Tiểu Luận Về Bát Chánh Đạo | Chanh Minh TK

Các học giả nghiên cứu Phật học đều công nhận:

“Kinh Chuyển Pháp Luân là bản tuyên ngôn, đăng quang ngôi vị Pháp Vương của Đức Thế Tôn”.

Trước thởi Đức Phật, người có trí đều nhận thức được sự khổ (dukkha), nhưng từ đâu sự khổ được sinh ra?

Đa số đều cho là do “Thượng đế định đặt” hay do “nhân sinh loại (abhijāti) tác thành”, một số tiến bộ hơn  cho là: “Do nghiệp quá khứ”, như giáo phái Nigaṇṭha Nātaputta.

“Phàm cảm giác gì con người lãnh thọ, lạc thọ, khổ thọ hay bất lạc bất khổ thọ, tất cả đều do nhân nghhiệp quá khứ.”[1]

Đức Phật bác bỏ những quan niệm “về nhân sinh khổ ở trên”. Với quan niệm “do nhân Tạo hóa” thì “những người đang đau khổ, những người này có một Tạo hóa ác độc”. Với quan niệm “do sinh loại “ thì những người đang đau khổ, họ có một ác sinh loại. Với quan niệm “do nghiệp quá khứ” thì những người đang đau khổ, họ đã tạo một ác nghiệp. Nhưng làm thế nào họ có thể biết được những điều trên? Hay tất cả chỉ do suy luận, tưởng tượng mà hình thành? Một vấn đề thật tế nhị và thâm diệu.

Đức Phật tuyên bố: “Nguyên nhân sinh khổ chính là Ái dục (Taṅhā)”, lời tuyên bố này như tiếng sấm nổ giữa trời quang trong sáng.

Taṅhā jāyati soko Taṅhā jāyati bhayaṃ Taṅhā ya vippamuttassa Natthi soko kuto bhayaṃ

Ái sinh sầu muộn Ái sinh lo sợ Thoát ra khỏi Ái Không còn sầu muộn Từ đâu có sợ.[2]

Có sự khổ, muốn thoát ra khổ là ý nghĩ đúng, là nguyện vọng chính đáng, hợp lý. Nhưng phương án nào để diệt triệt để sự khổ lại là vấn đề thiết yếu.

Trước thời Đức Phật có nhiều quan niệm về “giải thoát khổ”, tựu trung có năm phương án:

–     Thọ hưởng dục lạc là giải thoát khổ. –     Lạc Sơ thiền là giải thoát khổ . –     Lạc Nhị thiền là giải thoát khổ. –     Lạc Tam thiền là giải thoát khổ . –     Lạc Tứ thiền là giải thoát khổ.

Có thể nói, quan điểm “lạc Tứ thiền” là đỉnh cao lúc bấy giờ, dường như không còn phương án nào tuyệt diệu hơn, tâm đã lìa bỏ khổ – lạc có từ trước, an nhiên tự tại trước hạnh phúc lẫn đau khổ của trần đời.

Nhưng: “Bát chánh đạo, con đường đưa đến thoát khổ” được Đức Thế Tôn tuyên thuyết. Giữa trời trong quang đảng lại thêm tiếng sấm nổ vang.

Hai tiếng sấm động, đánh thức tỉnh triều tâm đang chìm sâu trong giấc ngủ vô minh.

“Hãy thức giấc để nhìn ra sự thật, hãy thức giấc để nhìn ra sự thật”.

Và ánh sáng chân lý chợt rực sáng trong tâm Ngài Koṇḍañña:

“Aññāsi vatabho Koṇḍañño aññāsi vata bho Kondañño: Kiều Trần Như đã thấy pháp, Kiều Trần Như đã thấy pháp”.[3]

Đó cũng là tiếng reo hoan hỷ của Đấng Đại Bi, khi thấy trần gian này thêm một chúng sanh lìa xa khổ ải, đang thể nhập vào dòng nước Thánh, trôi xuôi về đại dương giải thoát, tịch tịnh ngàn đời.

