TỨ DIỆU ĐẾ VÀ BÁT CHÁNH ĐẠO

TỨ DIỆU ĐẾ VÀ BÁT CHÁNH ĐẠO Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau

Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau

(Tác giả:Thích Chân Tính) Sau sáu năm khổ hạnh, đức Phật Thích-ca tìm ra Tứ diệu đế và Bát chánh đạo, là toát yếu giáo lý của Ngài để giúp nhân loại tiến hóa và giải thoát đau khổ.

Sách Phật nói rằng: “Khi đức Thích-ca toạ thiền thì Ngài ngồi xếp bằng trên đống cỏ Linh Chi, dưới gốc cây Bồ-đề, xoay mặt về hướng Đông tham thiền nhập định và nguyện rằng: “Dù cho thịt nát xương tan, Ta cũng không rời bỏ chốn này trước khi đắc đạo”. Sau nhiều ngày đêm thì Ngài tỏ ngộ, truy ra được nguyên nhân đau khổ là vô minh và pháp mầu diệt khổ là đạo Bát chánh đạo. Thế thì nền tảng Phật giáo là Tứ diệu đế và Bát chánh đạo.

Tứ diệu đế gồm: Khổ đế (sự khổ), Tập đế (nguyên nhân sự khổ), Diệt đế (diệt sự khổ) và Đạo đế (phép mầu diệt khổ).

1. Khổ đế (sự khổ): Đời người vẫn khổ. Hãy nhìn xung quanh ta và lấy công tâm mà xét thì thấy toàn là sự khổ. Chúng sinh lâm vào biển khổ mà không ngờ. Nắng lửa, lạnh đông, mưa sầu, gió thảm là cái họa trời làm; còn chiến tranh tàn khốc, cướp bóc lẫn nhau vì miếng ăn, vì đất ở, vì chỗ đứng, vì nơi ngồi là cái khổ của con người gây ra. Chúng sinh có lúc khổ về tinh thần có lúc khổ về vật chất, hễ tránh được cái này thì vướng phải cái nọ. Trên thế gian, chưa ai dám tự hào rằng mình hưởng được trọn phước lành mà không khổ về phương diện nào, mới vui vẻ đó rồi buồn bực cũng đó, mới sung sướng đó rồi mệt nhọc cũng đó, vay trả liền liền, tất cả đều toàn là giả tạm, không có chi là vĩnh viễn trường tồn. Sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, bốn cái khổ này những ai chưa thoát tục đều phải đeo mang dù có trốn trong rừng sâu non thẳm cũng không tránh khỏi được. Chúng sinh bị khổ đã đành, mà nguyên nhân sự khổ đó ở đâu?

2. Tập đế (nguyên nhân sự khổ): Nguyên nhân sự khổ là lòng dục vọng không được toại nguyện. Nó gây ra muôn vàn tội lỗi, hại mình và hại luôn đến người khác nữa. Lòng dục vọng do vô minh sinh ra. Vô minh là không thông luật trời, không biết mình ở đâu đến và có bổn phận nào phải làm cho tròn lúc còn tại thế, bởi vậy con người thường làm những việc trái với thiên lý chừng quả báo trả lại thì than van rên xiết, oán trời trách đất, giận vật hờn người chớ không tự xét xem tội lỗi tự đâu ra. Từ ngàn xưa, hễ nhân nào thì sinh quả nấy. Cái khổ của chúng sinh gây ra thì chúng sinh phải gánh lấy. Cho nên, cái khổ của nhân loại bây giờ là do nhân loại gây ra từ kiếp trước, từ cá nhân tới toàn thể chớ không phải vô cớ mà trời sinh ra đâu. Nói cho đúng thì trời không ban thưởng ai mà cũng không hành phạt ai, chỉ tại con người kêu cái họa hay cái phước tới cho mình đúng với câu: “Họa phước vô môn, duy nhân tự triệu; thiện ác hữu báo, như ảnh tùy hình”. 

3. Diệt đế (diệt sự khổ): Con người tự đem xiềng xích buộc mình thì phải tự mình tháo nó ra, không ai làm chuyện đó cho mình được, không ai có phép giải thoát cho mình mà tự mình phải sớm lo diệt khổ đau thì mới mau thấy được chân như bản tánh và phản bổn hoàn nguyên. Phải tự cứu mình vậy.

4. Đạo đế (pháp mầu diệt khổ): Pháp mầu diệt khổ là Bát chánh đạo, gồm: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định, ấy là sự tín ngưỡng chân chánh, tư tưởng chân chánh, lời nói chân chánh, việc làm chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, sự cố gắng chân chánh, sự tưởng nhớ chân chánh và thiền định chân chánh.

Tám lẽ chánh này, từ bậc vua chúa tới bậc cùng đinh ai ai cũng có thể thực hành, ai ai cũng noi theo đường này được. Nếu quyết chí sẽ không khó gì, chỉ tập thành quen thì bước tới dễ dàng. Có điều, lúc đầu hơi khó.

