Trần Nhân Tông Với Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử

PGS.TS. Trần Thuận

Trường ĐHKHXH&NV – Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh 

Tóm tắt:

Thời Trần, thời văn trị võ công trong lịch sử nước ta. Thời này, xuất hiện những nhân vật kỳ tài và hết sức đặc biệt, trong đó có Trần Nhân Tông. Bên cạnh công lao mở nước và giữ nước, Trần Nhân Tông còn là người sáng lập ra dòng Thiền thuần túy Việt Nam Trúc Lâm Yên Tử, thành lập Giáo hội Phật giáo đầu tiên ở nước ta. Ông được người đời tôn xưng là Giác Hoàng Điều Ngự, Phật Hoàng Trần Nhân Tông.Trần Nhân Tông đã ngộ đạo từ sớm, sau khi xuất gia lên Yên Tử (1299), ông đã tập trung cho việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, đặc biệt là sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang tinh thần Việt Nam, với những nét rất riêng, rất độc đáo, tạo nên không khí tu tập – hành thiền sôi nổi và lan tỏa khắp nơi trong cả nước, khắp trong triều ngoài nội.Những giá trị, đặc biệt giá trị tinh thần được tạo ra từ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là hết sức to lớn và được lưu giữ, phát huy trong đời sống xã hội hôm nay, ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống nhân loại.

Từ khóa: Trần Nhân Tông, Phật giáo thời Trần, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Viện Trần Nhân Tông, Tư tưởng “Tâm không”.

1.Vài nét về thân thế và sự nghiệp Trần Nhân Tông

Trần Nhân Tông “Tên húy là Khâm, con trưởng của Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu, sinh năm Mậu Ngọ, Nguyên Phong năm thứ 8, tháng 11, ngày 11 [07.12.1258 – TT], được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng. Hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên đồng tử. Trên vai bên trái có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn, ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi, băng ở am Ngọa Vân núi Yên Tử, đưa về táng ở Đức Lăng. Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần”[2].

Ông là con trai đầu của vua Trần Thánh Tông và là vua thứ ba đời Trần, thân phụ của Trần Anh Tông. Ngay từ nhỏ, Nhân Tông đã sùng mộ đạo Phật và được Tuệ Trung Thượng Sĩ truyền cho giáo chỉ. Năm 16 tuổi (Giáp Tuất, 1274), được chọn làm Thái tử, ông đã từ chối nhiều lần và xin nhường cho em nhưng không được vua cha chấp thuận, lại phải cưới vợ theo yêu cầu của cha, nên một hôm, Nhân Tông vượt thành định vào núi Yên Tử để tu Phật. Biết vua cha cho quần thần đi tìm kiếm, ông đành quay trở về. Năm 1278 lên ngôi vua, vẫn sống thanh tịnh. Sau một giấc mơ gặp Phật, ông quyết định ăn chay trường, làm dung nhan gầy mòn, khiến vua cha hết sức lo lắng.

Trần Nhân Tông thông minh, điềm đạm, đa tài, hiếu học, đọc hết các sách, thông kinh điển về đạo và đời. “Vua nhân từ hoà nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần. Song để tâm nơi kinh Phật, tuy nói là để giải thoát, nhưng đó không phải là đạo trung dung của thánh nhân”[3]. Và nói như tác giả sách Đại Việt sử ký toàn thư thì “Nhân Tông trên nhờ từ cung tỏ rõ đạo hiếu, dưới dùng người hiền lập nên võ công, không phải bậc nhân minh, anh minh thì làm sao được như thế?”[4].

Các nhà nghiên cứu đều thống nhất nhận định rằng, Trần Nhân Tông không chỉ là một nhà chính trị lỗi lạc biết nhìn xa trông rộng, một nhà quân sự tài ba; không chỉ là nhà ngoại giao, nhà tư tưởng lớn mà ông còn có cả một tâm hồn nghệ sĩ và tiết tháo trong việc trị nước an dân. Ông lên ngôi lúc đất nước lâm nguy, hai lần quân Mông Nguyên sang xâm lấn nước ta, “Trần Nhân Tông đã tỏ rõ khí phách hào hùng, nỗ lực cầm quân, lãnh đạo nhân dân kháng chiến giành thắng lợi. Dưới thời vua trị vì đã diễn ra hai hội nghị có ý nghĩa lịch sử trọng đại: hội nghị tướng lĩnh Bình Than và hội nghị bô lão Diên Hồng. Nhà vua đã thực hiện được chính sách đoàn kết toàn dân, chủ trương nới rộng sức dân và tư tưởng thân dân trong nội trị, nên đạt nhiều thành tích trong công cuộc xây dựng và giữ gìn đất nước”[5]. Sau khi đánh bại quân Nguyên, lúc vào yết Chiêu lăng, vua ngâm lên những vần thơ đầy cảm xúc:

                  “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

                  Sơn hà thiên cổ điện kim âu”.