Bát Chánh Đạo hay Bát Thánh Đạo?

Dĩ nhiên có hai phạm trù, người nếm được hương vị giải thoát đó là Thánh đạo, chưa nếm hương vị giải thoát nhưng biết rõ con đường dẫn đến giải thoát là chánh đạo.

Chánh đạo bao gồm cho cả phàm nhân lẫn Thánh, còn Thánh đạo chỉ dành riêng cho những ai đã đi qua lộ trình này.đã đến nơi an lạc tối thượng là Nípbàn:

“Nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ : Nípbàn là hạnh phúc tối thượng”.

Con đường Chánh gồm có tám nhánh hay ba thành phần: Giới – Định – Tuệ. Ngắn gọn là thế nhưng thâm sâu, vi diệu lạ thường.

Trước khi yết kiến Đức Thế Tôn, Bàlamôn Soṇadaṇḍa đã hiểu: “Nơi nào có giới hạnh nơi đó có trí tuệ, nơi nào có trí tuệ nơi đó có giới hạnh”.[4]

Nhưng: Thế nào là giới hạnh? Thế nào là trí tuệ? Trước câu hỏi của Đức Thế Tôn, Bàla môn Soṇadaṇḍa đành thú nhận “không biết rõ”.

Trở lại đoạn kinh văn trước đó, Bàlamôn Soṇadaṇḍa có nêu lên năm giới, khi nói về thanh niên Angaka, đệ tử của mình, giờ đây trước câu hỏi “thế nào là giới?”, ông lại phân vân.

Rõ ràng 5 giới chỉ là thông tục giới hay thế gian giới (lokasīla), chưa phải là giới hạnh bậc thánh, năm giới chỉ là nền tảng ban đầu để tiến sâu vào giới luật bậc Thánh, năm giới  chỉ là quy luật cơ bản để từ đó tìm ra những phương án đạo đức tốt nhất, nhằm mục đích giải quyết bài toán “ra khỏi vòng sinh tử”.

Và Đức Thế Tôn đã giải thích về Giới luật bậc Thánh với nhiều chi tiết. [5] “Giới luật bậc Thánh” có thể tóm gọn trong kệ ngôn:

“Sabba pāpassa akaranaṃ : Không làm mọi điều ác (xấu).”

Giải đáp câu hỏi: “Thế nào là trí tuệ?.

Đức Thế Tôn giải thích: “Chứng đắc Tứ thiền, thành tựu Thắng trí (abhiññāṇa), thành đạt bốn Thánh quả” như vậy là trí tuệ.[6]

Trí tuệ ở đây ám chỉ trí thực chứng và bao hàm cả định. Giới năng sinh định – Định năng sinh tuệ.

Nhưng Giới – Định – Tuệ là ba hay một?

“Đối với vị chánh kiến, chánh tư duy sinh. Đối với vị chánh tư duy, chánh ngữ sinh… Đối với vị chánh niệm, chánh định sinh”[7].

Và: “Này các Tỳ khưu, Tỳ khưu tu tập Chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn kiến, hướng đến từ bỏ… tu tập Chánh địnhliên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn kiến, hướng đến từ bỏ.”[8]

Hai đoạn kinh văn trên cho thấy: Giới – định – tuệ chỉ là một, vì rằng : Tuy chánh tư duy sinh từ chánh kiến, chánh ngữ sinh từ chánh tư duy…nhưng chẳng phải trước sau mà là “đồng sinh”, tuy một nhưng là ba, như nói: “Người có ba phần: Đầu,mình và tay chân”. Đoạn kinh văn thứ hai cho thấy “duy nhất chỉ có một mục đích”.

Con đường có tám nhánh, tuy là tám nhưng chỉ là một, tuy là một nhưng lại là tám.Ví như tám sợi dây kết xoắn vào nhau trở thành một (sợi dây).

Đó là ý nghĩa “con đường duy nhất: Ekāyano maggo”. Chỉ duy nhất có một  mục đích “thoát khổ”.