Xin giải vắn tắt 8 lẽ chánh đó ra sau đây

Bát Chánh Đạo

Bát Chánh Đạo

1. Chánh kiến (sự tín ngưỡng chân chánh): Tín ngưỡng chân chánh có nghĩa là điều nào chân chánh mới nên tin, không chân chánh không nên tin. Nhưng trong đời biết bao sự lầm lạc, biết bao sự dị đoan phi lý làm sao biết cái nào tà cái nào chánh mà tin hay bỏ?

Khi xưa, người ta có đến hỏi Phật như thế. Phật bảo không nên tin những lời người ta nói vì tại người ta đem nói với chúng ta, không nên tin những tục lệ vì đó sự lưu truyền từ đời thượng cổ. Không nên tin những sự đồn đãi, không nên tin những bài văn của người ta đem cho chúng ta xem vì tại họ nói rằng nó vốn của các vị Hiền triết thuở xưa viết ra. Không nên tin những sự định liệu, không nên tin những điều mà chúng ta tưởng tượng là được thần nhân linh cảm, không nên tin là chân chánh điều nào mà chúng ta có thói quen yêu quý, không nên tin những lời nào vì những lời đó vốn của thầy hay một vị sư huynh thốt ra. Nhưng sau khi xem xét và suy nghiệm chín chắn rồi, nếu thuyết nào hợp với chánh lý và hữu ích cho mọi người thì hãy công nhận thuyết đó và đeo đuổi theo nó mãi.

Mấy lời này còn ghi trong kinh Tăng Chi Bộ I, Các vị ở Kesaputta thật rành rẽ, nếu thực hành theo đó thì tránh khỏi các họa mê tín dị đoan.

2. Chánh tư duy (tư tưởng chân chánh): Tại sao Phật dạy tư tưởng phải chân chánh? Vì tư tưởng có một sức mạnh phi thường, nó làm hại được mà nó làm lợi cũng được.

Tư tưởng có ảnh hưởng rất lớn đối với sự tiến hóa và kiếp số của cá nhân, của quần chúng. Nó là cội rễ của luân hồi quả báo, chớ nên lầm tưởng không làm thì không mắc tội. Luật nghiệp duyên không tư vị ai cả. Vì mấy lẽ trên đây mà đức Phật khuyên chúng ta tư tưởng phải chân chánh. Phải khá thận trọng từ chút trong tư tưởng kẻo gây ra những quả xấu về sau.

3. Chánh ngữ (lời nói chân chánh): Một khi tư tưởng chân chánh rồi thì lời nói và việc làm mới chân chánh, bởi tư tưởng trước rồi mới nói và làm sau.

Lời nói chân chánh là lời nói dịu dàng dễ thương, hữu ích, đính chính, hiền lương, không sai ngoa, không chút ngọt, không khoe khoang, không dua nịnh, không bợ đỡ, không gian xảo, không thô lỗ, không cộc cằn.

Một lần, đức Khổng Tử tới viếng một tòa cổ miếu thấy hình một người bịt miệng tới ba lớp khăn, Ngài bèn dạy các môn đệ phải khá cẩn thận trong lời nói.

Một lời nói có thể gây dựng giang sơn đem hòa bình lại cho trăm họ, mà một lời nói cũng có thể làm nát cửa hại nhà, tiêu điều sự nghiệp, thây nằm chật đất, máu chảy thành sông. Một lời nói giết người được mà một lời nói cũng cứu người được vậy.

4. Chánh nghiệp (việc làm chân chánh): Việc làm chân chánh là những việc làm không mang tính ích kỷ, không tự cầu lợi mà để kẻ khác phải than đau đớn vì mình. Phật dạy năm điều là: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không say sưa.

Năm điều này thuộc về tịnh, chưa phải là động, động và tịnh phải song hành. Không giết người hại vật, song phải tôn trọng sinh mạng, tìm dịp giúp đỡ và vì lòng nghĩa hiệp cứu khổ phó nguy. Không lấy của ai, nhưng phải giúp cho mọi người có công ăn việc làm và sống một cuộc đời thong thả. Tránh điều hoa nguyệt rượu chè mà phải luyện tập thân thể cho khỏe mạnh. Người theo đạo Phật phải thực hành phép Lục độ, tức Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ vì chứng phép Lục độ gồm cả tịnh và động thì mới vén được màn vô minh che lấp chân như bản tánh.

5. Chánh mạng (nghề nghiệp chân chánh): Thế nào mới gọi là nghề nghiệp chân chánh? Ấy là nghề nuôi sống mình mà không tổn hại sinh vật. Trong kinh có câu: “Thói phản bội, bói toán cát hung gạt người; ngón xảo quyệt cho vay nặng lãi là những nghề nghiệp không chân chánh”. Trong kinh Tăng Chi Bộ II còn ghi: “Có năm nghề mà đệ tử Phật phải tránh là: 1. Bán thịt; 2. Bán khí giới; 3. Bán sinh vật (người và vật); 4. Bán thuốc độc và 5. Bán rượu”. Đời nay có thêm bán chất gây nghiện nữa.

