Tin Tức - NGHỆ THUẬT KIẾN TRÚC HY LẠP CỔ ĐẠI - Vụ Đào Tạo

Thành tựu của nghệ thuật tạo hình Hy Lạp vừa biểu hiện sự sáng tạo tuyệt vời của người Hy Lạp vừa chứng tỏ đỉnh cao về sự mẫu mực của Hy Lạp về trí tuệ trong tạo hình. Con người thời nay không chỉ khâm phục trước những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của Hy Lạp. Họ đã tìm thấy trong nền nghệ thuật cổ đại này một tư tưởng nhân văn cao thượng, một nền nghệ thuật hiện thực, ca ngợi giá trị và vẻ đẹp của con người. Đây là cơ sở để xây dựng một nền văn hóa mới, thấm đẫm những tư tưởng nhân văn.

1. Đặt vấn đề

Mỹ thuật Hy Lạp cổ đại phát triển trải qua ba giai đoạn. Thời kì cổ sơ từ thế kỉ VII-VI TCN. Đây là giai đoạn mỹ thuật bắt đầu phát triển. Thời kì cổ điển (480-323 TCN) là thời kì mĩ thuật Hy Lạp đạt đến đỉnh cao mẫu mực và định hình. Từ năm 323 đến lúc kết thúc là thời kì Hy Lạp hóa. Đây là lúc Hy Lạp phát triển và chinh phục các quốc gia khác; họ muốn các nền văn hóa này mang màu sắc của nghệ thuật Hy Lạp.

Văn hoá Hy Lạp cổ đại nói chung, nghệ thuật tạo hình Hy Lạp cổ nói riêng đã đạt được những thành tựu lớn lao và chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển của văn hóa thế giới. Vai trò của nghệ thuật Hy Lạp đối với sự phát triển văn hóa và nghệ thuật nhân loại là rất lớn. Ăng-ghen đã viết: “Không có các cơ sở đó, cơ sở do Hy Lạp và La Mã xây nên, thì không thể có châu Âu hiện đại”. Bài viết đề cập đến thành tựu nghệ thuật Hy Lạp cổ đại qua loại hình kiến trúc.

Năm 776 TCN, thế vận hội lần đầu tiên tổ chức tại Hy Lạp. Phong trào rèn luyện sức khỏe để trở thành các chiến binh dũng mãnh, đồng thời tạo ra những cơ thể đẹp đẽ, cân đối. Đó là mẫu hình lý tưởng cho các nghệ sĩ Hy Lạp nghiên cứu, sáng tạo ra tỷ lệ vàng cho hình tượng con người. Hội tụ tất cả những yếu tố đó là điều kiện tuyệt vời cho sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật Hy Lạp, nhất là kiến trúc và điêu khắc đã đạt tới đỉnh cao chỉ sau hơn 200 năm, từ thế kỷ VII đến thế kỷ V TCN.

2. Nghệ thuật kiến trúc

Trong đời sống của người Hy Lạp cổ đại, tôn giáo có vai trò quan trọng. Họ thờ rất nhiều vị thần. Thể loại kiến trúc phát triển là kiến trúc đền thờ. Hầu như toàn thể các công trình xây dựng có giá trị nghệ thuật, to đẹp nhất thuộc về tôn giáo. Kích thước đền thờ vừa phải, không quá lớn, đồ sộ. Nó cũng giống nghệ thuật kiến trúc Ai Cập ở chỗ kiểu thức kiến trúc chính là Kiểu thức cột.