Về chữ Chánh (sammā) trong bát chánh đạo.

Trong bát chánh đạo, chữ Chánh không phải chỉ mang ý nghĩa “đúng” theo thường tình, “đúng tương đối”mà là “như thật”, là “đúng tuyệt đối”.

Cụ thể đúng như thế nào?  Đó là “thực tướng của hữu vi lẫn vô vi”, hữu vi có tam tướng: Vô thường, khổ, vô ngã, còn Vô vi (Nípbàn) hoàn toàn vắng lặng pháp hữu vi, rỗng không (suññata – một tên gọi khác của vô ngã tướng).

Phàm nhân vẫn thấy được tam tướng của hữu vi pháp, nhưng chưa xuyên sốt tam tám, trái lại bậc Thánh xuyên suốt tam tướng, chứng đạt thực tướng của pháp vô vi (asaṅkhāra dhamma). Và phàm nhân có chánh đạo chưa có Thánh đạo, bậc Thánh có chánh lẫn Thánh đạo.

Trong kinh Đại Niệm Xứ, trong cả bốn phần: niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp, Đức Phật chỉ dạy:

“Vā pan’assa sati paccupaṭṭhitā hoti yā vadeva ñāṇa – mattayā patissati – mattayā.

Vị ấy sống an trú niệm (hiện tại) như vậy, và hy vọng hướng đến trí, hướng đến niệm”.

Đức Phật chỉ dùng sati (niệm), Ngài không dùng sammāsati (chánh niệm).

Vì sao? Vì giai đoạn đầu hành giả chưa thấy được tam tướng, chỉ là sự “ghi nhận (niệm) danh sắc hay chế định (paññatti) mà thôi”. Còn chánh niệm trong bát chánh đạo là “hành giả đã ghi nhận được tam tướng”.

Khéo quán xét, chúng ta sẽ thấy “an trú niệm hiện tại, hướng đến trí, hướng đến niệm”. Rõ ràng, với niêm ban đầu sẽ hướng đến trí “thấy được tam tướng”, hướng đến niệm “ghi nhận được tam tướng”.

Lại nữa, đối với bốn tầng thiền sắc lẫn thiền vô sắc, chỉ là “đúng”, nhưng “đúng như thật” thì:

“Này các Tỳ khưu, thế nào là con đường đưa đến vô vi?.

– Không định, này các Tỳ khưu là con đường đưa đến vô vi.

– Vô tướng định, này các Tỳ khưu là con đường đưa đến vô vi.

– Vô nguyện định, này các Tỳ khưu là con đường đưa đến vô vi.[9]

Định không tánh là định trong tướng vô ngã.

Định vô tướng là định trong tướng vô thường.

Định vô nguyện là định trong tướng khổ.

Định hiệp thế (bốn thiền sắc giới  và bốn thiền Vô sắc giới) còn cho quả tái sinh trong luân hồi. trái lại định trong tam tướng có khuynh hướng cắt đứt luân hồikhổ.

Và như thế, chúng ta thấy rõ ý nghĩa chữ chánh trong bát chánh đạo thâm sâu như thế nào.

Vài ý nghĩa của Bát Chánh Đạo.

Tuệ uẩn.

1- Chánh kiến (sammādiṭṭhi).

Trước tiên, chánh kiến là thấy rõ bốn sự thật: Đây là khổ, đây là nguyên nhân sanh khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường đưa đến diệt khổ.

Khổ thì rất nhiều và đa dạng, cái gì dẫn đến khổ?

Nguyên nhân xa sâu thẳm là “ái – taṅhā”, nguyên nhân gần chính là “sự vô thường”.

Đối với định luật vô thường của pháp hữu vi thì đành chịu, không có biện pháp nào diệt trừ được vô thường, ngoại trừ đừng tái sinh.

Có sinh tất có diệt là lẽ đương nhiên, không một ai có thể diệt được “luật vô thường”, cho dù đó là chư thiên, Phạm thiên, thiên ma, các Sa môn, Bàlamôn có thắng trí, thậm chí đến chư Thánh Alahán hay Đức Chánh giác cũng phải chịu sự đổi thay của aluật Vô thường.