Nói cho đúng, bất cứ nghề nào nếu không làm hết bổn phận, không tận tâm cùng chức nghiệp hay là chỉ mưu lợi cho mình mà không đếm kể sự tổn thương của kẻ khác thì nghề nghiệp đó không phải là chân chánh nữa.

6. Chánh tinh tấn (sự cố gắng chân chánh hay sự hoạt động chân chánh): Sự cố gắng chân chánh có nghĩa là phải  bền chí đạt cho được mục đích của mình đã nhắm. Phải tránh các tội lỗi đừng phạm phải, tập những tính tốt làm cho lòng mình trở nên trong sạch. Muốn thành công, phải biết phương pháp. Phương pháp đó chính là đem những tư tưởng tốt đẹp của mình để chế ngự với những tư tưởng xấu ác đang tồn tại, xua đuổi những tư tưởng ấy đi cho tới chừng nào chúng không còn, khi đó, tâm chúng ta sẽ trở nên sáng suốt.

Ví như người kia có tính giả dối. Muốn trừ tuyệt tính này thì phải nuôi những tư tưởng chân thật, mỗi ngày nên xem nên nghe những chuyện ca tụng sự thật… làm như thế trong một thời gian dài ắt hẳn sẽ hoàn toàn đổi mới. Trong lòng người đó không còn muốn gạt gẫm ai, cứ lo ăn ngay ở thẳng mà thôi.

Bất cứ tính xấu nào, nếu biết dùng phương pháp này cũng đều trừ khử được cả. Có thể xem nó như một phương pháp duy nhất giúp chúng ta tẩy trừ các tính xấu và thực tập các tính tốt, thực hành theo đó sẽ thấy ngay kết quả. Xin nhấn mạnh là phải bền chí kiên trì không bỏ qua một ngày nào trong sự tập luyện thì kết quả mới vẻ vang được.

7. Chánh niệm (sự tưởng nhớ chân chánh): Người ta thường cho rằng sự tưởng nhớ chân chánh là nhớ lại kiếp trước. Có thể nó cũng có nghĩa đó nhưng trước hết, nó phải nhắc cho ta nhớ ta là ai? Ta phải có bổn phận thường ngày như thế nào đối với đời và đạo? Kế đó, ta nên nhớ những việc vui vẻ, những việc đạo đức, những việc lợi ích thiết thực cho đời. Ta không nên nhớ những việc buồn bực sầu não. Ta phải quên hết những lời người ta gièm pha xiểm nịnh, chửi mắng mình, làm hại mình…

8. Chánh định (thiền định chân chánh): Thiền định chân chánh tức là thiền định cho đúng phép Phật về những vấn đề cao siêu đang mở ra những năng lực còn tiềm tàng trong con người. Ban sơ, nên thực hành thiền định mỗi ngày 4 giờ vào các giờ như Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu. Sau rồi giờ nào cũng thiền định cả. Người chưa quen thì cho điều này là khó khăn vì bận nhiều việc hằng ngày, song nên biết rằng trong lúc hạ trí của ta chăm chú vào những việc phải làm thì thượng trí của ta vẫn có thể lo nghĩ những vấn đề cao siêu, không khác gì trong khi tay ta làm công việc mà miệng ta nói chuyện với bạn vậy.

Nghĩa khác của Chánh định là chú ý vào mục tiêu của mình, không hề quên đạo lý từ bi, hỷ xả và vị tha để được phụng sự chúng sinh.

Thực hành theo lẽ chánh trọn vẹn tức là chúng ta đang giữ trong tay chiếc chìa khóa mầu nhiệm để mở cánh cửa Niết-bàn, vì khi đã làm chủ được tư tưởng rồi thì ý muốn, lời nói hay việc làm của chúng ta luôn được minh mẫn, tâm tánh thoát khỏi mộng trần, an nhiên tự tại.

Giáo lý của Phật rất nhiều, nhưng có thể tóm tắt đơn giản trong bốn câu kệ sau đây:

Chư ác mạc tác Chúng thiện phụng hành Tự tịnh kỳ ý Thị chư Phật giáo.

Nghĩa:

Xa lánh điều hung ác Làm những việc hiền lành  Rửa lòng trong sạch vậy Chư Phật dạy rành rành.

