Thông điệp Bác Hồ Trên đỉnh Núi Báo Đông - Tuổi Trẻ Online

Thông điệp Bác Hồ trên đỉnh núi Báo Đông - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ở mặt trận Đông Khê - Ảnh: VŨ NĂNG AN

Chiến dịch Biên giới là chiến dịch đầu tiên, cũng là chiến dịch duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo, động viên quân và dân chiến đấu…

70 năm sau, chúng tôi tìm về ngọn núi ngày xưa, tìm lên đỉnh cao của đài quan sát để cận cảnh hơn với một huyền thoại.

“Chống gậy lên non xem trận địa…”

Đưa tay lần theo hai vạch kẻ màu đỏ và vàng trên tấm bản đồ Cao Bằng chỉ hành trình tham gia Chiến dịch Biên giới (1950) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh Trương Cao Dũng, cán bộ Nhà trưng bày chiến thắng Đông Khê, nói:

Để chỉ huy chiến dịch này, Bác đã từ Bắc Kạn qua Phia Đén (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) rồi xuyên suốt Cao Bằng qua các huyện Nguyên Bình, Hòa An, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Phục Hòa đến Thạch An để tiếp cận chiến trường.

Thông điệp Bác Hồ trên đỉnh núi Báo Đông - Ảnh 2.

Thắng rồi, Bác đã ra ngay vùng đất vừa giải phóng, tiếp tục một hành trình về Lam Sơn (Hòa An) để tổng kết chiến dịch. Ngày nay với quãng đường đó, đi xe ôtô đã gian nan, huống nữa là 70 năm trước còn vất vả thế nào.

Để đến đây, chúng tôi mới chỉ trải nghiệm được một phần hành trình ấy...

Xuất phát sớm từ Hà Nội, men theo tuyến đường biên giới từ Lạng Sơn qua Cao Bằng và bằng “Google map”, đầu giờ chiều chúng tôi xác định được vị trí của khu vực núi Báo Đông thuộc xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.

Nguyện, hướng dẫn viên khu di tích Chiến thắng Chiến dịch Biên giới 1950, nhìn chúng tôi và tỏ ra ái ngại: “Không biết các anh có đủ sức leo lên đỉnh và xuống kịp không”. Mấy anh em chúng tôi đồng thanh: “Không lên được đỉnh núi ấy thì làm sao cảm được câu chuyện này”.

846 bậc đá cao và dốc, gần đến đỉnh cao độ 500m, một hang đá hiện ra. Đó là “Ngườm Cuông” - hang Cuông theo cách gọi của đồng bào Tày Nùng. Chui qua vòm hang, qua phía bên kia vách núi, một khoảng không gian mênh mông mở ra.

Ngay trước cửa hang, tấm bia đá khắc bài thơ Đăng sơn được Bác viết trong chính ngày lên đỉnh núi quan sát và chỉ huy trận địa. Từ vị trí đặt tấm bia, men theo sườn núi cheo leo hiểm trở thêm vài trăm bậc đá nữa mới có thể tiếp cận được đài quan sát ngày xưa.

Một cụm tượng đài được tái hiện đúng theo từng chi tiết trong bức ảnh: Bác ngồi giữa, người cầm điện thoại là chiến sĩ tên Minh, trưởng đài quan sát Phạm Chước (Phạm Bá Kiên) đang cầm ống nhòm, đội trưởng đội cận vệ Võ Viết Định; ngồi bên cạnh Bác, phía sau là ba chiến sĩ của đài quan sát.

Thiếu tướng tình báo Cao Pha, thời điểm đó là trưởng ban quân báo của Chiến dịch Biên giới 1950, kể lại: “Anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã chỉ đạo cho ban quân báo mặt trận đưa Bác lên đài quan sát.

Hôm sau, Bác đến sở chỉ huy dưới chân núi, trưởng đài quan sát Phạm Chước được lệnh dẫn đường đưa Bác lên”. Thú thật sau gần 70 năm, đường đi có bậc đá mà chúng tôi cảm giác tức ngực khi leo lên đây, thì ngày ấy đường lên núi còn gian nan đến đâu?

Trưởng đài quan sát mặt trận Đông Khê, ông Phạm Chước nhớ về sự kiện ấy: “Lúc đó vào khoảng 10 giờ sáng, cuối thu năm 1950, trên đài quan sát mặt trận Đông Khê, bốn chiến sĩ trinh sát chúng tôi đang khẩn trương làm việc thì từ đầu dây liên lạc bên kia vang lên giọng nói chắc gọn của đồng chí Cao Pha, cục phó Cục Quân báo.

“Đồng chí Chước, về ngay chỉ huy sở, có việc cần!”. Tôi nhanh chóng bàn giao công việc cho anh em, rồi vừa đi vừa chạy như bay về Sở chỉ huy mặt trận.