Nguyên nhân sâu xa sinh khổ là ái, có phải tất cả khổ đều do ái tạo ra không? Không hẳn thế, hãy xem : “byādhi pi dukkhā: Bịnh là khổ”. Bịnh phát sinh có nhiều nguyên nhân, chẳng phải chỉ do nhân ái, như  “bịnh do bị đánh đập, bịnh do thời thiết, bịnh do rối loạn vật thực…”, cứ thế mà suy ra các sự khổ khác.

Tuy nói gọn có ba Ái (dục ái, sắc ái, vô sắc ái) hay sáu ái (ái sắc, ái thinh, ái hương, ái vị, ái xúc và ái pháp), nhưng rõ ràng ái biến ảo dị thường, nó thay đổi từ hình thức này sang hình thức khác, quyến rủ tâm rơi vào vòng kiềm tỏa của nó.

Vũ khí lợi hại nhất của Ái là “vị ngọt”.

“Này các Tỳ khưu! Cho đến khi nào ta chưa như thật biết rõ trọn vẹn (abhiññāsiṃ). Vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỳ khưu, ta không có xác nhận ta đã hiểu trọn vẹn (abhisambuddho), thành đạt Vô Thượng Chánh Đẳng Giác “[10].

Cái gì là vị ngọt? Chính là hỷ lạc của pháp hữu vi (cho dù  là an lạc của thiền hiệp thế).

Cái gì là nguy hại? Chính là sự vô thường của vị ngọt.

Cái gì là xuất ly? Chính là “diệt trừ ái”.

“Do duyên với đời, khởi lên lạc hỷ gì, đấy là vị ngọt ở  đời.

Cái gì ở đời là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, đấy là nguy hại ở đời.

Điều phục tham ở đời, đoạn tận tham, đấy là xuất ly ở đời.” [11]

Chánh kiến là thấy rõ “từng nhân sinh khổ”, “từng hình thức của ái qua hỷ lạc của chúng”, và diệt trừ chúng, như người diệt từng rễ con của rễ chính, sau cùng bứng tận gốc rễ của cây “ái dục”.

Chính sự nhận ra phương án trừ diệt ái từng phần, là “thấy rõ Đạo đế”.

Tóm lại, Chánh kiến là:

–       Thấy rõ vô thường dẫn đến khổ. –       Thấy rõ nhân nào đưa đến khổ đang có (do ái hay do nguyên nhân nào khác ngoài ra). –       Thấy rõ phương án trừ nhân ấy. –       Thấy rõ sự thoát ra cái khổ (đang có).

Như một người nam đắm nhiễm, ái luyến một cô gái đẹp. Khi thấy cô gái cười nói với một người nam khác, sẽ ghen tức khổ, về sau không còn ái luyến nữa, dù cho cô gái ấy có cười nói với nam nhân khác, y vẫn thản nhiên, không còn đau khổ.

Một điều nên ghi nhận là: “Thấy ở đây là thấy sự thật, không phải thấy do nghe, do suy niệm”.

Ví nhử người mù nghe nói “có màu xanh”, y suy luận “màu xanh là như thế này… thế này”. Khi được vị lương y đại tài chữa sáng mắt, y nhận thức rõ màu xanh, biết rõ đây là “xanh lá mạ, đây là xanh mờn, đây là xanh thẳm, đây là xanh già cỗi…”.

2- Chánh tư duy.

Chánh tư duy là suy nghĩ ba điều đúng đắn:

– Suy nghĩ về sự thoát ra (các dục) (nekkhamma saṅkappa). – Suy nghĩ về không thù hận (abyāpāda saṅkappa). – Suy nghĩ về không hại (người (ahiṃsa saṅkappa).

Ba suy tư này là nền tảng tiên khởi, hướng tâm đi vào đạo lộ thánh thiện.