Xã tắc yên bình, nhưng kẻ thù vẫn nuôi mộng xâm lăng, nhà vua một mặt chuẩn bị để đối phó với những ý đồ xâm lược mới của nhà Nguyên, một mặt ra sức củng cố bộ máy nhà nước, ban hành những biện pháp để ổn định tình hình, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế và chăm lo sức dân.

Sau 14 năm làm vua, năm 1293, Trần Nhân Tông truyền ngôi cho con trưởng là Trần Thuyên (tức vua Anh Tông), làm Thái thượng hoàng. Bấy giờ, Nhân Tông đã có ý định xuất gia nhưng do tình hình đất nước chưa yên, nên đành nán lại[6]. Khi đất nước tạm yên, tháng 3 năm 1299, Trần Nhân Tông quyết chí xuất gia và sớm đắc ngộ để trở thành Thủy tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một phái Thiền để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. Ông xưng hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà, còn gọi Trúc Lâm Đầu Đà.

2.Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

Sử cũ cho biết, sau khi xuất gia không thành, trở về hoàng cung, ông thường ngủ trưa ở chùa Tư Phúc trong đại nội, nằm mơ thấy Phật vàng, từ đó ông thường ăn chay, nên long nhan gầy yếu. Thánh Tông biết chuyện khóc nói: “Ta nay già rồi, trông cậy một mình con, nếu con như vậy thì thịnh nghiệp của Tổ tông biết làm thế nào?”. Điều Ngự cũng rơi nước mắt”[7]. Tuy nhiên trong giai đoạn từ 1278 đến 1293 chất Vua trong Nhân Tông còn nổi trội, tính Bụt từng bước hình thành, mặc dù hiểu biết về giáo lý Phật giáo trong ông đã khá sâu sắc. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, “Mùa hạ, tháng 6 (Ất Mùi, 1295), Thượng hoàng trở về kinh sư. Vì [trước] đã xuất gia ở hành cung Vũ Lâm rồi lại trở về”[8], và tính Bụt tạm thời phải lắng xuống vì Thượng hoàng còn phải gánh vác trọng trách của mình. Có thể thấy rằng, ở giai đoạn này Trần Nhân Tông thể hiện rõ mẫu hình “Thái thượng hoàng – Bụt”[9]. Nhưng từ năm 1294, sau khi đi đánh Ai Lao về, tính Bụt có lúc đã trổi lên lấn át cả chất Vua. Bấy giờ, khi đất nước tạm yên, Trần Nhân Tông mới có điều kiện để toàn tâm toàn ý thực hiện ý nguyện của riêng mình, và tháng 8 năm Kỷ Hợi (1299), sau 14 năm làm vua, 8 năm làm Thái thượng hoàng, Nhân Tông đã quyết định xuất gia đầu Phật. Đây thực sự là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Trần Nhân Tông, nói đúng hơn là một gạch nối làm nên chỉnh thể Phật Hoàng (Vua – Phật).

Người đời sau luận bàn về chuyện xuất gia của Nhân Tông và cho rằng, đây là vấn đề không đơn giản, khó lý giải, bởi về mặt tư tưởng, như ta biết, Trần Nhân Tông chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Tuệ Trung Thượng Sĩ, và ông nội Thái Tông. Tuệ Trung là bác ruột đồng thời là bậc thầy của Nhân Tông, ông tu Phật nhưng không xuất gia và với một phong cách phóng khoáng, tự do tự tại, một tinh thần phá chấp triệt để; Thái Tông với quan điểm biện tâm, “hoát nhiên đại ngộ”, vì “trong núi không có Phật” nên chẳng cần xuất gia. Vậy mà Nhân Tông lại xuất gia vào trong thâm sơn cùng cốc để tu theo hạnh Đầu Đà, lạ thay! Thật ra, Nhân Tông đã nói rõ chủ trương vào núi của ông trong Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca là:

“Kiếm chốn dưỡng thân,

      Vắng vẻ ngàn kia,

      Thân long hỷ xả,

      Thanh nhàn vô sự,

      Quét tước đài hoa,

      Thờ phụng Bụt Trời”[10].

Có thể hiểu rằng, tuy đã xuất gia nhưng không hẳn là Nhân Tông đã phủi hết bụi trần, mà gánh nặng trần thế cứ đè mãi lên vai. Giai đoạn từ năm 1299 trở đi, trong ông tính Bụt đã nổi trội, và ông với tư cách là Bụt – Thái Thượng hoàng, nhưng vì ở ông, Đạo và Đời luôn quyện chặt vào nhau không tách rời, do vậy, việc ông xuất gia và chọn Yên Tử chứ không phải là một nơi nào khác cũng giúp ta phần nào lý giải hiện tượng “phản logic” nói trên. Nhân Tông đã ngộ đạo từ khi được Tuệ Trung Thượng Sĩ ấn tâm trong dịp cư tang mẹ. Ý nguyện xuất gia đã có từ lâu và đã hai lần thực hiện. Lần thứ nhất lên Yên Tử vào năm 16 tuổi (Giáp Tuất, 1274), sự việc không thành, lúc này nhận thức chính trị của Thái tử chưa sâu sắc; lần thứ hai xuất gia vào năm Ất Mùi (1295) ở cung Vũ Lâm[11] rồi lại quay về vì tình hình đất nước chưa yên. Và đây là lần thứ ba, lần xuất gia chính thức (năm Kỷ Hợi, 1299).