Vừa về tới phòng tác chiến, tôi đứng nghiêm, giơ tay chào và hết sức bất ngờ nhìn thấy Bác Hồ đang cùng với đồng chí Đại tướng - Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, các đồng chí cục trưởng Cục Tác chiến, Cục Hậu cần, Cục Binh vận và Cục Quân báo, ngồi xung quanh một cái bàn lớn ở giữa phòng, trên bàn có trải tấm bản đồ.

Sau khi trao đổi tình hình, Bác xem đồng hồ, đứng dậy và hướng về phía tôi, nói:

- Đến giờ rồi, ta đi thôi! Chú là chủ, mời chú đi trước.

Ra khỏi Sở chỉ huy mặt trận độ mười bước, Bác trùm thêm một chiếc khăn mặt bông to đã cũ lên đầu rồi lấy kim băng cài lại để che kín bộ râu.

- Thưa Bác, sắp phải leo lên núi đá tai mèo rồi, Bác cởi dép đưa cháu cầm.

- Không cần, chú cứ để mặc Bác. Người vừa huơ tay, vừa nói như vậy. Rồi Bác cúi xuống cầm dép lên nhét vào thắt lưng...”.

Chi tiết Bác tự cầm dép nhét vào thắt lưng để tự leo trong hồi ức của ông Phạm Chước sinh động quá khiến chúng tôi muốn tìm gặp thêm các chứng nhân chiến dịch 70 năm trước nay đã rất hiếm hoi. Một trong số đó là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam - La Văn Cầu.

Thông điệp Bác Hồ trên đỉnh núi Báo Đông - Ảnh 3.

Ông La Văn Cầu và tấm ảnh chụp cùng Bác Hồ ở Đại hội chiến sĩ thi đua lần 1-1952 - Ảnh: NAM TRẦN

“Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy”

Câu chuyện anh La Văn Cầu bị thương khi xông lên, nhờ đồng đội dùng lưỡi lê cắt cánh tay bị thương dính lủng lẳng để tiếp tục chiến đấu, nhiều thế hệ học trò đã học trong sách giáo khoa.

Giờ đây, khi gặp anh hùng La Văn Cầu bằng xương bằng thịt trong căn hộ nhỏ trên phố Tây Sơn, chúng tôi càng hiểu vì sao sự có mặt của Bác Hồ giữa chiến trường ngày ấy đã truyền thêm sức mạnh cho quân dân tham gia chiến dịch như thế nào.

“Tôi là người dân tộc Tày, sinh năm 1931, ở Trùng Khánh, Cao Bằng” - ở tuổi 88, một trong số bốn Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên của quân đội tiếp chuyện chúng tôi mở đầu với phong cách rất “quân sự” như thế - “Tôi tham gia 2 chiến dịch lớn với tổng cộng hơn 25 trận đánh, trong đó trận đánh đồn Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới thu - đông từ ngày 16 đến 18-9-1950 đáng nhớ nhất. Cánh tay phải của tôi vĩnh viễn nằm lại chiến trường Đông Khê”.

Thông điệp Bác Hồ trên đỉnh núi Báo Đông - Ảnh 4.

Bia khắc bài thơ “Lên núi” trên đỉnh Báo Đông - Ảnh: NGỌC QUY

Trận đánh của 70 năm trước dường như vẫn mồn một trong trí nhớ: “Bác Hồ, bác Giáp thật tài tình. Thời điểm năm 1950, quân Pháp ở Cao Bằng có một binh đoàn với khoảng 4.000 quân, bên Lạng Sơn cũng có một binh đoàn với quân số tương tự, vũ khí hơn hẳn ta.

Vậy làm sao có thể đánh địch mà giải phóng Cao Bằng, Lạng Sơn được. Chính Bác đã chỉ ra kế đánh địch là “điệu hổ ly sơn”. Bác bảo con hổ chỉ mạnh trong rừng, còn ra ngoài không còn uy lực nữa. Quân địch cũng thế, mình phải chọn vị trí thuận lợi để đánh - đó là cứ điểm Đông Khê, nơi giáp ranh giữa Cao Bằng và Lạng Sơn.

Đánh Đông Khê thì địch từ Lạng Sơn sẽ phải kéo lên giải cứu, địch từ Cao Bằng cũng phải kéo xuống tiếp viện… Bác Hồ bảo đánh Đông Khê là vừa sức mình, lại hợp với cách đánh du kích, mình từ trên cao đánh xuống dễ thắng hơn.