“Tâm đặt đúng hướng có thể xuyên thủng vô minh”[12]

Dục, sân, hại dẫn đến bất thiện, tạo ác nghiệp để từ đó cho quả ác xấu,lìa bỏ dục, sân, hại, tâm sẽ hướng về thiện để rồi đi đến đỉnh cao”diệt khổ”.

“Này các Tỳ khưu, chớ có suy tầm các tầm bất thiện như dục tầm, sân tầm, hại tầm. Vì cớ sao?

Các tầm ấy, này các Tỳ khưu không liên hệ đến mục đích, chúng không phải là căn bản của phạm hạnh”. [13]

Phạm hạnh ở đây chỉ cho bát chánh đạo, mục đích ở đây là diệt khổ.

“Suy nghĩ về sự ra khỏi tam giới (dục, sắc và Vô sắc giới)”. Đó mới là chánh tư duy thật sự, vì nhận thức được “nguy hại của luân hồi” qua tam tướng.

Giới uẩn.

1- Chánh ngữ:

Trên căn bản, chánh ngữ là từ bỏ bốn ác ngữ: Nói dối, nói hai lời, nói ác và nói nhãm.

Thật ra, ý nghĩa chánh ngữsâu rộng hơn nhiều.

Chánh ngữ là phương tiện huấn luyện tâm thân cận, gần gủi với sự thật, để tâm dần dần nhận ra sự thật. Tam tướng luôn luôn có nhưng tâm không nhận ra, bốn chân lý: Khổ, tập, diệt, đạo luôn có, nhưng tâm không nhận ra. Sở dĩ tâmkhông nhận ra vì không thân cận, không gần gủi với các chân lý ấy.

Ví như người gặp lại người bạn thân quen sẽ vui mừng, trái lại gặp người xa lạ sẽ có trạng thái dững dưng, trong sự nhận biết thân quen hàm ý “xác nhận”. Cũng vậy, tâm đã quen thuộc với tam tướng sẽ hân hoan, năng hoạt để đạt đến tận cùng chân lý là Nipbàn (sự thật về diệt khổ), đồng thời hàmý “xác nhận là sự thật”.

Và rõ ràng, khi chứng đắc Đạo (magga) đâu cần có lời nói, nhưng cần sự thật. Do đó chánh ngữ có mặt trong tâm đạo, như Phật ngôn ở trên: “Đối với vị có chánh tư duy, chánh ngữ sinh”. Có thể hiểu câu Phật ngôn ấy như sau: “Suy nghĩ về sự ra khỏi tam giới, sự thật ấy sinh lên, đồng thời có sự xác nhận là sự thật ”.

Sách Vô ngại giải đạo (paṭisambhidāmagga) có giải thích:

“Trong sátna (khaṇa) Đạo, chánh ngữ có ý nghĩa là “xác nhận”.[14]

2- Chánh nghiệp:

Ý nghĩa ban đầu của chánh nghiệp là “làm đúng”, ám chỉ những hành động thuộc về thân” (về lời đã có chánh ngữ). Tức là lánh xa ba tà nghiệp : Sát sinh, trộm cắp và tà hạnh trong dục lạc.

Từ nền tảng này, chánh nghiệp phát triển tiến đến “không làm tất cả việc ác, làm tất cả hạnh lành”.

Việc làm “đúng nhất” của chánh nghiệp là: “Hướng tâm cùng các pháp đồng sinh với mình cùng phát hiện ra tam tướng, phát hiện ra trạng thái tịch tịnh Nípbàn”.

Ở giai đoạn đầu xa lìa tà nghiệp, tạo thiện nghiệp. Nhưng thiện nghiệp cũng chỉ cho quả an lạc hữu vi, chỉ có đoạn trừ mọi ác, thiện nghiệpmới có an vui tuyệt đối, và chánh nghiệp thực hiện được việc làm này trong tâm đạo.

Kinh văn ghi : “Đối với vị chánh ngữ, chánh nghiệp sinh”, có thể hiểu “có sự thật xuất hiện, thể nhập vào sự thật là việc làm đúng nhất”.