Cũng dễ hiểu khi ta biết rằng, thời gian ở Yên Tử, Thượng hoàng Nhân Tông thường lui tới những ngôi chùa nằm ở mạn Đông Bắc như chùa Báo Ân ở Siêu Loại, chùa Sùng Nghiêm ở Chí Linh, chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang,… Các ngôi chùa này tạo thành một thế cánh cung gần biên giới Việt Trung, trở thành một yếu lộ liên quan đến vận mệnh dân tộc, vì đây là hướng mà các đạo quân phương Bắc thường kéo vào xâm lược nước ta. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Yên Tử được xem là một “đài ra đa” hết sức lợi hại giúp ta thị sát tình hình, bởi từ trên đỉnh núi Yên Tử, phóng tầm nhìn có thể bao quát cả một vùng rộng lớn khu vực Đông Bắc nước ta.

Ngay từ khi mới lên Yên Tử, Nhân Tông đã tích cực chuẩn bị cho sự hình thành và phát triển của Giáo hội. Và trong suốt 4 năm (từ 1299 đến 1301), Nhân Tông tập trung cho việc tổ chức Giáo hội và thành lập Thiền phái Trúc Lâm. “Điều Ngự lập ra Chi đề Tinh xá, giảng pháp độ tăng. Người học về đây quy tụ khá đông. Sau đó, Điều Ngự mời các danh tăng về chùa Phổ MInh, phủ Thiên Trường lập ra trường giảng…”[12] nhằm tạo ra những lớp người kế cận, đáp ứng yêu cầu phát triển của Giáo hội, đồng thời cho phát hành hàng loạt sách vở như Phật giáo pháp sự, Đạo tràng tân văn, Công văn cách thức,… nhằm định hướng cho sự thống nhất về thể thức hoạt động tôn giáo đối với các tông phái cũng như các khuynh hướng Phật giáo khác nhau.

Thời Lý như ta biết, ba dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, và Thảo Đường cùng tồn tại và có quan hệ mật thiết với nhau, tác động ảnh hưởng lẫn nhau. Chốn tổ của dòng thiền này cũng là nơi tu hành của dòng thiền khác, Thiền sư của các phái đều tôn trọng và học hỏi lẫn nhau[13]. Đây là hiện tượng đặc biệt và có thể xem là cơ sở cho sự hòa nhập giữa ba dòng thiền để hình thành nên một thiền phái thống nhất Trúc Lâm Yên Tử và trên cơ sở đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất ra đời. Phật giáo Việt Nam đã trở thành “nhất tông”. Lần đầu tiên trong lịch sử, Phật giáo Việt Nam thống nhất từ trung ương đến địa phương. Tăng chúng trong cả nước đều được cấp tăng tịch[14].

Điều Ngự thực hiện chủ trương mở rộng công cuộc giáo hóa. Năm 1301, ông sang thăm Chiêm Thành. Sau khi cơ bản giải quyết xong mối bang giao với láng giềng phía nam, năm 1304, với tư cách một đạo sư, Điều Ngự đi khắp nơi trong nước, tận các xóm làng, dạy cho dân thực hành Thập thiện và xóa bỏ các dâm từ, một “giáo lý nhập thế căn bản của Đạo Phật đặt trên nền tảng của ba nghiệp: Thân – Khẩu – Ý của con người. Từ ba nghiệp tạo nên một mẫu người đạo đức lý tưởng và hài hoà, những con người ấy sẽ tạo thành một xã hội tốt đẹp, xoá bỏ được những tệ nạn tràn lan. Việc làm của Ông phản ánh nguyện vọng của dòng Thiền Trúc Lâm muốn xây dựng một xã hội trên nền tảng luân lý Phật giáo. Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Nhà Vua và hoàng tộc đều là Phật tử tại gia và xuất gia. Và các dòng phái Phật giáo bấy giờ hội tụ thống nhất trong dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Sự kiện này là đỉnh cao của Phật giáo đời Trần”[15].

