Trà Hoa Mộc (quế Hoa) Giúp Tăng Cường Trí Lực, Giảm đau Bụng Kinh

Nói về trà hoa mộc thì đây là loại trà thượng hạng, có hương thơm đặc biệt của quế hoa mà người xưa hay ngợi ca là “sắc trà hương mộc”.

Về công dụng, trà hoa mộc mang lại những lợi ý gì mà thời gian gần đây, các chị em lại thích săn tìm như vậy? Bên cạnh đó, có phải ai cũng dùng được trà hoa mộc không và khi dùng cần lưu ý điều gì?

Vài nét về hoa mộc (quế hoa)

Truyền thuyết Trung Hoa kể rằng trên cung trăng có một cây quế rất to và cái bóng ngồi dưới gốc cây quế ấy chính là chú cuội.

Vì mắc tội mà chú được giao cho nhiệm vụ phải đốn cái cây đó (nhưng hễ chặt xong thì cái cây lại liền ngay – chính vì thế mà chú cuội vẫn ở trên cung trăng cho đến bây giờ!).

Từ đó, cây quế hoa đã trở thành biểu tượng cho sự nghiệp của đời người (cũng giống chú cuội phải đốn xong cái cây mới tròn nhiệm vụ).

Đó cũng là lý do vì sao vào các kỳ thi ở Trung Quốc thời xưa, người ta hay làm bánh quế hoa cho các sĩ tử ăn để mong thi đậu và gọi đó là “quế hoa cao”.

Bánh quế hoa
Bánh quế hoa

Còn hoa quế, nhờ có hương thơm đặc biệt không lẫn vào đâu mà được làm thành bánh quế hoa, làm trà hoa quế trứ danh, hay còn gọi là trà hoa mộc.

Trà hoa quế (hoa mộc) giúp tăng cường trí lực

Điểm đầu tiên và cũng là quan trọng nhất khi nói đến trà hoa mộc chính là khả năng tăng cường trí lực. Đây là loại trà nổi tiếng về hệ thần kinh vì nó giúp giải tỏa những áp lực tinh thần.

Những người vừa mới thất tình, tâm trạng uất ức, buồn bã, chán nản hay những người thiếu ý chí phấn đấu, tinh thần không kiên định, hay nản chí thì dùng trà hoa quế sẽ có tác dụng hỗ trợ, xoa dịu và cải thiện rất tốt (1).

Trà hoa mộc
Trà hoa mộc (quế hoa)

Ngoài ra, với những người tâm trạng không thấy hứng thú với cuộc sống và có khuynh hướng tự sát (thường xuyên) thì lại càng nên dùng trà hoa quế để hỗ trợ. Hương thơm dễ chịu và màu sắc tươi sáng, đẹp đẽ của sắc trà hoa mộc sẽ giúp tinh thần của người uống được thư giãn, nhẹ nhàng hơn (1).

Hiển nhiên, với các bệnh nhân thần kinh thì trà hoa quế chỉ có tác dụng hỗ trợ. Để việc điều trị bệnh được hiệu quả tuyệt đối, bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và thay đổi thói quen sinh hoạt theo hướng có lợi cho sức khỏe cũng như tinh thần.

Trà hoa mộc (quế hoa) và các công dụng nổi trội khác

Quế hoa (hay còn gọi là hoa mộc, hoa mộc hương) vốn là một vị thuốc Đông y. Ở nước ta, vị thuốc này ít khi được dùng vì mộc hương là loại hoa quý, ít phổ biến (nhưng ở Trung Quốc thì quế hoa khá quen thuộc).

Khi dùng làm thuốc, người ta thường lấy hoa hãm uống như trà. Đây là loại trà thơm, màu sắc đẹp và được nhiều chị em ưa chuộng vì nó có công dụng phá ứ kết, giúp giảm đau bụng kinh và điều trị bế kinh (3).

Hoa mộc hương (quế hoa)
Hoa mộc hương (quế hoa)

Hơn nữa, hương thơm của trà còn làm dịu thần kinh, giúp bạn thư giãn tinh thần sau những giờ làm việc căng thẳng. Cầm chén trà trên tay hay đặt trên bàn làm việc, bạn còn có thể cảm nhận được vẻ đẹp của những bông hoa bé xíu như đang mở miệng cười tươi.

“Miệng cười như búp hoa nhài

Như nụ hoa quế như tai hoa hồng

Ước gì anh được làm chồng

Để em làm vợ tơ hồng trời xe“.

(Ca dao)

Không chỉ thế, trà hoa mộc còn mang lại các công dụng khác như:

  • Xua tan khí lạnh, giúp giảm ho đờm.
  • Giúp thông cổ họng, làm giảm viêm họng, nhức răng.
  • Giúp giảm hôi miệng, mang lại hơi thở thơm tho (1) (3).

Cách pha trà (hoa khô): Vì quế hoa là thảo dược nên liều lượng trà cũng cần tuân thủ quy định về dùng thuốc. Mỗi ngày, bạn chỉ nên lấy một nhúm nhỏ hoa khô (khoảng 1, 5 đến 3 g), cho vào ly rồi đổ nước sôi vào và đậy nắp lại một lát là có thể uống được (1).

Cách pha trà (hoa tươi): Trước tiên, các bạn hái một ít hoa quế tươi, đem rửa sạch bằng nước muối rồi vớt ra, để cho ráo nước. Tiếp theo, các bạn cho hoa vào ly, thêm một muỗng cafe đường phèn vào rồi đổ nước sôi vào, đậy nắp khoảng ba phút thì có thể uống. Lúc này, hương hoa sẽ lan tỏa rất thơm (1).

Những người nào không nên dùng trà hoa mộc (quế hoa)?

  • Phụ nữ mang thai không nên uống trà hoa mộc vì có thể gây sảy thai. Bên cạnh đó, những người đang bị rong kinh cũng không nên dùng.
  • Quế hoa có tính ấm nên những người mắc bệnh do nhiệt cũng không nên dùng.

Tham khảo: Mộc hương (quế hoa), loài hoa thơm điều trị ho đờm, bế kinh, hôi miệng

Nguồn tham khảo

  1. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học và kỹ thuật, HN, 2004, trang 923.
  2. Tạ Ngọc Ái (biên soạn), Trà và các bài thuốc, món ăn bổ dưỡng từ hoa, NXB Thanh niên, 2008, trang 30.
  3. Mộc hương (quế hoa), loài hoa thơm điều trị ho đờm, bế kinh, hôi miệng, https://caythuoc.org/moc-huong-que-hoa.html, ngày truy cập: 19/ 07/ 2020.
  4. Hoa mộc, https://vi.wikipedia.org/wiki/Hoa_m%E1%BB%99c, ngày truy cập: 19/ 07/ 2020.

Từ khóa » Hoa Mộc Pha Trà