Sách Paṭisambhidāmagga (Vô ngại giải đạo) có giải thích:

“Trong sátna Đạo, chánh nghiệp có ý nghĩa “cội nguồn của đạo”.(sđd)

Ý nghĩa này có lẽ khó hiểu, nên hay chăng sẽ hiễu rằng:” Chánh nghiệp có ý nghĩa : Dẫn các pháp đồng sinh và mình đến tận nguồn của đạo (tức Nípbàn)”?.

3- Chánh mạng:

Là sự nuôi mạng đúng, lánh xa những pháp nuôi mạng sái quấy.

Sự nuôi mạng chân chính, giúp tâm hân hoan vì nhận thức sự sống (jīva) được trong sạch.

Ý nghĩa thâm sâu của chánh mạng là “sự trong sạch”. Và trong giai đoạnchứng đác đạo thì tâm lẫn cảnh đều trong sạch. Cảnh trong sạch là Nipbàn, tâm trong sạch vì lìa bỏ tất cả mọi ô nhiễm.

Sách Vô ngại giải đạo có giải thích:

“Trong sát na đạo, chánh mạng có ý nghĩa là “trong sạch”.(sđd).

Từ những ý nghĩa trên, chúng ta mới thấy rõ: “Trong sát na đạo, giới phần đều có đủ”, trái lại trong những tâm thiện bình thường chúng nếu có chỉ có một, đôi khi chẳng có một chi nào cho dù đó là tâm thiện cao cấp như tâm thiền Sắc giới hoặc tâm thiền vô sắc giới.

Định uẩn.

1- Chánh tinh tấn:

Nền tảng ban đầu của chánh tinh tấn là nương vào bốn cách:

– Cố gắng không cho điều ác, bất thiện sinh lên. – Cố gắng diệt trừ những ác, bất thiện đang có. – Cố gắng làm sanh những thiện pháp. – Cố gắng làm tăng trưởng thiện pháp đang có.

Dĩ nhiên, khi có pháp thiện sinh lên thì không có pháp bất thiện và ngược lại. Như Phật ngôn:

“… Người ta nói xa hơn. Là pháp của bậc thiện. Với pháp kẻ bất thiện, Thật xa, xa hơn nhiều…” [15].

Tuy vậy, quan trọng nhất là làm “tăng trưởng pháp thiện”, nếu pháp thiện không tăng trưởng, chẳng khác nào khu vườn có nhiều cây cho quả ngọt, nhưng vì không phát triển được nên chẳng mang đến lợi ích đáng hài lòng.

Lại nữa, không làm tăng trưởng thiện pháp, có thể làm tâm trở nên uế nhiễm.Ví như cái bát không thường sử dụng, lâu dần có thể bị bụi bám. Tinh tấn mang ý nghĩa là “nâng đở các pháp khác”.

Thiện pháp ở đây chủ yếu là thiền, khi tâm yên lặng qua pháp thiền chỉ tịnh, nhờ đó hành giả nỗ lực quán xét danh sắc, và thấy được tam tướng. Đó là chánh tinh tấn.

Pat,isambhidāmagga có giải thích:

“Trong sát na đạo, chánnh tinh tấn có ý nghĩa là nổ lực nâng đở (các pháp đồng sinh) trong đạo”.

2- Chánh niệm:

Nền tảng ban đầu của niệm là: Bốn nơi ghi nhận (hay ghi nhớ) là: niệm thân, niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp.

Niệm thân là ghi nhận sắc uẩn.

Niệm thọ là ghi nhận thọ uẩn.

Niệm tâm là ghi nhận thức uẩn.

Niệp pháp là ghi nhận tưởng uẩn và hành uẩn.

Danh – sắc được ghi nhận thường xuyên, dần dần hiển lộ ra tam tướng và hành giả tiếp tục ghi nhận một trong tam tướng, củng cố thêm sức mạnh của niệm, cho đến khi không cần cố gắng hay hướng tâm nhiều đến tam tướng, tam tướng vẫn hiển lộ một cách tự nhiên. Đó là chánh niệm.