Trước khi nói về giá trị tạo hình của các công trình kiến trúc Hy Lạp phải kể đến những sáng tạo quan trọng của thời kỳ này. Đó là sự ra đời của các thức cột Đô-ríc, I-ô-nic và Cô-ranh-tiêng. Cột Đô-ríc với dáng vẻ nghiêm nghị, chắc, khỏe. I-ô-nic và Cô-ranh-tiêng mảnh dẻ, giàu tính trang trí, thanh thoát. Cột I-ô-nic có 24 gờ sống, tỷ lệ đường kính cột trên chiều cao là 1/9. Cột có phần đế dưới, phần đỉnh cột được làm theo hình xoắn ốc loe ra rồi cuộn vào trông rất lịch lãm. Cột Cô-ranh-tiêng ra đời vào nửa sau thế kỷ V TCN. Cột có đường nét mảnh mai, giàu chất trang trí; đầu cột rất hoa lệ, có hình thức giống như một lẵng hoa. Thức cột là sự sáng tạo vĩ đại của người Hy Lạp cổ đại, thể hiện óc thẩm mỹ tinh tế và nghị lực phi thường của các kiến trúc sư cũng như của người dân Hy Lạp cổ đại qua nhiều thế hệ. Thành tựu vĩ đại này còn được áp dựng trong kiến trúc suốt thời kỳ Trung đại, văn hóa Phục hưng, chủ nghĩa Cổ điển và cho đến đầu thế kỷ XX.

2.1. Đền Athena Nike (thờ Nữ thần chiến thắng)

Đền Athena Nike được xây dựng vào những năm 449-421 TCN. Đền có kích thước 8,2 x 5,4m, mặt trước và sau đền, mỗi mặt có 4 cột I-ô-nic, tỷ lệ và độ mảnh khá lớn (1/7,68). Trên diềm mái của đền có một băng ngang chạy vòng quanh 4 phía được chạm khắc phù điêu theo chủ đề ca ngợi chiến thắng chống xâm lăng. Nữ Thần Athena, một vị thần nổi tiếng trong các truyền thuyết cổ Hy Lạp, là người bảo vệ kinh đô nước Hy Lạp xưa (nay là thành phố Athenes, thủ đô của Hy Lạp). Nhân dân đã xây dựng một quần thể kiến trúc tuyệt vời để thờ phụng Nữ thần Athena trên một ngọn đồi là Acropole. Quần thể kiến trúc Acropole gồm có đền Parthenon, đền Erechtheion, cổng Propylees, đền Nike và tượng Thần Athena.

Ảnh 1. Cột Đô-ríc, I-ô-nic, Cô-ranh-tiêng (nguồn internet) Ảnh 2. Đền Athenna Nike (449-421) TCN (nguồn internet)

2.2. Đền Parthenon (447 - 432 TCN)

Đền thờ Parthenon là công trình vĩ đại nhất được xây dựng trong thời kỳ Hy Lạp cổ điển, được khởi công trên đồi Acrôpôn - thờ nữ thần Athena. Đền thờ Pác-tê-nông kết hợp hài hòa giữa sự khoẻ khoắn của thức Đô-níc và sự duyên dáng, nhẹ nhàng của thức I-ô-nic. Vẻ đẹp của Pác-tê-nông thể hiện sự cân đối, hài hòa về tỷ lệ giữa các bộ phận kiến trúc. Nó còn bộc lộ sự đơn giản, trang nhã của khối kiến trúc chủ yếu dựa trên những đường thẳng và trang trí bằng các tác phẩm điêu khắc, phù điêu dạng trụ ngang. Kiến trúc cân đối hài hòa của Pác-tê-nông được trang điểm thêm đẹp đẽ, lộng lẫy bằng các tác phẩm điêu khắc của Phi-đi-át và học trò của ông. Tác giả của Pác-tê-nông là Ichtinôt và Canlicrat. Đền có kích thước 30.9x 69,5m, có 2 mặt chính, mỗi mặt có 8 cột Do-ric và hai mặt bên, mỗi mặt có 17 cột Do-ric.

Ngoài tỷ lệ hài hòa cùng những xử lý tinh tế trong thiết kế cột và các diềm mái của công trình, ngôi đền còn nổi tiếng bởi những phù điêu tinh xảo do chính Phi-đi-at thực hiện. Phù điêu và điêu khắc của Pác-tê-nông gồm 92m; 200m phù điêu trang trí diềm xung quanh và hai bức sơn tường rất lớn đặt ở hai mặt chính của đền. Những ghi chép cổ còn cho biết, Phi-di-at đã tự làm ba bức tượng thần A-then-na, trong đó bức tương lớn nhất đặt tại đền Pác-tê-nông cao 12m bằng gỗ mạ vàng rất trang trọng và hoa lệ.