Hoạt động thuyết pháp của Nhân Tông được nhân dân đón nhận nhiệt thành và nhiều người đã trở thành đệ tử của ông, ai cũng mong được đích thân ông chứng đạo cho. Danh tiếng của Điều Ngự ngày mỗi lan rộng khắp cả nước, ngay cả những bậc thức giả đương thời cũng ngưỡng mộ và gia nhập tăng đoàn. Vua Trần Anh Tông cũng dâng biểu mời Điều Ngự vào đại nội để thọ giới tại gia Bồ Tát cho vua và quan lại trong triều. “Ngày vào thành, vương công, bá quan sắm lễ nghi đầy đủ đón rước xa giá của Điều Ngự, rồi cùng thọ giới pháp. Sau đó, Điều Ngự trác tích tại chùa Sùng Nghiêm núi Chí Linh, xiển dương Thiền chỉ”[16]. Đại Việt bấy giờ là một đất nước Phật giáo, triều đình nhà Trần cũng là một triều đình Phật giáo. Từ vua đến quan và cả dân chúng, sống và làm việc theo tinh thần Phật giáo. Có thể thấy, trong phương thức giáo hóa, Trần Nhân Tông đã đạt đến một mức hoàn hảo. “Trúc Lâm đã tạo ra được một khả năng giáo hóa cho hết thảy mọi người, từ bậc thức giả đến người dân nghèo khổ nơi thôn cùng ngõ hẻm. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi Trần Nhân Tông kế thừa một cách thành công từ những gì mà các vị tiền bối đã làm được và phát triển một cách sáng tạo”[17].

Những năm cuối đời, Trần Nhân Tông dồn hết tâm sức cho việc hóa đạo và chuẩn bị nhân sự cho Giáo hội. Ông đã chọn Pháp Loa để trao truyền y bát và tâm kệ, đồng thời chọn Huyền Quang làm thị giả cho mình. Sau lễ truyền đăng cho Pháp Loa, sức khỏe của Điều Ngự suy giảm nhanh chóng. Nửa đêm ngày mồng một tháng 11, sau khi trả lời những câu hỏi của Bảo Sát xong, Điều Ngự nằm theo thế sư tử, an nhiên viên tịch, hưởng thọ 51 tuổi. Bảo Sát phụng di chúc hỏa thiêu Điều Ngự tại Ngọa Vân am. Vua Anh Tông dâng tông hiệu là Đại Thánh Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tỉnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật, cho đúc hai tượng vàng để thờ ở chùa Báo Ân tại Siêu Loại và chùa Vân Yên trên núi Yên Tử. Pháp Loa trở thành người nối pháp Trúc Lâm, là Đệ Nhị Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và là người kế vị Giáo chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sau khi Pháp Loa viên tịch, Thiền sư Huyền Quang Lý Đạo Tái trở thành Đệ Tam Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Nghiên cứu nội dung tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ta thấy nổi lên mấy điểm cơ bản:

▪ Tư tưởng “Tâm không” – cốt tủy của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đóng vai trò chủ đạo trong Phật giáo thời Trần. Trong Chân Thiền Zen, Taisen Deslimaru viết: “Thiền học là triết lý về không. Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh là tinh hoa, là “tâm” của 600 quyển kinh nói về lý không và chính nó tượng trưng cho trí tuệ tối thượng của Đức Phật”[18]. “Không” theo tinh thần Phật giáo nói chung, Thiền tông nói riêng không có nghĩa là không có gì cả, mà nó là vừa hữu vừa vô, vừa không hữu vừa không vô,… nghĩa là luôn ở trong trạng thái không đối lập, không mâu thuẫn; tức ở trạng thái vô sở trụ, vô chấp.

Các Thiền sư thời Trần quan niệm bản thể vũ trụ vốn là cái chân như (Bản thể như như chỉ tự nhiên), không tâm, không tướng, không hình, không thể nhận thấy, cũng không thể nói ra, không thể dùng ngôn từ để miêu tả, không thể dùng trí mà hiểu biết được. Nhưng nó cũng không phải là “ngoan không” (không trống vắng). Còn “Tâm” là cái bao trùm, là cái chất của vạn pháp. Vì vậy, “Phật và chúng sinh đều cùng một bản thể là tâm, tức cùng một bộ mặt (“Phật dữ chúng sinh tô nhất diện”). Khi tâm con người mở rộng, bao chứa được tâm của vạn pháp, khi đó đạt đến tâm Phật, là giác ngộ, là giải thoát”[19]. Tư tưởng này đã thể hiện rõ trong kinh Kim Cang: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” mà Huệ Năng đã sớm đắc ngộ để rồi trở thành Lục Tổ của Thiên tông.

Giải thoát là một trạng thái “Tâm không”, nghĩa là trong đó chứa đựng mọi thứ nhưng không chấp gì cả, tức trạng thái bất nhị nguyên, vong nhị kiến, từ đó mà liễu sanh tử. Trần Nhân Tông hiểu rõ triết lý “Tâm không” và thực hành ngay trong cuộc sống mà ông đang sống. Là một ông vua, một Thái thượng hoàng nhưng với tinh thần phụng sự chúng sinh, nên cũng như các bậc tiên đế, ông sẵn sàng quên mỉnh để lo cho dân, cho nước. Triết lý “Tâm không” trở thành tinh thần cốt tủy của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là tư tưởng chủ đạo của Phật giáo thời Trần. Tinh thần đó đã lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội Đại Việt thời này.