3- Chánh định:

Có hai loại định là : Cận định (upacārasamādhi) và an chỉ định (appanāsamādhi).

Hành giả tu tập thiền chỉ tịnh, khi đạt được Cận định hay an trú được tâm trong định, đó là nền tảng ban đầu. Từ đó hành giả phát triển Minh sát (vipassanaa) để thấy được tam tướng.

Đức Sāriputta (xálợiphất) có dạy:

“Có hai pháp cần nên tu tập là: Chỉ và Quán”.[16]

Định thường tình với cảnh chế định(paññattārammaṇā) không thể đưa tâm tiến đạt đến Vô vi.

Điển hình là: Trước thời Đức Phật nhiều sa môn, Bàlamôn cũng chứng đạt đến đỉnh cao nhất của thiền chỉ tịnh như Ālāra kālāma (vị thầy của Bồ tát Siddhattha – Sĩđạtta)… nhưng các vị ấy vẫn chưa thoát khỏi sinh tử luân hồi, thậm chí một ngôi Thánh Đạo ban đầu là Dự Lưu cũng chưa chứng đạt.

Chánh định trong bát chánh đạo, ngoài ý nghĩa “không loạn động, an trú vào cảnh”, còn mang ý nghĩa “phải là cảnh tam tướng”, bấy giờ mới thật đúng nghĩa chánh định của bát chánh đạo.

Thật tuyệt, thật hoàn hảo “Bản tuyên ngôn đang  quang ngôi vị Pháp vương của Đức Thế Tôn”.

Không một sa môn, Bàlamôn có trí nào có thể bác bỏ được 4 chân lý này. Trong đó: Nhân sinh khổ và con đường dẫn đến diệt khổ, vượt khỏi tầm với của trí tuệ đương thời.

Bánh xe Pháp lăn chuyển qua pháp ngôn của Đức Thế  Tôn, con đường cổ xưa lại được tìm thấy và trí tuệ nhân thiên lại thăng hoa. Đa số nhân thiên đã tìm đến nơi an tịnh, một cảnh giới tịch tịnh ngàn đời.

Lành thay con đường bát chánh.

Lành thay khổ ải đoạn trừ.

Và: Bao giờ còn con đường bát chánh, bấy giờ Sa môn bốn bậc hãy còn.

Lành thay Tỳkhưu Chánh Minh

Những chữ viết tắt.

A: Aṅguttaranikāya (Tăng chi bộ kinh).

D:   Dīghanikāya (Trường bộ kinh).

Dhp: Dhammapāda (Pháp cú kinh).

M:  Majjhimānikāya (Trung bộ kinh).

Ps:    Paṭisambhidāmagga (Vô ngại giải đạo),

S:  Saṃyuttanikāya (Tương Ưng kinh).

Sáxh tham khảo.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch.

Trường bộ kinh (I, II, IV).

Trung Bộ kinh III.

Tăng chi bộ kinh (I, II).

Tương ưng bộ (IV, V).

Pháp cú kinh.

Vô ngại giải đạo : Đại Đức Pháp Chất dịch.

[1] – M.iii, kinh Thiên tý (Devadahasutta).

[2]– Dhp, câu 216.

[3]– Ṣ.v, 420.

[4]– D.ii, kinh Soṇadaṇda

[5] – Xem  D.i, kinh Sa môn quả, từ chương 40 đến chương63.

[6]– D.i – Kinh Sa Môn Quả, từ chương 75 đến chương 98.

[7] – S.v, 1.

[8] S.v, 30.

[9] S. iv, 62

[10] A.i, 260.

[11] – A.1, 258.,

[12] -A.i, 8.

[13] -S.v, 417.

[14] -Ps, Đạo ngữ (maggakathā), số 82. ĐĐ Pháp Chất dịch.

[15] – A.ii, 50.

[16] – D. iv, kinh Thập thượng (Dasuttarasutta)>

Liên quan

Từ khóa » Tiểu Luận Về Bát Chánh đạo