhận là Di sản ký ức Châu Á Thái Bình Dương năm 2012. Với những thành tựu nghiên cứu, tổng hợp theo một hệ thống nhất định, về các mặt văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, diện mạo Thiền phái này hiện lên vừa hoành tráng về không gian, vừa liên hoàn về thời gian, có cả công sức mang đầy màu sắc tâm linh của chủ thể, có hàng ngàn người dân Việt tin theo, thể nghiệm và bảo vệ tôn giáo này qua các lễ hội tôn giáo, dọc theo thời gian hàng trăm năm nay. Những hình thức này cứ trở đi trở lại, theo mùa vụ cây trồng và chu kì của đời người, cứ thế bảo lưu, sáng tạo. Nội dung và hình thức lễ hội tôn giáo luôn hòa quyện, song hành với nhau, để trở thành di sản văn hóa cho mai sau.

Chúng ta sở dĩ coi trọng cấu trúc của “di sản văn hóa”, một mặt là do công tác nghiên cứu, mặt khác là do tác dụng quan trọng của công tác khảo cổ, điền dã trong thực tiễn. Chỉ có thông qua những công tác thực tiễn này, mới có thêm nhiều bằng chứng để kiểm nghiệm lý luận nghiên cứu, đồng thời mới có thể huy động công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa.

“Thực tiễn” này đã bao hàm sự sáng tạo của lí luận, cũng bao hàm công tác cụ thể cần gắn liền với thực tiễn. Thực tiễn chính là nhà kiểm định khách quan nhất, đối với những lí luận vừa được phát hiện. Từ ý nghĩa này, cho thấy nhà triết học không chỉ giải thích thế giới mà còn phải ra sức cải tạo thế giới.

  1. Từ thuộc tính tồn tại của chỉnh thể “di sản văn hóa”

Sự hiện tồn mọi sự vật, hiện tượng đều nằm trong tổng thể của nhiều mối quan hệ. Từ nguyên lí hệ thống, cấu trúc nội tại của mọi sự vật và hiện tượng là một tổng thể hoàn chỉnh, để định hình và quan trọng hơn để sự vật, hiện tượng vận động và phát triển. Vì vậy khi xem xét sự tồn tại của mọi sự vật khách quan, không thể không quan tâm tới những mối quan hệ bên trong và bên ngoài, tạo thành tính chỉnh thể của sự vật, hiện tượng ấy.

Trong khi nghiên cứu Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, ít ra chúng ta thu được một loại nhận thức: Vậy thì Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là gì? Để trả lời cho thấu đáo điều này không hề đơn giản. Bởi lẽ bản thân Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử không hề tồn tại cô lập, mà bản thân Thiền phái này tồn tại trong tính sai biệt của một chỉnh thể. Trước hết Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có cội nguồn từ Phật giáo Ấn Độ. Tôn giáo này có quá trình phát triển dài lâu, chia thành nhiều chi phái, thâm nhập vào Việt Nam. Như trên đã nói, sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể hào hùng ở triều đại Lý – Trần. Thiền phái này đã kế thừa và sáng tạo, từ tinh hoa của các chi phái Thiền Tông: Tỳ ni đa lưu chi, Vô Ngôn Thông, Trúc Lâm và Thảo Đường. Sau đó còn dung hợp với cả Nho và Đạo. Hơn nữa Thiền phái này còn có cả một quá trình đồng hành, cùng với lịch sử dân tộc Việt Nam. Độ lan tỏa ảnh hưởng của nó không chỉ ở Việt Nam, mà còn mở rộng ra nhiều nước trên thế giới. Ở đây, rõ ràng có sự sai biệt trong sự thống nhất về tinh thần của Phật giáo. Sự sai biệt này có thể tìm thấy từ triết lý Thiền, cách thức tu tập, tổ chức hệ thống hoằng dương Phật pháp, đến những yếu tố cảnh quan môi trường tâm linh, lễ hội Phật giáo và cả quá trình hiện đại hóa Thiền phái này, trong trường kỳ lịch sử.

Sự tập hợp thống nhất, hoàn chỉnh của nhiều yếu tố, từ văn hóa vật thể đến văn hóa phi vật thể; từ sinh hoạt cộng đồng, kinh tế, chính trị đến văn hóa xã hội; từ lịch sử truyền thống đến đương đại; từ địa phương cho tới quốc gia trung ương, kể cả trong khu vực và quốc tế… Tất cả được “văn hóa” con người gắn kết mật thiết, trong một chỉnh thể rộng lớn về không gian – thời gian, về cả nhân lực và vật lực. Tất cả luôn hòa quyện trong không khí trang nghiêm của khói hương nơi hành lễ và cả không khí thiêng liêng của lễ hội tôn giáo; tạo thành sinh thái văn hóa tâm linh của thời đại, gắn kết con người chặt chẽ hơn cả về tính tự giác tâm linh, lẫn những quy định rõ ràng, về quyền lợi và nghĩa vụ của từng cá nhân và của từng nhóm cộng đồng, trong việc thể nghiệm Thiền và lễ hội Thiền. Điều đáng quan tâm là vị thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử không chỉ ảnh hưởng to lớn trong lịch sử giữ nước dân tộc, mà còn lan tỏa sang nhiều nước trên thế gới, với nhiều Thiền viện được xây dựng và thu hút nhiều môn sinh tu tập.