Để khích lệ, động viên trước ngày đánh đồn Đông Khê, Bác Hồ đã có thư gửi toàn thể chiến sĩ tướng lĩnh, động viên rằng trận đánh này rất quan trọng, trận mở màn Chiến dịch Biên giới để giải phóng Lạng Sơn, Cao Bằng ta phải đánh cho kỳ thắng, không được phép thua”.

“6 giờ sáng 16-9-1950, chiến dịch bắt đầu. Tôi nằm trong biên chế trung đội bộc phá gồm 25 người, chúng tôi chia làm năm tổ và tôi là tổ trưởng. Mỗi tổ có những nhiệm vụ đánh bằng bộc phá vào các mục tiêu khác nhau nhưng tổ tôi nặng nhất, tổ bộc phá phá lô cốt, với những khối bộc phá nặng từ 12 đến 24kg.

Tối 15-9, tổ chúng tôi năm người được lệnh ốp bộc phá đánh đồn. Hai người đầu lên thì hi sinh, còn ba người thì hết hai người bị thương nên tôi ôm bộc phá tiếp cận lô cốt. Nhưng gần tới lô cốt, đạn bắn trúng cánh tay phải và má phải của tôi, lúc đó tưởng chết. Khi tỉnh lại, một bên mình đã tê đi, cánh tay phải lủng lẳng.

Tôi vùng dậy tìm khối bộc phá. Nghĩ mình đã bị thương, có thể sẽ chết nên phải chết cho có ích. Vì thế, tôi dùng cánh tay còn lại ôm bộc phá xông lên. Cánh tay phải lủng lẳng đập vào cây, vào rào thép gai đau điếng.

Trung đội trưởng Nông Văn Phiêu kéo tôi lại, bảo về tuyến sau. Tôi bảo trung đội trưởng: Anh chặt cánh tay hộ tôi, đằng nào tôi cũng hi sinh. Trung đội trưởng không can được tôi nên quay mặt dùng lưỡi lê chặt đứt cánh tay tôi rồi bó lại”.

Tổng kết Chiến dịch Biên giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương chiến sĩ trẻ La Văn Cầu là một trong những “lá cờ đầu”. Tháng 5-1951, La Văn Cầu được Bác Hồ mời về chiến khu Việt Bắc.

Năm 1952, cùng với liệt sĩ Cù Chính Lan, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Thị Chiên, chiến sĩ La Văn Cầu, 21 tuổi, trở thành một trong bốn Anh hùng quân đội đầu tiên của cả nước. Đến tuổi 88, anh hùng La Văn Cầu vẫn được chọn để trao Giải thưởng “10 gương mặt công dân ưu tú của thủ đô năm 2019”.

Lần theo hành trình của một lãnh tụ có mặt tại tuyến đầu chiến dịch lớn từ 70 năm trước, để hiểu hơn khát vọng Người gửi lại hôm nay.

Thẳng từ biên giới

bac nghi chan tren duong di chien dich bien gioi- anh vu nang an ok

Bác Hồ nghỉ chân trên đường đi Chiến dịch Biên giới 1950 - Ảnh: VŨ NĂNG AN

Mới đây, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã tìm được bản thảo của bút ký “Thẳng từ biên giới” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng về chiến dịch này. Trong những trang ký sự âm vang hào khí của những năm kháng Pháp, hình ảnh Bác Hồ hiện ra ở một góc khác, thật gần gũi, rung động, tin cậy: “Hồ Chủ tịch cũng lên thăm mặt trận.

Câu chuyện trao đi, đổi lại: Bác đi từ dưới ấy lên có tám ngày cả thảy. Bác đi bộ... Bác đi đất, lúc nào gặp chỗ có đá nhọn mới xỏ dép, đến chỗ dễ đi lại cho dép vào balô... Bác đem cả chiếu. Bác cũng đeo gạo”, “Bác đi bộ tới giữa lúc các chú không ngờ… Bác không đứng trên diễn đàn. Bác đi thẳng xuống bãi cỏ. Bác không đội mũ. Mặt Bác xạm phong trần. Đầu hoa râm đã bạc nhiều”...

bác hồ & tướng giáp nghỉ chân trên đường ra mặt trận biên giới 1950

Bác Hồ và tướng Giáp nghỉ chân trên đường ra mặt trận biên giới 1950 - Ảnh: VŨ NĂNG AN

Chuyện chưa kể về bản Di chúc và những kỷ vật đặc biệt của Bác Hồ Chuyện chưa kể về bản Di chúc và những kỷ vật đặc biệt của Bác Hồ

TTO - 50 năm Bác để lại cho đời những lời minh triết trong bản Di chúc cũng là 50 năm bao thế hệ người Việt nối tiếp nhau đón nhận và lan tỏa những yêu thương vô vàn Người để lại cho đời.

Từ khóa » Bài Thơ Chống Gậy Lên Non Xem Trận địa