2.3. Đền Erechteyon (424-406 TCN)

Đền Erechteyon nằm ở phía Bắc đền Pac-tê-nông do kiến trúc sư Pytheos xây dựng. Erechteyon là ngôi đền I-ô-nic, có mặt bằng không đối xứng, bao gồm ba điện thờ nhỏ, hai hành lang cột thức và một sảnh Cariatide. Ngôi đền là đơn thể kiến trúc hoàn mỹ, từ hình thức cột, hình dáng mặt bằng phù hợp với địa hình,… cho đến những chi tiết kiến trúc đều rất thành công. Nghệ thuật Hy Lạp thời kỳ này không thể không nhắc đến sảnh Cariatide của ngôi đền, nổi tiếng với những hàng cột được chạm hình các cô gái. Hình thức những cô gái đỡ mái đền này có xuất xứ từ sự tích về những nữ tù nhân trẻ tuổi đưa đến từ Carie, xứ Laconie. Trong xiêm áo kiểu I-ô-nic, cơ thể cân đối, chân hơi cong về phía trước như để đỡ sức nặng của công trình kiến trúc. Những cô gái miền Carie này có khuôn mặt trong sáng và thoải mái với những bím tóc dài.

Ảnh 3. Đền Parthenon (nguồn internet) Ảnh 4. Đền Erechteyon (421-405 TCN )(nguồn internet)

Cho tới thế kỷ VI TCN, các đền thờ của Hy Lạp đều được làm bằng gỗ hoặc gạch. Đến thế kỷ V, người Hy Lạp chuyển sang các kiến trúc đá cẩm thạch lộng lẫy và sang trọng, với 4 mặt đền là các hàng cột đá. Kiến trúc tôn giáo là thể loại biểu hiện tài năng của người Hy Lạp. Bên cạnh đó họ còn quy hoạch đô thị, xây dựng các nhà hát, thành lũy,… vào thời kỳ các thế kỷ IV-II TCN. Từ thế kỷ IV trong kiến trúc Hy Lạp còn phát triển loại kiến trúc lăng mộ, có những lăng lớn, đẹp đẽ được xếp vào một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại như lăng vua Mô-xô-lơ (Mausole) ở Ha-li-cac-nat (Halicrnasse). Kiến trúc Hy Lạp nói chung là vẻ đẹp trang nhã, mực thước, trong sáng với kết cấu kiến trúc chính là phong cột trên mặt bằng hình chữ nhật.

Có thể thấy, nghệ thuật Hy Lạp có những nét đặc trưng cơ bản thể hiện qua loại hình nghệ thuật kiến trúc. Đó là nền nghệ thuật gắn liền với thần thoại và tính chất tôn giáo, thần thoại thể hiện ở nội dung, đề tài. Tuy vậy, thông qua những hình tượng nhân vật các tác giả lại muốn ca ngợi vẻ đẹp của con người, vẻ đẹp từ nội tâm đến ngoại hình.

3. Kết luận

Hy Lạp cổ đại là một nền văn hóa có ảnh hưởng sâu sắc đến các nền văn minh phương Tây. Phần lớn các tư tưởng chính trị, tư tưởng nghệ thuật, khoa học và văn học ngày nay đều chịu ít nhiều ảnh hưởng. Vì thế, những gì còn lưu lại của Hy Lạp cổ đại là di sản quý giá giúp ta hiểu rõ hơn về nền văn minh rực rỡ này./.

HẢI LONG

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Thị Chỉnh, Lịch sử mỹ thuật thế giới, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2008.

2. Đinh Ninh, Lịch sử hội họa phương Tây, NXB Mỹ thuật, Hà Nội, 2004.

3. Nhiều tác giả, Almanach - những nền văn minh thế giới, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2001.

4. Ocvirk, Stinson, Wigg - Bone, Cayton, Những nền tảng mỹ thuật, NXB Mỹ thuật, Hà Nội, 2006.

Chia sẻ qua Facebook Google + Tweet LinedIn Email

Từ khóa » Những Thành Tựu Kiến Trúc Hy Lạp Cổ đại