Thực Hiện Nghiêm Các Giải Pháp Tăng Cường Kỷ Luật, Kỷ Cương Trong ...

Tại Kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà khẳng định: Chính phủ và Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã có báo cáo quyết toán NSNN năm 2020 và kiểm toán quyết toán NSNN năm 2020 gửi Quốc hội. Tuy nhiên, các báo cáo gửi chậm so với thời gian quy định, làm ảnh hưởng tới công tác thẩm tra, rà soát thông tin, số liệu của các cơ quan Quốc hội.

Về lập, chấp hành dự toán, công tác quyết toán NSNN năm 2020, với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nhiều bộ, ngành, địa phương đã phấn đấu chấp hành tốt dự toán và công tác quyết toán NSNN. Uỷ ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với các đánh giá về những khó khăn và kết quả đạt được nêu trong Báo cáo Quyết toán NSNN năm 2020 của Chính phủ. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, báo cáo của KTNN còn nêu nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác lập, chấp hành dự toán, thẩm định quyết toán NSNN năm 2020 tại một số bộ, ngành, địa phương.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý cụ thể đối với tổ chức, cá nhân nhiều năm vi phạm trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN; thực hiện nghiêm các giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng NSNN theo đúng các Nghị quyết của Quốc hội.

Đề cập về Quyết toán thu NSNN năm 2020, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà nhấn mạnh: Trong bối cảnh tình hình hết sức khó khăn do tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, kết quả thu NSNN năm 2020 đạt xấp xỉ dự toán (bằng 98,1%), thể hiện rõ sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh các kết quả đạt được, trong thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2020 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần quan tâm lưu ý, như: Thu ngân sách Trung ương không đạt dự toán, chỉ chiếm gần 52,1% tổng thu NSNN, thấp hơn mục tiêu đề ra (60-65%), giảm dần vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương; Huy động từ thuế, phí chỉ đạt 19,1% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra là 21% GDP; Công tác lập dự toán thu tiền sử dụng đất của các địa phương nhiều năm không sát khả năng thu, thấp hơn nhiều so với thực hiện năm trước.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có đánh giá, làm rõ các tồn tại, hạn chế nêu trên, đặc biệt đối với công tác lập dự toán thu tiền sử dụng đất hàng năm không sát, dẫn đến vượt thu lớn, nên xây dựng, cân đối không đầy đủ các khoản vượt thu này, dẫn đến bị động trong quản lý, điều hành kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm, không phát huy được hết hiệu quả đầu tư từ nguồn thu này.

Về quyết toán chi NSNN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, quản lý, điều hành chi NSNN năm 2020 đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ trọng chi thường xuyên sau quyết toán chỉ gần 59,3% tổng chi NSNN (dự toán là 62,91%), cho thấy sự nỗ lực rất lớn trong tiết kiệm chi tiêu thường xuyên. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực, trong quản lý chi tiêu NSNN cũng còn một số tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm, nhưng chưa được khắc phục triệt để, trong đó đề nghị lưu ý, làm rõ một số một số nội dung:

Về chi đầu tư phát triển: Năm 2020, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN đạt mức cao nhất trong 5 năm 2016-2020. Tuy nhiên, Báo cáo KTNN nêu vẫn còn các vi phạm trong phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn này nhiều năm chậm được khắc phục. Đề nghị Chính phủ, KTNN tiếp tục rà soát, kiểm tra, đối chiếu các số liệu quyết toán của các cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp phát hiện quyết toán các khoản chi phân bổ, quản lý, sử dụng không đúng quy định yêu cầu cắt giảm, hủy bỏ, thu hồi về NSNN và xử lý trong quyết toán NSNN năm 2021 theo quy định tại Điều 73 Luật Ngân sách Nhà nước.

Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp.

Ngoài ra, công tác quyết toán các dự án hoàn thành còn chậm, số dự án không đảm bảo thời gian thẩm tra, phê duyệt, chậm lập hồ sơ quyết toán còn lớn (chiếm 10,8% dự án hoàn thành); số dư tạm ứng chưa thu hồi thuộc kế hoạch vốn năm 2020 nguồn ngân sách Trung ương của các bộ, cơ quan trung ương rất lớn (chiếm 22,2% số vốn kế hoạch và chiếm gần 27% số vốn giải ngân). Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện quyết toán các dự án hoàn thành; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thanh, quyết toán số vốn tạm ứng theo chế độ chưa có khối lượng thực hiện và chưa đủ thủ tục quyết toán.

Về chi trả nợ lãi: Quyết toán chi trả nợ lãi năm 2020 bằng 90,1% dự toán điều chỉnh. Trong nhiều năm liên tục, việc xác định dự toán chi trả nợ lãi đều cao hơn mức thực hiện, cho thấy công tác lập dự toán chi đầu tư, xác định bội chi, vay bù đắp bội chi chưa sát tình hình thực tế. Đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng trong xây dựng dự toán bảo đảm sát nhu cầu và khả năng thực hiện để có căn cứ xác định mức bội chi, chi trả lãi phù hợp, giảm mức vay bù đắp bội chi, chuyển nguồn quá lớn, giảm chi phí trả nợ các năm sau.

Về chi thường xuyên: Trong năm 2020, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để cắt giảm chi thường xuyên. Nhờ đó tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, trong quản lý chi tiêu thường xuyên tại một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội quan trọng chưa triển khai kịp thời trong năm; chi chuyển nguồn, hủy bỏ dự toán chi thường xuyên còn lớn,... Đề nghị Chính phủ đánh giá, làm rõ các tồn tại, hạn chế này.

Về số quyết toán chi thường xuyên: Qua rà soát các báo cáo kinh tế Nhà nước, có một số nội dung chi thường xuyên trong năm 2020 không đúng quy định hoặc chưa tổng hợp đầy đủ hồ sơ theo quy định.

Về việc phân bổ sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương: Theo báo cáo của KTNN, còn một số tồn tại, hạn chế phân bổ, giải ngân chi đầu tư phát triển nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 tại một số địa phương. Đề nghị Chính phủ chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc quản lý, phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương trong thời gian tới.

Về chi chuyển nguồn NSNN: Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN; giảm mạnh chuyển nguồn, kết dư ngân sách địa phương. Tuy nhiên, số chi chuyển nguồn năm 2020 tiếp tục khá lớn, tăng cao hơn năm trước. Với số chi chuyển nguồn và số kết dư ngân sách địa phương năm 2020 quá lớn, gấp hơn 1,8 lần tổng mức vay của NSNN năm 2020, đề nghị Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc lập, chấp hành dự toán NSNN không nghiêm, dẫn đến chuyển nguồn lớn. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, KTNN tiếp tục rà soát thông tin, số liệu chuyển nguồn, trong đó đặc biệt lưu ý đối với số chuyển nguồn chi đầu tư, chỉ được chuyển nguồn số vốn kế hoạch đầu tư năm 2019, 2020 và các khoản chi đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép kéo dài sang năm 2021 và các năm sau; thu hồi toàn bộ số vốn chuyển nguồn kế hoạch vốn đầu tư năm 2018 trở về trước và các khoản chuyển nguồn không đúng quy định khác theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước.

Về bội chi NSNN và các khoản vay bù đắp bội chi NSNN: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, Chính phủ đề xuất quyết toán bội chi NSNN năm 2020 thấp hơn nhiều so với mức bội chi được Quốc hội phê chuẩn. Đề nghị Chính phủ cần rút kinh nghiệm trong việc đánh giá ước tình hình thực hiện thu, chi NSNN năm 2020, khi chỉ còn 2 tháng kết thúc niên độ NSNN vẫn đề xuất Quốc hội điều chỉnh tăng bội chi ngân sách Trung ương, nhưng thực tế thực hiện thấp hơn dự toán ban đầu. Đồng thời, đề nghị tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đối chiếu thông tin, số liệu ngân quỹ, tránh trường hợp hết niên độ quyết toán NSNN năm 2020 vẫn còn để sai sót, phải đề nghị giảm số liệu bội chi, vay bù đắp bội chi ngân sách Trung ương so với số liệu Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 143/BC-CP; quản lý chặt chẽ các khoản vốn vay; các khoản tạm ứng và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để giảm bội chi ngân sách Trung ương, vay trả nợ Chính phủ và giảm chi phí trả lãi vay.

Về thực hiện các kiến nghị của KTNN: Năm 2020, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện 70,8% số kiến nghị liên quan đến tài chính năm 2019, cao hơn so với năm trước (đạt 68,3%); nhưng mới chỉ xử lý thêm được 12,5% số kiến nghị của KTNN liên quan đến xử lý tài chính đối với niên độ NSNN năm 2018 trở về trước chưa thực hiện; vẫn còn 70/103 kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đang triển khai thực hiện

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN, trong đó làm rõ các kiến nghị không có khả năng thực hiện do các đơn vị được kiểm toán không còn hoạt động hoặc dừng hoạt động,… Đề nghị KTNN xem xét, có ý kiến phản hồi chính thức đối với các kiến nghị chưa thống nhất, đang trong quá trình giải trình để xử lý dứt điểm các kiến nghị này.

Trên cơ sở phân tích tại báo cáo thẩm tra đầy đủ, đề nghị Quốc hội cho phép quyết toán đối với một số khoản chi chưa đúng quy định, gồm: nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế - đường sắt của Bộ Giao thông Vận tải chỉnh lý, thẩm định, tổng hợp quyết toán chậm, không đúng thời gian quy định của Luật NSNN.

Số sử dụng sai nguồn đầu tư (từ nguồn thu tiền sử dụng đất và thu xổ số kiến thiết) đã bố trí tăng chi thường xuyên theo số liệu các địa phương đã phê chuẩn quyết toán; yêu cầu các địa phương trong dự toán và quyết toán ngân sách địa phương các năm sau bố trí hoàn trả đủ số thu tiền sử dụng đất và thu xổ số kiến thiết đã chi thường xuyên để bố trí thực hiện các nhiệm vụ chi đầu tư theo đúng quy định. Chuyển nguồn số tiền dự phòng ngân sách Trung ương năm 2019 sang năm 2021 theo số thực giải ngân đến ngày 31/12/2021; hủy bỏ số vốn chưa giải ngân để giảm bội chi ngân sách Trung ương theo số tương ứng.

Ngoài ra, đối với các số liệu thu, chi NSNN, chuyển nguồn, bội chi NSNN còn lại đề nghị Quốc hội cho phép quyết toán theo số liệu đề xuất của Chính phủ và KTNN. Chính phủ, KTNN chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo bảo đảm tính chính xác, đúng quy định pháp luật đủ điều kiện quyết toán; đồng thời tiếp tục tổ chức rà soát, kiểm tra các số liệu quyết toán này. Trường hợp phát hiện vi phạm yêu cầu xuất toán, giảm bội chi, tăng chi trả nợ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương hoặc tăng kết dư ngân sách địa phương trong quyết toán NSNN năm 2021 theo quy định tại Điều 73 Luật Ngân sách Nhà nước./.

Từ khóa » Sử Dụng Dự Phòng Ngân Sách Nhà Nước