Tôi Muốn đăng Ký Hiến Tạng Thì Phải đến đâu? Cần Những Thủ Tục Gì?

Độ tuổi được hiến tạng

Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định: Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.

- Bất kỳ ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký vào danh sách hiến tặng mô, tạng tiềm năng (Hiến tặng sau khi chết, chết não).

- Những người cao tuổi đều có thể hiến tặng một phần mô, tạng và giác mạc sau khi chết, chết não.

- Đừng bao giờ nghĩ mình không đủ sức khỏe hoặc quá già để đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não.

Tôi muốn đăng ký hiến tạng thì phải đến đâu? cần những thủ tục gì? - 1

Thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng của một nữ bác sĩ mắc ung thư gan. Nữ bác sĩ đã đăng ký hiến tạng sau khi qua đời.

Đăng ký hiến mô, tạng

Việc đăng ký hiến mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết/chết não phải được thể hiện qua đơn tình nguyện hiến tặng theo quy định của pháp luật. Và xin lưu ý thêm là trong mẫu đơn đăng ký không quy định bắt buộc phải có sự đồng ý thân nhân người đăng ký hiến tặng.

Tuy nhiên, trên thực tế nếu việc đăng ký hiến mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết/chết não mà gia đình không biết sẽ rất khó khăn trong việc báo tin cho cơ sở y tế biết để tiếp nhận mô, tạng hoặc thậm chí nếu gia đình sẽ phản đối thì người đăng ký hiến không thực hiện được nguyện vọng của mình. Vì vậy, việc chủ động trao đổi nguyện vọng hiến tặng của mình cùng gia đình để nhận được sự ủng hộ là việc nên làm.

Việc trao đổi vừa là để giải quyết về mặt tình cảm, vừa là để chắc chắn rằng, tâm nguyện đó sẽ được người thân thực hiện.

Trong trường hợp nếu muốn thay đổi quyết định, thì Bạn chỉ cần ký đơn từ chối hiến tặng gửi về cơ sở y tế nơi cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô tạng ban đầu là được đưa ra khỏi danh sách đăng ký hiến tặng. Đấy cũng là sự công bằng của pháp luật, luôn tôn trọng quyền nhân thân tối cao.

+ Nếu một người muốn đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết/chết não thì Người đó có thể đến cơ sở y tế gần nhất để bày tỏ ý nguyện đó. Cơ sở y tế sẽ có trách nhiệm tiếp nhận thông tin để báo về Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và Trung tâm sẽ thông tin đến cơ sở y tế có chức năng phù hợp để tiếp nhận đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết/chết não và hoàn tất thủ tục pháp lý, tư vấn, cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng (hiến sau khi chết/chết não).

+ Hoặc người hiến có thể trực tiếp tới cơ sở y tế có chức năng lấy, ghép mô, tạng để đăng ký hiến (khi còn sống hoặc sau khi chết): BV Hữu nghị Việt Đức; BV Quân Y 103; BV Nhi TW; BV Bạch Mai; BV 198 - Bộ Công an; BVĐK Xanh Pôn; BVĐK Phú Thọ; BV TW Huế; BVĐK Đà Nẵng; BV Chợ Rẫy; BV Nhi đồng 2; BV Nhân dân Gia Định; ĐH Y dược Tp. Hồ Chí Minh; BV Nhân dân 115; BVĐK Kiên Giang.

+ Nếu người hiến muốn đăng ký hiến mô, thì có thể liên hệ trực tiếp đến một trong các ngân hàng mô sau: Ngân hàng Giác mạc-BV Mắt TW; Trung tâm mô, phôi - ĐH Y Hà Nội; Ngân hàng Mô- BV Bỏng Lê Hữu Trác; ĐH Y Phạm Ngọc Thạch; Ngân hàng tế bào gốc: Mekophar

+ Nếu người hiến muốn đăng ký hiến xác thì có thể liên hệ trực tiếp đến một trong các trường ĐH y để đăng ký hiến xác: ĐH Y Hà Nội; ĐH Y Thái Nguyên; ĐH Y Thái Bình; ĐH Y Hải Phòng; Học viện Quân Y (Bộ môn Giải phẫu); ĐH Y Huế (Bộ môn Giải phẫu); ĐH Y Tây Nguyên; ĐH Y Cần Thơ (Bộ môn Giải phẫu); ĐH Y dược TP HCM (Bộ môn Giải phẫu); ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (Bộ môn giải phẫu)

Ngoài ra, một cách đơn giản hơn, Người hiến có thể tới hoặc liên hệ trực tiếp với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để được tư vấn, trợ giúp hoặc hỗ trợ trực tiếp để đăng ký hiến tạng khi còn sống hoặc cấp thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng (sau khi chết/chết não).

Tôi muốn đăng ký hiến tạng thì phải đến đâu? cần những thủ tục gì? - 2

Bị liệt nửa người sau vụ tai nạn, ước nguyện của anh Hà Đức Trung (xã Điêu Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) hiện giờ là được hiến tạng cho y học (Ảnh: Hương Hồng).

Quy trình tiếp nhận từ người hiến tạng sẽ được thực hiện như thế nào?

Khi người hiến tạng bệnh nặng hoặc bị tai nạn được các bác sĩ tiên liệu thông báo rất nặng, hoặc tiên lượng không qua khỏi thì người nhà phải báo cho đơn vị điều phối qua số điện thoại 0913. 677. 016.

Khi nhận được thông tin từ gia đình, đơn vị điều phối sẽ có sự phối hợp đánh giá, tổ chức hỗ trợ điều trị bệnh nhân nếu người bệnh đang ở xa trung tâm và tình trạng bệnh còn có khả năng điều trị.

Trong trường hợp tình trạng bệnh không có khả năng điều trị thì cũng có đủ thời gian đánh giá nguyên nhân dẫn đến tử vong của người bệnh có chống chỉ định hiến tạng hay không. Tạng của người hiến có chọn được người phù hợp ghép hay không.

Nếu đáp ứng những điều kiện trên thì thời gian chuẩn bị nhận tạng kéo dài trong 12-48 giờ. Thông thường, những người hiến tạng khi chết não sẽ hiến được nhiều cơ quan hơn người hiến tạng khi ngưng tim, có thể cứu được 8-10 người bệnh.

Quyền lợi của người hiến mô, tạng

Người đã hiến mô (khi còn sống) được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến mô tại cơ sở y tế.

Người hiến mô sau khi chết (giác mạc): Người hiến giác mạc sẽ được tôn vinh, gia đình người hiến giác mạc sẽ được trao tặng bằng ghi nhận nghĩa cử cao đẹp. Thân nhân người hiến tặng giác mạc sẽ được ưu tiên trong khám, chữa mắt và đặc biệt được ưu tiên ghép giác mạc trong trường hợp họ bị mắc bệnh về giác mạc và cần phải ghép thay thế.

Quyền lợi của người hiến tạng khi còn sống

Được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến tạng tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí; Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; Được ưu tiên ghép mô, tạng khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế; Được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.

Quyền lợi của người hiến tạng sau khi chết, chết não, hiến xác

Người đã hiến tạng sau khi chết, chết não, hiến xác được truy tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.

Theo thông tư 104/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành về quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác cụ thể như sau:

- Thông tư quy định rõ chế độ khám sức khỏe định kỳ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể khi còn sống. Theo đó, người đã hiến bộ phận cơ thể người khi còn sống được hưởng chế độ khám sức khỏe định kỳ bao gồm các nội dung hỗ trợ sau: Được miễn chi phí khám sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn về chuyên môn y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định theo giá dịch vụ khám sức khỏe cho người đã hiến bộ phận cơ thể do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

- Người đã hiến bộ phận cơ thể khi còn sống được hỗ trợ tiền thuê phòng ngủ trong trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thể đi về trong ngày (không bao gồm trường hợp người đã hiến bộ phận cơ thể người phải nhập viện để khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế): 450.000 đồng/ngày/người, tối đa không quá 02 ngày. Được hỗ trợ tiền ăn trong những ngày thực tế đi khám sức khỏe định kỳ, tối đa không quá 03 ngày/lần khám định kỳ: 200.000 đồng/ngày.

- Đồng thời được hỗ trợ chi phí đi lại từ nhà đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe định kỳ và ngược lại theo mức giá phương tiện vận tải công cộng. Trường hợp sử dụng phương tiện đi lại của cá nhân thì căn cứ xác định mức hỗ trợ chi phí đi lại là khoảng cách từ nhà đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và ngược lại, với mức tiêu hao nhiên liệu bằng 0,2 lít xăng/km và giá xăng tại địa phương nơi thực hiện vận chuyển.

- Người đã hiến bộ phận cơ thể người được cơ sở khám sức khỏe định kỳ xác nhận thời gian thực hiện khám sức khỏe định kỳ để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn (nếu có).

Người đã hiến bộ phận cơ thể người khi đi khám sức khỏe định kỳ phải xuất trình giấy ra viện (trong đó ghi rõ "đã hiến bộ phận cơ thể") hoặc một loại giấy tờ chứng minh về việc đã hiến bộ phận cơ thể và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân.

Trường hợp bị cấm hiến mô, tạng

Theo quy định tại điều 5 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì chỉ những người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Như vậy, nếu không đủ các điều kiện trên, sẽ bị nghiêm cấm hiến, lấy và ghép tạng.

Bên cạnh đó, việc hiến tặng mô, tạng còn phải bảo đảm nguyên tắc: Tự nguyện đối với người hiến, người được ghép; Vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học; Không nhằm mục đích thương mại; Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Ngoài ra, việc hiến, lấy, ghép tạng còn phải tuân thủ quy định tại Điều 11 (Các hành vi bị nghiêm cấm) của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác như: Lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác; Ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người hoặc lấy mô, bộ phận cơ thể của người không tự nguyện hiến; Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác; Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại; Lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống dưới mười tám tuổi; Ghép mô, bộ phận cơ thể của người bị nhiễm bệnh theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định; Cấy tinh trùng, noãn, phôi giữa những người cùng dòng máu về trực hệ và giữa những người khác giới có họ trong phạm vi ba đời; Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại; Tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép trái với quy định của pháp luật; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm sai lệch kết quả xác định chết não.

Từ khóa » Những Quyền Lợi Của Người Hiến Tạng