TÌM HIỂU KINH PHÁP CÚ (DHAMMAPADA)  Tâm Minh Ngô Tằng Giao Diệu Phương Xuất Bản –  2006

TỨ DIỆU ĐẾ  VÀ BÁT CHÁNH ĐẠO

Truyện tích kể rằng sau khi đi một vòng châu du hoằng Pháp ở các làng mạc, Ðức Phật trở về tịnh xá, và giữa chúng Tăng có cuộc thảo luận về trạng thái gồ ghề hay bằng phẳng của các con đường đã trải qua. Ðức Phật nói rằng thảo luận về các con đường ấy không thích hợp cho sự giải thoát, đó chỉ là những đoạn đường ở bên ngoài thân tâm. Ngài khuyên chư Tăng nên lưu tâm đến con đường cao thượng là “Bát Chánh Đạo” thuộc giáo lý “Tứ Diệu Đế” và những việc cần phải làm khác để sớm đắc được đạo quả. Những giáo lý căn bản của Đạo Phật đưọc tóm tắt như sau đây:

(Pháp Cú 273) Con đường cao thượng hàng đầu Là “Bát Chánh Đạo” nhiệm mầu biết bao, Bốn điều chân lý tối cao Là “Tứ Diệu Đế” dễ nào sánh ngang, Không còn luyến ái vấn vương Là điều cao thượng thơm hương Niết Bàn, Trong loài động vật hai chân Thì Đấng Toàn Giác vô ngần tối cao.

Người Phật tử tu học để muốn vĩnh viễn yên vui ở ngoài vòng sinh tử của thế gian. Muốn đạt được kết quả đó trước hết người Phật tử phải thấu hiểu tình trạng đời người, biết rõ căn bệnh của thế gian ra sao, để rồi tìm thuốc trị bệnh. Đức Phật khi dạy chúng sinh tìm quy y Phật, Pháp, Tăng là nhắm giúp chúng sinh mở mang trí tuệ và đồng thời hiểu rõ được bốn chân lý mầu nhiệm mà thoát khổ. Bốn chân lý đó gọi là “Tứ Diệu Đế”:

(Pháp Cú 190 – 191) Nếu quy y Phật, Pháp, Tăng Riêng phần trí tuệ vinh thăng nhiệm mầu Hiểu ra Tứ Đế thâm sâu: Biết rằng trần thế khổ đau là gì, Hiểu ra nguồn gốc khổ kia, Biết đường diệt hết khổ đi là rồi Biết Bát Chánh Đạo tuyệt vời Tám đường chân chính con người nên theo.

Đức Phật giảng “Tứ Diệu Đế” để giải rõ tình trạng đời người và dạy phương pháp thay đổi tình trạng đó. “Tứ” là bốn; “Diệu” là huyền diệu, mầu nhiệm, cao quý; “Ðế”, là sự thật, là chân lý. Tứ Diệu Đế là bốn chân lý mầu nhiệm. Đó là: khổ (Khổ Đế); nguồn gốc của khổ (Tập Đế); sự diệt khổ (Diệt Đế) và con đường dẫn đến sự diệt khổ (Đạo Đế).

Khổ phải được thông suốt, hiểu biết. Nguồn gốc của khổ, nguyên nhân gây ra khổ (tức ái dục) phải được tận diệt. Sự diệt khổ (tức Niết Bàn) phải được chứng ngộ. Con đường dẫn đến sự diệt khổ (tức Bát Chánh Ðạo) phải được phát triển. Dầu chư Phật có giáng sinh hay không, bốn Chân Lý ấy vẫn có trên thế gian. Chư Phật chỉ khám phá ra và vạch rõ cho nhân loại thấy bốn chân lý mầu nhiệm này mà thôi.

1. Khổ đế: Sự thật đầu tiên về tình trạng đời sống của chúng sinh trong thế gian là đau khổ, một thực trạng mà con người cảm nhận từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Ðức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, thương yêu mà biệt ly là khổ, mong cầu mà không được là khổ. Tóm lại, chấp thủ năm uẩn là khổ”. Như vậy, “khổ” có thể chia làm 3 phương diện:

Về phương diện sinh lý: khổ là một cảm giác khó chịu, đau đớn của thể xác như khi bị một gai nhọn đâm buốt bàn chân hay một hạt cát vào trong mắt… Con người sinh ra đã vất vả khốn đốn, lớn lên già yếu, bệnh tật khốn khổ vô cùng và cuối cùng là cái chết, là sự tan rã của thể xác.

Về phương diện tâm lý: khổ là do không toại ý, không vừa lòng v.v… Những mất mát, thua thiệt trong cuộc đời làm mình khổ. Người mình thương muốn gần mà không được, người mình ghét mà cứ phải gặp gỡ hoài. Muốn tiền tài, danh vọng, địa vị nhưng nó cứ vụt qua ngoài tầm tay mình v.v…

Về sự chấp thủ năm uẩn: Cái khổ thứ ba này bao hàm hai cái khổ trên, như trong kinh đã dạy: “Chấp thủ năm uẩn là khổ”. Năm uẩn hay “ngũ uẩn” là năm yếu tố nương tựa vào nhau để tạo thành con người, gồm có: thân thể vật lý là sắc và cấu trúc tâm lý là thọ, tưởng, hành và thức. Gọi chung lại là “ sắc, thọ, tưởng, hành, thức”. Nói một cách tổng quát, khi ta bám víu vào năm yếu tố trên, coi đó là “ta”, là “của ta”, là tự ngã của ta, thì khổ đau có mặt. Mọi khổ đau, lo lắng, sợ hãi, thất vọng đều gắn liền với ý niệm về “cái ta” ấy.