▪ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là dòng thiền mang tính thống nhất quốc gia, chi phối mạnh mẽ đời sống xã hội thời Trần. “Sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã có tác dụng cố kết các tông phái Phật giáo đương thời ở nước ta, tạo điều kiện cho Phật giáo thời Trần trở thành Phật giáo nhất tông. Đây là nét độc đáo, đóng góp to lớn của nhà Trần nói chung, của Phật giáo thời Trần nói riêng đối với lịch sử dân tộc và đối với Phật giáo Việt Nam”[20]. Trúc Lâm Yên Tử đã nhanh chóng trở thành trung tâm Phật giáo của cả nước, có sức thu hút mạnh mẽ mọi tầng lớp về đây tu học và tạo nên một sắc thái mới của nền văn hóa Việt Nam.

▪ Phật giáo thời Trần, nhất là buổi đầu thời Trần đã phát triển mạnh mẽ, thậm chí được coi là đỉnh cao của sự phát triển trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, ­các vua Trần là các đệ tử thuần thành của nhà Phật, thế nhưng, với tinh thần phóng khoáng, tự do và viên dung nhất quán của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, các nhà lãnh đạo quốc gia –Giáo hội không muốn biến đạo Phật thành tôn giáo độc tôn và chèn ép, bài xích các tôn giáo khác. Ngược lại, đạo Phật thời này đã tỏ ra rất cởi mở và bao dung đối với các giáo khác như Nho giáo và Lão giáo, thậm chí các nhà lãnh đạo quốc gia còn khuyến khích và tạo điều kiện cho Nho giáo và Lão giáo phát triển trong tinh thần viên dung tam giáo. Tinh thần đó đã được Điều Ngự Giác Hoàng nói rõ trong Cư trần lạc đạo phú:

                  “… Lo hoán cốt, ước phi thăng, đan thần mới phục;

      Nhắm trường sinh, về thượng giới thuốc thỏ còn đam,

      Sách dịch xem chơi, yêu tánh sáng yêu hơn châu báu,  

      Kinh nhàn đọc dấu, trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim” [21].

▪ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử chủ trương Thiền – Giáo đồng hành. Theo truyền thống, Thiền chủ trương giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, thế nhưng Thiền học thời này lại đặt nền tảng trên kinh điển, Thiền và Giáo không tách rời nhau, tu học luôn đồng hành. Có thể xem đây là một trong những đặc điểm cơ bản của Phật giáo thời Trần nói chung, của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng, nó tạo nên sự dung hợp, nhất quán, không xảy ra tình trạng cực đoan, cố chấp, mâu thuẫn giữa Giáo và Thiền. Đó cũng chính là cơ sở để tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.

▪ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã tạo nên cho Phật giáo thời này xu thế hướng nội sâu sắc và tinh thần nhập thế tích cực. Câu nói “Trong núi không có Phật, Phật tại tâm mình” mà Quốc sư Phù Vân chỉ ra đã được vua Trần Thái Tông lĩnh hội để rồi tạo nên một xu thế biện tâm và được Trần Nhân Tông tiếp nối, phát triển lên một bước. Tinh thần đó được thể hiện rõ nét trong Cư trần lạc đạo phú:

“Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch

Ðối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”.

(Ở đời vui đạo, hãy tùy duyên

Đói cứ ăn đi, mệt ngủ liền

Trong nhà có báu, thôi tìm kiếm

Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền).

                            (Lê Mạnh Thát dịch)[22]

Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa, nhân khuây bản nên ta tìm Bụt; đến mới hay chính Bụt là ta. Đó là Phật giáo hướng nội, lấy Tâm làm tiêu đích cho sự giải thoát. Tinh thần “Phật giáo hướng nội biện tâm là Phật giáo mang tính chất bình đẳng không phân biệt là tăng hay tục, là xuất gia hay tại gia, không phân biệt là sống giữa đời hay sống ẩn dật trong rừng, không phân biệt là tại gia hay xuất gia, tăng hay tục, chỉ cốt biện tâm. Hãy quay đầu lại, nhìn vào bên trong nội tâm, nếu có thể quay ánh sáng phản chiếu lại nội tâm mình, thì sẽ thấy được tánh mà thành Phật, tức kiến tánh thành Phật. Đây là Phật giáo của mọi người và mọi người có thể hành trì được ở bất kỳ nơi đâu, lúc nào. Đó chính là cơ sở tạo nên sức mạnh của Phật giáo – Thiền thời Trần”[23].