Điều dễ nhận thấy là cùng với sự tiến bộ của xã hội, cách thức tiếp cận Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử từ nội dung tư tưởng đến cách thức tu tập cũng dần được hiện đại hóa. Đặc biệt những yếu tố khoa học kĩ thuật cũng được thay thế một số yếu tố, phương tiện cổ xưa không còn phù hợp trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Phật giáo tiêu biểu là bảo tồn kho mộc bản và những cảnh quan văn hóa tâm linh kể cả lễ hội. Thậm chí cũng phải quan tâm tới cả những yếu tố phi văn hóa, cũng xâm lấn không gian tâm linh:như kinh tế hóa lễ hội, tệ nạn cờ bạc, môi trường bị ô nhiễm… Tất cả phải được nhìn nhận như một tổng thể, có cả những mặt ưu và khuyết, mạnh và yếu, mà chủ thể văn hóa trong đó có cả những người quản lí văn hóa, lẫn những người tham gia sinh hoạt văn hóa, đều phải chịu trách nhiệm và đều phải đối mặt.

Tóm lại, khi nhận thức về di sản văn hóa, chúng ta không chỉ cẩn quan tâm tới bản thân sự tồn tại của di sản văn hóa, mà quan trọng hơn là phải hết sức coi trọng sinh thái của thời đại và cả phương thức sinh tồn của di sản văn hóa. Điều này đã đem lại nhận thức hoàn chỉnh, sâu sắc khi chúng ta muốn bảo tồn và phát huy giá trị của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Rõ ràng Thiền phái này không hề tồn tại đơn lập. Nó chính là sản vật của quan hệ mật thiết giữa quan niệm nội tại và phương thức cuộc sống, nếu như trong đó có một khâu không ổn, thì cơ hồ cả hệ thống không tồn tại.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã để lại một di sản văn hóa đa trị, xét từ nhiều góc độ cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Triết lí Thiền phái cũng mang tính nhập thế rất cao. Từ lâu nó đã trở thành một phần quan trọng, trong đời sống tinh thần của người Việt Nam.

Phái Thiền này đã song hành cùng lịch sử giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam; trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong truyền thống văn hoá và chính trị Việt Nam. Vai trò của Phật giáo nói chung và Thiền phái Trúc Lâm, đối với nền độc lập và tự chủ của Việt Nam là điều đáng khẳng định. Trong trang sử hào hùng Việt Nam, có bóng hình của Phật giáo. Vì con đường tâm linh của Phật giáo, trong đó có Thiền Tông, đã là chỗ dựa tinh thần, cho một nền văn hoá đạo đức, thích ứng với sự lựa chọn của dân tộc Việt Nam.

Dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử là nguồn mạch quan trọng, để dòng mạch Thiền được tiếp nối, ngày càng lớn, theo diễn trình lịch sử dân tộc, thấm sâu vào truyền thống văn hóa Việt Nam. Tư tưởng Thiền này vẫn đang được phát huy mạnh mẽ, trong cuộc sống đương đại, không chỉ với nhân dân Việt Nam, mà cả với nhân dân thế giới yêu thích tư tưởng Thiền Việt. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, vẫn đang góp phần bồi dưỡng tâm hồn, tạo dựng tinh thần vui sống, lạc quan, tự tin của con người Việt Nam trong bối cảnh thế giới có nhiều bất an cả về môi trường, chính trị và xã hội.

Chú thích và tài liệu tham khảo chính

  1. Đức. Haidơgơ. “Tồn tại và thời gian” Trần Gia Ánh dịch. Thượng Hải. Tam liên thư điếm. 2000. tr274).
  2. Đức. Haidơgơ. (2000). “Tồn tại và thời gian” Trần Gia Ánh dịch. Thượng Hải. Tam liên thư điếm. tr430
  3. Chuyển dẫn: Hunggari. Acthuar Haosne (1987) “Nghệ thuật xã hội học” Cư Diên An dịch, Thượng Hải Học lâm xuất bản xã tr76
  4. Trần Lê Bảo. (2012), Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và sự truyền thừa của Phật giáo Việt Nam, Kỷ yêu hội thảo Khuông Việt. Hà Nội.
  5. Trần Lê Bảo. (2014) Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ký ức trong kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) Kỷ yếu hội thảo Quốc tế tại Bắc Giang.
  6. Thích Thanh Đạt.(2000). Thiền phái Trúc Lâm thời Trần. Hà nội, Viện sử học – TT nghiên cứu KHNV Quốc Gia, luận án Tiến sĩ.
  7. Trần Tuấn Khải. (1971). Tam tổ hành trạng. Tp.Hồ chí Minh, Nxb Nguyễn Văn Huân.
  8. Thích Đức Nghiệp. (1995). Đạo Phật Việt nam. Tp. Hồ chí Minh, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ chí Minh ấn hành
  9. Thích Thông Phương.(2003). Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử. Hà Nội, Nxb Tôn Giáo.
  10. Thích Phước Sơn. (1995). Tam Tổ Thực lục. Tp. Hồ chí Minh, Nxb Gia Định
  11. Lê Mạnh Thát (2000) Toàn tập Trần nhân Tông. NXb Tp Hồ Chí Minh
  12. Thích Mật Thể. (2004). Việt nam Phật giáo sử lược. Hà nội, Nxb Tôn giáo.
  13. Thích Minh Tuệ. (1993). Việt nam Phật giáo sử lược. Tp. Hồ Chí Minh, Nxb Sài Gòn.
  14. Thích Thanh Từ. (1997). Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải. Tp. Hồ Chí Minh, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh ấn hành.
  15. Yên Tử nhật trình – Bản dịch mộc bản chùa Vĩnh nghiêm (2012)

Từ khóa » Sự Ra đời Của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử