Tình Nguyện Trồng Cây Bản địa ở New Zealand

Tổ chức Te Ara Kākāriki hướng dẫn tình nguyện viên trồng, khôi phục cây bản địa. Ảnh: Ula Thủy.
Tổ chức Te Ara Kākāriki hướng dẫn tình nguyện viên trồng, khôi phục cây bản địa. Ảnh: Ula Thủy.

Tình nguyện là cơ hội tuyệt vời để học hỏi kinh nghiệm cuộc sống, mở rộng kiến thức của bản thân, mở rộng tấm lòng và thêm tin tưởng vào những điều tốt đẹp vẫn đang tồn tại xung quanh ta.

Tình nguyện là một phần văn hóa quan trọng của người New Zealand. Đây được coi là cách tích cực để đóng góp cho xã hội bằng cách dành thời gian và kỹ năng để giúp đỡ người khác. Có nhiều loại công việc tình nguyện ở New Zealand. Có công việc chỉ làm 1 ngày, có công việc làm hàng tuần và có công việc làm theo hội nhóm.

Chú trọng bảo vệ thảm thực vật bản địa

Trong tất cả các hoạt động tình nguyện, có lẽ tham gia bảo tồn môi trường sinh thái được nhiều người tham gia nhất. Những ai yêu thích thiên nhiên, yêu hoạt động ngoài trời và quan tâm đến môi trường đều có thể tham gia. Các hoạt động bảo tồn bao gồm: Trồng cây, làm đường đi bộ (track), thu hạt giống, kiểm soát cỏ dại (nhổ, cắt cỏ dại), xây hàng rào khu bảo tồn, kiểm soát động vật phá hoại (đặt bẫy).

Năm ngoái, tôi tham gia làm tình nguyện cho Tổ chức Te Ara Kākāriki để trồng khôi phục lại cây bản địa ở New Zealand. Thật thú vị là rất nhiều người New Zealand quan tâm đến các hoạt động tình nguyện này. Tổ chức Te Ara Kākāriki quảng bá trên website và facebook về các chương trình tình nguyện. Rất nhanh chóng, chỉ hai ngày sau thông báo họ đã có đủ số tình nguyện viên.

Te Ara Kākāriki là một quỹ từ thiện hợp tác với chủ sở hữu đất, nhà sinh thái học, cộng đồng và trường học để khôi phục đa dạng sinh học cho vùng Canterbury bằng cách trồng cây bản địa để tạo ra hành lang nối núi với biển. Số lượng thảm thực vật bản địa còn lại ở vùng Canterbury thấp nhất ở New Zealand.

Cây đã được phủ lớp xơ dừa để giữ nước và tránh các loài cỏ dại. Ảnh: Ula Thủy.
Cây đã được phủ lớp xơ dừa để giữ nước và tránh các loài cỏ dại. Ảnh: Ula Thủy.

Họ chỉ còn dưới 1% thảm thực vật nguyên thủy và phần lớn khu vực được xếp vào loại bị đe dọa nghiêm trọng và có nguy cơ bị đe dọa, hoặc được bảo vệ nghiêm ngặt. Mục tiêu chính của Quỹ là khuyến khích và hỗ trợ cho cả chủ đất, cộng đồng và Chính phủ trong việc bảo vệ thảm thực vật bản địa hiện có, thiết lập các khu vực đa dạng sinh học mới.

Tổ chức này có 3 chương trình: The Greendot (Vùng cây xanh), the Kids Discovery Plantout (Trẻ khám phá việc trồng cây) and Annual Canterbury plantouts (Chương trình trồng cây hàng năm của vùng Canterbury). Trong đó, chương trình Vùng cây xanh và Trồng cây hàng năm của vùng Canterbury kết hợp với nhau chặt chẽ.

Chương trình Vùng cây xanh là một nỗ lực nhằm xác định và thiết lập một hành lang cây trồng bản địa kết hợp xây dựng nhận thức của cộng đồng về đa dạng sinh học. Hộ gia đình nào muốn tham gia chương trình cần nộp hồ sơ để xem xét. Điều kiện là họ có ít nhất 1.100m2 đất và cam kết duy trì, bảo vệ cây xanh sau khi trồng.

Phút nghỉ ngơi của nhóm tình nguyện trồng cây. Ảnh: Ula Thủy.
Phút nghỉ ngơi của nhóm tình nguyện trồng cây. Ảnh: Ula Thủy.

Quyền lợi họ nhận được là được trồng cây trên đất nhà mình, được cung cấp một khoản tiền (khoảng 1000 - 1500 NZD) để chăm sóc cây. Về bản chất, những hộ gia đình này là hiến đất cho quốc gia để phục hồi hệ sinh thái vì hầu như họ không thể khai thác gì từ vùng đất này cả. Chỉ có bóng mát, tiếng cây reo theo gió và tiếng chim hót mỗi sớm mai.