Quan điểm của các nhà lãnh đạo Giáo hội và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là Đạo bất viễn nhân. Đạo phải được thể nghiệm ngay trong lòng cuộc đời, không thể xa rời chúng sinh mà phải lấy lấy chúng sinh làm đối tượng phụng sự, và xem đó là môi trường thiết yếu cho sự hành Thiền. Với tinh thần đó mà các vị vua đầu thời Trần đã lấy ý muốn của nhân dân làm ý muốn của mình. Bởi vậy, khi đất nước lâm nguy, họ đã lên ngựa cầm quân ra trận, xông pha trận mạc, giết giặc để cứu nguy cho nước, cho dân. Đó là tinh thần nhập thế sâu sắc của Phật giáo thời này. Tinh thần đó đã giúp cho các ông vua – Thiền sư cũng như các vị Thiền sư khác như Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông,… đã nhập thế một cách tích cực. Các vị đã xuất thế ngay giữa cuộc đời bụi bặm và lạc đạo một cách ung dung. Có thể khẳng định rằng, tính chất nhập thế tích cực là yếu tố có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển của Phật giáo thời Trần.

▪ Thiền phái Trúc Lâm yên Tử đã thể hiện tinh thần độc lập, tự tín tự cường và tinh thần thâu hóa sáng tạo. Cùng với sự độc lập về chính trị là sự độc lập về văn hóa. Đó là yêu cầu của lịch sử đặt ra cho dân tộc ta. Vì vậy, bên cạnh những cuộc đấu tranh giữ nước mang đậm màu sắc dân tộc và tính nhân dân, nền văn hóa thời kỳ này cũng phát triển với những nét độc đáo thể hiện bản sắc dân tộc sâu sắc. “Về mặt tôn giáo, tuy có tiếp thu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa, nhưng các Thiền sư Việt Nam, đặc biệt là Tam Tổ Trúc Lâm qua thời gian đã khéo léo vận dụng, dung hợp những ảnh hưởng đó với truyền thống dân tộc để tạo nên một nền Phật giáo thống nhất và mang tính chất độc lập tự chủ”[24]. Các vị đã rút tỉa những tinh hoa từ Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa để kết tinh thành nền Phật giáo với những nét rất riêng. “Tư tưởng biện tâm của Phật giáo Việt Nam đã khiến cho các tín đồ có lòng tự tín mãnh liệt vào khả năng đắc chứng của bản thân mình, đó là một chân lý”[25]. Trần Nhân Tông từng tuyên bố rằng,

“Buông lửa giác ngộ, đốt hoại thảy rừng tà ngày trước;

Cầm kiếm trí tuệ, quét cho không tánh thức thuở nay”[26].

Đó là chân lý của cuộc đời, là triết lý nhân sinh mà không phải ai cũng ngộ được. Triết lý ấy nói lên rằng, chinh phục được tha nhân đã là mạnh – một sức mạnh hơn người, nhưng cái quan trọng hơn là tự chinh phục mình, tức vượt thắng chính mình vậy.

Có thể nói, “Quá trình thâu thái tinh hoa của những người đi trước để sắp xếp, trình bày lại cho mạch lạc, dễ hiểu và hợp với thực tiễn Việt Nam hơn, bắt đầu từ ý tưởng độc đáo của Trần Thái Tông: “Vắt đất cục thành vàng ròng cho quốc gia; khuấy sông dài thành sữa ngọt đãi Trời, Người”, và đã trở thành một trong những đặc trưng nổi bật của Phật giáo thời Trần, của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử”[27].

  1. Thay lời kết

Sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và cùng với nó là sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã tập hợp một lực lượng đông đảo tín đồ Phật giáo trong cả nước, định hướng và giáo dục họ đi theo con đường chánh pháp, góp phần xiển dương đạo Phật. Bằng những hoạt động của mình, Thiền phái Trúc Lâm đã có tác động to lớn đối với lịch sử dân tộc và Phật giáo Việt Nam, nó được kế thừa liên tục thậm chí cho đến ngày nay. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là dòng Thiền của người Việt, do người Việt sáng lập với những điểm đặc biệt về học lý và thực tiễn tu tập, nó đã đáp ứng được những yêu cầu phát triển của lịch sử dân tộc. Trúc Lâm Yên Tử đã tạo nên một tinh thần nhập thế tích cực, một tinh thần dân chủ bình đẳng trong xã hội, góp phần cố kết tòan dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên, để non sông đời đời bền vững.