Phật giáo không phủ nhận rằng trong đời người cũng có lúc vui vẻ sung sướng vì thân tâm được thỏa mãn trong những điều mong muốn. Những hạnh phúc ấy là quả tốt của những nghiệp lành đã tạo ra trong kiếp trước hay kiếp này. Đức Phật không dạy rằng con người phải tránh những hạnh phúc ấy. Không nên hiểu lầm là Ngài có ý phủ nhận tình cảm của con người để theo đuổi một số lý tưởng tinh thần cao thượng. Điều mà Đức Phật muốn nhắc nhở chúng ta không phải là bảo ta dẹp bỏ hoàn toàn tình cảm lành mạnh của con người, mà chỉ có ý nhắc chúng ta không nên chú tâm quyến luyến và gắn bó vào những thú vui vật chất. đừng say đắm mê mờ trong những hạnh phúc trên. Ðức Phật nói cái vui đó là cái vui mong manh trong đau khổ, cái vui còn vướng trong vô minh nghiệp chướng đưa đến khổ đau càng sâu dày thêm.

“Bể khổ mênh mông nước ngập trời Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi, Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió, Ngẫm lại cùng trong bể khổ thôi!”.

Một nhà thơ đã cảm hứng mà viết như trên. Ngược gió hay xuôi gió, chiếc thuyền cũng ở trong biển mà thôi, không thể vượt lên trên biển được. Mà cái biển đó là biển khổ. Cho nên cái vui của con người trong cảnh trầm luân này là cái vui trong đau khổ của thế gian, chưa phải là cái vui giải thoát. Do thế, Đức Phật nói đời là bể khổ, mặc dù chúng sinh cho đời là vui, rồi say đắm theo đời, không giờ phút nào rời khỏi, cho đến một ngày nào đó phải nhắm mắt tắt thở, bấy giờ mới hoảng hốt, khổ đau.

Điều làm trở ngại quan trọng nhất cho việc phát triển tâm linh không phải là những vật, những việc, hay những ngoại cảnh có sức tạo niềm khoái lạc và thích thú; mà chính là cái tâm ý thiết tha gắn bó, nhớ tưởng đến những vật hay những việc ấy, theo lòng ham muốn ích kỷ của con người. Theo Phật Giáo chính trạng thái tinh thần khi đối đầu với ngoại cảnh mới là điều quan trọng.

Một hoàng tử xuất gia và rút vào rừng, hành thiền một mình. Về đêm, ông nghe văng vẳng tiếng đàn hát từ thành vọng đến và lấy làm bất mãn với lối sống đơn độc giữa rừng sâu. Một vị thần trên cây khuyến khích ông nên cố gắng tìm thích thú trong đời sống cô đơn. Về sau, thầy Tỳ kheo bất mãn ấy trở về bạch lại tự sự với Ðức Phật. Ðức Phật giảng cho thầy về tính cách khó khăn của kiếp sống ở thế gian:

(Pháp Cú 302) Khó thay diệt ái dục rồi Để mà vui sống cuộc đời xuất gia, Khó thay cuộc sống tại nhà Trần gian sinh hoạt thật là thương đau, Khổ thay phải sống gần nhau Khi không ý hợp tâm đầu êm xuôi, Khổ thay cứ mãi nổi trôi Trong vòng sinh tử luân hồi quẩn quanh, Vậy lo vượt thoát cho nhanh Khổ đau nơi ấy, tử sinh chốn này.

Đức Phật giảng cho ta trông thấy cuộc đời sâu hơn, xa hơn, đúng với sự thật hơn. Trông sâu hơn và xa hơn, vì những sung sướng trong thế gian không vững bền, không vĩnh viễn. Khi nó mất thì chúng ta buồn đau. Mà ngay khi còn, nó cũng gây cho chúng ta biết bao bận rộn, lo nghĩ, ghét ghen, thù oán… Trông đúng với sự thật hơn, vì trong khi ta đang say đắm trong hạnh phúc, nếu ta không biết tu tập để giữ gìn và làm tăng trưởng nhân duyên lành đã sinh ra hạnh phúc thì hạnh phúc đã bắt đầu suy giảm theo luật “vô thường” rồi. Đau khổ đã dần dần đến thay thế cho sung sướng rồi. Bởi vậy tình trạng chung và đúng sự thật của thế gian là đau khổ. Ấy là một “lẽ thật” chắc chắn, hiển nhiên.

Một chàng thanh niên được cha mẹ hết lòng thương yêu. Chàng xuất gia làm Tỳ kheo mà không được cha mẹ ưng thuận trước. Về sau, cha mẹ thầy cũng lần lượt theo nhau xuất gia. Tuy nhiên chàng và cha mẹ không sống rời nhau và không dứt tình phụ mẫu, cứ mãi khăng khít quây quần bên nhau, sống chung với nhau trong một ngôi chùa và cùng đi khất thực. Các vị Tỳ kheo khác cảm thấy khó chịu nên đến bạch với Đức Phật. Nghe câu chuyện, Ðức Phật dạy rằng thương hay ghét đều tạo khổ:

(Pháp Cú 210) Chớ kề cận kẻ yêu thương, Chớ gần gũi kẻ mình thường chẳng ưa, Ở đời khổ mấy cho vừa Khi yêu không gặp, khi ưa chẳng kề Cũng đau cũng đớn kể chi Ghét này phải gặp, oán kia phải kề.

Đức Phật cũng dạy thêm rằng không nên say mê luyến ái vì khi xa lìa hay mất đi điều mình luyến ái thời mình sẽ cảm thấy đau khổ. Sự say mê luyến ái dễ bị ràng buộc:

(Pháp Cú 211) Đừng yêu đến độ say mê Kẻo khi ly biệt não nề héo hon Nếu mà yêu ghét không còn Chẳng chi ràng buộc, tâm hồn thảnh thơi.

2. Tập đế: là nguồn gốc hay nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau khổ. “Tập” là tích tập, các phiền não chồng chất tụ hội tạo thành năng lực đưa đến khổ đau. Khi nhận thức được bản chất của khổ một cách rõ ràng, ta mới có thể đi vào con đường đoạn tận khổ đau.

Cuộc đời là khổ đau hay không đều tùy thuộc vào thái độ tâm lý, cảm thọ và nhận thức của mỗi người; nguyên nhân của khổ có nguồn gốc sâu xa trong tâm tưởng của con người. Phật Giáo cũng nhìn thấy các nguyên nhân của đau khổ; có cái phát sinh từ vật chất hay hoàn cảnh xã hội, nhưng nguyên nhân thật sự vẫn là tâm thức.

Nguyên nhân của khổ thường được các kinh đề cập chính là tham ái, do tham ái mà chấp thủ, bám víu vào các đối tượng của tham ái. Sự khao khát về dục lạc sẽ dẫn đến khổ đau, bởi vì lòng khao khát ấy không bao giờ thỏa mãn. Đức Phật dạy “Tham ái sinh sầu ưu, tham ái sinh sợ hãi. Ai giải thoát tham ái thời không còn sầu ưu sợ hãi nữa”:

(Pháp Cú 216) Khởi từ tham ái sinh ra Sinh lo, sinh sợ khó mà tránh đi Khi mà tham ái xa lìa Chẳng còn lo sợ chút gì nữa đâu.

Nguyên nhân sâu hơn và căn bản hơn chính là vô minh, tức là si mê không thấy rõ bản chất của sự vật hiện tượng đều nương vào nhau mà sinh khởi, đều vô thường và chuyển biến, không có cái chủ thể, cái bền vững độc lập ở trong chúng. Do không thấy rõ nên sinh tâm tham muốn, ôm giữ lấy các đối tượng lạc thú. Do không thấy rõ mới lầm tưởng rằng “cái ta” là quan trọng nhất, là cái có thực cần phải bám víu, củng cố và thỏa mãn nhu cầu của nó. Do vô minh mà có chấp thủ “cái ta” và “cái của ta”. Do những chấp thủ ấy mà có những nỗi thống khổ của cuộc đời. Chúng ta có thể nhận thấy một cách rõ ràng, khổ hay không là do lòng mình, do cái nhìn của mỗi người đối với cuộc đời. Nếu không bị sự chấp ngã và dục vọng vị kỷ hay phiền não khuấy động, chi phối, ngự trị trong tâm thì cuộc đời đầy an lạc, hạnh phúc.

3. Diệt đế: “Diệt” là chấm dứt, là dập tắt. Diệt đế là sự chấm dứt hay dập tắt phiền não, nguyên nhân đưa đến đau khổ. Khi phá trừ hết những phiền não rồi thì con người được tự do hoàn toàn, yên vui, sáng suốt và không còn những nhân để tạo ra luân hồi nữa. Con người đã giải thoát khỏi sinh tử và đạt tới Niết Bàn.

Ðạo Phật xác nhận cuộc đời đầy dẫy những đau khổ, chúng ta thường được nghe nói rằng “đời là bể khổ”. Tuy thế Đạo Phật đồng thời cũng xác định có một sự thật khác nữa là an lạc, hạnh phúc. Vì vậy mà có sự tu tập để đạt được hạnh phúc. Hạnh phúc này hoặc tương đối hoặc tuyệt đối.

Hạnh phúc tương đối: Khi ta làm lắng dịu lòng tham ái, chấp thủ thời tâm trí không còn bị đun nóng bởi các ngọn lửa phiền muộn, lo lắng, sợ hãi nữa. Tâm ý của ta trầm tĩnh và sáng suốt hơn, khả năng nhận thức sự vật hiện tượng sâu sắc và chính xác hơn. Thân tâm ta được chuyển hóa, thái độ ứng xử của ta đối với mọi người độ lượng, bao dung và khiêm tốn; đối với của cải, tài sản, danh vọng trở nên thanh thản hơn, không còn bị áp lực của nó đè nặng lên trái tim mình. Trên cơ sở ấy, ta hưởng thụ đời sống có phẩm chất hơn. Tóm lại, tùy vào khả năng giảm thiểu lòng tham, sân và vô minh đến mức độ nào thì đời sống của ta sẽ được tăng phần hạnh phúc lên mức độ ấy.

Nếu ta phát triển hạnh phúc tinh thần cao hơn bằng cách tu tập thiền định thì ta sẽ có sự an lạc tuyệt vời. Ðức Phật dạy: “Có người có thể không bị bệnh về thể xác trong một năm hay có thể đến cả trăm năm, nhưng thật hiếm có người không bị bệnh về tinh thần, dù chỉ trong một phút”. Những tâm lý được coi là bệnh của tinh thần là tham lam (tham muốn chạy theo nhục dục ngũ trần “sắc, thanh, hương, vị, xúc”), sân hận (oán ghét, bất toại nguyện), hôn trầm dã dượi (uể oải trong tâm, không tinh tấn, kiên trì), dao động và hối hận (lo âu vì những hành động bất thiện), hoài nghi và do dự (tâm bất định). Khi các loại tâm lý này có mặt, nó sẽ trói buộc và ngăn che tâm trí của ta; loại trừ chúng đi thì tinh thần sẽ sáng tỏ thanh tịnh và an lạc như mặt trăng thoát khỏi đám mây che. Các trạng thái hạnh phúc tinh thần này được gọi là “Tứ thiền”.

Hạnh phúc tuyệt đối: Trên nền tảng hạnh phúc tinh thần, ta phát triển tuệ quán, hướng tâm đến đoạn trừ toàn bộ phiền não vi tế, thâm sâu, ta có thể đạt hạnh phúc tuyệt đối, tối thượng là Niết Bàn. Diệt đế chính là Niết Bàn. Niết Bàn là sự thanh tịnh, là hạnh phúc tuyệt đối. Ðức Phật dạy:

(Pháp Cú 204) Ai không bệnh, lợi nhất đời Ai mà biết đủ là người giàu sang Ai thành tín là bạn vàng Và nơi cực lạc: Niết Bàn là đây.

4. Ðạo đế: “Ðạo” là con đường, là phương pháp thực hiện dẫn đến chấm dứt khổ đau. Đức Phật dạy cho chúng sinh một con đường chắc chắn để đi đến Niết Bàn. Như vậy, toàn bộ giáo lý mà Ðức Phật đã dạy đều là Ðạo đế. Con đường ấy gọi là Bát Chánh Đạo (Tám thánh đạo) được coi là tiêu biểu và căn bản nhất của Ðạo đế.

(Pháp Cú 274) Con đường duy nhất dẫn vào Đâu còn tìm được đường nào khác hơn Khiến cho thanh tịnh nhãn quan, Các ngươi theo đúng lối vàng nói trên Ma vương mê loạn ngay liền Chẳng còn dục vọng gây phiền cho ngươi.

Bát Chánh Ðạo là con đường “Trung Ðạo” mà Ðức Phật đã tìm ra để chứng ngộ Niết Bàn. Con đường gồm có tám điều chân chính, tám phương tiện mầu nhiệm mà người Phật tử phải làm: “Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh”. Ðó là con đường giác ngộ duy nhứt. Ðứng về mặt triết học, tám yếu tố ấy là tám trạng thái tinh thần (hay tâm sở) nằm trong tám loại tâm siêu thế có đối tượng là Niết Bàn.

– Chánh kiến: là sự thấy, hiểu biết chân chánh hay nhận thức đúng, rõ ràng như thật. Nhận thức đúng về đạo đức của cuộc sống, cái nào là thiện, cái nào là ác. Nhận biết về bản chất của sự vật đúng với sự thật, hợp với lẽ phải.

– Chánh tư duy: Suy nghĩ đúng đắn, chân chánh và xét đoán sáng suốt, đúng với chân lý, không mê lầm. Do sự hiểu biết, cái nhìn chân chánh mà sự suy niệm hay ý nghĩ đúng đắn phát sinh.

– Chánh ngữ: Ngôn ngữ đúng đắn, nghĩa là không nói những lời vọng ngữ, ác khẩu, hai lưỡi đưa đến đau khổ, chia rẽ, hung bạo, căm thù. Nói những lời lẽ chân thật, êm ái, chính đáng, hiền hòa đưa đến xây dựng niềm tin, đoàn kết hòa hợp, thương yêu và lợi ích, những lời hợp với Chân, Thiện, Mỹ. Lại còn đem phương tiện mà giáo hóa người. – Chánh nghiệp: Hành vi đúng đắn, làm việc chân chánh có mục đích lành mạnh, vừa lợi ích cho mình, vừa lợi ích cho người và vật khác.

– Chánh mạng: Ðời sống đúng đắn, trong sạch nghĩa là phương tiện mưu sinh, nghề nghiệp chân chánh, không sống bằng những nghề phi pháp, độc ác, gian xảo dễ gây ra ác nghiệp.

– Chánh tinh tấn: Nỗ lực đúng đắn, siêng năng chuyên cần, cố gắng hết sức bằng tất cả nghị lực bản thân để đoạn trừ điều ác, thực hành điều thiện. Diệt trừ phiền não và tạo dựng đức lành.

– Chánh niệm: Nhớ nghĩ đúng đắn, tưởng nhớ chân chánh. Nhớ những việc chân chánh đã làm, quán tưởng những việc chân chánh hiện tại và sẽ làm, để suy nghĩ và hành động cho hợp với lẽ phải, để diệt trừ những ý tưởng sai quấy và phòng ngừa những việc làm sai lầm.

– Chánh định: Tập trung tư tưởng đúng đắn, định tâm chân chánh, nghĩa là đừng để tâm thức bị rối loạn, tập trung tư tưởng làm an tịnh tâm thức một cách đúng đắn, có hiệu quả phát triển tuệ giác.

Theo Đức Phật thời “Bát Chánh Đạo” là con đường duy nhất để chấm dứt mọi đau khổ:

(Pháp Cú 275) Thuận tu theo chánh đạo rồi Bao nhiêu khổ não tức thời tiêu tan, Sau khi chứng ngộ đạo vàng Biết phương cách diệt vô vàn chông gai Diệt bao chướng ngại hại người Ta nay truyền dạy các ngươi con đường.

Giáo lý “Tứ Diệu Đế” vừa là phương tiện, vừa là cứu cánh. Một giáo lý hoàn chỉnh đầy tính nhân bản đem lại niềm tin, sức sống cho con người, xã hội. Ðặc tính của giáo lý “Tứ Diệu Đế” là con đường Trung Đạo, không rơi vào cực đoan hưởng thụ dục lạc hay khổ hạnh ép xác. Giáo lý “Tứ Diệu Đế” bao hàm tất cả các giáo pháp mà Ðức Phật đã dạy, có thể thực hành cho người xuất gia cũng như tại gia, ai cũng tu tập được, ai cũng có thể nếm hương vị giải thoát, đáp ứng được nhu cầu thoát khổ cho cá nhân và chuyển hóa xã hội.

Đức Phật dạy rằng chẳng phải vì bện tóc, chẳng phải vì gia tộc, cũng chẳng phải tại nơi sinh trong một giai cấp nào mà trở thành Bà La Môn. Nhưng ai hiểu biết chân thật “Tứ Diệu Đế”, thông đạt chánh pháp, đó là kẻ Bà La Môn:

(Pháp Cú 393) Mệnh danh là Bà La Môn Nào vì bện tóc ở luôn trên đầu Nào vì chủng tộc mình đâu Cũng không vì đã dựa vào nơi sinh, Riêng ai hiểu biết thật tình “Bốn điều Chân Lý” tâm thành nhận ra Tinh thông “Chánh Pháp” Phật Đà Và luôn thanh tịnh, là Bà La Môn

Nhân có hai người cãi nhau vì ai cũng cho là con bò của mình mạnh hơn. Để tranh hơn thua, hai người chất cát và đá đầy xe rồi bắt bò kéo. Xe không nhúc nhích mà dây thừng đều đứt. Các vị Tỳ kheo nhìn thấy về bạch lại với Đức Phật. Đức Phật khuyên các thầy nên tận diệt những dây thừng của tâm mình để trở thành người đã giác ngộ. Người giác ngộ là người thấu triệt “Tứ Diệu Đế”:

(Pháp Cú 398) Bỏ đai da sân hận đi Bỏ cương luyến ái chớ hề vấn vương Bỏ dây tà kiến lầm đường Bỏ đồ phụ thuộc buộc ràng quẩn quanh Bỏ đi cây trục vô minh “Bốn điều Chân Lý” thật tình hiểu ra Con người giác ngộ tiến xa Xứng danh tên gọi là Bà La Môn.

Bà La Môn trong hai câu Pháp Cú 393 và 398 trên đây là tiếng chỉ chung người đạo hạnh thanh tịnh chứ không theo nghĩa thông thường để chỉ giai cấp đạo sĩ Bà La Môn.

Nguồn: http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-73_4-1073_5-50_6-3_17-116_14-1_15-1/

Download: http://www.mediafire.com/?kg1o8axhd3o6ebd

Video:

Tứ Diệu Đế – Phần 1/2 – Thích Phước Tiến Tứ Diệu Đế – Phần 2/2 – Thích Phước Tiến Bát Chánh Đạo Con Đường Giác Ngộ – ĐĐ.Thích Phước Tiến Muốn tu tập chứng đạo phải qua 8 lớp Bát Chánh Đạo Bát chánh đạo: (1) CHÁNH KIẾN (TT Thích Chân Quang)

Chia sẻ:

  • Facebook
  • X
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Tiểu Luận Về Bát Chánh đạo