Tại khu vực trồng cây, họ trồng nhiều loại cây khác nhau, có tính toán về mật độ và đặc trưng của từng loài cây để đảm bảo trồng mật độ dày mà không cây nào lấn át cây nào. Từ năm 2009 đến nay, tổ chức này đã phục hồi được 92.400m2 diện tích và trồng được 200.000 cây bản địa.

Nhiều cây bản địa cung cấp thức ăn, nơi ở cho nhiều loài động vật, đặc biệt một số loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng do đời sống gắn liền với cây bản địa. Những khu vực phục hồi cây bản địa này thu hút rất nhiều loài chim về sinh sống vì họ trồng xen kẽ nhiều cây cung cấp thức ăn cho chim. Chim mang hạt đi phát tán khắp nơi, mở rộng diện tích tự nhiên của cây bản địa. Vì vậy từ năm 2009, tuy chỉ trồng phục hồi tại 92.400m2 nhưng diện tích thực tế đã được mở rộng hơn rất nhiều con số này.

Một ngày trồng cây tình nguyện

Hàng năm, tổ chức này chọn các hộ gia đình tham gia Vùng cây xanh. Sau đó, họ thông báo tuyển tình nguyện viên để trồng cây tại các vùng này 3 lần 1 năm vào mùa xuân. Mỗi đợt có khoảng 100 người đăng ký, một số người tự lái xe đến, còn hầu hết đi xe buýt do tổ chức đưa đón.

Địa điểm trồng cây cách thành phố khoảng 60km. 8 giờ sáng xe buýt đã bắt đầu đón các tình nguyện viên tại các điểm khác nhau. Khi chúng tôi đến nơi thì mọi thứ đã sẵn sàng. Cây và các dụng cụ đã được đặt sẵn ở vị trí trồng cây. Họ còn chuẩn bị sẵn thức ăn nhẹ để ăn giữa buổi, bánh mì cho buổi trưa, nước uống và cả nhà vệ sinh di động.

Cây giống chuẩn bị trồng. Ảnh: Ula Thủy.

Cây giống chuẩn bị trồng. Ảnh: Ula Thủy.

Đại diện của tổ chức giới thiệu về mục đích của chương trình, cảm ơn mọi người tham dự. Nhà sinh thái học giới thiệu về các loại cây trồng và kỹ thuật trồng cây plantout. Plantout nghĩa là trồng cây trong một cái khung bảo vệ. Tình nguyện viên đào hố có chiều sâu bằng độ cao của hộp đựng cây giống, bỏ cây xuống và lấp đất lên. Sau đó dùng miếng xơ dừa hình vuông đặt lên trên để giữ nước cho cây và ngăn cỏ dại mọc quanh gốc cây.

Bốn cọc tre nhỏ được đóng 4 góc tại các lỗ có sẵn của miếng xơ dừa và lồng vào đó 1 miếng nhựa để bảo vệ cây khỏi gió bão, côn trùng. Sau 3 năm, miếng nhựa và cọc tre sẽ được lấy ra để cây phát triển tự nhiên. Hình thức trồng cây plantout này phổ biến rộng khắp ở New Zealand. Vì thế hầu hết cây được trồng theo hình thức này đều lớn lên, phát triển tốt.

100 tình nguyện viên tham gia với đủ mọi lứa tuổi. Từ em bé lên 3 đi cùng bố mẹ cho đến các bạn học sinh cấp 3 và cả các cô chú đã đến tuổi nghỉ hưu. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để cho các em bé, các gia đình, các bạn trẻ và cả người lớn tuổi cùng nhau trải nghiệm. Các em bé, các bạn trẻ được học những bài học thực tế về trách nhiệm đối với cộng đồng, ý thức bảo vệ môi trường sống và làm việc theo nhóm.

Một khu rừng trống đã được nhóm tình nguyện trồng xong cây bản địa. Ảnh:

Một khu rừng trống đã được nhóm tình nguyện trồng xong cây bản địa.

Người trưởng thành thì được trải nghiệm cách thức trồng cây, gặp gỡ bạn mới và đóng góp công sức của mình cho cộng đồng. Tôi có trò chuyện với một cặp vợ chồng đã ngoài 50 tuổi người Indonesia sang đây đã 5 năm. Cô chú nói rằng năm nào cũng đi trồng cây tình nguyện cho các tổ chức khác nhau. Cô chú muốn được đóng góp một phần nhỏ bé cho cộng đồng, trồng cây ở những vùng đất khác nhau và gặp gỡ được rất nhiều người bạn mới.

Việt Nam, New Zealand chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược

Từ khóa » Cây Bản Xứ Là Gì