Trúc Lâm Yên Tử đã để lại một di sản vật thể và phi vật thể vô cùng quý giá mà hậu thế cần ra sức bảo tồn, phát huy giá trị của nó trong đời sống xã hội ngày nay. Có thể nói rằng, tư tưởng, minh triết và sự nghiệp của Trần Nhân Tông, của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thực sự là hòn ngọc quý, một giá trị hết sức lớn lao, không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn của cả nhân loại. Vì lẽ đó, từ quyết nghị chung của hội nghị về Phật Hoàng Trần Nhân Tông tổ chức ở Hà Nội tháng 2.2012, đã đi đến thống nhất thành lập hai Viện Trần Nhân Tông tại Mỹ và Việt Nam. Viện Nghiên cứu Trần Nhân Tông của Đại học Harvard (Viện Trần Nhân Tông Academy) đã ra đời tại Boston (Hoa Kỳ) với sứ mệnh tìm hiểu về cuộc đời và ảnh hưởng của Trần Nhân Tông với hy vọng mang lại các bài học, giải pháp để ngăn ngừa và hóa giải các xung đột đương đại. Mục đích của Viện được xác định là: 1. Tổ chức nghiên cứu về Trần Nhân Tông theo chuẩn mực quốc tế, đồng thời xuất bản các kết quả nghiên cứu, các ấn phẩm về Trần Nhân Tông bằng nhiều loại hình; 2. Thúc đẩy, ứng dụng những tư tưởng nhân ái, giàu trí tuệ của Phật hoàng Trần Nhân Tông vào cuộc sống; 3. Quảng bá những giá trị tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của Trần Nhân Tông trên toàn thế giới. Nhiệm vụ chính của Viện là tổ chức Giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải và Yêu thương hang năm tại Đại học Harvard, Boston; tổ chức Hội nghị Trần Nhân Tông tại Đại học Harvard; xây dựng Viện Bảo tàng Trần Nhân Tông tại Hà Nội; và xây dựng trang web: www.trannhantong.net. Xuất phát từ nhận thức rằng, Trần Nhân Tông là biểu tượng của trí tuệ, lòng nhân ái và sự hòa giải, Viện đã thành lập Giải thưởng quốc tế mang tên “Trần Nhân Tông Hòa giải và Yêu thương” dành cho những người có đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp hòa giải, yêu thương và hướng thiện.

Tại Việt Nam, sau một thời gian chuẩn bị, ngày 01.9.2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội với sứ mệnh là “nơi từ góc độ học thuật tôn lên dòng lành mạnh, chân tu và trí tuệ của Phật giáo, góp phần phát triển tinh hoa tốt đẹp của Phật giáo mang bản sắc Việt Nam, của tư tưởng Trần Nhân Tông và văn hóa đời Trần, cũng như văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung, góp phần vào sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam mới trong thời đại toàn cầu hóa”[28]. Chức năng, nhiệm vụ chính của Viện là nghiên cứu và tư vấn chính sách về bảo tồn, phát huy các di sản, giá trị văn hóa, sự nghiệp của Trần Nhân Tông, của triều đại nhà Trần; thực hiện hoạt động đào tạo về các chuyên ngành, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có liên quan theo quy định hiện hành; tổ chức các hoạt động xã hội kết nối yêu thương, giao lưu văn hóa trong và ngoài nước để tăng cường tình hữu nghị nhân dân các nước.

Thiết nghĩ, những việc làm trên đây đã phần nào khẳng định những giá trị to lớn được tạo ra từ tư tưởng và hành trạng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông cũng như của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đối với đời sống xã hội không chỉ ở Việt Nam mà còn lan tỏa khắp toàn thế giới, từ trước đến này và mãi mãi về sau.

Tài liệu tham khảo

  1. Trương Văn Chung (1998), Tư tưởng triết học của Thiền phái Trúc Lâm đời Trần, Chính trị quốc gia.
  2. Lê Cung (CB), Trần Thuận, Hoàng Chí Hiếu (2010), Trần Nhân Tông cuộc đời và sự nghiệp, Thuận Hóa.
  3. Thích Thanh Đạt (2000), Thiền phái Trúc Lâm thời Trần, Luận án Tiến sĩ, Viện Sử học Việt Nam, Hà Nội.
  4. Nhiều tác giả (2004), Trần Nhân Tông vị vua Phật Việt Nam, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.
  5. Thích Phước Sơn (dịch và chú giải, 1995), Tam Tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành.
  6. Taisen Deslimaru (1992), Chân Thiền Zen, Ngô Thành Nhân và Trần Đình Cáo dịch, Nxb. Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh.
  7. Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Trần Nhân Tông, Tp. Hồ Chí Minh.
  8. Trần Thuận (2014), Tư tưởng Việt Nam thời Trần, Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.
  9. Trần Thuận (2001), “Tâm không” – tư tưởng chủ đạo của Phật giáo thời Trần, Tạp chí Khoa học xã hội, 4(50).
  10. Nguyễn Đăng Thục (1992), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Tập IV, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh.
  11. Thích Thanh Từ (1995), Thiền sư Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh.
  12. Viện Triết học – Nguyễn Tài Thư (Cb, 1993), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Khoa học xã hội, Hà Nội.
  13. Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, Dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  14. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (1995), Thiền học đời Trần, Hồ Chí Minh.
  15. Viện Trần Nhân Tông – ĐHQG Hà Nội, trang web http://hocvien11.demoweb.vip/

[2] Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, Dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 44. Ngoài tên gọi Trần Khâm, Kim Tiên Đồng Tử, ông còn có tên là Nhật Tôn,… Tương truyền khi mới sinh ra có tướng lạ, da màu vàng ròng nên vua Thánh Tông còn đặt tên cho ông là Kim Phật (Phật Vàng).

[3] Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Sđd, tr. 44.

[4] Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Sđd, tr. 92.

[5] Trần Thuận (2014), Tư tưởng Việt Nam thời Trần, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, tr. 144.

[6] Mặc dù ba lần tấn công xâm lược đã bị nhân dân Đại Việt đánh bại; mặc dù vua Trần Anh Tông trong giai đoạn này đã sử dụng biện pháp ngoại giao tôn giáo, sai sứ sang xin kinh Phật để tỏ lòng hoà hiếu, mong muốn thiết lập quan hệ văn hoá giữa hai nước, nhưng xem ra dã tâm xâm lược nước ta của nhà Nguyên vẫn chưa từ bỏ. Tình hình đó khiến Nhân Tông không an tâm xuất gia. Hơn nữa vua Anh Tông bấy giờ vẫn chưa đủ kinh nghiệm để đảm đương việc nước, nhất là phải đối phó với những thử thách trong và ngoài nước.

[7] Thích Phước Sơn (dịch và chú giải, 1995), Tam Tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr. 18,19.

[8] Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, tr. 73.

[9] Nhiều tác giả (2004), Trần Nhân Tông vị vua Phật Việt Nam, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, tr. 64.

[10] Nhiều tác giả (2004), Trần Nhân Tông vị vua Phật Việt Nam, Sđd, tr.65.

[11] Vũ Lâm là một trong những thung lũng đẹp thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình ngày nay. Dẫn theo Toàn tập Trần Nhân Tông, Sđd, tr. 190.

[12] Thích Phước Sơn (dịch và chú giải, 1995), Tam Tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr. 19, 20.

[13] Bấy giờ, chùa Lục Tổ là một tổ đình thuộc phái Tỳ Na Đa Lưu Chi đã mời Thiền sư Thường Chiếu thuộc phái Thiền Vô Ngôn Thông về làm trụ trì. Đây là cơ hội thuận lợi cho sự thống nhất giữa hai Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Dần dần, qua Thường Chiếu và ảnh hưởng của Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, cả ba dòng Thiền trên đã sát nhập làm một. Đến thời Trần Nhân Tông, Phật giáo Việt Nam trở thành “Phật giáo nhất tông” với sự ra đời của Thiến phái Trúc Lâm Yên Tử và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

[14] Pháp Loa (Nhị Tổ Trúc Lâm Yên Tử, người kế vị Giáo chủ) là người được vua Trần Anh Tông cấp tăng tịch đầu tiên, ông đứng ra tổ chức giáo hội và thiết lập sổ bộ tăng ni cả nước. Theo sử cũ, số tăng ni có tên trong sổ bộ chính thức đã lên tới 15.000 người. Trúc Lâm Yên Tử đã trở thành trung tâm Phật giáo Việt Nam, một nơi lý tưởng, thu hút đông đảo tăng ni trong cả nước về đây tu học và tìm đường giải thoát.

[15] Nhiều tác giả (2004), Trần Nhân Tông vị vua Phật Việt Nam, Sđd, tr. 49 – 50.

[16] Thích Phước Sơn (dịch và chú giải, 1995), Tam Tổ thực lục, Sđd, tr. 20,

[17] Lê Cung (Cb), Trần Thuận, Hoàng Chí Hiếu (2010), Trần Nhân Tông cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Thuận Hóa, tr. 202.

[18] Taisen Deslimaru (1992), Chân Thiền Zen, Ngô Thành Nhân và Trần Đình Cáo dịch, Nxb. Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 66.

[19] Trần Thuận (2014), Tư tưởng Việt Nam thời Trần, Sđd, tr. 152.

[20] Lê Cung (Cb), Trần Thuận, Hoàng Chí Hiếu (2010), Trần Nhân Tông cuộc đời và sự nghiệp, Sđd, tr. 202.

[21] Thích Thanh Từ (1995), Thiền sư Việt Nam, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, tr. 331.

[22] Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Trần Nhân Tông, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, tr. 414.

[23] Lê Cung (Cb), Trần Thuận, Hoàng Chí Hiếu (2010), Trần Nhân Tông cuộc đời và sự nghiệp, Sđd, tr. 221.

[24] Lê Cung (Cb), Trần Thuận, Hoàng Chí Hiếu (2010), Trần Nhân Tông cuộc đời và sự nghiệp, Sđd, tr. 223

[25] Lê Cung (Cb), Trần Thuận, Hoàng Chí Hiếu (2010), Trần Nhân Tông cuộc đời và sự nghiệp, Sđd, tr. 223.

[26] Trần Nhân Tông, Cư trần lạc đạo phú, hội thứ 7. Nguồn: Lê Mạnh Thát (2002), Toàn tập Trần Nhân Tông, tr. 400 – 418.

[27] Lê Cung (Cb), Trần Thuận, Hoàng Chí Hiếu (2010), Trần Nhân Tông cuộc đời và sự nghiệp, Sđd, tr. 221.

[28] Trích “Sứ mệnh của Viện Trần Nhân Tông”, đăng trên trang web của Viện Trần Nhân Tông – Đại học Quốc gia Hà Nội, http://hocvien11.demoweb.vip/.

Từ khóa » Sự Ra đời Của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử